THÔNG TƯ
Hướng dẫn phân công việc thực hiện quản lý Nhà nước
về chất lượng hàng hoá thuỷ sản
____________________
Thực hiện Nghị định 86/CP ngày 08/12/1995 của Chính phủ và Thông tư Liên Bộ Khoa học, công nghệ và Môi trường - Thuỷ sản số 02 TT/LB ngày 24/5/1996, Bộ Thuỷ sản hướng dẫn phân công quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản như sau:
I. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CHUNG:
1. Vụ Khoa học Công nghệ (Vụ KHCN) là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm tham mưu cho Bộ thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản trên phạm vi cả nước, cụ thể là:
1.1. Xây dựng chương trình mục tiêu về nâng cao chất lượng hàng hoá thuỷ sản cho từng thời kỳ và các chính sách cụ thể để đạt được các mục tiêu đó.
1.2. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình nâng cao chất lượng hàng hoá, theo dõi kiểm tra, định kỳ báo cáo về công tác quản lý chất lượng hàng hoá thuỷ sản trình Bộ và gửi cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trương (Bộ KHCNMT) để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
1.3. Tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn, các quy định về bảo đảm và kiểm soát chất lượng hàng hoá thuỷ sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ, kiểm tra việc chấp hành các quy định đó từ khâu định hướng sản xuất, đến sản xuất ra sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất nhập khẩu.
2. Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Cục BVNLTS) tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được quy định trong Thông tư này đối với hàng hoá là các loại giống thuỷ sản, động vật, thực vật thuỷ sản sống, thức ăn cho nuôi thuỷ sản, thuốc dùng cho động vật, thực vật thuỷ sản, lưới, dụng cụ đánh cá.
3. Trung tâm Kiểm tra chất lượng và vệ sinh thuỷ sản (Trung tâm KTCL & VSTS) tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được quy định trong Thông tư này đối với các hàng hoá là sản phẩm động vật và thực vật thuỷ sản dùng làm thực phẩm.
II. VỀ CÔNG TÁC TIÊU CHUẨN HOÁ:
1. Vụ Khoa học - Công nghệ tham mưu cho Bộ trong việc:
1.1. Lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và tiêu chuẩn ngành (TCN) về chất lượng và bảo đảm an toàn chất lượng cho các đối tượng cần quản lý.
1.2. Phối hợp với Tổng cụ Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Tổng cục TCĐLCL) thuộc Bộ KHCNMT và các Ban kỹ thuật chuyên ngành tổ chức xây dựng TCVN và TCN cho các đối tượng cần quản lý; cử cán bộ chuyên môn tham gia các Ban kỹ thuật tương ứng với các Ban kỹ thuật của Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO), Uỷ ban tiêu chuẩn hoá thực phẩm (CAC) để biên soạn các TCVN.
1.3. Ban hành các TCN về chất lượng hàng hoá thuộc ngành thuỷ sản.
1.4. Quy định nội dung, phạm vi và đối tượng bắt buộc áp dụng TCVN và TCN và gửi cho Bộ KHCNMT (tổng cục TCĐLCL) để phối hợp chỉ đạo áp dụng trên phạm vi cả nước.
1.5. Phối hợp với các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương tổ chức đôn đốc và kiểm tra việc áp dụng các TCVN và TCN bắt buộc áp dụng, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
2. Cụ BVNLTS và Trung tâm KTCL & VSTS có trách nhiệm:
2.1. Đề xuất danh mục và tham gia xây dựng TCVN và TCN cho các đối tượng cần quản lý thuộc phạm vi được phân công.
2.2. Kiến nghị với Bộ những nội dung, phạm vi và đối tượng bắt buộc áp dụng TCVN và TCN cho từng thời kỳ.
III. VỀ ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ:
A. HÀNG HOÁ THUỶ SẢN THUỘC DANH MỤC DO BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG CÔNG BỐ:
1. Vụ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm:
1.1. Trình Bộ xét duyệt danh mục các hàng hoá thuỷ sản, danh mục và giới hạn các chỉ tiêu chất lượng của hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng. Hàng năm chủ trì sửa đổi, bổ sung danh mục này, trình Bộ xét duyệt và gửi cho Bộ KHCNMT công bố chung vào tháng 9 để áp dụng thống nhất trên cả nước từ ngày 01 tháng 01 năm sau.
1.2. Phối hợp với Tổng cục TCĐLCL tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký chất lượng hàng hoá thuỷ sản của các cơ quan được chỉ định cấp đăng ký trên phạm vi cả nước.
