• Hiệu lực: Ngưng hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 13/08/1964
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Số: 114-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 1964

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 114/CP NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 1964
VỀ VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ, ĐẤT Ở CÁC THÀNH PHỐ
VÀ THỊ XÃ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 

Để tăng cường việc quản lý nhà, đất ở các thành phố, thị xã, để việc sử dụng nhà, đất được hợp lý, đưa việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa vào kế hoạch, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà làm việc của các cơ quan Nhà nước, nhà ở của công nhân, viên chức và nhân dân.

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 8 tháng 5 năm 1964.

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1: Những nhà, đất ở các thành phố, thị xã đều được Nhà nước thống nhất quản lý theo những chính sách, chế độ, thể lệ do Hội đồng Chính phủ ban hành.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn và giám sát việc thi hành các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

Điều 2: Các loại nhà, đất dưới đây sẽ giao Bộ Nội vụ quản lý việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh, cho thuê, bảo quản, sửa chữa:

A - CÁC LOẠI NHÀ:

 

1. Những nhà dùng để làm việc hành chính, những nhà ở, nhà phúc lợi tập thể, bất cứ là do Nhà nước xây dựng, do các xí nghiệp dùng quỹ phúc lợi đầu tư xây dựng chung với Nhà nước, do Nhà nước tịch thu theo pháp luật hoặc do những người tư sản đưa vào công tư hợp doanh.

2. Những nhà cho thuê của tư nhân thuộc diện cải tạo đã giao cho Nhà nước quản lý

3. Những nhà vắng chủ.

B - CÁC LOẠI ĐẤT:

 

1. Những đất công, đất sa bồi, đất bỏ hoang, đất không có chủ.

2. Những đất cho thuê của tư nhân đã giao Nhà nước quản lý .

3. Những đất vắng chủ.

Điều 3: Các loại nhà dưới đây sẽ giao cho các Bộ, các ngành quản lý như sau:

1. Những nhà dùng vào công tác chuyên môn khoa học, y tế, văn hoá, giáo dục như Viện nghiên cứu, bệnh viện, nhà an dưỡng, trường học... nếu là thuộc các ngành ở Trung ương thì do các ngành ấy quản lý việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh trong nội bộ theo các chế độ chung của Chính phủ quy định; nếu là thuộc các ngành chuyên môn ở địa phương thì tuỳ theo sự cần thiết, Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố có thể hoặc tự mình quản lý về mọi mặt hoặc giao cho các ngành chuyên môn ở địa phương quản lý việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh trong nội bộ theo các chế độ chung của Chính phủ quy định.

2. Những nhà dùng vào công việc sản xuất, kinh doanh như nhà máy, kho tàng, cửa hàng, khách sạn, rạp chiếu bóng... thuộc ngành nào thì do ngành ấy quản lý về mọi mặt theo các chế độ chung của Chính phủ quy định.

3. Những doanh trại quân đội, những nhà làm việc của các cơ quan quốc phòng và những nhà ở do Bộ quốc phòng tự xây dựng lấy, do Bộ quốc phòng quản lý về mọi mặt theo các chế độ chung của Chính phủ quy định.

4. Những doanh trại của lực lưọng Công an nhân dân vũ trang do Bộ Công an quản lý về mọi mặt và theo các chế độ chung của Chính phủ quy định.

 

Điều 4: Tất cả những loại nhà nói ở Điều 3 khi không còn sử dụng vào những việc như trên thì sẽ giao Bộ Nội vụ quản lý nếu là nhà thuộc các ngành ở Trung ương hoặc giao Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố quản lý nếu là nhà thuộc các ngành ở địa phương.

Điều 5: Tất cả những nhà, đất của tư nhân ở các thành phố, thị xã đều phải được đăng ký và chịu sự giám sát của Nhà nước về việc cho thuê, sửa chữa, chuyển dịch quyền sở hữu.

Điều 6: Nay thành lập Cục quản lý nhà, đất thuộc Bộ Nội vụ. Cục quản lý nhà, đất có nhiệm vụ giúp ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ:

1. Nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý nhà, đất, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ ấy.

2. Nắm tình hình chung các loại nhà, đất, góp ý kiến với các ngành ở Trung ương, các Uỷ ban hành chính địa phương và Uỷ ban kế hoạch Nhà nước trong việc lập kế hoạch xây dựng mới và sửa chữa những nhà dùng để ở, để làm việc hành chính hay sự nghiệp và những nhà phúc lợi tập thể; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ấy.

3. Quyết định việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh những nhà dùng để làm việc hành chính, nhà ở và nhà phúc lợi tập thể của các cơ quan, đoàn thể trung ương đóng tại Hà Nội, xét duyệt kế hoạch sửa chữa những nhà ấy và những nhà của các cơ quan, đoàn thể Trung ương dùng vào công tác chuyên môn khoa học nói ở điểm 1, Điều 3 trên.

4. Quản lý việc cho thuê và sửa chữa những nhà dùng cho các cơ quan thuộc Đoàn ngoại giao và các cơ quan đại diện kinh tế, văn hoá của nước ngoài.

Điều 7: Dưới sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Lãnh đạo việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý nhà, đất ở địa phương mình.

2. Nắm tình hình chung các loại nhà, đất, lập kế hoạch xây dựng nhà mới, sửa chữa nhà cũ ở địa phương mình.

3. Quyết định việc sử dụng, phân phối, điều chỉnh và xét duyệt kế hoạch sửa chữa các loại nhà nói ở Điều 2 trên; quyết định việc sử dụng và phân phối các loại đất nói ở Điều 2 trên.

4. Quản lý việc cho thuê nhà của Nhà nước, giám sát việc cho thuê nhà của tư nhân.

5. Tổ chức việc đăng ký, lập hồ sơ các loại nhà, đất.

Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể uỷ nhiệm cho Uỷ ban hành chính thành phố trực thuộc tỉnh, Uỷ ban hành chính thị xã, khu phố chấp hành một số nhiệm vụ nói trên theo sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Điều 8: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, khu phố, tuỳ theo tình hình, Uỷ ban hành chính có thể tổ chức Phòng hoặc bộ phận chuyên trách để giúp mình trong việc quản lý nhà, đất, theo sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Điều 9: Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Phạm Hùng

(Đã ký)

 

Chủ nhiệm

(Đã ký)

 

Phạm Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.