Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số quy định tại nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007

của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác

________________________________ 

Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác;

Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số quy định tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác (sau đây viết tắt là Nghị định 151/2007/NĐ-CP) như sau.

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Mục đích

Thông tư này hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho thành lập và hoạt động của tổ hợp tác nhằm khuyến khích nhiều tổ hợp tác ra đời, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống của các tổ viên tổ hợp tác.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm:

a. Tổ hợp tác được quy định tại Điều 1 Nghị định 151/2007/NĐ-CP.

b. Tổ chức có tên gọi khác như: “nhóm liên kết”, “câu lạc bộ”, “tổ tương trợ”, v.v… nhưng có tính chất tổ chức và hoạt động phù hợp với quy định về tổ hợp tác tại Điều 1 Nghị định 151/2007/NĐ-CP.

3. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung và quy định thống nhất mẫu hợp đồng hợp tác, trình tự thủ tục thành lập và hỗ trợ tổ hợp tác.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Xây dựng hợp đồng hợp tác

Hợp đồng hợp tác được xây dựng theo Mẫu hướng dẫn xây dựng hợp đồng hợp tác ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trình tự, thủ tục chứng thực hợp đồng hợp tác

2.1. Tổ hợp tác gửi ít nhất 02 bản hợp đồng hợp tác hoặc hợp đồng hợp tác sửa đổi, bổ sung và giấy đề nghị chứng thực hoặc chứng thực lại theo Mẫu THT1 được ban hành kèm theo Thông tư này tới Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã). Mẫu THT1 được Ủy ban nhân dân cấp xã cấp miễn phí. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy biên nhận cho tổ hợp tác.

2.2. Ủy ban nhân dân cấp xã chứng thực hoặc chứng thực lại (ký và đóng dấu) vào hợp đồng hợp tác trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hợp đồng hợp tác có nội dung phù hợp với quy định tại Mẫu hướng dẫn xây dựng hợp đồng hợp tác ban hành kèm theo Thông tư này.

Ủy ban nhân dân cấp xã lưu 01 bản hợp đồng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về tổ hợp tác.

2.3. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã không chứng thực hợp đồng hợp tác thì trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối.

2.4. Trường hợp tổ hợp tác tổ chức và hoạt động với quy mô liên xã thì tổ hợp tác có quyền lựa chọn nơi chứng thực hợp đồng hợp tác thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của mình.

3. Thay đổi tổ trưởng tổ hợp tác.

Trường hợp thay đổi tổ trưởng, tổ hợp tác phải thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác chứng thực theo Mẫu THT2 được ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Chấm dứt tổ hợp tác.

Trường hợp chấm dứt tổ hợp tác; trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hoạt động, tổ hợp tác phải thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác chứng thực theo Mẫu THT3 được ban hành kèm theo Thông tư này.

5. Hỗ trợ tổ hợp tác

5.1. Hỗ trợ thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng tổ trưởng tổ hợp tác

5.1.1. Nguyên tắc hỗ trợ:

Tổ hợp tác theo quy định tại Điều 1 Nghị định 151/2007/NĐ-CP được hỗ trợ các nội dung thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng tổ trưởng tổ hợp tác; ưu tiên các tổ hợp tác có nhiều tổ viên, hoạt động lâu năm, có nhiều tổ viên hộ nghèo, hộ dân tộc, hộ chính sách.

5.1.2. Nội dung hỗ trợ:

a. Tổ hợp tác khi thành lập được hỗ trợ các nội dung sau:

- Thông tin, tư vấn kiến thức về tổ hợp tác;

- Tư vấn tổ chức hội nghị thành lập tổ hợp tác;

- Tư vấn xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ hợp tác; xây dựng nội dung hợp đồng hợp tác; xác định tên, biểu tượng (nếu có) của tổ hợp tác; hoàn thiện các thủ tục để thành lập tổ hợp tác; bầu tổ trưởng, ban điều hành (nếu cần thiết).

b. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với tổ trưởng tổ hợp tác được áp dụng tương tự như các đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, và chỉ được thực hiện sau khi Hợp đồng hợp tác của tổ hợp tác được chứng thực.

5.1.3. Trình tự, thủ tục hỗ trợ:

a. Trình tự, thủ tục hỗ trợ áp dụng tương tự như đối với hợp tác xã được quy định tại Thông tư số 02/2006/TT-BKH ngày 13 tháng 02 năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện một số điều tại Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã.

b. Đại diện của tổ hợp tác hoặc đại diện của những người có ý tưởng thành lập tổ hợp tác đề nghị hỗ trợ nộp đơn theo Mẫu THT4 ban hành kèm theo Thông tư này được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ hợp tác chứng thực cấp miễn phí.

5.1.4. Kinh phí hỗ trợ:

a. Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư áp dụng Thông tư số 66/2006/TT-BTC ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 88/2005/NĐ-CP này 11/7/2005 của Chính phủ về chế độ tài chính hỗ trợ các sáng lập viên hợp tác xã chuẩn bị thành lập, các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của hợp tác xã.

b. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhu cầu hỗ trợ và khả năng cân đối ngân sách của địa phương chỉ đạo việc bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện hỗ trợ thành lập mới tổ hợp tác, đào tạo, bồi dưỡng tổ trưởng tổ hợp tác.

5.2. Hỗ trợ khác

5.2.1. Cơ quan chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có trách nhiệm thông tin đầy đủ, kịp thời; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp tác được hưởng các chính sách hỗ trợ và tham gia xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

5.2.2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ phát triển tổ hợp tác nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống tổ viên tổ hợp tác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này; trường hợp cần thiết có thể hướng dẫn chi tiết phù hợp yêu cầu của địa phương mình, ngành mình.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp số lượng và tình hình hoạt động của tổ hợp tác trên địa bàn theo Mẫu THT5 ban hành kèm theo Thông tư này; báo cáo định kỳ 6 tháng gửi Phòng Tài Chính – Kế hoạch và các Phòng quản lý chuyên ngành có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trước ngày 5 tháng 7 và 5 tháng 1 hàng năm.

3. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổng hợp số lượng và tình hình hoạt động của tổ hợp tác trên địa bàn theo Mẫu THT5 ban hành kèm theo Thông tư này; báo cáo định kỳ 6 tháng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở Quản lý chuyên ngành có liên quan trước ngày 15 tháng 7 và 15 tháng 1 hàng năm.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp số lượng và tình hình hoạt động của tổ hợp tác trên địa bàn theo Mẫu THT5 ban hành kèm theo Thông tư này; báo cáo định kỳ 6 tháng và cả năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan trước ngày 25 tháng 7 và 25 tháng 1 hàng năm, đồng thời tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

2. Tổ hợp tác đã hoạt động trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiến hành chứng thực hoặc chứng thực lại trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Hồng Phúc