• Hiệu lực: Còn hiệu lực
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 2167/VBHN-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 24 tháng 5 năm 2024

NGHỊ ĐỊNH

Quy định điều kiện kinh doanh

giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi

di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.[1]

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám định cổ vật; tổ chức, cá nhân hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là hành nghề tu bổ di tích) trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giám định cổ vật là hoạt động do tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thực hiện nhằm xác định niên đại, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và những vấn đề khoa học khác liên quan đến hiện vật được giám định.

2. Hành nghề tu bổ di tích bao gồm:

a) Hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích;

b) Hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích;

c) Hành nghề thi công tu bổ di tích;

d) Hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích.

Chương II

KINH DOANH GIÁM ĐỊNH CỔ VẬT

Điều 4. Điều kiện kinh doanh giám định cổ vật

Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Có kho lưu giữ, bảo quản hiện vật giám định.

2. Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký.

3. Có nguồn tài liệu về cổ vật để tham khảo, phục vụ hoạt động giám định cổ vật.

4. Có ít nhất 03 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 5. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật đối với cơ sở kinh doanh giám định có trụ sở trên địa bàn.

Điều 6. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật

1.[2] Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc trên môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Danh sách kèm theo lý lịch khoa học theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và bản sao văn bằng, chứng chỉ của các chuyên gia;

c) Bản sao quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động giữa cơ sở kinh doanh giám định cổ vật và các chuyên gia;

d) Danh mục trang thiết bị, phương tiện để thực hiện giám định.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm xem xét, quyết định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 7. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất hoặc bị hỏng;

b) Có sự thay đổi thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật đã cấp.

2. Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật:

a) Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử[3] 01 bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

- Bản chính Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật đã được cấp đối với trường hợp Giấy chứng nhận bị hỏng hoặc có sự thay đổi thông tin;

Trường hợp thay đổi thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật đã cấp thì phải gửi kèm theo bản sao các giấy tờ có liên quan đến sự thay đổi thông tin.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xem xét, quyết định cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 8. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật không còn đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này;

b) Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật giải thể hoặc tự chấm dứt hoạt động giám định cổ vật;

c) Cơ sở kinh doanh giám định cổ vật có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giám định cổ vật bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định cổ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính;

d) Các trường hợp bị thu hồi khác theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật thông báo đến cơ sở kinh doanh giám định cổ vật Quyết định thu hồi, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Cơ sở giám định cổ vật bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật chỉ được xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật sau thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị thu hồi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật sau khi bị thu hồi được thực hiện như quy định đối với trường hợp cấp mới.

 

 

Chương III

HÀNH NGHỀ TU BỔ DI TÍCH

Mục 1

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ TU BỔ DI TÍCH

Điều 9. Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích

Chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích (sau đây gọi chung là Chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân khi đáp ứng các điều kiện đối với từng trường hợp cụ thể sau:

1. Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích:

a) Có chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng;

b) Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích:

a) Có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng;

b) Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích:

a) Có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng hoặc người có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành xây dựng;

b) Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích:

a) Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình;

b) Đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 10. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 9 Nghị định này.

Điều 11. Trình tự, thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề

1. Cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử[4] 01 bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao Chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng, hành nghề thiết kế xây dựng, hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình, bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành xây dựng, kiến trúc liên quan đến hoạt động đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định này;

c) Bản sao chứng chỉ hoặc chứng nhận đã tham gia chương trình bồi dưỡng kiến thức về tu bổ di tích;

d) 02 ảnh màu cỡ 3x4 cm chụp trong năm đề nghị cấp.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm xem xét, quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực trong thời hạn 05 năm.

Điều 12. Cấp lại Chứng chỉ hành nghề

1. Chứng chỉ hành nghề được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bổ sung nội dung hành nghề;

b) Hết hạn sử dụng;

c) Bị mất hoặc bị hỏng.

2. Trình tự, thủ tục cấp lại Chứng chỉ hành nghề:

a) Cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử[5] 01 bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 10 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

- Bản chính Chứng chỉ hành nghề đã được cấp đối với trường hợp bổ sung nội dung hành nghề hoặc Chứng chỉ hành nghề hết hạn sử dụng, bị hỏng;

- 02 ảnh màu cỡ 3x4 cm chụp trong năm đề nghị cấp lại;

Trường hợp bổ sung nội dung hành nghề đã được ghi nhận trong Chứng chỉ hành nghề đã cấp, phải gửi kèm theo hồ sơ các bản sao chứng chỉ, chứng nhận quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 11 Nghị định này.

b) Đối với trường hợp cấp lại Chứng chỉ hành nghề hết hạn sử dụng hoặc bị hỏng, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xem xét, quyết định cấp lại Chứng chỉ hành nghề, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Đối với trường hợp cấp lại Chứng chỉ hành nghề bị mất hoặc bổ sung nội dung hành nghề, thời hạn cấp được thực hiện như quy định đối với trường hợp cấp mới.

