• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 20/12/2021
BỘ NỘI VỤ
Số: 02/2009/TT-BNV
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2009

THÔNG TƯ

Hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường

_______________________

Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

Bộ Nội vụ hướng dẫn việc triển khai thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường như sau:

Điều 1. Tổ chức chỉ đạo thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường

1. Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường (sau đây gọi chung là nơi thực hiện thí điểm) có thể thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ở địa phương.

a) Trường hợp thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Ban Chỉ đạo tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trên địa bàn;

b) Trường hợp không thành lập Ban Chỉ đạo thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu giúp Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy phân công cụ thể cơ quan, người có thẩm quyền ở địa phương tổ chức thực hiện công tác thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo với Chính phủ (thông qua Bộ Nội vụ) danh sách thường trực Ban Chỉ đạo hoặc cơ quan thường trực trong chỉ đạo công tác thí điểm ở địa phương, kèm theo chức vụ, địa chỉ công tác, số điện thoại, số FAX cụ thể của thành viên, cơ quan thường trực chỉ đạo, tổ chức thực hiện thí điểm tại địa phương.

Điều 2. Tổ chức tập huấn và tuyên truyền việc thực hiện thí điểm

1. Tổ chức tập huấn việc thực hiện thí điểm

Ban Chỉ đạo của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy căn cứ vào kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tập huấn các văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Bộ, ngành trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo và quy định việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

2. Tổ chức công tác tuyên truyền việc thực hiện thí điểm.

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, công chức và nhân dân về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

b) Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của các địa phương, Ủy ban nhân dân các cấp nơi thực hiện thí điểm tổ chức tuyên truyền thông qua việc chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông ở địa phương tuyên truyền công tác triển khai thực hiện thí điểm; biên soạn các tài liệu tuyên truyền để đưa thông tin về các nội dung thực hiện thí điểm đến các tầng lớp nhân dân địa phương, chú trọng những nơi trực tiếp thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; tổ chức giới thiệu những nội dung cơ bản các văn bản của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ, ngành trung ương.

c) Thời gian tổ chức công tác tuyên truyền thực hiện thí điểm bắt đầu từ giai đoạn triển khai thực hiện và tiến hành trong suốt quá trình thí điểm ở địa phương.

Điều 3. Thực hiện kết thúc nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại nơi thực hiện thí điểm.

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện kết thúc nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại nơi thực hiện thí điểm và hướng dẫn tổ chức kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ hoạt động 2004-2009 của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

2. Nội dung tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tập trung vào việc đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân; kết quả việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân; những ưu điểm, các hạn chế, tồn tại trong tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân và các kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ qua nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Điều 4. Thực hiện việc bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường tại nơi thực hiện thí điểm

1. Quy trình, thủ tục bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị quyết số 725/2009/QH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thông tư số 01/2009/TT-BNV ngày 19 tháng 3 năm 2009 của Bộ Nội vụ hướng dẫn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân;

2. Việc bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường có thể thực hiện đối với những người đang đảm nhiệm các chức vụ đó nếu vẫn đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn đối với chức danh bổ nhiệm;

3. Thực hiện bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường trước khi bổ nhiệm Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân. Đối với các thành phố trực thuộc trung ương, thực hiện bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận trước khi tiến hành bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân phường;

4. Thời gian tiến hành bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường thực hiện ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng nhân dân huyện, quận phường nơi thực hiện thí điểm và chậm nhất trước ngày 25 tháng 5 năm 2009.

Điều 5. Chế độ, chính sách đối với cán bộ trong quá trình thực hiện thí điểm

1. Các đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường nhiệm kỳ 2004 – 2009 tại nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân kết thúc nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân ở các đơn vị đó kể từ ngày 25 tháng 4 năm 2009;

Chế độ, chính sách đối với các đại biểu Hội đồng nhân dân khi hết nhiệm kỳ hoạt động theo quy định tại Nghị quyết 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và các văn bản hiện hành quy định chế độ, chính sách đối với đại biểu Hội đồng nhân dân;

2. Người giữ các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân huyện, quận; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2004 – 2009 được xem xét, bố trí vị trí công tác phù hợp, có xem xét đến việc bổ nhiệm vào các chức danh của Ủy ban nhân dân cùng cấp;

3. Trường hợp người giữ các chức danh quy định tại khoản 2 Điều này được bổ nhiệm giữ chức lãnh đạo khác, nếu có mức phụ cấp chức vụ mới thấp hơn mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày được bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo mới; từ tháng 7 trở đi hưởng mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo mới;

4. Trường hợp người giữ các chức danh quy định tại khoản 2 Điều này thôi giữ chức danh lãnh đạo, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Nếu thôi giữ chức danh để nghỉ hưu theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng;

5. Việc xếp lương khi được bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường và khi thôi giữ các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường nơi thực hiện thí điểm theo quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10 tháng 8 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu giúp Ban Chỉ đạo hoặc Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tổ chức sơ kết việc thí điểm đối với các đơn vị huyện, quận, phường nơi thực hiện thí điểm;

b) Nội dung sơ kết việc thực hiện thí điểm tập trung đánh giá quá trình triển khai thực hiện, kết quả các bước triển khai thực hiện và các nội dung đã thực hiện; những ưu điểm và hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện việc thí điểm; kết quả việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi tiến hành thí điểm; các đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương sau giai đoạn triển khai thực hiện bước đầu và sau khi sơ kết việc thực hiện thí điểm;

c) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu giúp Ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy hoặc Ban Chỉ đạo tổ chức sơ kết và xây dựng báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân trên địa bàn được gửi đến Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ (thông qua Bộ Nội vụ);

d) Việc tổng kết quá trình thực hiện thí điểm tại các địa phương theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương.

2. Chế độ thông tin báo cáo

a) Ủy ban nhân dân các cấp nơi thực hiện thí điểm thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên theo tiến độ về tình hình chuẩn bị, triển khai và tổ chức thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trên địa bàn lên Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ (thông qua Bộ Nội vụ) theo tiến độ từng giai đoạn thực hiện công tác thí điểm;

c) Định kỳ sáu tháng và hàng năm, Ủy ban nhân dân các cấp nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thực hiện chế độ thông tin báo cáo.

3. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí phục vụ cho công tác thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thực hiện theo quy định tại khoản 4, phần III của Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ban hành kèm theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo quy định về sử dụng ngân sách nhà nước hiện hành;

b) Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện thí điểm phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định kinh phí thực hiện công tác thí điểm.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2009.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần phản ánh kịp thời về Bộ Nội vụ nghiên cứu giải quyết.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.