Sign In

THÔNG TƯ

CỦA LIÊN BỘ Y TẾ - NỘI VỤ SỐ 14/TT-LB NGÀY 20-4-1983 QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ THUỐC, DƯỢC LIỆU LÀM THUỐC CHỮA BỆNH; CHỐNG TỆ THAM Ô, TRỘM CẮP, ĐẦU CƠ BUÔN LẬU, LÀM THUỐC GIẢ, KINH DOANH TRÁI PHÉP

Thuốc và nguyên liệu làm thuốc chữa bệnh là loại hàng hoá đặc biệt, có quan hệ mật thiết đến đời sống, sức khoẻ và tính mạng của nhân dân. Vì vậy, từ trước đến nay Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định việc quản lý, phân phối và sử dụng thuốc nhằm bảo đảm thuốc cho người bệnh, đấu tranh chống tệ tham ô, trộm cắp.

Tuy nhiên, vài năm gần đây việc quản lý thuốc đã bị buông lỏng, tệ tham ô, trộm cắp thuốc trong các xí nghiệp, bệnh viện tuồn ra ngoài, tình trạng buôn bán trái phép và sản xuất thuốc giả có chiều hướng ngày càng tăng, có nơi nhân viên y tế lấy cắp thuốc tốt ra bán, tuồn thuốc giả vào, trong khi đó việc kiểm soát không chặt chẽ, các trường hợp phạm pháp chưa được sử lý kịp thời và nghiêm khắc.

Chấp hành nghị quyết số 128-HĐBT ngày 2-8-1982 và nghị quyết số 188-HĐBT ngày 25-11-1982 của Hội đồng bộ trưởng căn cứ vào thông tư số 2-BYT ngày 12-1-1983 của Bộ Y tế và các văn bản có liên quan đến vấn đề này của Bộ Nội vụ, để từng bước khắc phục những tồn tại nói trên, liên Bộ Y tế- Nội vụ quy định những việc sau đây để thực hiện thống nhất từ trung ương cho đến cơ sở.

 

I. NỘI DUNG CẦN QUÁN TRIỆT TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ THUỐC, DƯỢC LIỆU LÀM THUỐC

Quyết định số 24-CT ngày 28-7-1981; nghị quyết số 188-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng đã nêu rõ "Bộ Y tế thống nhất quản lý và độc quyền sản xuất các loại tân dược và nguyên liệu làm tân dược, thống nhất quản lý việc tổ chức sản xuất, khai thác lưu thông và chế biến các loại dược liệu trong nước theo danh mục do Bộ Y tế quy định. Mọi sự mua bán, vận chuyển các tỉnh, thành phố hoặc xuất khẩu các loại dược liệu phải được phép của cơ quan Y tế có thẩm quyền"

Để làm tốt vấn đề này, cần:

- Làm cho cán bộ mỗi ngành quán triệt những yêu cầu cơ bản của các nghị quyết của Đảng và Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho người bệnh và sức khoẻ cho nhân dân;

- Làm cho cán bộ mỗi ngành nắm vững nội dung và biện pháp chống tham ô, trộm cắp, đầu cơ, buôn lậu, làm thuốc giả, sản xuất kinh doanh trái phép thuốc và dược liệu, theo tinh thần nghị quyết số 128-HĐBT cũng như nội dung và các biện pháp quản lý thị trường nêu trong thông tư số 2-BYT/TT của Bộ Y tế;

- Kiên quyết đấu tranh, trấn áp và kịp thời điều tra, truy xét, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi phạm pháp để đưa công tác sản xuất, quản lý, phân phối thuốc dược liệu vào nề nếp theo đúng quy định của Nhà nước. Tập trung thuốc, dược liệu vào tay Nhà nước thống nhất quản lý;

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành y tế - nội vụ trong mọi trường hợp.

II. XÁC ĐỊNH PHẠM VI TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ

Thực hiện các yêu cầu nhằm bảo vệ chặt chẽ các loại thuốc và dược liệu làm thuốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời phải có sự hỗ trợ của các ngành có liên quan. Riêng hai ngành y tế và công an là lực lượng có trách nhiệm chính trong công tác bảo vệ thuốc và dược liệu làm thuốc, cần tiến hành triệt để những việc sau đây:

1. Ngành Y tế.

a) Tất cả các đơn vị y tế phải tổ chức phổ biến làm cho tất cả cán bộ, nhân viên quán triệt sâu sắc tinh thần nghị quyết số 128-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng và nội dung thông tư số 2-BYT/TT của Bộ Y tế, trên cơ sở đó mà mỗi đơn vị có kế hoạch cụ thể thực hiện nghị quyết của Hội đồng bộ trưởng và thông tư của liên bộ Bộ Y tế - Nội vụ.

