Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2008 trong tình hình mới

_________________

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2007/NQ-QH12 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, Nghị quyết số 08/2007/NQ-QH12 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, Báo cáo của Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

QUYẾT NGHỊ:

I. Quốc hội nhận thấy, sau 5 tháng triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008, cùng với một số kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã xuất hiện những mặt yếu kém và khó khăn rất lớn, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại; lạm phát tiếp tục tăng cao, vượt xa mức dự báo; thị trường tài chính, tiền tệ có nhiều biến động; xuất hiện những yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người làm công hưởng lương có thu nhập thấp. Tình hình trên đã tác động nhất định đến tư tưởng và tâm lý xã hội, tâm lý của nhà đầu tư và các doanh nghiệp về sự ổn định kinh tế vĩ mô.

II. Trước yêu cầu của tình hình mới, Quốc hội điều chỉnh một số nội dung mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu như sau:

1. Về mục tiêu tổng quát:

Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, trong đó kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu.

2. Về chỉ tiêu chủ yếu:

2.1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2008 tăng 7%

2.2. Kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm 2008.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHÍNH:

Chính phủ cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008 và những nội dung điều chỉnh về mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu tại Nghị quyết này. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm dưới đây:

1. Tiếp tục cụ thể hóa, kịp thời điều chỉnh hợp lý và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách để vừa kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, không gây ách tắc sản xuất, kinh doanh.

2. Rà soát để cắt giảm, đình hoãn những công trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước (kể cả từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ) xét thấy chưa thật sự bức thiết; điều chuyển, tập trung vốn cho những công trình, dự án có hiệu quả, có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2008 và năm 2009 nhằm bảo đảm giữ được tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn vốn nhà nước; rà lại và kiểm soát hoạt động đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bảo đảm đúng định hướng.

3. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước nghiêm chỉnh thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2008, phấn đấu tiết kiệm các khoản chi khác một cách hợp lý mà Chính phủ đã đề nghị.

4. Bám sát thực tế để chủ động trong quản lý, điều hành; đề ra và chỉ đạo phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp thật cụ thể trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, tín dụng. Áp dụng ngay các chính sách và biện pháp thích hợp để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa biến động xấu đối với thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tung tin thất thiệt nhằm gây rối thị trường.

5. Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đẩy mạnh xuất khẩu, đi đôi với kiểm soát và cơ cấu lại hàng hóa nhập khẩu, giảm nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng và các nhóm hàng chưa thực sự cần thiết, đạt bằng được mục tiêu giảm nhập siêu.

6. Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá vật tư đầu vào của sản xuất, đặc biệt là vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi và công nghệ sau thu hoạch để giảm bớt khó khăn, tăng thu nhập cho nông dân. Kiên quyết thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với tuyệt đại bộ phận vật tư, hàng hóa; xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về quản lý giá.

7. Áp dụng các biện pháp mạnh mẽ trong quản lý thị trường, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; thực hiện bước đi, thời điểm, quy mô, cách thức hợp lý trong lộ trình cải cách giá vật tư chủ yếu và hàng tiêu dùng thiết yếu mà Nhà nước còn kiểm soát giá.

8. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất của cả nước đến năm 2010, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006 – 2010, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên thực địa, kế hoạch chi tiết sử dụng các loại đất, quản lý chặt chẽ và triệt để tiết kiệm diện tích đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực; kiên quyết thu hồi diện tích đất được giao nhưng không sử dụng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích.

9. Triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm việc làm và giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống bão lũ, dịch bệnh; có chính sách cụ thể bảo đảm ổn định đời sống cho người nghèo, người làm công hưởng lương, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc miền núi và các vùng khó khăn, bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; khẩn trương triển khai thực hiện các chế độ, chính sách trợ cấp đã ban hành, nhất là tại các vùng chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai, dịch bệnh.

10. Tổng kết việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, tổ chức tốt và tổng kết kỳ thi đại học để tiếp tục hoàn thiện việc tổ chức thi cử hàng năm; xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.

11. Giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng nhiều năm; sớm xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng; phát huy vai trò của nhân dân và các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

12. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa các bộ, ngành và địa phương; khắc phục các hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành; khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp đã được thông qua gắn liền với tăng cường kiểm tra, đôn đốc; chỉ đạo sâu sát, thường xuyên hơn, phát hiện kịp thời các biến động của tình hình kinh tế - xã hội trong quá trình thực hiện để bổ sung, điều chỉnh giải pháp, cơ chế, chính sách cho phù hợp. Chú trọng và nâng cao năng lực, chất lượng dự báo tình hình.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chính phủ và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận theo chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện và động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt và giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008./.

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Phú Trọng