2. Cục BVNLTS và Trung tâm KTCL & VSTS, trong phạm vi được phân công, vào tháng 8 hàng năm có trách nhiệm đề xuất danh mục hàng hoá thuỷ sản bắt buộc phải đăng ký chất lượng; danh mục và giới hạn các chỉ tiêu chất lượng bắt buộc phải đăng ký để Bộ xét duyệt.
B. HÀNG HOÁ THUỶ SẢN THUỘC DANH MỤC DO BỘ THUỶ SẢN TRỰC TIẾP CÔNG BỐ:
Cục BVNLTS có trách nhiệm:
1. Đề xuất danh mục các loại giống thuỷ sản, thuốc dùng cho động vật và thực vật thuỷ sản, sản phẩm sinh học dùng cho nuôi trồng thuỷ sản, thức ăn thuỷ sản bắt buộc phải đăng ký chất lượng, danh mục và giới hạn các chỉ tiêu chất lượng bắt buộc phải đăng ký, trình Bộ Thuỷ sản xét duyệt và công bố vào tháng 9 hàng năm để áp dụng từ 01 tháng 01 năm sau.
2. Xây dựng trình Bộ ban hành quy chế về đăng ký chất lượng hàng hoá thuỷ sản; tổ chức đăng ký và xét cấp đăng ký chất lượng cho các loại hàng hoá thuộc danh mục do Bộ Thuỷ sản công bố. Thông báo cho Tổng cục TCĐLCL danh sách các loại hàng hoá đã đăng ký.
C. HÀNG HOÁ THUỶ SẢN THUỘC DANH MỤC PHẢI ĐƯỢC NGHIÊN CỨU KHẢO NGHIỆM, THỬ NGHIỆM.
1. Vụ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm:
Tổng hợp trình Bộ xét duyệt danh mục các hàng hoá thuỷ sản cần phải được nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất hoặc sử dụng. Trình Bộ ban hành quy chế và chỉ định cơ quan tổ chức khảo nghiệm, thử nghiệm để có kết luận cần thiết trước khi các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký chất lượng.
2. Cục BVNLTS và Trung tâm KTCL & VSTS có trách nhiệm đề xuất danh mục hàng hoá cần phải được nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm và cơ quan có khả năng nghiên cứu, khảo nghiệm, thử nghiệm để Bộ xem xét quyết định.
IV. VỀ TỔ CHỨC KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG.
1. Vụ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trong việc:
1.1. Quy định danh mục các hàng hoá thuỷ sản bắt buộc phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng trên cơ sở danh mục do Cục BVNLTS và Trung tâm KTCL & VSTS đề xuất. Danh mục này phải được soát xét, sửa đổi hàng năm và gửi Bộ KHCNMT công bố vào tháng 9 để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước từ 01 tháng 01 năm sau.
1.2. Quy định các chỉ tiêu cần kiểm tra, mức chất lượng cho phép đối với các hàng hoá thuộc danh mục nói ở trên, sau khi tham khảo ý kiến Tổng cục TCĐLCL.
1.3. Phối hợp với Tổng cục TCĐLCL xây dựng, trình Bộ Thuỷ sản và Bộ KHCNMT ban hành quy chế cho phép một số tổ chức có tư cách pháp nhân, có đủ điều kiện kỹ thuật và uy tín tham gia kiểm tra chất lượng hàng hoá thuỷ sản thuộc danh mục bắt buộc phải kiểm tra nhà nước.
1.4. Tổ chức xây dựng và trình Bộ ban hành quy chế kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá thuỷ sản và các mẫu giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá thuỷ sản bắt buộc phải kiểm tra nhà nước nói ở điểm 1.1 phần này.
1.5. Định kỳ báo cáo cho Bộ về hoạt động kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá thuỷ sản.
2. Cục BVNLTS và Trung tâm KTCL & VSTS có trách nhiệm:
2.1. Xây dựng quy chế kiểm tra, cấp giấy chứng nhận chất lượng cho hàng hoá thuỷ sản thuộc danh mục bắt buộc phải qua kiểm tra nhà nước về chất lượng theo phạm vi các đối tượng đã phân công ở điểm 2 và 3, phần I của Thông tư này.
2.2. Trực tiếp tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá thuỷ sản trong phạm vi được phân công tại điểm 2 và 3 phần I của Thông tư này.
2.3. Trực tiếp kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho những hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi phải có chứng nhận chất lượng của cơ quan nhà nước duy nhất có thẩm quyền.
2.4. Hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra chất lượng hàng hoá thuỷ sản thuộc phạm vi được phân công cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và các tổ chức được phép tham gia kiểm tra chất lượng hàng hoá thuỷ sản.
