THÔNG TƯ
CỦA BAN CẢI TẠO CTN TƯ DOANH SỐ 110/BCT
NGÀY 26 THÁNG 5 NĂM 1961 TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ
VẤN ĐỀ THUỘC VỀ CHÍNH SÁCH CỤ THỂ TRONG CẢI TẠO
VÀ QUẢN LÝ THỐNG NHẤT NHÀ, ĐẤT HIỆN NAY
Trong công tác quản lý thống nhất nhà cho thuê của tư nhân ở các thành phố và thị xã, có một số vấn đề thuộc về chính sách cụ thể, các địa phương có yêu cầu giải quyết, chúng tôi ban hành Thông tư này nhằm nêu một số ý kiến để các địa phương nghiên cứu thi hành.
1. Vấn đề diện tích vận động chủ nhà cho thuê sau cải tạo:
- Chủ nhà ngoài khởi điểm cải tạo mà có diện tích để ở quá rộng, thi hành đúng Điều 5 của Thông tư số 61/TTg ngày17 -2 1961 của Hội đồng Chính phủ, lấy công tác vận động thuyết phục chủ nhà làm chính. Khi quá cần thiết cho nhu cầu của Nhà nước thì Uỷ ban hành chính thành phố, khu, tỉnh mới dùng đến biện pháp trưng thuê. Những diện tích mới vận động chủ nhà cho thuê sau cải tạo (tức là sau ngày kết thúc cải tạo nhà cửa ở địa phương đó) vẫn phải áp dụng đúng các điều quy định trong Nghị định số 20/CP và điều lệ tạm thời quy định về trách nhiệm của chủ nhà và người thuê nhà. Song ta không tính gộp diện tích cho thuê cũ (trước thời kỳ cải tạo) với diện tích mới vận động cho thuê sau cải tạo để tính khởi điểm cải tạo hoặc quy định đối tượng cải tạo.
- Chủ nhà trước cải tạo có nhà chỉ dùng để ở không cho thuê, nhưng sau cải tạo do ta vận động hoặc do bạn bè thân thuộc của họ thương lượng với nhau nhường ra một số buồng để người khác thuê ở, thì ta không ràng buộc họ phải thi hành tất cả các điều khoản trong điều lệ tạm thời mà Nhà nước chỉ "yêu cầu người cho thuê nhà chấp hành đúng các Điều 2, 4, 12 và người thuê nhà chấp hành đúng các Điều 5, 11, 17 của điều lệ", thuê mượn như Nghị định số 20/CP ngày 29 -6 -1960 đã nói rõ ở Điều 11. Dù diện tích vận động họ nhường ra nhiều, ta cũng không coi họ là đối tượng cải tạo hoặc tính khởi điểm cải tạo.
2. Vấn đề diện tích để lại ở cho chủ nhà, và tỷ lệ tiền thuê trả cho chủ nhà:
- Diện tích để lại ở cho chủ nhà sau cải tạo, cần xem là số diện tích hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và sử dụng của họ không phải trả tiền thuê. Vì vậy nếu xét thuận tiện và cần thiết đối với những chủ nhà nào hiện nay đang ở, những diện tích của những chủ nhà dưới diện cải tạo, thì cơ quan quản lý nhà, đất cần tìm cách chuyển họ về ở trong những diện tích nhà do Nhà nước trực tiếp quản lý , nhưng tránh gò bó và gây thêm tình hình phức tạp không cần thiết. Đồng thời Uỷ ban hành chính địa phương cần làm thủ tục về mặt pháp lý để họ được an tâm sử dụng diện tích đó. Nếu sau này họ không ở diện tích đó nữa, mà có lý do chính đáng như: chuyển về nông thôn sản xuất, hoặc già cả đến ở chung với con cái... thì họ được quyền bán hay chuyển nhường cho một người khác sau khi được cơ quan quản lý nhà, đất cho phép đăng ký.
