Sign In

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG LỰA CHỌN DỰ ÁN SẢN XUẤT PHIM SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Điện ảnh ngày 15 tháng 6 năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên;

Căn cứ Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh;

Căn cứ Nghị định số 01/2023/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính;

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng (sau đây gọi là Hội đồng).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh, cơ quan được phân cấp hoặc ủy quyền quản lý nhà nước về điện ảnh, cơ quan, tổ chức của trung ương và địa phương sử dụng ngân sách nhà nước sản xuất phim.

2. Thành viên Hội đồng.

3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây gọi là dự án sản xuất phim).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan quyết định phê duyệt dự án sản xuất phim theo quy định.

2. Chuyên gia là người có năng lực, trình độ, kinh nghiệm sản xuất, quản lý sản xuất phim hoặc các lĩnh vực liên quan đến dự án sản xuất phim.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng

1. Hội đồng có chức năng tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt dự toán, quyết định thực hiện dự án sản xuất phim theo phương thức giao nhiệm vụ; tư vấn cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện định giá của nhà nước theo quy định của pháp luật về giá, quyết định thực hiện dự án sản xuất phim theo phương thức đặt hàng.

2. Hội đồng có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định và đánh giá Hồ sơ dự án sản xuất phim.

Điều 5. Thành lập Hội đồng

1. Cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng, Thư ký Hội đồng, Tổ giúp việc Hội đồng; cho thôi, miễn nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng, Thư ký, Tổ giúp việc Hội đồng.

2. Cơ cấu của Hội đồng

a) Hội đồng có từ 05 (năm) thành viên trở lên, số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên;

b) Căn cứ từng dự án sản xuất phim cụ thể, Chủ tịch Hội đồng có thể xem xét mời bổ sung chuyên gia tham gia Hội đồng theo hình thức vụ việc. Chuyên gia là người không liên quan trực tiếp đến dự án sản xuất phim đang được xem xét lựa chọn. Ý kiến của chuyên gia được ghi trong Biên bản họp thẩm định của Hội đồng.

3. Nhiệm kỳ của Hội đồng

a) Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng là 02 (hai) năm;

b) Đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước sản xuất phim không thường xuyên theo năm thì Hội đồng thành lập và hoạt động theo vụ việc. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

4. Chủ tịch Hội đồng

a) Hội đồng do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cấp vụ, cục trở lên;

b) Hội đồng do cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp thành lập: Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo của tổ chức;

c) Hội đồng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập: Chủ tịch Hội đồng là Lãnh đạo cấp sở trở lên.

5. Thành viên Hội đồng

a) Thành viên Hội đồng gồm đại diện đơn vị quản lý tài chính và/hoặc đại diện đơn vị quản lý điện ảnh của cơ quan có thẩm quyền; cơ quan quản lý dự án; chuyên gia. Đại diện cơ quan quản lý dự án có thể đồng thời là đại diện đơn vị quản lý tài chính hoặc đại diện đơn vị quản lý điện ảnh của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp đại diện cơ quan quản lý dự án đồng thời là chuyên gia thì không nhất thiết phải có chuyên gia riêng biệt;

b) Ủy viên Hội đồng có thể đồng thời là Thư ký Hội đồng.

6. Cơ quan thường trực của Hội đồng

a) Cơ quan thường trực của Hội đồng do cơ quan có thẩm quyền quyết định;

b) Cơ quan thường trực của Hội đồng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập là Vụ Kế hoạch, Tài chính.

7. Thư ký Hội đồng làm việc theo nhiệm kỳ của Hội đồng.

8. Tổ giúp việc Hội đồng

a) Tổ giúp việc Hội đồng có từ 03 (ba) thành viên trở lên bao gồm tổ trưởng và các tổ viên, làm việc theo nhiệm kỳ của Hội đồng;

b) Thành viên Tổ giúp việc Hội đồng gồm: đại diện đơn vị quản lý tài chính và/hoặc đơn vị quản lý điện ảnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý dự án và chuyên gia sản xuất phim (nếu cần thiết).

Điều 6. Nguyên tắc và phương thức làm việc của Hội đồng

1. Nguyên tắc làm việc

a) Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận dân chủ, công khai, quyết định theo đa số;

b) Thành viên Hội đồng có quyền bảo lưu ý kiến cá nhân nhưng phải tuân thủ kết luận của Hội đồng;

c) Thành viên Hội đồng, Thư ký Hội đồng bảo mật thông tin, nội dung liên quan đến dự án sản xuất phim, các ý kiến thảo luận và kết luận của Hội đồng;

d) Thành viên Hội đồng, Thư ký Hội đồng có liên quan trực tiếp đến dự án sản xuất phim được xem xét lựa chọn sẽ không tham gia Hội đồng đối với dự án sản xuất phim đó;

đ) Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng thù lao tham gia Hội đồng theo quy định.

