THÔNG TƯ LIÊN BỘ
Quy định về việc quản lý cấp phát và sử dụng vốn trong công tác thiết kế điển hình
__________________________
Để tăng cường quản lý tài chính trong công tác thiết kế điển hình, nhằm bảo đảm vốn cho việc hoàn thành đồ án thiết kế điển hình đạt chất lượng tốt và đúng thời hạn, sớm đưa đồ án vào áp dụng rộng rãi, khuyến khích các tổ chức thiết kế tham gia nghiên cứu thiết kế điển hình góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các quy định được nêu trong "Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản" ban hành kèm theo nghị định số 232 - CP ngày 6/6/1981 của Hội đồng Chính phủ và nghị quyết số 51/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ban hành ngày 17/5/1983; Liên Bộ Tài chính - Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước ban hành thông tư quy định về việc quản lý, cấp phát và sử dụng vốn trong công tác thiết kế điển hình như sau:
I - QUY ĐỊNH CHUNG
1. Công tác thiết kế điển hình bao gồm việc lập và thẩm tra nhiệm vụ thiết kế điển hình; thiết kế thẩm tra các đồ án thiết kế điển hình; tổ chức quản lý, nghiên cứu, phổ biến sử dụng các đồ án này trong xây dựng cơ bản.
Đồ án thiết kế điển hình là tài sản của Nhà nước, được thiết kế một lần để áp dụng nhiều lần.
Các hoạt động thiết kế điển hình phải tuân theo trình tự thiết kế điển hình và được thực hiện theo kế hoạch Nhà nước.
2. Hàng năm ngân sách Nhà nước dành một khoản vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình. Việc cấp phát vốn tiến hành theo kế hoạch và dự toán chi phí được duyệt. Vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả và thu hồi dần mỗi khi thiết kế được sử dụng.
II - CHI PHÍ ĐẦU TƯ VÀ DỰ TOÁN ĐỒ ÁN THIẾT KẾ ĐIỂN HÌNH
3. Chi phí đầu tư cho một đồ án thiết kế điển hình bao gồm:
a) Chi phí lập và thẩm tra nhiệm vụ thiết kế điển hình; Chi phí lập và thẩm tra đề cương thiết kế thực nghiệm của đối tượng thiết kế điển hình cần thiết (nếu có).
b) Chi phí thiết kế và thẩm tra đồ án thiết kế điển hình; Chi phí tổ chức thực nghiệm các đối tượng thiết kế điển hình cầ thiết (nếu có).
c) Chi phí quản lý, giới thiệu, tuyên truyền việc sử dụng đồ án thiết kế điển hình:
- Chi phí quản lý hành chính
- Chi phí giới thiệu, tuyên truyền việc sử dụng đồ án thiết kế điển hình như in các Catalô, thông báo, tư liệu ...
4. Định mức các khoản chi phí trên được quy định như sau:
a) Chi phí lập nhiệm vụ thiết kế điển hình bằng 15% giá thiết kế điển hình hoặc bằng 22,5% giá thiết kế điển hình, nếu các đối tượng này chưa có tiêu chuẩn thiết kế. Đối với các đối tượng nhà và công trình có nhiều quy mô, quy mô lớn nhất được tính bằng 0,2 - 0,5 giá quy định.
b) Chi phí thiết kế điển hình và thẩm tra thiết kế điển hình được tính theo "Giá thiết kế công trình xây dựng cơ bản" (quyết định số 214/UBXD ngày 01/12/1982 của Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước).
Giá thiết kế điển hình các cấu kiện và chi tiết xây dựng và các đề mục không có trong quy định số 214/ UBXD sẽ do Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước quy định.
Đối với các đối tượng thiết kế theo xêri gồm nhiều kiểu, kiểu thứ nhất được tính theo giá quy định trên, từng kiểu sau được tính bằng 0,2 - 0,5 giá quy định.
c) Chi phí quản lý giới thiệu, tuyên truyền sử dụng đồ án thiết kế điển hình được lập dự toán chi tiết trong phạm vi khoảng 7% giá thiết kế điển hình.
g) Chi thưởng về trách nhiệm hoàn thành đồ án thiết kế điển hình bằng 5% giá thiết kế điển hình.