3. Vấn đề mua bán nhà sau cải tạo:
Trong cải tạo, ta tạm thời đình chỉ việc mua bán nhà là cần thiết, vì lúc đó chủ nhà dùng thủ đoạn bán nhà để chạy chính sách. Đến nay có những nơi đã cải tạo xong, tình hình đã bắt đầu trở lại ổn định. Chủ trương của ta như sau:
- Đối với phần diện tích để lại ở cho chủ nhà thuộc diện cải tạo thì việc mua bán giải quyết như Điều 2 nói trên.
- Đối với chủ nhà ngoài diện cải tạo, nếu muốn bán diện tích nhà có người thuê đang ở, thì người bán cũng như người mua phải đảm bảo lợi ích cư trú của người thuê nhà, không đựoc gây một khó khăn nào cho người đang thuê nhà,và việc mua bán đó đều phải được phép đăng ký của cơ quan quản lý nhà, đất khu, thành phố, tỉnh mới có giá trị.
- Đối với người mua nhà cần giáo dục họ không nên mua lén lút. Hiện nay có hiện tượng muốn bán cho Việt kiều mới về. Cơ quan quản lý nhà, đất cần tích cực giúp đỡ Việt kiều giải quyết mọi trường hợp cụ thể, tránh do chưa hiểu tình hình mà có thể có gặp khó khăn .
4. Vấn đề xin giao nhà cho thuê qua Nhà nước quản lý :
- Sau cải tạo, có một số chủ nhà dưới diện cải tạo thuộc các tầng lớp: cán bộ, công nhân viên (ngoài Đảng) đoàn viên thanh niên lao động, công đoàn, hội viên tốt trong các đoàn thể yêu nước, và một số công dân tốt thuộc thành phần lao động, thiết tha yêu cầu giao nhà cho thuê của mình qua Nhà nước quản lý, dứt khoát từ bỏ quan hệ thuê mượn nhà cửa, và hoàn toàn sống bằng sức lao động của mình.
Đối với các chủ nhà nói trên, hiện nay chính sách của ta là vẫn thừa nhận quyền sở hữu nhà cửa cho thuê của họ. Do đó, ta không đặt vấn đề vận động thuyết phục họ giao nhà, cũng như không đặt vấn đề vận động "hiến".
Riêng đối với một số trưòng hợp cụ thể là cán bộ, công nhân viên, đoàn viên thanh niên lao động, hiện công tác trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước, nếu họ thực sự tự nguyện tự giác từ bỏ bóc lột và khẩn thiết yêu cầu, thì ta có thể xét giải quyết sớm cho họ sau khi được sự đồng ý của cấp uỷ địa phương. Khi chấp nhận yêu cầu của họ ta cần xem xét thật cụ thể về các mặt: đời sống của họ sau khi giao nhà cho Nhà nước có gì khó khăn trở ngại? Nhà nước nhận thì có gì khó khăn cho Nhà nước ? Bản thân gia đình họ có thực sự tự nguyện, tự giác không, hay là có sự thúc ép. Giải quyết như trên là phù hợp với tình hình thực tế đang đòi hỏi, và nó cũng phù hợp với tinh thần chính sách của Trung ương đã nêu trong mục 4 của Nghị quyết số 9/ NQ - TW, ngày 2-2 -1961, đối với chủ nhà cho thuê dưới diện là "Mục đích cuối cùng của ta là phải đi đến xoá bỏ kinh doanh nhà cho thuê của tư nhân"...
5. Về vấn đề thuế thổ trạch:
Thuế thổ trạch trước đây ta quy định là nhằm hạn chế kinh doanh tư bản chủ nghĩa về nhà cho thuê. Đến nay, tuy ta chưa công bố công khai, nhưng về thực chất nhà cho thuê đã giao qua Nhà nước là loại tài sản có tính chất chiếm hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt đứng ra quản lý và sử dụng. Vì vậy, duy trì chế độ thuế thổ trạch cả đối với nhà do Nhà nước đã trực tiếp quản lý và sử dụng như lúc còn ở trong tay tư nhân chiếm hữu là một điều không hợp lý nữa. Cần được miễn giảm theo Điều 3, mục 1 của Điều lệ tạm thời về thuế thổ trạch ban hành kèm theo Nghị định số 611-TTg ngày 12 -1 -1956 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương cần bàn với các cơ quan thuế vụ để có kế hoạch miễn giảm cụ thể. Riêng đối với nhà tư nhân còn đang chiếm hữu để ở hoặc cho thuê, thì chế độ thuế thổ trạch vẫn cần được duy trì.