3. Nội dung và thời hạn của Chứng chỉ hành nghề cấp lại được ghi như sau:

a) Đối với trường hợp bổ sung nội dung hành nghề, ghi bổ sung nội dung hành nghề theo thời hạn của Chứng chỉ hành nghề cũ;

b) Đối với trường hợp hết hạn, nội dung và thời hạn ghi trong Chứng chỉ hành nghề được thực hiện như quy định đối với trường hợp cấp mới;

c) Đối với trường hợp bị mất hoặc bị hỏng, ghi theo đúng nội dung và thời hạn của Chứng chỉ hành nghề cũ.

Điều 13. Thu hồi Chứng chỉ hành nghề

1. Chứng chỉ hành nghề bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích không đúng với phạm vi cho phép của Chứng chỉ hành nghề;

b) Không tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan;

c) Cho người khác thuê, mượn hoặc sử dụng Chứng chỉ hành nghề;

d) Tự ý tẩy xóa, sửa chữa Chứng chỉ hành nghề;

đ) Các trường hợp bị thu hồi khác theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã cấp Chứng chỉ hành nghề thông báo Quyết định thu hồi đến tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Cá nhân bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề chỉ được xem xét cấp Chứng chỉ hành nghề sau thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị thu hồi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trình tự, thủ tục đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề sau khi bị thu hồi được thực hiện như quy định đối với trường hợp cấp mới.

Mục 2

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN

HÀNH NGHỀ TU BỔ DI TÍCH

Điều 14. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích

Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận hành nghề) được cấp cho tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định đối với từng trường hợp cụ thể sau:

1. Giấy chứng nhận hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có đủ điều kiện hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng;

c) Có ít nhất 02 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích.

2. Giấy chứng nhận hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có đủ điều kiện hành nghề thiết kế xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng;

c) Có ít nhất 03 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích.

3. Giấy chứng nhận hành nghề thi công tu bổ di tích:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có đủ điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng;

c) Có ít nhất 03 người được cấp Chứng chỉ hành nghề thi công tu bổ di tích.

4. Giấy chứng nhận hành nghề tư vấn giám sát thi công tu bổ di tích:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có đủ điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn khi giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định pháp luật về xây dựng;

c) Có ít nhất 02 người được cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích.

Điều 15. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề đối với tổ chức hành nghề tu bổ di tích có trụ sở trên địa bàn.

Điều 16. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề

1.[6] Tổ chức đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc trên môi trường điện tử 01 bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Danh sách người được cấp Chứng chỉ hành nghề quy định tại điểm c khoản 1, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 14 Nghị định này kèm theo bản sao Chứng chỉ hành nghề.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm kiểm tra và yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm xem xét, quyết định cấp Giấy chứng nhận hành nghề theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy chứng nhận hành nghề có hiệu lực trong thời hạn 05 năm.

Điều 17. Cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề

1. Giấy chứng nhận hành nghề được cấp lại trong các trường hợp như cấp lại Chứng chỉ hành nghề quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

2. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề:

a) Tổ chức nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử[7] 01 bộ hồ sơ đến người có thẩm quyền quy định tại Điều 15 Nghị định này. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

- Bản chính Giấy chứng nhận hành nghề đã được cấp đối với trường hợp bổ sung nội dung hành nghề hoặc Giấy chứng nhận hành nghề hết hạn sử dụng, bị hỏng;

Trường hợp bổ sung nội dung hành nghề đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận hành nghề đã cấp, phải gửi kèm theo hồ sơ các bản sao quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

b) Đối với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề hết hạn sử dụng hoặc bị hỏng, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao xem xét, quyết định cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề, đồng thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Đối với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề bị mất hoặc bổ sung nội dung hành nghề, thời hạn cấp được thực hiện như quy định đối với trường hợp cấp mới.

3. Nội dung và thời hạn của Giấy chứng nhận hành nghề cấp lại được ghi như quy định đối với Chứng chỉ hành nghề quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

Điều 18. Thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề

Việc thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề được thực hiện như đối với thu hồi Chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 13 Nghị định này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[8]

Điều 19. Điều khoản chuyển tiếp

Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật, Chứng chỉ hành nghề và Giấy chứng nhận hành nghề đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Điều 21. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này./.



[1] Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.”

 

[2] Khoản này được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[3] Cụm từ “gửi qua đường bưu điện” được thay thế bằng cụm từ “gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử” quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[4] Cụm từ “gửi qua đường bưu điện” được thay thế bằng cụm từ “gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử” quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[5] Cụm từ “gửi qua đường bưu điện” được thay thế bằng cụm từ “gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử” quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[6] Khoản này được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[7] Cụm từ “gửi qua đường bưu điện” được thay thế bằng cụm từ “gửi qua bưu chính hoặc trên môi trường điện tử” quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15 tháng 3 năm 2024.

[8] Điều 4 Nghị định số 31/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2012/NĐ-CP, Nghị định số 61/2016/NĐ-CP và Nghị định số 36/2019/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2024 quy định như sau:

“Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.”

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Đạo Cương

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.