3. Các Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng I, II, III thuộc Tổng cục TCĐLCL tham gia việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các hàng hoá thuỷ sản đã nêu ở điểm 3 phần I của Thông tư này thuộc đối tượng bắt buộc phải qua kiểm tra nhà nước về chất lượng (trừ các hàng hoá thuỷ sản xuất khẩu đã nêu ở điểm 2.3, phần IV của Thông tư này).
4. Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm thuỷ sản do các cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá thuỷ sản cấp, phải là mẫu giấy do Bộ thuỷ sản ấn, ban hành và thống nhất quản lý trong phạm vi cả nước.
5. Trường hợp hàng hoá kiểm tra không đạt yêu cầu chất lượng quy định, các cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo cho chủ hàng, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, báo cáo cho thanh tra chuyên ngành thuỷ sản để xử ký kịp thời theo quy định của pháp luật hiện hành.
V. VỀ KIỂM TRA, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT
1. Hàng năm Vụ KHCN có trách nhiệm trình Bộ quy định danh mục các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản phải được kiểm tra cấp giấy chứng nhận điều kiện sản xuất, nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh hàng hoá thuỷ sản, quy định các chỉ tiêu cần kiểm tra, mức an toàn cho phép, mẫu giấy chứng nhận điều kiện sản xuất.
2. Cục BVNLTS và Trung tâm KTCL & VSTS có trách nhiệm:
2.1. Đề xuất danh mục loại hình các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu cần kiểm tra, mức an toàn cho phép và mẫu giấy chứng nhận điều kiện sản xuất thuộc phạm vi được phân công.
2.2. Trực tiếp kiểm tra và cấp giấy chứng nhận điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh hàng hoá thuỷ sản cho các cơ sở sản xuất kinh doanh theo sự phân công như sau:
- Cục BVNLTS: các cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng thuỷ sản, phương tiện đánh bắt, phương tiện vận tải thuỷ sản đường thuỷ, cơ sở sản xuất thuốc và thức ăn cho nuôi thuỷ sản.
- Trung tâm KTCL & VSTS: các cơ sở chế biến, thu gom, tổng kho bảo quản hàng thuỷ sản, chợ cá, cảng cá, phương tiện vận tải thuỷ sản trên bộ.
VI. VIỆC THANH TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG HÀNG HOÁ THUỶ SẢN
1. Thanh tra chuyên ngành Thuỷ sản giúp Bộ phối hợp với các cơ quan hữu quan của Bộ KHCNMT, Bộ Thương mại, Bộ Y tế... trong việc tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa theo Quyết định số 96/TTg ngày 18/2/1995 của Thủ tướng Chính phủ.
Phối hợp theo chức năng được phân công, tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp lệnh và các quy định của Nhà nước về chất lượng hàng hoá, xử lý hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm Pháp lệnh về chất lượng hàng hoá, giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo quy định của Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo của công dân, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính về các vấn đề có liên quan đến chất lượng hàng hoá thuỷ sản.
2. Trong khi chưa thành lập Thanh tra chuyên ngành Thuỷ sản, việc thanh tra về chất lượng hàng hoá thuỷ sản tạm thời được tổ chức như sau:
Vụ KHCN chủ trì phối hợp với Cục BVNLTS, Trung tâm KTCL & VSTS và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện thanh tra về chất lượng hàng hoá thuỷ sản, các hoạt động về đăng ký, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá thuỷ sản và điều kiện sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản trong phạm vi cả nước.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các cơ quan được phép đăng ký chất lượng, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá thuỷ sản và điều kiện sản xuất phải có báo cáo về hoạt động trong lĩnh vực này cho Bộ Thuỷ sản (Vụ KHCN).
2. Định kỳ 6 tháng và hàng năm Vụ KHCN làm báo cáo về tình hình quản lý chất lượng hàng hoá thuỷ sản nói chung và tình hình thực hiện Nghị định 86/CP nói riêng, đồng thời chuẩn bị nội dung các kỳ họp của lãnh đạo hai Bộ (Thuỷ sản và Khoa học Công nghệ & Môi trường) về việc thực hiện Thông tư Liên Bộ số 02 TT/LB ngày 24/5/1996.
Báo cáo về việc thực hiện Nghị định 86/CP được đồng gửi cho Bộ KHCNMT để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
3. Thủ trưởng các đơn vị được phân công trách nhiệm trong Thông tư này trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ảnh kịp thời để Vụ Tổ chức Cán bộ Lao động phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ tham mưu trình Bộ xem xét bổ sung sửa đổi.
4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.