THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Điều 1, Quyết định số 114/2001/QĐ-TTG ngày 31/7/2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 210/1999/QĐ-TTG ngày 27/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối ngoại với người Việt Nam ở nứơc ngoài
Ngày 31 tháng 7 năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 114/2001/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Quyết định) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 210/1999/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện Điều 1 Quyết định như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này được áp dụng cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam; người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài và thân nhân cùng đi (gồm vợ hoặc chồng, bố mẹ vợ hoặc chồng, con riêng của vợ hoặc chồng, con nuôi hợp pháp) có giấy xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài về mối quan hệ gia đình nói trên; người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước có xác nhận của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
2. Người gốc Việt Nam nêu tại Điểm 1 Mục I Thông tư này được hiểu là người hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam; người có cha đẻ, mẹ đẻ, hoặc ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam.
3. Thân nhân cùng đi (gồm vợ hoặc chồng, bố mẹ vợ hoặc chồng, con riêng của vợ hoặc chồng, con nuôi hợp pháp) là thân nhân của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam; hoặc người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài.
4. Người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước bao gồm:
- Người có thành tích đóng góp trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ tặng huân chương, huy chương, bằng khen; được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ chức Việt Nam hoặc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý ngành ở Trung ương tặng huy chương vì sự nghiệp của ngành đó; được phong học hàm, học vị về khoa học, giáo dục hoặc các danh hiệu cao quý khác của Việt Nam.
- Người được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, ban hành ngày 29/8/1994,
- Người được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Hội hoặc là nòng cốt trong các phong trào, tổ chức của kiều bào có quan hệ với trong nước thông qua Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài; người có những đóng góp và giúp đỡ tích cực cho các cơ quan đại diện hoặc các hoạt động đối ngoại của ta tại các nước.
- Người đang tham gia vào Ban chấp hành của các tổ chức chính trị, xã hội của Việt Nam như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam... từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
- Người được lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mời về làm chuyên gia, tư vấn, cộng tác viên khoa học.
5. Các đối tượng nêu tại điểm 1 (trừ đối tượng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam); 2; 3; 4 Mục I Thông tư này, nếu có các giấy tờ chứng minh "Người gốc Việt Nam", "Người có quan hệ với người Việt Nam ở nước ngoài", “Người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước” nêu tại Mục II và Mục IV Thông tư này, khi về nước, được hưởng giá các loại dịch vụ, giá vé đi lại trên các loại phương tiện giao thông vận tải như áp dụng đối với người Việt Nam ở trong nước.
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam; người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước nêu tại Điểm 4 Mục 1 Thông tư này được áp dụng mức thu các loại phí, lệ phí khác như người Việt Nam ở trong nước.
Người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước nêu trên được miễn lệ phí thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam.
6. "Giấy xác nhận người gốc Việt Nam", "Giấy xác nhận người có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài", "Giấy xác nhận ưu đãi" được Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cấp miễn phí cho người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ.
II. GIẤY TỜ CHỨNG MINH NGƯỜI GỐC VIỆT NAM,
NGƯỜI CÓ QUAN HỆ GIA ĐÌNH VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
1. Giấy tờ chứng minh người gốc Việt Nam, gồm một trong các giấy tờ sau:
1.1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hợp lệ do nước ngoài cấp có ghi tên họ Việt Nam và nơi sinh tại Việt Nam.
1.2. Một trong các giấy tờ hợp lệ (kể cả những giấy tờ cấp trước năm 1975) sau: "Giấy xác nhận người gốc Việt Nam" do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cấp (Mẫu quy định tại Phụ lục I và II kèm theo); "Giấy xác nhận có quan hệ huyết thống Việt Nam" do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cấp; giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam; giấy khai sinh; chứng minh thư nhân dân; thẻ căn cước; hộ chiếu cũ; sổ đăng ký hộ khẩu (hoặc sổ gia đình).
2. Giấy tờ chứng minh mối quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài:
2.1. Giấy tờ chứng minh mối quan hệ gia đình là vợ; chồng; con nuôi hợp pháp với người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước, gồm một trong các giấy tờ hợp lệ (kể cả những giấy tờ cấp trước năm 1975) sau:
- "Giấy xác nhận có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài" do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cấp (Mẫu quy định tại Phụ lục III và IV kèm theo).
- Nếu đối tượng là vợ hoặc chồng của người Việt Nam ở nước ngoài: giấy đăng ký kết hôn với người Việt Nam ở nước ngoài.
- Nếu đối tượng là con nuôi hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài: giấy xác nhận con nuôi hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài.
2.2. Giấy tờ chứng minh mối quan hệ gia đình là bố mẹ vợ hoặc chồng; con riêng của vợ hoặc chồng với người Việt Nam ở nước ngoài khi về nước, gồm một trong các giấy tờ hợp lệ (kể cả những giấy tờ cấp trước năm 1975) sau:
- "Giấy xác nhận có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài" do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cấp.