6. Vấn đề trả tiền thuê nhà:
Nhà cũng như các tài sản khác, có sử dụng thì có hao mòn. Do đó, cần có tiền để tu sửa nhà thường xuyên. Tiền đó được lấy vào tiền thu tiền nhà được đều và đủ. Tiền tu sửa chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng số tiền thuê. Vì vậy tất cả các cơ quan sử dụng nhà vắng chủ (kể cả nhà vắng chủ của người Việt Nam hoặc của người ngoại kiều qua Nhà nước quản lý), nếu lâu nay không trả tiền thuê thì nay đều phải ký hợp đồng, không truy thu thời gian đã sử dụng trước đây. Song cơ quan hiện đang sử dụng nhà vắng chủ phải làm giấy tờ thanhtoán với cơ quan quản lý nhà, đất địa phương để có chứng từ giải quyết khi tình hình đòi hỏi. Tiền nhà sẽ do cơ quan thuê nhà làm dự trù kinh phí hành chính để trả hàng tháng.
- Nhà thuộc diện rút ra của chủ nhà ở rộng, phân phối cho các công ích xã hội như: vườn trẻ, mẫu giáo, hộ sinh, y tế dân lập v.v... cũng giải quyết theo nguyên tắc trên, kinh phí để trả tiền thuê nhà này, một phần do quỹ xã hội địa phương đài thọ, một phần dựa vào sự đóng góp của nhân dân. Cơ quan quản lý nhà, đất địa phương không thể lấy khoản tiền của các ngôi nhà khác để bù đắp vào việc tu sửa và trả tỷ lệ tiền thuê cho chủ nhà đối với những nhà sử dụng vào lợi ích công cộng. Nhưng để chiếu cố các lợi ích xã hội hiện nay còn đang thiếu thốn về quỹ phúc lợi, cơ quan quản lý nhà, đất có thể thu tiền thuê hạ hơn so với các nhà cho thuê khác, hoặc miễn hoãn trong một thời gian nào đó.
- Trường hợp những nhà sử dụng vào các lợi ích công cộng mà cơ quan quản lý nhà, đất không phải trả tỷ lệ tiền thuê cho chủ, thì sẽ giao cho cơ quan hiện đang sử dụng tự tu sửa lấy theo thể lệ hiện hành, khi nào cơ quan đó không dùng nữa thì phải trả lại nhà cho cơ quan quản lý nhà, đất địa phương phân phối cho người khác, không được tự tiện chuyển nhượng.
- Các công sở của chính quyền địch, nguỵ do ta tiếp quản sau ngày hoà bình lập lại, dùng đóng trụ sở làm việc cho cơ quan dân, chính, Đảng thì việc trả tiền nhà cần nghiên cứu thêm. Song các chế độ về tu sửa, bảo quản, tiêu chuẩn nhà ở v.v.. đều phải thực hiện đúng theo quy định chung của chế độ nhà ở hiện nay. Cơ quan quản lý nhà, đất địa phương có quyền thẩm tra việc thực hiện các chế độ nói trên. Để theo dõi được tình hình, cơ quan quản lý nhà, đất địa phương phải lập danh sách và thống kê riêng các loại nhà này.
7. Vấn đề thu tiền thuê nhà:
- Tất cả nhà cho thuê của tư nhân thuộc diện cải tạo, cơ quan quản lý nhà, đất bắt đầu thu tiền thuê kể từ ngày tiếp thu nhà. Riêng những người quản lý nhà vắng chủ, khi giao nhà qua Nhà nước quản lý, họ sẽ trở thành người đi thuê nhà của Nhà nước, và ký hợp đồng trả tiền thuê như mọi người thuê nhà khác. Ngoài việc trên, cơ quan quản lý nhà, đất địa phương cần phải đôn đốc họ thực hiện sớm các điều quy định trong Nghị định bổ sung số 24/CP ngày 15 -2 -1961 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư giải thích số 61/TTg ngày 17 -2 -1961 của Phủ Thủ tướng.
