LUẬT
THANH NIÊN
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Luật này quy định về thanh niên.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Thanh niên
Thanh niên quy định trong Luật này là công dân Việt Nam từ đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên; tổ chức thanh niên.
2. Luật này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, cá nhân).
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến thanh niên Việt Nam cũng áp dụng theo quy định của Luật này; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên
1. Thanh niên có các quyền, nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
2. Thanh niên không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp đều được tôn trọng và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
Điều 4. Trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên
1. Thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên là trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội.
2. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho thanh niên học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân, ý chí vươn lên phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
3. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có trách nhiệm góp phần tích cực vào việc chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên.
Điều 5. Quản lý nhà nước về công tác thanh niên
1. Nội dung quản lý nhà nước về công tác thanh niên bao gồm:
a) Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, chương trình phát triển thanh niên và công tác thanh niên;
b) Đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên;
c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên;
d) Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế về công tác thanh niên.
2. Trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác thanh niên được quy định như sau:
a) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thanh niên;
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh niên theo sự phân công của Chính phủ;
c) Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh niên ở địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.
Điều 6. Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam
Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam là cơ quan tư vấn của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. Tổ chức, hoạt động của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Điều 7. Hợp tác quốc tế về công tác thanh niên
1. Hợp tác quốc tế về công tác thanh niên với các nước, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, phù hợp với pháp luật mỗi nước và thông lệ quốc tế.
2. Nội dung hợp tác quốc tế về công tác thanh niên bao gồm:
a) Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về công tác thanh niên;
b) Tham gia các tổ chức quốc tế, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về công tác thanh niên;
c) Giao lưu thanh niên; trao đổi thông tin, kinh nghiệm về công tác thanh niên.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm thanh niên thực hiện các hành vi sau đây:
a) Vận chuyển, mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý;
b) Hoạt động mại dâm, đánh bạc, tham gia các tệ nạn xã hội khác;
c) Mua, bán, trao đổi, tàng trữ, sử dụng văn hoá phẩm có nội dung độc hại;
d) Gây rối trật tự công cộng.
2. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc thanh niên thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Chương II
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THANH NIÊN
Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong học tập
1. Được học tập và bình đẳng về cơ hội học tập.
2. Tích cực học tập hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục và vươn lên học tập ở trình độ cao hơn; thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp; tham gia xây dựng môi trường văn hoá học đường; trung thực trong học tập.
3. Xung kích tham gia các chương trình phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập.
Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong lao động
1. Lao động để lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước.
2. Chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động; lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội.
3. Rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, tuân thủ kỷ luật lao động; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ.
4. Xung kích thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong bảo vệ Tổ quốc
1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của thanh niên.
2. Được huấn luyện chương trình giáo dục quốc phòng; thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia các lực lượng vũ trang theo quy định của pháp luật.
3. Tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn bí mật quốc gia, xung kích đấu tranh chống mọi hành vi xâm hại đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường
1. Được nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
2. Trung thực và có tinh thần hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
3. Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên; đấu tranh chống các hành vi huỷ hoại tài nguyên, môi trường.
Điều 13. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí
1. Được tham gia các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí lành mạnh.
2. Thường xuyên rèn luyện đạo đức, tác phong, hành vi ứng xử văn hoá; thực hiện nếp sống văn minh.
3. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ di sản văn hoá; tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hoá cộng đồng.
Điều 14. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong bảo vệ sức khoẻ, hoạt động thể dục, thể thao
1. Được bảo vệ, chăm sóc, hướng dẫn nâng cao sức khoẻ, kỹ năng sống lành mạnh, phòng ngừa bệnh tật.
2. Được chăm lo phát triển thể chất; tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể.
3. Phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma tuý và các tệ nạn xã hội khác.
Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong hôn nhân và gia đình
1. Được giáo dục kiến thức về hôn nhân và gia đình, thực hiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, xây dựng gia đình hạnh phúc.
2. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; kính trọng ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi; chăm sóc, giáo dục con, em trong gia đình.
3. Gương mẫu thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình, về dân số và kế hoạch hoá gia đình.
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong quản lý nhà nước và xã hội
1. Nâng cao ý thức công dân, chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
2. Được ứng cử, đề cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật; được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan, tổ chức về những vấn đề mà mình quan tâm; tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên và các chính sách, pháp luật khác.
3. Tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
ĐỐI VỚI THANH NIÊN
Điều 17. Trong học tập và hoạt động khoa học, công nghệ
1. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho thanh niên hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, được học nghề, có cơ hội vươn lên học tập ở trình độ cao hơn; miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay tín dụng để thanh niên học tập; cấp sách giáo khoa, hỗ trợ về đời sống cho thanh niên của hộ nghèo hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; tạo điều kiện cho thanh niên tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ thực hiện các ý tưởng sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ; khuyến khích sự đóng góp của tổ chức, cá nhân giúp đỡ thanh niên trong học tập và nghiên cứu khoa học.