đ) Chi phí thực nghiệm được lập dự toán với từng trường hợp cụ thể (nếu có).
5. Dự toán đồ án thiết kế điển hình
Dự toán đồ án thiết kế điển hình là tổng hợp tất cả các chi phí đầu tư cho đồ án đó, dùng làm căn cứ để lập kế hoạch, thanh quyết toán và thẩm tra việc sử dụng vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình.
Cơ quan quản lý đồ án thiết kế điển hình có trách nhiệm lập dự toán đồ án thiết kế điển hình (biểu mẫu số 1), thành phần và định mức chi phí lập dự toán theo quy định ở điều 4 nói trên. Ngoài ra, trong dự toán, được ghi 1 khoản dự phòng bằng 5% giá thiết kế điển hình.
Dự toán đồ án thiết kế điển hình phải được cơ quan tài chính thẩm tra trước khi trình Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước hoặc người được Ủy quyền phê duyệt. Thời hạn thẩm tra không quá 30 ngày.
III - KẾ HOẠCH VỐN ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC THIẾT KẾ ĐIỂN HÌNH
6. Kế hoạch vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình là kế hoạch bảo đảm vốn để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch thiết kế điển hình được Nhà nước phê duyệt. Kế hoạch này được lập theo năm và quý cùng với kế hoạch thiết kế điển hình của Nhà nước. Cơ quan quản lý thiết kế điển hình (Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước) có trách nhiệm lập và bảo vệ kế hoạch vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình (biểu mẫu số 2a và 2b) với Bộ Tài chính.
Các căn cứ để lập kế hoạch này là:
- Kế hoạch thiết kế điển hình ;
- Tổng dự toán của các đồ án thiết kế điển hình;
- Tiến độ thanh toán vốn cho các đồ án thiết kế điển hình.
7. Thời gian lập kế hoạch và thông báo vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình quy định như sau:
- Kế hoạch năm: Cơ quan quản lý thiết kế điển hình (Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước) lập và gửi đến Bộ Tài chính theo trình tự lập và xét duyệt kế hoạch thiết kế điển hình hiện hành.
- Kế hoạch quý: Cơ quan quản lý thiết kế điển hình (Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước) lập và gửi đến Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng cuối quý trước.
Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo mức vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình (nếu có) theo thời hạn lập và điều chỉnh kế hoạch ngân sách Nhà nước.
IV - CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ CHO CÔNG TÁC THIẾT KẾ ĐIỂN HÌNH
8. Căn cứ vào kế hoạch vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình năm và quý, hàng quý, Bộ Tài chính có trách nhiệm cấp vốn đầy đủ và kịp thời cho cơ quan quản lý thiết kế điển hình.
Vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình được thực hiện theo chế độ cấp phát hạn mức.
Hạn mức kinh phí được cấp 1 lần vào 10 ngày cuối của quý trước.
Trường hợp hạn mức của quý trước sử dụng không đủ, không hết hoặc chưa sử dụng, Bộ Tài chính cùng với cơ quan quản lý thiết kế điển hình xem xét, điều chỉnh mức cấp phát quý sau cho hợp lý.
9. Cơ quan quản lý thiết kế điển hình có trách nhiệm thanh toán các hợp đồng giao nhận thiết kế điển hình theo chế độ hợp đồng kinh tế hiện hành và dự toán được duyệt. Hợp đồng phải ký riêng cho từng đề mục thiết kế điển hình.
Các giai đoạn thanh toán quy định như sau:
- Hoàn thành giao nộp nhiệm vụ thiết kế điển hình;
- Hoàn thành giao nộp thiết kế kỹ thuật;
- Hoàn thành giao nộp thiết kế bản vẽ thi công từng kiểu;
- Hoàn thành giao nộp toàn bộ thiết kế bản vẽ thi công các kiểu ghi trong hợp đồng.
Trường hợp thời hạn thiết kế không quá 1 năm, thanh toán theo 2 giai đoạn:
- Hoàn thành giao nộp nhiệm vụ thiết kế điển hình;
- Hoàn thành giao nộp toàn bộ thiết kế bản vẽ thi công.
Cơ quan quản lý thiết kế điển hình chỉ thanh toán cho các hợp đồng trong phạm vi dự án dồ án thiết kế điển hình và kế hoạch thiết kế điển hình được duyệt.