- Nếu đối tượng là bố mẹ vợ hoặc chồng người Việt Nam ở nước ngoài: Giấy kết hôn với người Việt Nam ở nước ngoài cùng với giấy khai sinh của vợ hoặc chồng của người Việt Nam ở nước ngoài.
- Nếu đối tượng là con riêng của vợ hoặc chồng người Việt Nam ở nước ngoài: Giấy kết hôn với người Việt Nam ở nước ngoài cùng với giấy khai sinh của người con riêng.
III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY XÁC NHẬN NGƯỜI
GỐC VIỆT NAM, NGƯỜI CÓ QUAN HỆ GIA ĐÌNH VỚI
NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cấp "Giấy xác nhận người gốc Việt Nam" cho các đối tượng nêu tại điểm 2 Mục I và "Giấy xác nhận người có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài" cho các đối tượng nêu tại Điểm 3 Mục I Thông tư này.
2. Cá nhân có nhu cầu xin cấp "giấy xác nhận người gốc Việt Nam" trực tiếp gửi bản khai xin xác nhận cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo), kèm theo bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ nêu tại Điểm 1 Mục II Thông tư này.
Trong trường hợp không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh người gốc Việt Nam nêu trong Thông tư, cá nhân trực tiếp gửi bản khai xin xác nhận nêu trên kèm theo bản sao hộ chiếu. Bản khai này phải được ít nhất hai công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có giấy tờ chứng minh là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam, làm chứng.
3. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam; người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài có nhu cầu xin cấp giấy xác nhận, trực tiếp gửi bản khai xin xác nhận người có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Mẫu quy định tại Phụ lục VI kèm theo), kèm theo bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ nêu tại Điểm 1 Mục II và giấy tờ chứng minh người có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài nêu tại Điểm 2 Mục II Thông tư này.
4. "Giấy xác nhận người gốc Việt Nam" có giá trị thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 3 năm.
"Giấy xác nhận người có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài" có giá trị trong 6 tháng kể từ ngày cấp và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 6 tháng.
5. Trong thời gian 5 ngày kể từ khi nhận được đề nghị của cá nhân nói trên, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài xem xét, cấp "Giấy xác nhận người gốc Việt Nam"; “Giấy xác nhận người có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài" hoặc gia hạn tiếp, đồng thời trả lời kết quả bằng văn bản cho cá nhân yêu cầu.
6. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động thông báo nội dung Quyết định của Thủ tướng và xem xét cấp "Giấy xác nhận người gốc Việt Nam", “Giấy xác nhận người có quan hệ gia đình với người Việt Nam ở nước ngoài" cho các cá nhân có nhu cầu.
Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài xem xét cấp "Giấy xác nhận người gốc Việt Nam", "Giấy xác nhận người có quan hệ gia đình với người gốc Việt Nam" cho các trường hợp đã về nước có nhu cầu nhưng chưa xin cấp giấy xác nhận tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.
IV. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY XÁC NHẬN ƯU ĐÃI
1. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài cấp "Giấy xác nhận ưu đãi" cho các đối tượng nêu tại Điểm 4 Mục I của Thông tư này (Mẫu quy định tại Phụ lục VII và VIII kèm theo).
2. Các Bộ, cơ quan quản lý ngành ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm định kỳ thông báo danh sách người gốc Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài nêu tại Điểm 4 Mục I Thông tư này cho Bộ Ngoại giao (Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài) đề nghị cấp "Giấy xác nhận ưu đãi" miễn lệ phí thị thực khi nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam và được hưởng giá các loại dịch vụ, giá vé đi lại trên các loại phương tiện giao thông vận tải, các loại phí và lệ phí khác như áp dụng đối với người Việt Nam ở trong nước.
3. Cá nhân có nhu cầu có thể trực tiếp gửi bản khai xin xác nhận cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Mẫu quy định tại Phụ lục IX kèm theo), kèm theo giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ chứng minh có nguồn gốc Việt Nam: Bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ nêu tại Điểm 1 Mục II Thông tư này.
b) Giấy tờ chứng minh là đối tượng được hưởng ưu đãi.
Bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ sau đây: Giấy chứng nhận huân chương, huy chương, bằng khen; giấy chứng nhận đương sự hoặc gia đình có công với cách mạng; giấy phép đầu tư; giấy xác nhận vốn góp; giấy mời của Bộ, ngành, tỉnh, thành phố chủ quản; quyết định hoặc văn bản có giá trị tương đương về việc phê duyệt đề án xây dựng các công trình phúc lợi xã hội; giấy xác nhận về các hoạt động từ thiện, nhân đạo phục vụ dân sinh.
4. Trong thời gian 5 ngày kể từ khi nhận được công văn hoặc đơn đề nghị của cá nhân nói trên, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài hoặc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét, cấp "Giấy xác nhận ưu đãi" hoặc gia hạn tiếp, đồng thời trả lời kết quả cho nơi yêu cầu.
5. "Giấy xác nhận ưu đãi" có giá trị thời hạn 3 năm kể từ ngày cấp và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần không quá 3 năm.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc, đề nghị các Bộ, cơ quan quản lý ngành ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phản ánh kịp thời về Bộ Ngoại giao để nghiên cứu giải quyết.