2. Phương thức làm việc

a) Hội đồng tổ chức họp sau khi Tổ giúp việc Hội đồng hoàn thành Báo cáo rà soát Hồ sơ dự án sản xuất phim theo Mẫu số 01 tại Phụ lục kèm theo Thông tư này (sau đây gọi là Báo cáo rà soát);

b) Hội đồng họp khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng tham dự;

c) Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng mời đại diện cơ sở điện ảnh có kịch bản phim được tuyển chọn, cơ quan quản lý dự án tham gia cuộc họp Hội đồng;

d) Các thành viên Hội đồng tham dự họp ghi ý kiến bằng Phiếu thẩm định theo Mẫu số 2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi Thư ký Hội đồng để tổng hợp, báo cáo tại cuộc họp;

đ) Kết luận của Hội đồng phải được trên 50% tổng số thành viên Hội đồng tham dự cuộc họp đồng ý, được thể hiện tại Biên bản họp Hội đồng theo Mẫu số 3 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp tỷ lệ biểu quyết là 50%-50% trên số thành viên Hội đồng tham dự cuộc họp, kết luận của Hội đồng theo ý kiến đã biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng.

3. Hội đồng được sử dụng con dấu, cơ sở vật chất của cơ quan thường trực để phục vụ hoạt động của Hội đồng theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nguyên tắc và phương thức làm việc của Tổ giúp việc Hội đồng

1. Tổ giúp việc Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, thảo luận dân chủ, công khai, quyết định theo đa số về nội dung Báo cáo rà soát.

2. Tổ giúp việc Hội đồng họp khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Tổ giúp việc Hội đồng tham dự.

3. Trường hợp cần thiết, Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng báo cáo Chủ tịch Hội đồng mời đại diện cơ sở điện ảnh có kịch bản phim được tuyển chọn, cơ quan quản lý dự án tham gia cuộc họp của Tổ giúp việc Hội đồng.

4. Thành viên Tổ giúp việc Hội đồng thực hiện rà soát chi tiết Hồ sơ dự án sản xuất phim theo phân công của Chủ tịch Hội đồng.

5. Kết quả rà soát của Tổ giúp việc Hội đồng tại Báo cáo rà soát phải được ít nhất 2/3 tổng số thành viên Tổ giúp việc Hội đồng tham dự họp nhất trí. Thành viên Tổ giúp việc Hội đồng không nhất trí với kết quả rà soát của Tổ giúp việc Hội đồng có quyền bảo lưu ý kiến cá nhân ghi tại Báo cáo rà soát.

6. Thành viên Tổ giúp việc Hội đồng được tham gia cuộc họp của Hội đồng theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng.

7. Thành viên Tổ giúp việc Hội đồng bảo mật thông tin, nội dung liên quan đến dự án sản xuất phim, Báo cáo rà soát và các nội dung thảo luận tại cuộc họp của Tổ giúp việc Hội đồng và cuộc họp Hội đồng (nếu được yêu cầu tham gia).

8. Thành viên Tổ giúp việc Hội đồng có liên quan trực tiếp đến dự án sản xuất phim được xem xét lựa chọn sẽ không tham gia Tổ giúp việc Hội đồng đối với dự án sản xuất phim đó.

Điều 8. Quyền và trách nhiệm của thành viên Hội đồng và thành viên Tổ giúp việc Hội đồng

1. Quyền và trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng

a) Chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Hội đồng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;

b) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng và thành viên Tổ giúp việc Hội đồng;

c) Chủ trì các cuộc họp của Hội đồng;

d) Mời chuyên gia tham gia Hội đồng (trong trường hợp cần thiết);

đ) Các quyền và trách nhiệm của ủy viên Hội đồng;

e) Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thực hiện một hoặc một số quyền quy định tại các điểm b, c và d khoản này. Việc ủy quyền không áp dụng đối với 03 (ba) dự án sản xuất phim liên tiếp.

2. Quyền và trách nhiệm của Phó chủ tịch Hội đồng

a) Thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc ủy quyền;

b) Các quyền và trách nhiệm của ủy viên Hội đồng.

3. Quyền và trách nhiệm của ủy viên Hội đồng

a) Tiếp nhận Hồ sơ dự án sản xuất phim và tài liệu liên quan từ Thư ký Hội đồng;

b) Đọc thẩm định, đánh giá và có ý kiến nhận xét chuyên môn đối với dự án sản xuất phim tham gia lựa chọn;

c) Tham gia đầy đủ các cuộc họp Hội đồng; trường hợp vắng mặt phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng và gửi Phiếu thẩm định tới Thư ký Hội đồng trước cuộc họp Hội đồng;

d) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng;

đ) Bảo mật thông tin, nội dung liên quan đến dự án sản xuất phim, Báo cáo rà soát, các ý kiến thảo luận và kết luận của Hội đồng;

e) Thể hiện ý kiến tại Phiếu thẩm định và ký Biên bản họp Hội đồng.

