QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về chăm sóc,
hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV đến năm 2010
________________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDSở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Căn cứ Công văn số 6501/VPCP-VX ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ về việc trình duyệt Đề án phòng, chống HIV/AIDS;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam và Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam - Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV đến năm 2010 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu Chương trình hành động quốc gia về chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV đến năm 2010:
1.1. Mục tiêu chung:
Mở rộng và tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhằm kéo dài cuộc sống cho người nhiễm HIV, dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, góp phần khống chế số người nhiễm HIV ở mức dưới 0,3% dân số vào năm 2010 và không tăng hơn vào các năm sau.
1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:
a) Tăng 10% mỗi năm người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị theo hướng dẫn Bộ Y tế được tiếp cận với thuốc kháng HIV để đến năm 2010 có khoảng 70% người lớn và 100% trẻ em nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị được tiếp cận với thuốc kháng HIV, trên 90% bệnh nhân lao nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc kháng HIV;
b) Có ít nhất 50% cơ sở điều trị HIV/AIDS các tuyến được cung cấp đủ các trang thiết bị cơ bản để chẩn đoán, điều trị AIDS;
c) 70% số huyện trong cả nước có cơ sở đủ khả năng điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV;
d) Thuốc kháng HIV sản xuất trong nước có thể đáp ứng được 50% nhu cầu điều trị cho bệnh nhân AIDS;
đ)Nâng cao năng lực nhân viên y tế tham gia công tác chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
2. Các giải pháp thực hiện:
2.1. Giải pháp về xã hội:
a) Tăng cường sự ủng hộ, tham gia chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các Bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan;
b) Khuyến khích các tổ chức tôn giáo, các tổ chức xã hội, từ thiện, tổ chức phi Chính phủ, đặc biệt là bản thân người nhiễm HIV và gia đình họ tham gia vào hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS;
c) Tăng cường các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử trong các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS;
d) Từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
2.2.Giải pháp về kỹ thuật:
a) Xây dựng và củng cố mạng lưới chăm sóc, điều trị HIV/AIDS từ trung ương đến địa phương;
b) Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy trình kỹ thuật và cơ chế chuyển tiếp, chuyển tuyến phục vụ cho công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trên phạm vi cả nước;
c) Cung ứng trang thiết bị y tế cơ bản, sinh phẩm và thuốc kháng HIV và thuốc điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở có điều trị HIV/AIDS;
d) Phối hợp, lồng ghép chặt chẽ các hoạt động của các chương trình trong Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2010 với hoạt động của các chương trình y tế khác nhất là hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và lao trong các cơ sở chữa bệnh của các Bộ, ngành; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa hệ thống y tế nhà nước và tư nhân trong hoạt động chăm sóc và điều trị HIV/AIDS;
đ) Tăng cường hoạt động giám sát và quản lý, đánh giá hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS;
e) Triển khai các nghiên cứu khoa học phục vụ cho chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
2.3. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý và tăng cường nguồn lực:
a) Đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại các tuyến;
b) Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật của tuyến trên cho tuyến dưới trong công tác điều trị HIV/AIDS;
c) Hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, báo cáo và quản lý chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV;
d) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS;
đ) Huy động nguồn lực trong nước từ các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ để bảo đảm nguồn lực cho chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam chủ trì và phối hợp với Cục Quản lý Dược Việt Nam, Vụ Điều trị, Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, Viện Da liễu Quốc gia, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương và các cơ quan liên quan thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ thuộc Chính phủ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc lập kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động và theo dõi đánh giá chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về việc tổ chức triển khai chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV; chịu trách nhiệm hướng dẫn Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh hoặc Trung tâm Y tế dự phòng cấp tỉnh lập kế hoạch, tổ chức triển khai và theo dõi đánh giá các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV trên địa bàn.
3. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cấp tỉnh hoặc Trung tâm Y tế dự phòng cấp tỉnh dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm lập kế hoạch, tổ chức triển khaivà theo dõi đánh giá hoạt động chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV trên địa bàn phụ trách.
4. Trung tâm Y tế dự phòng quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan đến chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV tổ chức triển khai các hoạt động tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
5. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, gia đình và bản thân người nhiễm HIV tổ chức triển khai các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm HIV trên địa bàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các ông, bà Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng y tế các ngành và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.