CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc ban hành các văn bản hướng dẫn và phát triển
một số công việc thực hiện Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao
Quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (KCN) đã được ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 24 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ. Nhằm bảo đảm thi hành Quy chế này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ như sau:
1. Căn cứ vào nội dung của quy chế này các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành theo sự phân công sau:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các điều kiện về hình thành KCN; hưứng dẫn lập mẫu hồ sơ dự án thành lập KCN, Công ty phát triển hạ tầng KCN, doanh nghiệp KCN; mẫu giấy phép đầu tư của các dự án đầu tư nước ngoài vào KCN và điều lệ mẫu về quản lý KCN.
b) Bộ Xây dựng ban hành văn bản quy định về thẩm định thiết kế kỹ thuật các dự án nhóm B đối với đầu tư nước ngoài, dự án nhóm B và C đối với đầu tư trong nước và Điều lệ mẫu về quản lý xây dựng KCN.
c) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Việt Nam ban hành quy định danh mục ngành nghề công nghiệp được khuyến khích, hạn chế hoặc cấm đầu tư vào KCN trong từng thời kỳ phù hợp với sự phát triển công nghiệp và đặc điểm của từng KCN.
d) Bộ khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành văn bản quy định danh mục ngành nghề công nghiệp và công nghệ ưu tiên đầu tư vào khu công nghệ cao.
e) Bộ Thương mại ban hành văn bản uỷ quyền cho các ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh xét duyệt kế hoạch xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp KCN
g) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam ban hành văn bản quy định chung về chế độ tiền lương của công chức, viên chức; tổ chức bộ máy, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; thủ tục xét duyệt biên chế hàng năm của Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh.
h) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại ban hành văn bản xác định danh mục sản phẩm công nghệp được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam cho từng KCN trong từng thời kỳ phù hợp với tình hình phát triển sản xuất vào thị trường trong nước.
i) Bộ khoa học, Công nghệ và môi trường phối hợp với các Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật ban hành văn bản quy định về nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng.
k) Tổng cục địa chính ban hành văn bản quy định thủ tục đăng ký và cấp giấy đăng ký thuê lại đất trong KCN giữa doanh nghiệp khu công nghiệp và công ty phát triển hạ tầng KCN.
l) Tổng cục Hải quan ban hành văn bản quy định thủ tục hải quan đơn giản, thuận tiện đối với việc mua nguyên liệu, vật tư, hàng hoá từ thị trường nội địa vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và việc tiêu thụ phế liệu, phế phẩm còn giá trị thương mại của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất vào thị trường nội địa.
2. Các cơ quan xác định phạm vi uỷ quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KCN trong phạm vi quyền hạn của mình; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xem xét, uỷ quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh cấp giấy chứng chỉ xuất xứ hàng hoá cho các doanh nghiệp KCN.
3. Các cơ quan chuyên ngành thương mại, tài chính, hải quan, công an và các chuyên ngành cần thiết khác đặt cơ quan đại diện đủ thẩm quyền giải quyết trực tiếp công việc tại từng KCN hoặc từng cụm KCN (trong trường hợp chưa thực hiện việc uỷ quyền cho Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ của chuyên ngành đó, kể cả việc cấp giấy chứng chỉ xuất xứ hàng hoá).
Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nghị định ban hành Quy chế KCN có hiệu lực, các cơ quan nêu trên phải hoàn thành công việc nêu tại mục 1 của Chỉ thị này.
Giao Ban quản lý các khu công nghiệp Việt Nam theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn và các nội dung quy định tại mục 2 và 3 của Chỉ thị này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.