10. Để tạo điều kiện thực hiện hợp đồng, theo yêu cầu của đơn vị nhận thầu, cơ quan quản lý thiết kế điển hình có thể tạm ứng trước không quá 20% dự toán đồ án thiết kế điển hình. Khoản tạm ứng này phải được khấu trừ hết khi thanh toán 2 giai đoạn giao nộp hồ sơ đầu tiên.
11. Cơ quan quản lý thiết kế điển hình có trách nhiệm quyết toán vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình với Bộ Tài chính. Đơn vị nhận thầu thiết kế điển hình phải quyết toán với cơ quan quản lý thiết kế điển hình vốn đầu tư đã được thanh toán và tạm ứng.
Bản quyết toán kinh phí năm, quý (biểu mẫu số 3) được gửi đến Bộ Tài chính theo các quy định về chế độ kế toán hiện hành. Bản quyết toán toàn bộ vốn đầu tư cho đồ án thiết kế điển hình đã hoàn thành (biểu mẫu số 4) được gửi đến Bộ Tài chính chậm nhất 30 ngày sau khi giao nộp toàn bộ đồ án thiết kế.
Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thiết kế điển hình kiểm tra, xem xét bản quyết toán vốn đầu tư đồ án thiết kế điển hình trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản quyết toán đó.
12. Đồ án thiết kế điển hình được coi là tài sản cố định. Cơ quan quản lý đồ án thiết kế điển hình căn cứ vào quyết toán vốn đầu tư cho đồ án thiết kế điển hình, có trách nhiệm mở sổ theo dõi theo chế độ quản lý tài sản cố định, tổ chức quản lý, theo dõi việc sử dụng đồ án đó để thu hồi vốn cho Nhà nước.
V - QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐỒ ÁN THIẾT KẾ ĐIỂN HÌNH
13. Cơ quan quản lý thiết kế điển hình có trách nhiệm tổ chức bảo quản và sớm đưa đồ án vào sử dụng.
14. Các đơn vị sử dụng thiết kế điển hình có trách nhiệm thanh toán với cơ quan quản lý thiết kế điển hình theo giá quy định.
Giá bán từng đồ án thiết kế điển hình do cơ quan quản lý thiết kế điển hình quy định sau khi có ý kiến nhất trí của Bộ Tài chính.
15. Tiền thu được do bán đồ án thiết kế điển hình được phân phối như sau:
- 90% nộp ngân sách Nhà nước;
- 10% dành cho cơ quan quản lý dồ án thiết kế điển hình, trong đó có 8% sử dụng vào việc in và bảo quản đồ án, tổ chức phân phối tới đơn vị sử dụng, 2% thưởng.
16. Đối với những đồ án thiết kế điển hình không còn giá trị lưu hành, sau thời hạn 5 năm, cơ quan quản lý đồ án thiết kế điển hình được phép làm thủ tục thanh lý theo chế độ thanh lý tài sản cố định hiện hành; sau khi đã thỏa thuận với cơ quan tài chính cấp vốn.
VI - THƯỞNG, PHẠT DỐI VỚI CÔNG TÁC THIẾT KẾ ĐIỂN HÌNH
17. Để khuyến khích các đơn vị giao nhận thầu, quản lý và sử dụng đồ án thiết kế điển hình, đề cao trách nhiệm vật chất, bảo đảm các chất lượng đồ án và sớm đưa đồ án vào sử dụng, quy định các hình thức thưởng phạt như sau:
1) Thưởng, phạt về trách nhiệm hoàn thành hợp đồng thiết kế điển hình.
2) Thưởng về tuyên truyền sử dụng đồ án thiết kế điển hình.
3) Thưởng về áp dụng đồ án thiết kế điển hình.
Các quy định về thưởng, phạt nói trong thông tư này được áp dụng đồng thời với các chế độ thưởng, phạt hiện hành của Nhà nước trong xây dựng cơ bản và trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
18. Tiêu chuẩn xét thưởng:
a) Thưởng về trách nhiệm hoàn thành hợp đồng thiết kế điển hình:
- Hồ sơ thiết kế điển hình giao nộp đúng hạn và đồng bộ. Nếu chất lượng các mức rất tốt - tốt - khá (theo quy dịnh của Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước ) thì được thưởng 100%, 80% và 50% tương ứng với các mức trên (giá trị nói ở điều 19a).