Tiền thuê nhà mà trước đây lúc cải tạo người thuê tạm giữ lại chưa trả cho chủ nhà thì nay yêu cầu người thuê nhà (kể cả người thuê là cơ quan) trả qua cơ quan quản lý nhà, đất địa phương để cơ quan quản lý nhà, đất địa phương có điều kiện vận động chủ nhà bỏ số tiền tỷ lệ cần thiết vào quỹ tu sửa nhà. Trường hợp nếu người thuê đã sử dụng số tiền đó vào việc tu sửa nhà rồi thì cũng cần tin cho chủ nhà biết. Nếu tiền thuê đó, trước đây người thuê đã gửi vào Ngân hàng, thì cũng vận động chủ nhà bỏ tỷ lệ cần thiết vào quỹ tu sửa, số còn lại để cho họ hưởng. Những chủ nhà do túng thiếu mà trước đây ta cho họ được nhận một phần trong số tiền đã gửi Ngân hàng nói trên, thì nay coi như đã trả tỷ lệ tiền thuê cho chủ nhà, không bắt chủ nhà hoàn lại.
8. Đối với nhà cho thuê tạm hoãn cải tạo:
- Tạm hoãn cải tạo, không có nghĩa là không cải tạo. Về nguyên tắc, những nhà ấy đều ở trong khởi điểm cải tạo. Song vì xét chiếu cố đối với một số chủ nhà đương ở trong tình trạng già yếu mất sức lao động, đông con nhỏ v.v.. đời sống khó khăn, không có nguồn thu nhập nào khác để sinh sống, họ phải dựa vào tiền thuê nhà, nên ta chủ trương tạm hoãn việc tiếp nhận nhà, chứ không phải là bỏ qua không cải tạo mmột khi có điều kiện.
Nếu sau thời gian tạm hoãn nào đó, khi hoàn cảnh đã thay đổi như: chủ nhà đã có nguồn thu nhập khác để sống, con cái đã thành niên và đã có việc làm, hoặc chủ nhà đã chết v.v... thì cơ quan quản lý nhà, đất địa phương phải tiếp nhận nhà như đối với những nhà cải tạo khác.
Để chuẩn bị làm tốt các việc trên, các địa phương cần lập danh sách loại chủ nhà này và có sự nhất trí với Toà án địa phương để tránh tình trạng cho phép mua bán, chuyển nhượng và chia gia tài v.v...
9. Vấn đề quản lý chủ nhà cho thuê dưới diện:
- Số chủ nhà này chiếm một số lượng rất lớn. Hàng ngày do quan hệ thuê mượn tư nhân còn tồn tại thì còn có điều kiện va chạm trực tiếp đến đoàn kết nội bộ nhân dân, đến sinh hoạt và đời sống nhân dân thuê nhà ở các thành thị. Nếu ta không giáo dục họ thường xuyên và không quản lý họ chặt chẽ, hoặc buông lỏng, thì với lề thói của quan hệ thuê mượn tư nhân ấy dễ phát sinh những mâu thuẫn không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng trực tiếp đời sống cư trú của quần chúng.
Vì vậy, hiện nay trong thời kỳ quản lý thống nhất ta cần chú ý:
Thường xuyên quản lý chặt chẽ việc cho thuê nhà của họ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 9/NQ-TW ngày 2-3-1961 của Ban bí thư và Điều lệ tạm thời về thuê mượn nhà của Hội đồng Chính phủ đã ban hành. Chủ yếu quản lý thực hiện tốt hợp đồng thuê mượn, quản lý giá thuê, quản lý tiền ký quỹ gửi Ngân hàng để tu sửa nhà của họ v.v...
Cần có kế hoạch ngăn ngừa mọi hành vi trung gian trục lợi, o ép người thuê nhà. Cần kiểm tra tình trạng đó để ngăn ngừa và xử ký kịp thời trên cơ sở giáo dục người thuê nhà giác ngộ quyền lợi của mình.
