Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động

đối với doanh nghiệp kiểm toán

___________________

 

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29/11/2005;

 

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập;

Căn cứ Nghị định số 133/2005/NĐ-CP ngày 31/10/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập;

Bộ Tài chính hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động đối với doanh nghiệp kiểm toán, như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Doanh nghiệp kiểm toán hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật dưới các hình thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân.

Công ty TNHH kiểm toán là công ty TNHH có hai thành viên trở lên cung cấp dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác có liên quan.

Công ty hợp danh kiểm toán là công ty hợp danh cung cấp dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác có liên quan.

Doanh nghiệp tư nhân kiểm toán là doanh nghiệp tư nhân cung cấp dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ khác có liên quan.

2. Công ty TNHH kiểm toán, công ty hợp danh kiểm toán, doanh nghiệp tư nhân kiểm toán được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004, Nghị định số 133/2005/NĐ-CP ngày 31/10/2005, Thông tư số 64/2004/TT-BTC ngày 29/06/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP và các hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động tại Thông tư này.

3. Cá nhân không được là thành viên của công ty TNHH kiểm toán, thành viên hợp danh của công ty hợp danh kiểm toán, chủ doanh nghiệp tư nhân kiểm toán, gồm:

a) Cá nhân theo quy định của pháp luật không được tham gia hoạt động kinh doanh;

b) Cá nhân đang làm việc cho doanh nghiệp khác có cung cấp dịch vụ kiểm toán.

4. Hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty TNHH kiểm toán, công ty hợp danh kiểm toán, doanh nghiệp tư nhân kiểm toán: Ngoài các hồ sơ theo quy định của pháp luật, phải có bản sao công chứng Chứng chỉ kiểm toán viên đã được cấp 3 năm trước ngày đăng ký kinh doanh của Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) và bản sao công chứng ít nhất hai Chứng chỉ kiểm toán viên của hai người khác.

II. CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN

1. Tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động đối với công ty TNHH kiểm toán:

a) Công ty TNHH kiểm toán thành lập và hoạt động phải tuân theo quy định tại Điều 20, Điều 23 của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP và Điều 1 của Nghị định số 133/2005/NĐ-CP;

b) Thành viên của công ty TNHH kiểm toán có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Số lượng thành viên không dưới hai và không vượt quá năm mươi;

c) Thành viên là cá nhân phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và quy định tại điểm 2 Phần II Thông tư này;

d) Thành viên là tổ chức phải cử một người làm đại diện. Người đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức phải có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và quy định tại điểm 3 Phần II Thông tư này. Tổ chức là doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam có cung cấp dịch vụ kiểm toán và tổ chức theo quy định của pháp luật không được tham gia hoạt động kinh doanh thì không được là thành viên của công ty TNHH kiểm toán;

đ) Khi thành lập và trong quá trình hoạt động, công ty TNHH kiểm toán phải có ít nhất 3 người có Chứng chỉ kiểm toán viên, trong đó có Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc).

2. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên là cá nhân:

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán theo quy định tại chuẩn mực đạo đức; trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Thành viên được cử làm Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) công ty phải có Chứng chỉ kiểm toán viên và phải có thời gian công tác thực tế về kiểm toán từ 3 năm trở lên kể từ khi được cấp Chứng chỉ kiểm toán viên; phải góp ít nhất là 10% vốn điều lệ; không được cùng lúc tham gia quản lý, điều hành hoặc ký hợp đồng lao động với tổ chức, cơ quan khác.

c) Thành viên Ban Giám đốc trực tiếp phụ trách dịch vụ kiểm toán phải có Chứng chỉ kiểm toán viên. Trường hợp công ty TNHH kiểm toán có đăng ký kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề (như dịch vụ kế toán, dịch vụ định giá tài sản...) thì thành viên Ban Giám đốc trực tiếp phụ trách các dịch vụ đó phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật;

d) Có tham gia góp vốn vào công ty;

đ) Thành viên là cá nhân thuộc đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định phải trực tiếp làm việc tại công ty.

3. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức:

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán theo quy định tại chuẩn mực đạo đức; trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Có giấy uỷ quyền của thành viên là tổ chức trong việc thay mặt thành viên thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

c) Trường hợp người đại diện được cử làm Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) công ty thì phải có Chứng chỉ kiểm toán viên và phải có thời gian công tác thực tế về kiểm toán từ 3 năm trở lên kể từ khi được cấp Chứng chỉ kiểm toán viên; không được cùng lúc tham gia quản lý, điều hành hoặc ký hợp đồng lao động với tổ chức, cơ quan khác. Tổ chức là thành viên phải góp ít nhất 10% vốn điều lệ;

4. Thành viên công ty TNHH kiểm toán không được chuyển nhượng, tặng, cho phần vốn góp của mình hoặc dùng vốn góp để trả nợ cho người không phải là thành viên mà không thỏa mãn đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên quy định tại điểm 2, điểm 3 Phần II Thông tư này, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác không trái với quy định tại Thông tư này.

5. Trường hợp thành viên là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó có thể trở thành thành viên của công ty nếu thỏa mãn các tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên theo quy định của pháp luật và quy định tại điểm 2, điểm 3 Phần II Thông tư này, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác không trái với quy định tại Thông tư này. Trường hợp người thừa kế không thỏa mãn tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên công ty TNHH kiểm toán theo quy định thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả số vốn góp theo quy định của pháp luật.

III. CÔNG TY HỢP DANH KIỂM TOÁN

1. Tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động đối với công ty hợp danh kiểm toán:

a) Công ty hợp danh kiểm toán thành lập và hoạt động phải tuân theo quy định tại Điều 20, Điều 23 của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP và Điều 1 của Nghị định số 133/2005/NĐ-CP;

b) Công ty hợp danh kiểm toán có thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Số lượng thành viên hợp danh ít nhất là hai người. Thành viên hợp danh phải là cá nhân. Thành viên góp vốn có thể là tổ chức hoặc cá nhân.

c) Thành viên hợp danh phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật và quy định tại điểm 2 Phần III Thông tư này.

d) Khi thành lập và trong quá trình hoạt động, công ty hợp danh kiểm toán phải có ít nhất 3 người có Chứng chỉ kiểm toán viên, trong đó có một thành viên hợp danh là Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) và ít nhất một thành viên hợp danh khác.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên hợp danh:

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán theo quy định tại chuẩn mực đạo đức; trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Thành viên hợp danh được cử làm Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) công ty phải có Chứng chỉ kiểm toán viên và phải có thời gian công tác thực tế về kiểm toán từ 3 năm trở lên kể từ khi được cấp Chứng chỉ kiểm toán viên, phải góp ít nhất là 10% vốn điều lệ; không được cùng lúc tham gia quản lý, điều hành hoặc ký hợp đồng lao động với tổ chức, cơ quan khác.

c) Thành viên hợp danh trực tiếp phụ trách dịch vụ kiểm toán phải có Chứng chỉ kiểm toán viên. Trường hợp công ty hợp danh kiểm toán có đăng ký kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề (như dịch vụ kế toán, dịch vụ định giá tài sản...) thì thành viên hợp danh trực tiếp phụ trách các dịch vụ đó phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật;

d) Có tham gia góp vốn vào công ty;

đ) Thành viên hợp danh, người thuộc đối tượng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định phải trực tiếp làm việc tại công ty.

3. Thành viên hợp danh mới được tiếp nhận vào công ty phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên hợp danh theo quy định của pháp luật và quy định tại điểm 2 Phần III Thông tư này và được Hội đồng thành viên chấp nhận.

4. Trường hợp thành viên hợp danh chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty nếu có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên hợp danh theo quy định của pháp luật và quy định tại điểm 2 Phần III Thông tư này và được Hội đồng thành viên chấp thuận. Nếu không có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định cho thành viên hợp danh thì có thể trở thành thành viên góp vốn hoặc yêu cầu công ty hoàn trả số vốn góp theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp thành viên góp vốn là cá nhân bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên góp vốn của công ty.

6. Một thành viên hợp danh sẽ bị khai trừ khỏi công ty, sau khi được sự đồng ý của tất cả các thành viên còn lại; hoặc nếu thành viên đó vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán và bị Bộ Tài chính thu hồi Chứng chỉ kiểm toán viên.