4. Quyền và trách nhiệm của Thư ký Hội đồng

a) Tiếp nhận Hồ sơ dự án sản xuất phim và tài liệu liên quan từ cơ quan quản lý dự án;

b) Chuyển Hồ sơ dự án sản xuất phim và tài liệu liên quan tới các thành viên Tổ giúp việc Hội đồng;

c) Tiếp nhận Báo cáo rà soát từ Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng; chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ cuộc họp Hội đồng; gửi Giấy mời họp, Báo cáo rà soát, Phiếu thẩm định, Hồ sơ dự án sản xuất phim và tài liệu liên quan tới các thành viên Hội đồng;

d) Ghi Biên bản họp Hội đồng;

đ) Bảo mật thông tin, nội dung liên quan đến dự án sản xuất phim, Báo cáo rà soát, các ý kiến thảo luận và kết luận của Hội đồng.

5. Quyền và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng

a) Đề xuất Chủ tịch Hội đồng yêu cầu cơ quan quản lý dự án nộp bổ sung tài liệu trong trường hợp Hồ sơ dự án sản xuất phim chưa đầy đủ thông tin;

b) Chủ trì cuộc họp của Tổ giúp việc Hội đồng rà soát Hồ sơ dự án sản xuất phim quy định tại Điều 8 Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh;

c) Lập Báo cáo rà soát sau khi kết thúc cuộc họp của Tổ giúp việc Hội đồng và gửi Báo cáo rà soát tới Thư ký Hội đồng;

d) Thực hiện các quyền, trách nhiệm của tổ viên Tổ giúp việc Hội đồng.

6. Quyền và trách nhiệm của tổ viên Tổ giúp việc Hội đồng

a) Tiếp nhận Hồ sơ dự án sản xuất phim và tài liệu liên quan từ Thư ký Hội đồng;

b) Rà soát Hồ sơ dự án sản xuất phim, tham gia ý kiến chuyên môn tại cuộc họp của Tổ giúp việc Hội đồng;

c) Tham gia đầy đủ các cuộc họp của Tổ giúp việc Hội đồng. Trường hợp vắng mặt phải báo cáo Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng;

d) Tham gia các cuộc họp của Hội đồng theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng. Trường hợp vắng mặt phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng;

đ) Bảo lưu ý kiến cá nhân tại Báo cáo rà soát nếu không nhất trí với kết quả rà soát của Tổ giúp việc Hội đồng tại Báo cáo rà soát;

e) Bảo mật thông tin đối với các dự án sản xuất phim tham gia lựa chọn; không công bố nội dung thảo luận và Báo cáo rà soát.

Điều 9. Cho thôi, miễn nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng, Thư ký Hội đồng, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng

Cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cho thôi, miễn nhiệm và thay thế thành viên Hội đồng, Thư ký Hội đồng, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng trong các trường hợp sau đây:

1. Thành viên Hội đồng, Thư ký Hội đồng, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng có văn bản của cá nhân đề nghị xin thôi tham gia.

2. Theo đề nghị của đơn vị mà thành viên Hội đồng, Thư ký Hội đồng, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng là đại diện.

3. Thành viên Hội đồng, Thư ký Hội đồng, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng vắng mặt không có lý do chính đáng từ 03 (ba) cuộc họp liên tiếp.

4. Thành viên Hội đồng, Thư ký Hội đồng, thành viên Tổ giúp việc Hội đồng vi phạm nguyên tắc, trách nhiệm quy định tại các Điều 6, 7 và 8 Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 01 năm 2024.

2. Thông tư số 03/2020/TT-BVHTTDL ngày 09 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 11. Điều khoản chuyển tiếp

Các Hội đồng được thành lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đang còn hoạt động phải được kiện toàn, thành lập lại theo quy định tại Thông tư này.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Cơ quan quản lý dự án tiếp nhận, kiểm tra Hồ sơ dự án sản xuất phim từ cơ sở điện ảnh sản xuất phim và gửi văn bản đề nghị Hội đồng.

3. Cơ sở điện ảnh sản xuất phim có kịch bản được tuyển chọn

a) Lập Hồ sơ dự án sản xuất phim theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định số 131/2022/NĐ-CP gửi cơ quan quản lý dự án;

b) Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, chính xác và trung thực của Hồ sơ dự án sản xuất phim gửi cơ quan quản lý dự án theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

5. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Kế hoạch, Tài chính) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Hùng