THÔNG TƯ
Về hướng dẫn thi hành một số điều
của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/02/2005
của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập
và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm
___________________
Thi hành Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm (say đây gọi tắt là Nghị định số 19/2005/NĐ-CP), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Trung tâm giới thiệu việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, bao gồm:
- Trung tâm giới thiệu việc làm do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập;
- Trung tâm giới thiệu việc làm do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập;
- Trung tâm giới thiệu việc làm do Thủ trưởng cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội quyết định thành lập.
Trung tâm giới thiệu việc làm nêu trên sau đây được gọi chung là Trung tâm.
2. Doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, bao gồm:
- Doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước.
Doanh nghiệp hoạt động giới thiệu việc làm nêu trên sau đây được gọi chung là Doanh nghiệp.
II. ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA TRUNG TÂM:
1. Điều kiện thành lập Trung tâm theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Có địa điểm và trụ sở làm việc ổn định từ 36 tháng trở lên kể từ ngày Trung tâm được thành lập mới hoặc được thành lập lại theo quy định tại Nghị định số 19/2005/NĐ-CP; nằm ở vị trí thuận lợi cho việc giao dịch trực tiếp với người lao động và người sử dụng lao động; có đủ diện tích làm việc cho nhân viên của Trung tâm theo quy định hiện hành của Nhà nước về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và có đủ diện tích cho việc giao dịch và hoạt động (tư vấn, đón tiếp người lao động và người sử dụng lao động, tra cứu thông tin thị trường lao động) của Trung tâm.
b. Có các trang thiết bị và phương tiện làm việc phù hợp với từng nhiệm vụ như bàn, ghế, tủ hồ sơ, điện thoại, máy fax, máy vi tính, các thiết bị phục vụ cho công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động và phương tiện đi lại (ô tô hoặc xe máy). Nếu có hoạt động dạy nghề thì phải có các trang thiết bị và phương tiện dạy nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.
c. Có ít nhất 05 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật, ngoại ngữ; mỗi chuyên ngành phải có ít nhất một người.
Người được tuyển dụng vào Trung tâm phải là người có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận. Đối với nhân viên được điều động sang làm việc tại Trung tâm, phải có xác nhận của cơ quan cũ.
d. Trung tâm dự kiến thành lập hoặc thành lập lại phải phù hợp với quy hoạch hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn đã được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
2. Hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP do cơ quan quản lý trực tiếp Trung tâm chuẩn bị, bao gồm:
a. Công văn đề nghị thành lập Trung tâm gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP;
b. Đề án thành lập Trung tâm, bao gồm các nội dung cụ thể sau:
- Sự cần thiết thành lập Trung tâm;
- Mục tiêu hoạt động của Trung tâm: nêu cụ thể mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn;
- Nhiệm vụ cụ thể của Trung tâm: xác định và lượng hoá các hoạt động của từng nhiệm vụ trong 05 năm đầu về tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, dạy nghề;
- Những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động của Trung tâm:
+ Địa điểm, mặt bằng, nhà xưởng; cơ sở vật chất và trang thiết bị;
+ Bộ máy, nhân sự và biên chế (lãnh đạo Trung tâm, các tổ chức giúp việc của Giám đốc, biên chế) của Trung tâm;
+ Nguồn lực đầu tư, quản lý và sử dụng các nguồn tài chính của Trung tâm;
- Tính khả thi của đề án:
+ Thời điểm bắt đầu hoạt động của Trung tâm;
+ Dự kiến những kết quả và tác động của các hoạt động của Trung tâm trong 05 năm đầu;
+ Các giải pháp thực hiện;
+ Chứng minh các nguồn lực để đạt được những kết quả và giải pháp nêu trên.