2. Nhà trường có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; giáo dục hướng nghiệp, nâng cao năng lực tự học, kỹ năng thực hành, phương pháp tư duy khoa học cho thanh niên.
3. Gia đình có trách nhiệm chăm lo cho thanh niên học tập, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, phát triển tài năng; phối hợp với nhà trường giáo dục thái độ học tập đúng đắn, rèn luyện nền nếp học tập và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.
Điều 18. Trong lao động
1. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng về học nghề cho thanh niên; phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ tư vấn giúp thanh niên tiếp cận thị trường lao động; ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thanh niên tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; thanh niên của hộ nghèo được vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xoá đói, giảm nghèo, vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tự tạo việc làm.
2. Nhà nước có cơ chế, chính sách giao cho tổ chức thanh niên huy động thanh niên thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các chương trình, dự án khác để thanh niên có điều kiện phấn đấu, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp.
3. Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp tạo chỗ ở cho lao động trẻ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây nhà cho thuê, bán cho thanh niên theo phương thức trả dần với thời hạn và giá cả hợp lý ở những nơi tập trung đông lao động trẻ.
4. Gia đình có trách nhiệm giáo dục ý thức lao động, tôn trọng sự lựa chọn nghề nghiệp, việc làm của thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm.
Điều 19. Trong bảo vệ Tổ quốc
1. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho thanh niên được giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, truyền thống yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng của mình và gia đình có trách nhiệm động viên, giáo dục và tạo điều kiện cho thanh niên hoàn thành chương trình huấn luyện quân sự phổ thông, làm tròn nghĩa vụ quân sự, quân dự bị động viên và tham gia lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí
1. Nhà nước có chính sách phát triển và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của thanh niên; hỗ trợ thanh niên trong hoạt động sáng tạo văn hoá, nghệ thuật; tạo điều kiện cho thanh niên giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí cho thanh niên.
Không được sử dụng các cơ sở hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí dành cho thanh niên vào mục đích khác làm ảnh hưởng đến lợi ích của thanh niên.
3. Gia đình có trách nhiệm giáo dục nhân cách, xây dựng lối sống văn hoá, hướng dẫn phòng, chống tệ nạn xã hội cho thanh niên.
Điều 21. Trong bảo vệ sức khoẻ và hoạt động thể dục, thể thao
1. Nhà nước có chính sách đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở y tế, cơ sở hoạt động thể dục, thể thao; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho thanh niên, tổ chức tư vấn cho thanh niên về dinh dưỡng, sức khoẻ tinh thần, sức khoẻ sinh sản, kỹ năng sống, phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác.
2. Gia đình có trách nhiệm chăm sóc nâng cao sức khoẻ, phát triển thể chất cho thanh niên, khuyến khích thanh niên luyện tập thể dục, thể thao, thực hiện nếp sống vệ sinh, lành mạnh.
3. Các tổ chức thanh niên có trách nhiệm vận động thanh niên không nghiện rượu, không say rượu, không hút thuốc lá.
Điều 22. Trong hôn nhân và gia đình
1. Gia đình có trách nhiệm tôn trọng quyền của thanh niên trong hôn nhân và gia đình; giáo dục tình bạn, tình yêu và các kỹ năng cần thiết để thanh niên tổ chức cuộc sống gia đình.
2. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các hoạt động tư vấn về tình yêu, hôn nhân, gia đình, thực hiện kế hoạch hoá gia đình cho thanh niên.
3. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức khác của thanh niên phối hợp với nhà trường, gia đình tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện hôn nhân tiến bộ, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Điều 23. Trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội
1. Nhà nước có chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng thanh niên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo trẻ; tạo điều kiện cho thanh niên tham gia quản lý nhà nước và xã hội.
2. Các cơ quan, tổ chức trước khi quyết định những chủ trương, chính sách liên quan đến thanh niên có trách nhiệm lấy ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên.
3. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức khác của thanh niên có trách nhiệm nghiên cứu nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên để kiến nghị với các cơ quan nhà nước giải quyết, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Điều 24. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên dân tộc thiểu số
1. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học; thực hiện chính sách cử tuyển bảo đảm đúng đối tượng và yêu cầu về ngành, nghề cần đào tạo; miễn, giảm học phí, cấp sách giáo khoa và các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho thanh niên dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập, tiếp cận thông tin.
2. Khuyến khích và hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các hủ tục, tập quán lạc hậu.
3. Ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm và cho vay vốn phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát huy tính năng động của thanh niên dân tộc thiểu số trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
4. Đào tạo, bồi dưỡng thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ quản lý, lãnh đạo.