- Công tác giáo dục chính sách đối với chủ nhà cần được đặc biệt chú trọng. Thường xuyên mở các cuộc họp để giải thích và phổ biến chính sách, phê phán những hiện tượng sai trái của chủ nhà. Nơi nào xảy ra những hiện tượng không tốt trong quan hệ thuê mượn thì cần họp tổ thuê nhà với chủ nhà hoặc giữa cá nhân người thuê với chủ nhà để giải thích với nhau. Đồng thời cũng cần phải giáo dục người thuê nhà có trách nhiệm giúp đỡ Nhà nước trong việc giáo dục chủ nhà. Cần tỏ thái độ đúng mức và kiên trì giáo dục đối với chủ nhà. Không nên tự mình gây nên tình trạng căng thẳng không cần thiết, làm cho chủ nhà lo sợ, không an tâm tiếp thu chính sách.
Các địa phương cần có kế hoạch trong vấn đề này và thường xuyên báo cáo tình hình về Cục quản lý nhà, đất trung ương.
10. Vấn đề tiếp tục giáo dục chủ nhà trong diện cải tạo:
Trong cải tạo và quản lý nhà cho thuê, chúng ta đã coi trọng công tác giáo dục thuyết phục đối với chủ nhà trong diện cải tạo, lấy giáo dục thuyết phục họ làm chính, nên đã làm cho họ chấp hành chính sách quản lý thống nhất nhà cho thuê của Nhà nước. Nhưng đó mới là kết quả bước đầu. Bởi vì, trong vấn đề đấu tranh với bóc lột trên lĩnh vực tư tưởng chưa thể một lúc là xong, mà đòi hỏi tiếp tục trong một thời gian tương đối dài. Hơn nữa, chủ có nhà cho thuê thuộc diện cải tạo, nhất là số chuyên doanh, do tính chất lạc hậu và trì trệ của phương thức bóc lột về cho thuê nhà, nên việc tiếp tục giáo dục cải tạo tư tưởng họ là hết sức cần thiết, nhằm chuyển biến tư tưởng họ từ chỗ sống bám vào bóc lột người khác, đến chỗ tự mình sống bắng sức lao động của mình.
Để làm tốt việc này, cơ quan quản lý nhà, đất cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, và nhất là Mặt trận, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và Uỷ ban hành chính khu phố để có kế hoạch cụ thể trong việc tiến hành giáo dục đôí với họ. Cụ thể:
- Đối với chủ nhà là tư sản thì dựa vào công nhân trong các xí nghiệp công tư hợp doanh và hợp tác xã mà họ đang cải tạo bằng lao động sản xuất, để giáo dục họ tại chỗ.
- Đối với chủ nhà là cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan , xí nghiệp v.v .. thì dựa vào cơ sở tập thể nội bộ họ đang làm việc mà giáo dục tiếp tục cho họ.
- Đối với chủ nhà chuyên doanh thì cơ sở giáo dục tư tưởng cho họ chủ yếu là dựa vào cơ sở quần chúng ở các khu phố, thông qua các cuộc hội họp, học tập chung trong nhân dân hoặc về chính sách nhà cửa mà giáo dục họ, hoặc nếu cần thiết thì có thể có những cuộc họp do Mặt trận hoặc Hội liên hiệp công thương tổ chức nói chuyện.
11. Vấn đề nhà cửa cho thuê của đồng bào các dân tộc miền núi:
Vẫn thi hành như chính sách chung về quản lý thống nhất nhà cho thuê. Song trong biện pháp cụ thể cần mềm dẻo, linh hoạt, thận trọng, đảm bảo tốt về kinh tế và đoàn kết dân tộc.
Trên đây là một số vấn đề cấp bách cần được giải quyết trước. Các vấn đề khác sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm và có thông tư sau. Khi thi hành, nếu gặp khó khăn trở ngại, các địa phương cần báo cáo thỉnh thị kịp thời.
Nguyễn Văn Thao
(Đã ký