• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 16/01/1982
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 4/CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 1982

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 4/CT
NGÀY16-1-1982 VỀ SẮP XẾP LẠI CÁC
CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CƠ BẢN

Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, công tác đầu tư xây dựng cơ bản chiếm một vị trí quan trọng. Trong những năm gần đây, hàng năm Nhà nước đã sử dụng vào xây dựng cơ bản một khối lượng lớn tiền vốn, vật tư và lao động, nhưng hiệu quả đạt được không tương xứng với sức lực bỏ ra. Vốn đầu tư chưa tập trung bảo đảm cho các công trình nhanh chóng đi vào hoạt động, chưa tập trung vào những mục tiêu bức thiết của nền kinh tế và đời sống xã hội. Trong việc xác định chủ trương đầu tư, thường chưa đi sâu tính toán chặt chẽ hiệu quả của công trình và điều kiện của sản xuất. Chế độ cấp phát vốn đầu tư theo lối bao cấp còn kéo dài, không phát huy được tiềm lực của các cơ sở sản xuất và các địa phương, gây nên tư tưởng ỷ lại trông chờ vào Nhà nước.

Nhằm nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư cơ bản trong tình hình còn có những khó khăn về vốn và vật tư, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định:

1. Để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, các ngành, các địa phương phải khắc phục tư tưởng ỷ lại và xu hướng cấp phát theo lối bao cấp; thực hiện tốt phương châm Trung ương và địa phương cùng làm; Nhà nước và nhân dân cùng làm.

2. Trong khi tiến hành thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, cần chú ý các vấn đề sau đây:

a) Soát xét, sắp xếp lại các công trình xây dựng:

Vốn đầu tư phải được bố trí tập trung nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra, hết sức tránh đầu tư phân tán.

Trong phạm vi vốn phân bổ cho từng Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xác định vốn cho các công trình trọng điểm Nhà nước. Các Bộ, các ngành, các địa phương cân nhắc bố trí phần vốn còn lại cho các công trình thuộc ngành mình, địa phương và làm việc cụ thể với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

Các ngành, các cấp phải căn cứ vào đường lối của Đảng, những mục tiêu đề ra và các điều kiện sản xuất mà sắp xếp thứ tự ưu tiên xây dựng các công trình. Kiên quyết đình hoãn xây dựng những công trình không đủ điều kiện vận hành hay không bảo đảm hiệu quả. Đối với những công trình được đầu tư tiếp tục cũng cần soát xét lại các hạng mục và thiết kế nhằm giảm bớt những khối lượng xây lắp không cần thiết cho phù hợp với điều kiện cụ thể hiện nay.

Các Bộ, các ngành, các địa phương cần hoàn thành việc sắp xếp lại các công trình xây dựng và gửi về Uỷ ban kế hoạch Nhà nước trong quý I năm 1982 để Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chậm nhất vào quý II năm 1982.

b) Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, các Bộ, các ngành, các địa phương phải tập trung vốn, vật tư, lao động, v.v... cho các công trình trọng điểm Nhà nước phải bảo đảm tiến độ thi công, đưa công trình vào vận hành sản xuất đúng thời hạn hoặc trước thời hạn đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt. Phải coi thời hạn này là pháp lệnh Nhà nước, không được tự ý thay đổi kéo dài. Trường hợp các Bộ, các ngành có khả năng thực hiện vượt kế hoạch xây dựng các công trình này thì được phép bổ sung thêm vốn theo khả năng của Nhà nước. Bộ Tài chính và Ngân hàng đầu tư và xây dựng tiếp tục cấp phát thêm vốn để cho công trình này triển khai tốt công tác xây lắp.

Hội đồng bộ trưởng sẽ có văn bản quy định chế độ cho các nông trường, các công trình thuỷ lợi, các cơ sở công nghiệp đã đi vào sản xuất được huy động vốn tự có của mình để đầu tư xây dựng thay cho vốn Nhà nước cấp. Nhà nước chỉ đầu tư hỗ trợ khi các cơ sở sản xuất có kế hoạch thực hiện đổi mới kỹ thuật hoặc mở rộng sản xuất, đòi hỏi một khối lượng vốn đầu tư lớn vượt quá khả năng của các cơ sở sản xuất.

Đối với các công việc như làm thuỷ lợi, làm nền đường bộ hoặc đường sắt, khai hoang cho nông nghiệp, v.v... ngoài số tiền vốn và vật tư được Nhà nước cân đối, còn lại phải huy động vốn của địa phương và lao động của nhân dân.

Việc xây dựng các công trình của địa phương trước hết dựa vào nguồn vốn của địa phương, trung ương chỉ hỗ trợ một phần. Đối với các công trình trung ương xây dựng tại các địa phương, nhất là đối với những công trình phục vụ nhu cầu của địa phương, các địa phương có trách nhiệm tham gia đóng góp trong phạm vi khả năng của mình về cung cấp vật tư, vật liệu, lao động cũng như bảo đảm sinh hoạt cho công nhân và gia đình họ tại các công trường.

Uỷ ban kế hoạch Nhà nước cần dành một số vật tư hỗ trợ cho các ngành, các địa phương xây dựng những công trình cần thiết bằng nguồn vốn tự có. Bộ tài chính và Bộ Lao động trong quý I năm 1982 trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng văn bản về sửa đổi các chế độ, chính sách bảo đảm cho các cơ sở sản xuất và các địa phương có nguồn vốn tự có theo hướng để lại vốn khấu hao cơ bản cho xí nghiệp, trích lợi nhuận định mức với tỷ lệ thoả đáng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, v.v...

3. Để khắc phục sự chậm trễ cũng như hiện tượng sơ hở trong việc kiểm tra, giám sát việc sắp xếp lại các công trình xây dựng cơ bản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thành lập Hội đồng đầu tư để soát xét, sắp xếp lại các công trình xây dựng cơ bản do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì và gồm các cơ quan Uỷ ban xây dựng cơ bản Nhà nước Bộ Tài chính, Ngân hàng đầu tư và xây dựng, Bộ Xây dựng.

Các Bộ, các ngành cử một đồng chí lãnh đạo tham gia hội đồng.

các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, thành phần hội đồng tương ứng như trên do chủ tịch hoặc phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân phụ trách.

các Bộ, Tổng cục việc soát xét, sắp xếp lại các công trình xây dựng cơ bản do Bộ trưởng, Tổng cục trưởng trực tiếp phụ trách.

4. Đối với những công trình tuy đã được đầu tư năm 1982, các Bộ, các ngành, các địa phương cũng cần phải dựa theo tinh thần nói trên mà xem xét lại để bảo đảm hiệu quả của vốn đầu tư.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Tố Hữu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.