7. Khi thành viên hợp danh do già yếu hoặc do những nguyên nhân khác không thể tiếp tục hành nghề có thể cho phép người khác tiếp nhận quyền, nghĩa vụ và trở thành thành viên hợp danh nếu người này có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên hợp danh theo quy định của pháp luật và quy định tại điểm 2 Phần III Thông tư này và được Hội đồng thành viên chấp thuận.

8. Thành viên hợp danh có thể chuyển thành thành viên góp vốn nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong thời gian là thành viên hợp danh. Thành viên góp vốn là cá nhân có thể chuyển thành thành viên hợp danh nếu tự nguyện, đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên hợp danh theo quy định của pháp luật và quy định tại điểm 2 Phần III Thông tư này và được Hội đồng thành viên chấp thuận.

9. Điều lệ công ty phải quy định cụ thể nguyên tắc cử thành viên hợp danh được đại diện cho công ty ký báo cáo kiểm toán (như thành viên hợp danh được bổ nhiệm làm Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) hoặc người được uỷ quyền) và kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán.

IV. DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN KIỂM TOÁN

1. Tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động đối với doanh nghiệp tư nhân kiểm toán:

a) Doanh nghiệp tư nhân kiểm toán thành lập và hoạt động phải tuân theo quy định tại Điều 20, Điều 23 của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP và Điều 1 của Nghị định số 133/2005/NĐ-CP;

b) Khi thành lập và trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp tư nhân kiểm toán phải có ít nhất 3 người có Chứng chỉ kiểm toán viên, trong đó có Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc);

c) Chủ doanh nghiệp tư nhân kiểm toán phải làm Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc). Chủ doanh nghiệp tư nhân kiểm toán phải có Chứng chỉ kiểm toán viên và phải có thời gian công tác thực tế về kiểm toán từ 3 năm trở lên kể từ khi được cấp Chứng chỉ kiểm toán viên. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được cùng lúc tham gia quản lý, điều hành hoặc ký hợp đồng lao động với tổ chức, cơ quan khác.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên Ban Giám đốc doanh nghiệp tư nhân kiểm toán:

a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán theo quy định tại chuẩn mực đạo đức; trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;

b) Đối với doanh nghiệp tư nhân kiểm toán có đăng ký kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề (như dịch vụ kế toán, dịch vụ định giá tài sản...) thì thành viên Ban Giám đốc trực tiếp phụ trách các dịch vụ đó phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp theo quy định của pháp luật.

V. CHUYỂN ĐỔI LOẠI HÌNH CÔNG TY KIỂM TOÁN

1. Khi thực hiện chuyển đổi các doanh nghiệp kiểm toán thuộc sở hữu vốn của Nhà nước (doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH một thành viên) thành doanh nghiệp kiểm toán theo quy định tại Thông tư này phải lập phương án chuyển đổi và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc sau:

a) Việc kiểm kê, xác định giá trị doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần;

b) Việc chuyển đổi phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động quy định tại Thông tư này;

c) Việc chuyển nhượng phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp kiểm toán có vốn sở hữu Nhà nước được vận dụng hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần.

2. Việc chuyển đổi công ty cổ phần kiểm toán thành lập trước ngày Nghị định số 105/2004/NĐ-CP có hiệu lực thành công ty TNHH kiểm toán, công ty hợp danh kiểm toán hoặc doanh nghiệp tư nhân kiểm toán phải đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Thông tư này và quyết định của Đại hội đồng cổ đông; hoặc theo nguyên tắc giải thể công ty cũ và đồng thời thành lập công ty mới.

3. Công ty TNHH kiểm toán, công ty hợp danh kiểm toán đã thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành nếu xét thấy chưa đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định phải cơ cấu lại tổ chức, đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Thông tư này và đăng ký kinh doanh bổ sung theo quy định hiện hành.

4. Việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước, công ty TNHH, công ty cổ phần kiểm toán thành công ty TNHH, công ty hợp danh kiểm toán hoặc doanh nghiệp tư nhân kiểm toán và việc cơ cấu lại tổ chức của công ty TNHH kiểm toán, công ty hợp danh kiểm toán theo quy định tại điểm 1, điểm 2, điểm 3 Phần V Thông tư này phải hoàn thành trước ngày 21/04/2007 theo quy định tại điểm 3 Điều 20 Nghị định số 105/2004/NĐ-CP ngày 30/03/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp kiểm toán, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà