• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/12/2012
BỘ NỘI VỤ
Số: 1294/QĐ-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Trung Ương, ngày 3 tháng 12 năm 2012

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang

bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương”

____________________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị quyết s 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (gọi tắt là Chỉ số CCHC, tiếng Anh là PAR INDEX), với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi tắt là bộ), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là tỉnh) trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Xác định được các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC cấp bộ, cấp tỉnh theo đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của các bộ, các tỉnh;

- Xác định được thang điểm, phương pháp đánh giá cho các tiêu chí, tiêu chí thành phần, từ đó xác định được Chỉ số CCHC của từng bộ, từng tỉnh;

- Xây dựng được bộ câu hỏi điều tra xã hội học theo từng nhóm đối tượng điều tra, khảo sát;

- Hàng năm công bố Chỉ số CCHC của các bộ, các tỉnh.

2. Yêu cầu

- Chỉ số CCHC bám sát nội dung Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết số 30c/NQ-CP).

- Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế của các bộ, các tỉnh và đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai cải cách hành chính theo chu kỳ năm ở các bộ, các tỉnh.

- Tăng cường sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.

- Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất, từng bước ổn định trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới địa phương.

3. Phạm vi và đối tượng

- Phạm vi áp dụng là: Công tác theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

- Đối tượng áp dụng là: Các bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Văn phòng Chính phủ), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

II. CÁC LĨNH VỰC, TIÊU CHÍ, TIÊU CHÍ THÀNH PHN, THANG ĐIM VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ CỦA CHỈ S CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

1. Chỉ số CCHC cấp bộ

a) Các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần:

Chỉ số CCHC cấp bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần, cụ thể là:

- Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 6 tiêu chí và 18 tiêu chí thành phần;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi phản lý nhà nước của bộ: 6 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần;

- Cải cách thủ tục hành chính: 3 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần;

- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 5 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần;

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: 5 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần;

- Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: 3 tiêu chí và 6 tiêu chí thành phần;

- Hiện đại hóa hành chính: 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;

Các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC cấp bộ được quy định cụ thể tại Bảng 1 (kèm theo).

b) Thang điểm đánh giá:

- Thang điểm đánh giá là 100;

- Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 40/100;

Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, tiêu chí thành phần tại Bảng 1.

c) Phương pháp đánh giá:

- Tự đánh giá của các bộ: các bộ tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp bộ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Điểm các bộ tự đánh giá được thể hiện tại cột “Tự đánh giá” của Bảng 1;

- Đánh giá thông qua điều tra xã hội học: số tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá qua điều tra xã hội học là 24, được thể hiện tại cột “Ghi chú” và các dòng có chữ viết tắt “ĐTXHH” của Bảng 1. Việc điều tra xã hội học được tiến hành lấy ý kiến đánh gìá của các nhóm đối tượng khác nhau;

Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC cấp bộ.

- Điểm tự đánh giá của các bộ sẽ được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là điểm do Bộ Nội vụ thực hiện. Tổng hợp điểm qua điều tra xã hội học và điểm Bộ Nội vụ đánh giá là “Điểm đạt được” thể hiện tại các cột tương ứng của Bảng 1, là căn cứ để tính Chỉ số CCHC cho từng bộ. Chỉ số CCHC được xác định bằng tỉ lệ % giữa “Tổng điểm đạt được” và “Tổng điểm tối đa” (100 điểm). Ngoài Chỉ số CCHC của bộ được thể hiện ở dòng cuối cùng của Bảng 1 còn có các chỉ số theo lĩnh vực, tiêu chí.

2. Chỉ số CCHC cấp tỉnh

a) Các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần:

Chỉ số CCHC cấp tỉnh được xác định trên 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần, cụ thể là:

- Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 6 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần;

- Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh: 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần;

- Cải cách thủ tục hành chính: 2 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần;

- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: 5 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần;

- Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 6 tiêu chí và 20 tiêu chí thành phần;

- Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập: 5 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần;

- Hiện đại hóa hành chính: 3 tiêu chí và 13 tiêu chí thành phần;

- Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông: 4 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần;

Các lĩnh vực, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Bảng 2 (kèm theo).

b) Thang điểm đánh giá:

- Thang điểm đánh giá là 100;

- Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 38/100;

Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, tiêu chí thành phần tại Bảng 2.

c) Phương pháp đánh giá:

- Tự đánh giá của các tỉnh: các tỉnh tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Điểm các tỉnh tự đánh giá được thể hiện tại cột “Tự đánh giá” của Bảng 2;

- Đánh giá thông qua điều tra xã hội học: số tiêu chí, tiêu chí thành phần đánh giá qua điều tra xã hội học là 33, được thể hiện tại cột “Ghi chú” và các dòng có chữ viết tắt “ĐTXHH” của Bảng 2. Việc điều tra xã hội học được tiến hành lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng khác nhau;

Bộ câu hỏi điều tra xã hội học được xây dựng với số lượng, nội dung câu hỏi tương ứng với các tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số CCHC cấp tỉnh.

- Điểm tự đánh giá của các tỉnh sẽ được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là điểm do Bộ Nội vụ thực hiện. Tổng hợp điểm qua điều tra xã hội học và điểm Bộ Nội vụ đánh giá là “Điểm đạt được” thể hiện tại các cột tương ứng của Bảng 2, là căn cứ để tính Chỉ số CCHC cho từng tỉnh. Chỉ số CCHC được xác định bằng tỷ lệ % giữa “Tổng điểm đạt được” và “Tổng điểm tối đa” (100 điểm). Ngoài Chỉ số CCHC của tỉnh được thể hiện ở dòng cuối cùng của Bảng 2 còn có các chỉ số theo lĩnh vực, tiêu chí.

III. GIẢI PHÁP

1. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp đối với việc xác định Chỉ số CCHC

- Chỉ đạo việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính một cách nghiêm túc, có hiệu quả theo kế hoạch cải cách hành chính hàng năm.

- Chỉ đạo việc thực hiện công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính một cách thường xuyên, liên tục, bảo đảm trung thực, khách quan trong việc tổng hợp, thống kê, đánh giá, báo cáo các kết quả cải cách hành chính.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Chỉ số CCHC

Việc tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, nội dung của Chỉ số CCHC nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình theo dõi, đánh giá kết quả triển khai cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh. Các hình thức tuyên truyền là:

- Tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung và trách nhiệm triển khai Chỉ số CCHC;

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức cho người dân và xã hội về mục tiêu, ý nghĩa của Chỉ số CCHC;

- Các hình thức tuyên truyền khác: thông qua hội thảo; hội nghị công bố Chỉ số CCHC hàng năm.

3. Bố trí công chức thực hiện thường xuyên công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị hành chính

- Các bộ: phân công nhiệm vụ cho công chức chuyên trách cải cách hành chính thực hiện công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính của bộ. Các đơn vị thuộc bộ bố trí công chức theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính đối với các lĩnh vực cụ thể theo chức năng của đơn vị mình.

- Các bộ chủ trì các nội dung cải cách hành chính theo sự phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP tổng hợp tình hình, kết quả triển khai cải cách hành chính đối với lĩnh vực được giao phụ trách để hàng năm phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan trong việc thẩm định, đánh giá kết quả triển khai cải cách hành chính của các bộ, tỉnh.

- Các tỉnh: phân công nhiệm vụ cho công chức chuyên trách cải cách hành chính tại Sở Nội vụ, Phòng Nội vụ thực hiện công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính của tỉnh, của huyện. Đối với các sở, ban, ngành, các phòng chuyên môn khác tại cấp huyện có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho công chức thực hiện theo dõi, tổng hợp kết quả triển khai cải cách hành chính. Tại cấp xã phân công nhiệm vụ cho công chức thực hiện theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai cải cách hành chính của xã để báo cáo cấp huyện theo quy định.

4. Bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là công nghệ thông tin trong triển khai xác định Chỉ số CCHC để bảo đảm tính hệ thống trong công tác theo dõi, đánh giá của các cơ quan hành chính.

- Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu của Chỉ số CCHC.

- Bố trí đủ kinh phí cho việc thực hiện xác định Chỉ số CCHC.

IV. T CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

a) Bộ Nội vụ

- Vụ Cải cách hành chính:

+ Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, các tỉnh triển khai công việc xác định Chỉ số CCHC trong phạm vi trách nhiệm của bộ, tỉnh;

+ Hàng năm xây dựng kế hoạch kèm theo dự toán kinh phí triển khai xác định Chỉ số CCHC; chủ trì tổ chức thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt;

+ Tập huấn, bồi dưỡng cho công chức chuyên trách cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh về công tác theo dõi, đánh giá và xác định Chỉ số CCHC;

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền về Chỉ số CCHC trong kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính hàng năm;

+ Theo dõi, đôn đốc các bộ, các tỉnh triển khai kế hoạch xác định Chỉ số CCHC;

+ Xác định nhóm đối tượng, quy mô mẫu điều tra xã hội học;

+ Xây dựng bộ câu hỏi điều tra xã hội học và chủ trì tổ chức điều tra xã hội học;

+ Tổng hợp, xử lý số liệu để xác định Chỉ số CCHC và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả Chỉ số CCHC;

+ Trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Chỉ số CCHC hàng năm của các bộ, các tỉnh;

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức công bố Chỉ số CCHC hàng năm;

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát nội dung Chỉ số CCHC để trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.

- Vụ Kế hoạch - Tài chính:

Phối hợp với Vụ Cải cách hành chính lập dự toán kinh phí triển khai xác định Chỉ số CCHC để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Nội vụ và gửi Bộ Tài chính theo quy định.

- Các đơn vị khác thuộc Bộ:

Theo chức năng của đơn vị phối hợp với Vụ Cải cách hành chính thực hiện các nhiệm vụ trong triển khai xác định Chỉ số CCHC hàng năm.

b) Các bộ, các tỉnh

+ Triển khai công việc xác định Chỉ số CCHC trong phạm vi trách nhiệm của bộ, tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

+ Tổng hợp số liệu, xây dựng báo cáo xác định Chỉ số CCHC của bộ, tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

+ Phối hợp với Bộ Nộì vụ trong việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định Chỉ số CCHC của bộ, tỉnh.

+ Các Bộ: Tư pháp; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính đối với từng lĩnh vực cải cách theo phân công của Chính phủ.

+ Các bộ, các tỉnh căn cứ vào Chỉ số CCHC xây dựng và đưa vào triển khai Chỉ số CCHC áp dụng trong nội bộ của bộ, tỉnh phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính đối với các cơ quan, tổ chức trực thuộc phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, tỉnh để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính.

2. Tiến độ thực hiện

a) Giai đoạn 2013 - 2015:

- Triển khai thực hiện xác định Chỉ số CCHC hàng năm;

- Năm 2015, sơ kết việc triển khai xác định Chỉ số CCHC để điều chỉnh, bổ sung.

b) Giai đoạn 2016 - 2020:

- Tiếp tục triển khai thực hiện xác định Chỉ số CCHC;

- Nghiên cứu các giải pháp để triển khai áp dụng có hiệu quả trong việc xác định Chỉ số CCHC;

- Tổng kết việc triển khai xác định Chỉ số CCHC để đề xuất việc hoàn thiện.

3. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí triển khai xác định Chỉ số CCHC được đảm bảo bằng ngân sách nhà nước và các nguồn tài trợ hợp pháp khác (nếu có).

b) Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho triển khai xác định Chỉ số CCHC hàng năm thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 2. Sử dụng Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tiến hành theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2011 - 2020. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tiến Dĩnh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.