c. Văn bản của các cơ quan có liên quan:
- Đối với Trung tâm thuộc thẩm quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì Đề án thành lập Trung tâm phải có ý kiến nhất trí bằng văn bản của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ;
- Đối với Trung tâm thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thì phải có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi Trung tâm sẽ đặt trụ sở và hoạt động;
d. Các giấy tờ và văn bản có liên quan chứng minh đã đủ các điều kiện hoặc cam kết của cơ quan quản lý trực tiếp đảm bảo đủ các điều kiện để thành lập Trung tâm theo quy định tại điểm 1 Mục II của Thông tư này, bao gồm:
- Bản sao (có công chứng) một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc văn bản giao trụ sở làm việc cho Trung tâm sử dụng của cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê trụ sở làm việc để đảm bảo cho hoạt động giới thiệu việc làm trong thời hạn tối thiểu 36 tháng;
- Bản kê khai trang thiết bị, các phương tiện làm việc và đi lại; danh sách nhân viên của Trung tâm tại thời điểm đề nghị thành lập có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp Trung tâm;
3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận thành lập Trung tâm thuộc các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, bao gồm:
- Công văn đề nghị chấp thuận thành lập Trung tâm của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội gửi Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi Trung tâm sẽ đặt trụ sở và hoạt động;
- Các giấy tờ, văn bản theo quy định tại tiết a, b, d điểm 2 Mục II của Thông tư này.
4. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hồ sơ đề nghị chấp thuận thành lập Trung tâm của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội theo quy định tại điểm b, c, d, Khoản 2 Điều 5 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm trao giấy biên nhận hồ sơ cho cơ quan nộp hồ sơ. Giấy biên nhận phải ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ, những văn bản có trong hồ sơ và thời hạn trả lời.
b. Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm hoặc hồ sơ đề nghị chấp thuận thành lập Trung tâm:
Trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký quyết định thành lập Trung tâm thuộc quyền quản lý hoặc văn bản chấp thuận thành lập Trung tâm thuộc các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.
Trong thời hạn nêu trên, nếu không ra quyết định thành lập Trung tâm hoặc không chấp thuận thành lập Trung tâm thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Việc ký kết hợp đồng cung ứng lao động; giới thiệu việc làm; tuyển lao động quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, thực hiện theo các mẫu sau:
a. Hợp đồng cung ứng lao động; hợp đồng tuyển lao động ký kết theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;
b. Hợp đồng giới thiệu việc làm ký kết theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Việc ký kết hợp đồng dạy nghề, học nghề thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/01/2001 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động và Luật Giáo dục về dạy nghề và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
7. Mẫu biểu, trang phục của nhân viên Trung tâm theo quy định tại Khoản 5 Điều 10 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Mẫu biển của nhân viên Trung tâm hình chữ nhật kích thước 8 cm x 12 cm, ép nhựa cứng, dòng trên cùng ghi tên cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp của Trung tâm, dòng dưới ghi tên Trung tâm; bên trái biển gắn ảnh màu chụp kiểu chứng minh nhân dân cỡ 3 cm x 4 cm của nhân viên Trung tâm, bên phải đề tên và mã số (nếu có); phía dưới có ghi rõ chức danh, nơi làm việc.
b. Mẫu trang phục thống nhất khi làm việc do Trung tâm chọn sau khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
8. Lập sổ theo dõi các hoạt động của Trung tâm theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP và báo cáo định kỳ theo quy định tại Khoản 10 Điều 10 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Trung tâm lập số theo dõi các hoạt động theo các mẫu số 03a, 03b, 03c, 03d, 03đ, 03e ban hành kèm theo Thông tư này;
b. Trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 hàng năm, Trung tâm có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm và cả năm theo mẫu số 04 kèm theo Thông tư này:
- Đối với các Trung tâm thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, báo cáo định kỳ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính.
- Đối với các Trung tâm thuộc các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội quản lý, thì báo cáo định kỳ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính và cơ quan ra quyết định thành lập Trung tâm.
- Các Trung tâm thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động.
III. ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO DOANH NGHIỆP:
1. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm (sau đây gọi chung là giấy phép) theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Có địa điểm và trụ sở làm việc dành cho hoạt động giới thiệu việc làm ổn định từ 36 tháng trở lên, nằm ở vị trí thuận lợi và đủ diện tích cho việc giao dịch, hoạt động của Doanh nghiệp;
b. Diện tích làm việc và hoạt động của doanh nghiệp phải đảm bảo bố trí đủ các phòng: tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động, thông tin thị trường lao động và có trang bị máy vi tính, điện thoại, máy fax, email và các tài liệu liên quan đến thị trường lao động và các trang thiết bị khác để phục vụ khách hàng;
c. Có ít nhất 300 triệu đồng Việt Nam ký quỹ tại Ngân hàng để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động;
d. Có ít nhất 05 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật, ngoại ngữ; mỗi chuyên ngành phải có ít nhất một người. Người được tuyển dụng vào doanh nghiệp để hoạt động giới thiệu việc làm phải là người có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo quy định tại Điều 13 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP do doanh nghiệp chuẩn bị, bao gồm:
a. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, bao gồm những nội dung chủ yếu: tên doanh nghiệp; địa chỉ; số điện thoại, fax, email; số tài khoản giao dịch; số giấy phép đăng ký kinh doanh; vốn điều lệ tại thời điểm đề nghị cấp phép; họ và tên Tổng giám đốc (Giám đốc); kế hoạch hoạt động giới thiệu việc làm trong thời hạn được cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm (theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này);
b. Bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (có công chứng);
c. Các giấy tờ và văn bản chứng minh đủ các điều kiện để cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định tại điểm 1 Mục III của Thông tư này, bao gồm:
- Bản sao (có công chứng) một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc văn bản giao trụ sở làm việc cho doanh nghiệp sử dụng của cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng thuê trụ sở làm việc để đảm bảo cho hoạt động giới thiệu việc làm trong thời hạn tối thiểu 36 tháng;
- Bản kê khai trang thiết bị, các phương tiện làm việc và đi lại; danh sách nhân viên của doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp giấy phép;
- Bản sao giấy chứng nhận ký quỹ tại Ngân hàng (có công chứng).
3. Trình tự cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và hoạt động giới thiệu việc làm.
b. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ và có trách nhiệm trao giấy biên nhận hồ sơ cho doanh nghiệp. Giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ, các văn bản có trong hồ sơ và thời hạn trả lời.
Trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm cho doanh nghiệp. Trường hợp không cấp giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Mẫu giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm quy định tại Điều 11 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Hình thức giấy phép: giấy phép có kích thước giấy in khổ A4; có nền màu trắng, hoa văn màu xanh nhạt, ở giữa có hình ngôi sao;
b. Nội dung giấy phép: bao gồm các thông tin của doanh nghiệp được cấp phép, thời hạn cấp giấy phép (theo mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này);
c. Giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội in ấn và phát hành thống nhất.
5. Thời hạn của giấy phép theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP quy định lần cấp phép đầu tiên là 36 tháng; những lần gia hạn tiếp theo tối đa không quá 36 tháng kể từ ngày được cấp hoặc gia hạn giấy phép.
6. Thủ tục gia hạn giấy phép:
a. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương nơi đã cấp giấy phép hoạt động trước khi giấy phép hết hạn ít nhất là 30 ngày. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị gia hạn giấy phép theo mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này kèm theo giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm đã được cấp;
- Báo cáo kết quả hoạt động giới thiệu việc làm của doanh nghiệp theo thời hạn giấy phép đang hoạt động và kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp trong thời hạn giấy phép tiếp theo;
- Các giấy tờ và văn bản có liên quan chứng minh doanh nghiệp có đủ các điều kiện gia hạn giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định tại tiết c điểm 2 Mục III của Thông tư này;
b. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận và có trách nhiệm trao giấy biên nhận nhận hồ sơ. Giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ; những văn bản có trong hồ sơ và thời hạn trả lời.
Trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, ra quyết định gia hạn giấy phép theo mẫu số 08 ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
7. Việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động, giới thiệu việc làm, tuyển lao động và dạy nghề, học nghề theo quy định tại Khoản 4 Điều 18 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP thực hiện theo quy định tại điểm 5 và 6 Mục II của Thông tư này.
8. Lập sổ theo dõi các hoạt động giới thiệu việc làm của doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 6 Điều 19 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP và báo cáo định kỳ theo quy định tại Khoản 10 Điều 19 của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Doanh nghiệp lập sổ theo dõi các hoạt động theo mẫu số 03a, 03b, 03c, 03d, 03đ, 03e ban hành kèm theo Thông tư này.
b. Trước ngày 05 tháng 7 và ngày 05 tháng 01 hàng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm và báo cáo định kỳ cả năm theo mẫu số 09 kèm theo Thông tư này và gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và hoạt động giới thiệu việc làm.
Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động.
9. Báo cáo việc sử dụng lao động của doanh nghiệp quy định tại Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 19/2005/NĐ-CP, quy định như sau:
a. Doanh nghiệp thực hiện khai trình việc sử dụng lao động theo quy định tại Điều 182 của Bộ Luật lao động và Thông tư số 06/1998/TT-BLĐTBXH ngày 15/4/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn khai trình việc sử dụng lao động khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động và báo cáo việc chấm dứt sử dụng lao động khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
b. Doanh nghiệp thực hiện việc báo cáo tình hình sử dụng lao động theo quy định tại Thông tư số 20/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tuyển lao động.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a. Quy hoạch hệ thống Trung tâm trên địa bàn địa phương theo các nội dung sau:
- Đánh giá thực trạng hoạt động của hệ thống Trung tâm trên địa bàn về các mặt: số lượng, cơ cấu các Trung tâm; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác giới thiệu việc làm; cơ sở vật chất, tài chính của các Trung tâm; kết quả hoạt động theo từng nhiệm vụ của các Trung tâm;
- Xác định nhu cầu về giao dịch của thị trường lao động đến năm 2010, 2015; từ đó xác định số lượng, phân bố và cơ cấu của hệ thống Trung tâm trên địa bàn; nhu cầu về nhân viên hoạt động trong từng nhiệm vụ phù hợp với quy mô hoạt động của hệ thống Trung tâm; nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất, tài chính, mua sắm trang thiết bị nâng cao năng lực hoạt động cho hệ thống Trung tâm giới thiệc việc làm;
- Xây dựng kế hoạch phát triển các Trung tâm.
Việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch hệ thống Trung tâm được thực hiện trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày Nghị định số 19/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm gửi 01 bản quy hoạch về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi.
b. Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và sắp xếp lại hệ thống tổ chức giới thiệu việc làm thuộc quyền quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn phù hợp với các quy định của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
c. Quyết định thành lập hoặc giải thể, chấn chỉnh hoạt động của các Trung tâm thuộc quyền quản lý, chấp thuận việc thành lập các Trung tâm của Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn địa phương. Quyết định đình chỉ hoạt động đối với các Trung tâm và các doanh nghiệp thực hiện không đúng các quy định của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này.
d. Quyết định số biên chế của Trung tâm và cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các hoạt động không có thu của các Trung tâm thuộc quyền quản lý;
đ. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi, kiểm tra, thanh tra hoạt động của các Trung tâm, doanh nghiệp giới thiệu việc làm trên địa bàn;
2. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy hoạch hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn;
b. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định thành lập, hoặc chấp thuận việc thành lập các Trung tâm trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
c. Cấp và thu hồi giấy phép của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
d. Kiểm tra, thanh tra hoạt động giới thiệu việc làm của các Trung tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật;
đ. Trước ngày 15 tháng 7 và 15 tháng 01 hàng năm, tổng hợp, báo cáo định kỳ 06 tháng đầu năm và cả năm theo mẫu số 10 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm :
a. Tiến hành rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các Trung tâm thuộc quyền quản lý theo quy định của Thông tư này; đề nghị các địa phương đưa vào quy hoạch hệ thống Trung tâm trên địa bàn và báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
b. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; quyết định số biên chế của Trung tâm và cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các hoạt động không có thu của Trung tâm thuộc quyền quản lý;
c. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc quyền quản lý;
d. Tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm và cả năm theo mẫu số 11 kèm theo Thông tư này và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
4. Trung tâm và doanh nghiệp này được phép hoạt động về giới thiệu việc làm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định của Thông tư này; đối với các Trung tâm và doanh nghiệp đã được thành lập và đang hoạt động trước khi Nghị định số 19/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì thực hiện như sau:
a. Đối với các Trung tâm đã được thành lập và đang hoạt động thì vẫn tiếp tục hoạt động đồng thời phải tiến hành các thủ tục để thành lập lại theo quy định tại Mục II của Thông tư này. Nếu không đảm bảo đủ các điều kiện để thành lập lại thì phải chấm dứt hoạt động. Trường hợp có lý do chính đáng, Trung tâm chưa kịp thực hiện các thủ tục thành lập lại thì phải báo cáo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội để xem xét, giải quyết;
b. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động giới thiệu việc làm thì phải tiến hành các thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm theo quy định tại Mục III của Thông tư này. Nếu không đảm bảo đủ các điều kiện để xin cấp giấy phép thì phải chấm dứt hoạt động và thực hiện nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật.
5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo;
Bãi bỏ Thông tư số 08/LĐTBXH-TT ngày 10/3/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm theo Nghị định 72/CP ngày 31/10/1995 của Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.