Điều 25. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên xung phong
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách phát huy vai trò xung kích của lực lượng thanh niên xung phong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng, lĩnh vực khó khăn, các nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước; bảo đảm các điều kiện để lực lượng thanh niên xung phong hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
2. Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây đối với cán bộ, đội viên thanh niên xung phong:
a) Miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích; tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình khi đang làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Được công nhận là liệt sĩ, hưởng chính sách như thương binh trong trường hợp đang làm nhiệm vụ mà hy sinh hoặc bị thương theo quy định của pháp luật;
c) Tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, bảo vệ sức khoẻ; ưu tiên giải quyết việc làm sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 26. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên có tài năng
1. Nhà nước có cơ chế, chính sách để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những thanh niên có năng khiếu, có thành tích xuất sắc trong học tập, hoạt động khoa học và công nghệ, lao động, sản xuất, kinh doanh, quản lý, an ninh, quốc phòng, văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao để trở thành những người tài năng.
2. Tôn vinh và tạo điều kiện cho thanh niên tài năng phát triển và làm việc để phát huy khả năng đóng góp cho đất nước.
Điều 27. Chính sách của Nhà nước đối với thanh niên khuyết tật, tàn tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, sau cải tạo
1. Có chính sách cho thanh niên khuyết tật, thanh niên tàn tật được học văn hoá, học nghề, giải quyết việc làm phù hợp, được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; được miễn, giảm học phí ở các cơ sở giáo dục công lập; được miễn, giảm viện phí khi khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế của Nhà nước; tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động văn hoá, thể thao.
2. Thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, sau cải tạo được tạo điều kiện chữa bệnh, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ, học văn hoá, học nghề, giải quyết việc làm, xoá bỏ mặc cảm vươn lên hoà nhập cộng đồng.
Thanh niên nhiễm HIV/AIDS không có nơi nương tựa hoặc gia đình không có điều kiện chăm sóc được tổ chức chăm sóc tại các cơ sở do Nhà nước, tổ chức, cá nhân thành lập theo quy định của pháp luật.
3. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia chăm sóc, giúp đỡ thanh niên khuyết tật, thanh niên tàn tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma tuý, sau cải tạo hoà nhập cộng đồng.
CHƯƠNG IV
TRÁCH NHIỆM CỦA NHÀ NƯỚC, GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI
TRONG VIỆC BẢO VỆ, BỒI DƯỠNG THANH NIÊN TỪ
ĐỦ MƯỜI SÁU TUỔI ĐẾN DƯỚI MƯỜI TÁM TUỔI
Điều 28. Trách nhiệm của Nhà nước
1. Có chính sách bảo đảm cho thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; tạo điều kiện học nghề, lựa chọn việc làm, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao phù hợp với khả năng và lứa tuổi; miễn, giảm phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng.
2. Bảo vệ thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi không bị xâm hại tình dục và không bị lạm dụng sức lao động.
3. Bảo đảm việc thực hiện các chính sách về hình sự, hành chính, dân sự đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ và tạo điều kiện thuận lợi cho những thanh niên này phát triển lành mạnh.
Điều 29. Trách nhiệm của gia đình
1. Chăm sóc, bảo vệ, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục, học nghề, định hướng nghề nghiệp, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao phù hợp với lứa tuổi.
2. Cha mẹ và các thành viên lớn tuổi khác trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện nhân cách của thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi.
3. Có trách nhiệm quản lý, giáo dục thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi không tự ý bỏ học, bỏ nhà, sống lang thang; không hút thuốc lá, uống rượu và đồ uống có nồng độ cồn từ 14% trở lên; phòng, chống tệ nạn xã hội và không vi phạm pháp luật.
Điều 30. Trách nhiệm của nhà trường
1. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh tạo điều kiện cho thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi say mê học tập, ham hiểu biết, tích cực rèn luyện đạo đức, lối sống.
2. Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục thể chất và thẩm mỹ; hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản, tình bạn, tình yêu, kỹ năng phòng chống các bệnh học đường và tệ nạn xã hội cho thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi.
3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, gia đình tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí và các hoạt động ngoại khoá khác.
Điều 31. Áp dụng Công ước quốc tế về quyền trẻ em đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi
Nhà nước thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn áp dụng đối với thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
CHƯƠNG V
TỔ CHỨC THANH NIÊN
Điều 32. Tổ chức thanh niên
1. Tổ chức thanh niên là tổ chức tự nguyện của thanh niên nhằm đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên; phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Tổ chức thanh niên bao gồm Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và các tổ chức khác của thanh niên được tổ chức và hoạt động theo điều lệ của tổ chức và trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.
Điều 33. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, giữ vai trò nòng cốt trong phong trào thanh niên; tổ chức, hướng dẫn hoạt động của thiếu niên, nhi đồng, phụ trách Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Điều 34. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên và các tổ chức thanh niên, nhằm đoàn kết tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 35. Hiệu lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006.
Điều 36. Hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này./.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.