THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Hướng dẫn thi hành Nghị định số 329-HĐBT ngày 16/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về lệ phí trọng tài và các khoản thu khác khi trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế và xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế
__________________________
- Căn cứ Nghị định số 329-HĐBT ngày 16/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ ) về lệ phí trọng tài và các khoản thu khác khi Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế và xử lý vi phạm Pháp luật hợp đồng kinh tế.
- Căn cứ Quyết định số 276 CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí.
Liên Bộ Tài chính - Trọng tài kinh tế Nhà nước hướng dẫn chế độ thu nộp và sử dụng tiền thu lệ phí trọng tài và các khoản thu khác khi Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế như sau:
I/ QUY ĐỊNH VỀ LỆ PHÍ VÀ CHI PHÍ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT
HỢP ĐỒNG KINH TẾ.
1/ Về lệ phí trọng tài:
a/ Khi Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế các bên đương sự phải nộp lệ phí trọng tài theo quy định tại điều 1 Nghị định số 329 HĐBT ngày 16/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Đối với hợp đồng thanh toán bằng ngoại tệ thì lệ phí trọng tài nộp bằng ngoại tệ tương ứng hoặc bằng tiền Việt nam tại thời điểm giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế. Mức nộp lệ phí bằng ngoại tệ được xác định bằng cách quy đổi giá trị vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế ra tiền Việt nam theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt nam công bố tại thời điểm giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế. Đối chiếu với các mức lệ phí quy định tại điều 1 của Nghị định số 329-HĐBT để xác định mức lệ phí phải nộp bằng tiền Việt nam, sau đó quy mức lệ phí bằng tiền Việt ra ngoại tệ tương ứng theo tỷ giá quy định ở trên.
b/ Khi ra quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, trọng tài viên phân bố lệ phí trọng tài cho mỗi bên theo nguyên tắc sau:
- Bên vi phạm hợp đồng kinh tế phải chịu toàn bộ lệ phí trọng tài.
- Nếu cả 2 bên đều vi phạm thì lệ phí được phân bổ theo mức độ vi phạm của mỗi bên.
- Nếu bên bị khiếu nại không có lỗi thì bên có đơn khiếu nại phải chịu toàn bộ lệ phí trọng tài theo giá trị của phần hợp đồng kinh tế có tranh chấp mà Trọng tài kinh tế đã xem xét.
c/ Về giải quyết số tiền dự phí trọng tài:
- Khi Trọng tài kinh tế đã thụ lý hồ sơ mà đương sự rút đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp thì số tiền dự phí đã nộp không được thoái trả mà phải nộp Ngân sách Nhà nước.
- Số tiền dự phí là số lệ phí trọng tài nộp trước. Nếu bên nộp dự phí mà còn thiếu lệ phí trọng tài thì phải nộp thêm, nếu thừa sẽ được trả lại bằng cách thoái thu tiền dự phí nộp thừa của đương sự.
2/ Về lệ phí kháng cáo.
Bên có đơn kháng cáo phải nộp lệ phí kháng cáo bằng 10% lệ phí trọng tài theo thông báo của Trọng tài kinh tế nơi nhận đơn kháng cáo. Nếu quá thời hạn nộp lệ phí quy định trong thông báo mà đương sự không nộp lệ phí kháng cáo thì coi như đương sự tự ý rút đơn.
Lệ phí kháng cáo phải nộp đủ một lần trước khi xem xét giải quyết kháng cáo.
Khi giải quyết kháng cáo, nếu Trọng tài kinh tế giữ nguyên quyết định giải quyết tranh chấp hoặc sửa đổi một phần không thuộc phạm vi kháng cáo thì đương sự phải chịu lệ phí kháng cáo.
Trường hợp huỷ bỏ quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế và ra quyết định mới, tức là đương sự kháng cáo đúng thì được thoái trả toàn bộ lệ phí kháng cáo. Đồng thời Trọng tài kinh tế nơi ra quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế bị kháng cáo phải chuyển toàn bộ lệ phí trọng tài kể cả dự phí lên Trọng tài kinh tế cấp trên, để phân bổ lại theo quyết định kháng cáo. Nếu Trọng tài kinh tế nơi ra quyết định giải quyết tranh chấp bị kháng cáo chưa thu đủ lệ phí trọng tài thì phải nộp số tiền đã thu và báo cáo bằng văn bản lên Trọng tài kinh tế cấp trên giải quyết để thu tiếp lệ phí trọng tài từ đương sự phải nộp.