Trong trường hợp hồ sơ giao nộp chậm không quá 10 ngày, và chất lượng đạt mức thưởng thì thưởng giảm 1 cấp, cụ thể là: rất tốt thưởng 80%, tốt thưởng 50%, khá không thưởng.
b) Khi cơ quan quản lý dồ án thiết kế điển hình bán được các bản in đồ án thiết kế điển hình thì được thưởng về tuyên truyền sử dụng đồ án thiết kế điển hình.
c) Khi chủ đầu tư áp dụng dồ án thiết kế điển hình vào các dự án đầu tư được khởi công tại các địa điểm cụ thể theo kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước thì được thưởng về áp dụng đồ án thiết kế điển hình.
19. a) Mức hưởng về trách nhiệm hoàn thành hợp đồng thiết kế điển hình (nói ở điều 18 trên), không quá 4% giá thiết kế điển hình cho đơn vị nhận thầu, không quá 1% giá thiết kế điển hình cho đơn vị giao thầu.
b) Mức thưởng về tuyên truyền sử dụng đồ án thiết kế điển hình cho các đơn vị quản lý đồ án thiết kế điển hình không quá 2% tiền thu được do bán các bản in đồ án thiết kế điển hình.
20. Thể thức xét thưởng;
Căn cứ vào điều 18 và 19, sau khi đã trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính, cơ quan quản lý thiết kế điển hình có trách nhiệm dự thảo quyết định thưởng và trình Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước phê duyệt.
21. a) Trường hợp kéo dài thời gian giao nộp hoặc thời gian tổ chức thẩm tra xét duyệt hồ sơ thiết kế điển hình quá 30 ngày theo quy định trong hợp đồng, bên phạm lỗi phải nộp phạt cho bên bị vi phạm. Mức phạt là 2% giá thiết kế nếu bên phạm lỗi là đơn vị nhận thầu, 0,5% giá thiết kế nếu bên phạm lỗi là đơn vị giao thầu.
Căn cứ xét phạt là biên bản vi phạm do hai bên lập và các hợp đồng có liên quan.
Trong trường hợp bên phạm lỗi từ chối ký biên bản thì biên bản vẫn có giá trị thi hành. Đồng thời, bên phạm lỗi có quyền khiếu nại lên trọng tài kinh tế để xét xử.
b) Trường hợp đồ án thiết kế điển hình không được đưa vào sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày nghiệm thu, thì cơ quan quản lý thiết kế điển hình phải chịu phạt bằng 0,5 % giá thiết kế điển hình đồ án đó.
Căn cứ xét phạt là biên bản thống nhất giữa cơ quan quản lý thiết kế điển hình và cơ quan tài chính đồng cấp. Số tiền phạt này được trích nộp vào ngân sách Nhà nước.
22. a) Nguồn tiền thưởng cho đơn vị giao thầu về trách nhiệm hoàn thành thiết kế được lấy từ vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình và được ghi thành khoản riêng trong dự toán đồ án thiết kế điển hình.
Đối với các đơn vị nhận thầu, nguồn tiền phạt được trích từ quỹ tiền thưởng của đơn vị. Đối với đơn vị giao thầu, nguồn tiền phạt được trích từ quỹ tiền thưởng của đơn vị. Nếu quỹ tiền thưởng không đủ, nguồn tiền phạt được trích từ vốn đầu tư cho công tác thiết kế điển hình sau khi đã báo cáo lên cấp trên cho phép.
b) Nguồn tiền thưởng cho cơ quan quản lý đồ án thiết kế điển hình về tuyên truyền sử dụng đồ án thiết kế điển hình trích từ tiền thu được do bán bản in đồ án.
c) Nguồn tiền thưởng cho chủ đầu tư (nói trong điều 19c) được trích từ chi phí thiết kế công trình đầu tư sử dụng thiết kế điển hình.
VII - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.
Những trường hợp giao nhận thiết kế điển hình đang thực hiện cần được các bên liên quan điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với những quy định trong thông tư này.
Trong quá trình áp dụng, nếu gặp vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời cho Liên Bộ biết để nghiên cứu giải quyết.