3/ Về thực hiện điều 4 của Nghị định số 329-HĐBT.
Khi Trọng tài kinh tế kết luận hợp đồng kinh tế bị vô hiệu toàn bộ hay từng phần, bên có lỗi phải nộp khoản tiền chi phí để xử lý vụ việc, cụ thể là:
a/ 1% giá trị của phần hợp đồng kinh tế bị kết luận là vô hiệu toàn phần, nhưng thấp nhất là 300.000đ và cao nhất không quá 10.000.000đ
b/ 0,5% giá trị của phần hợp đồng kinh tế bị kết luận là vô hiệu từng phần nhưng thấp nhất là 200.000đ và cao nhất không quá 5.000.000đ.
II/ THỦ TỤC THU NỘP VÀ VIỆC SỬ DỤNG LỆ PHÍ TRỌNG TÀI
VÀ CÁC KHOẢN THU KHÁC CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ.
1/ Lệ phí trọng tài và các khoản thu khác khi Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế và xử lý vi phạm Pháp luật hợp đồng kinh tế là khoản thu của Nhà nước. Đương sự phải nộp ngay sau khi có quyết định giải quyết của Trọng tài kinh tế. Nếu đương sự nộp chậm sẽ phải chịu phạt chậm nộp bằng tỷ lệ lãi suất vay quá hạn của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm nộp lệ phí trọng tài. Thời điểm tính bắt đầu từ ngày hết thời hạn kháng cáo.
Khi thu lệ phí trọng tài, dự phí và các khoản chi phí khác Trọng tài kinh tế phải sử dụng biên lai chứng từ do Bộ Tài chính (Tổng Cục thuế), phát hành, nhận tại Cục thuế các Tỉnh, Thành phố. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu lệ phí trọng tài phải thực hiện theo chế độ quản lý ấn chỉ hiện hành của Bộ Tài chính
2/ Trọng tài kinh tế được trích lại 10% lệ phí trọng tài và các khoản thu được từ xử lý vi phạm Pháp luật hợp đồng kinh tế, lệ phí kháng cáo (kể cả tiền thu bằng ngoại tệ) để chi phí cho việc mở phiên họp giải quyết và khen thưởng cho cán bộ công nhân viên trong cơ quan. Mức thưởng cả năm không quá 3 (ba) tháng lương cơ bản. Nếu sử dụng không hết phải nộp NSNN.
3/ Số tiền còn lại (90% tổng số thu) sau khi trích theo tỷ lệ trên, Trọng tài kinh tế phải nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Địa phương theo chương 44 loại 15 khoản 00 hạng 1 mục 35 của mục lục Ngân sách Nhà nước.
Lệ phí trọng tài thu bằng ngoại tệ thì nộp vào Tài khoản ngoại tệ tập trung của Ngân sách Nhà nước tại Ngân hàng Ngoại thương Trung ương hoặc chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Địa phương có thu lệ phí.
Thời hạn nộp lệ phí thu được là hàng tháng nhưng chậm nhất ngày 5 tháng sau phải nộp hết số phải nộp của tháng trước.
Trường hợp đương sự được trả lại số tiền đã nộp hoặc Trọng tài kinh tế phải nộp dự phí, lệ phí trọng tài lên Trọng tài kinh tế giải quyết kháng cáo thì cơ quan Trọng tài phải làm thủ tục thoái thu số tiền phải trả lại cho đương sự hoặc phải nộp lên Trọng tài kinh tế giải quyết kháng cáo (mẫu chứng từ thoái thu do cơ quan Thuế phát hành). Số tiền thoái thu hoặc phải nộp cấp trên không được tính trích để lại 10% như quy định ở trên.
4/ Cục thuế các Tỉnh, Thành phố có trách nhiệm đôn đốc kiểm tra tình hình thu nộp và sử dụng chứng từ theo quy định hiện hành. Hàng năm cơ quan Trọng tài kinh tế phải quyết toán số thu, nộp NSNN và việc quản lý sử dụng số tiền được để lại với cơ quan Thuế và Tài chính cùng cấp.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị Trọng tài kinh tế Tỉnh phản ánh về Trọng tài kinh tế Nhà nước và Bộ Tài chính để xem xét giải quyết./.