b) Những đơn vị y tế trực tiếp quản lý, phân phối và sử dụng thuốc, dược liệu làm thuốc phải tiến hành ngay đợt kiểm tra các kho thuốc, dược liệu, dụng cụ y tế và có biện pháp củng cố ngay các phương tiện bảo vệ kho tàng, vừa bảo đảm chống trộm cắp, vừa phòng ngừa hoả hoạn, chống mối mọt, nóng ẩm huỷ hoại thuốc. Kết hợp với công tác kiểm tra kho tàng bổ sung phương án bảo vệ, từng đơn vị phải xem xét lại đội ngũ bảo vệ, thủ kho, kiên quyết thay thế những người không đủ tiêu chuẩn, bằng những người thực sự tin cậy.

c) Từng đơn vị có chức năng quản lý, phân phối, sử dụng thuốc và dược liệu đều phải soát xét lại các nội quy, chế độ về xuất nhập, cấp phát, sử dụng, thuốc và dược liệu, đánh giá tình hình chấp hành, phát hiện các sơ hở trong việc chấp hành các nội quy chế độ, để có kế hoạch kịp thời sửa chữa, ngăn chặn không để cho phần tử xấu lợi dụng móc ngoặc chiếm đoạt thuốc và dược liệu.

d) Các đơn vị y tế có trách nhiệm nhận hàng nhập phải chấn chỉnh ngay công tác giao nhận ở sân bay, bến cảng. Phải có kế hoạch để bảo đảm mỗi khi có hàng nhập phải được thông báo kịp thời và phải tập trung lực lượng, phương tiện để nhanh chóng nhận và nhập kho, không để kéo dài việc giao hàng, dễ có sơ hở, thất thoát. Các đơn vị cũng cần đặc biệt tăng cường bảo vệ thuốc và dược liệu và trong khâu vận chuyển. Phải bảo đảm phương tiện vận chuyển có che chắn an toàn, có người áp tải và có người giao nhận, kiểm tra chặt chẽ. Những đợt vận chuyển quan trọng với số lượng lớn hoặc hàng có giá trị cao thì cần bàn với ngành công an để có kế hoạch hỗ trợ bảo vệ an toàn.

đ) Cần thực hiện nghiêm ngặt công tác quản lý thống nhất của hệ thống công ty dược phẩm đối với tất cả các loại thuốc, dụng cụ y tế, dù thuộc nguồn nào (mua, viện trợ, cấp phát), dù sử dụng vào yêu cầu nào (khám bệnh, phòng và chống dịch, chữa bệnh xã hội).

Bất cứ cơ quan nào có giữ thuốc và dụng cụ y tế, đều phải tiến hành kiểm kê, có sổ sách quản lý và xuất nhập phải có quy chế rành mạch.

e) Tất cả các đơn vị y tế đều phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định. Chỉ những đơn vị có chức năng lưu thông phân phối mới được tổ chức mua bán thuốc. Tất cả các đơn vị y tế đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Bộ Y tế về nuôi trồng, thu mua, vận chuyển và chế biến dược liệu.

g) Các đơn vị y tế tuyệt đối không được làm kinh tế tự túc, không được giải quyết "ba lợi ích" trên cơ sở buôn bán thuốc và dược liệu làm thuốc, không được lấy thuốc làm phần thưởng cho tập thể hoặc cá nhân, không làm hàng trao đổi hai chiều.

h) Bất kể trong trường hợp nào dều không được thực hành chế độ bán thuốc theo hai giá, không có chế độ bán thuốc theo giá cao. Những đơn vị nào hiện nay đang thực hiện chế độ này phải chấm dứt, chậm nhất là ngày 1 tháng 6 nâm 1983.

i) Những đơn vị khám và chữa bệnh phải kết hợp đẩy mạnh phong trào sử dụng hợp lý và an toàn thuốc với việc kiểm tra kiểm soát thường xuyên nhằm bảo đảm thuốc thực sự đến tay người bệnh

k) Bộ y tế sẽ ban hành chế độ khen thưởng định kỳ cho những đơn vị và cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ an toàn các đợt vận chuyển thuốc và bảo vệ an toàn không để xảy ra tham ô, trộm cắp thuốc và dược liệu làm thuốc.

1) Các đơn vị cần xử lý nghiêm khắc mọi trường hợp cán bộ, nhân viên y tế do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra mất mát thuốc. Những hành vi tham ô, trộm cắp, móc ngoặc với những phần tử xấu ngoài xã hội để tuồn thuốc ra ngoài bán đầu cơ, tham gia kinh doanh trái phép thuốc, sản xuất thuốc giả... Tùy theo tính chất sẽ phải xử lý về kỷ luật hành chính cho tới đưa truy tố trước pháp luật. những đơn vị để xảy ra các vụ xâm phạm thuốc, ngoài việc xử lý người trực tiếp có hành vi phạm tội, sẽ truy cứu trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đó.

2. Ngành công an.

a) Các đơn vị công an, các cấp có trách nhiệm phối hợp cùng các đơn vị y tế tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xâm phạm thuốc và dược liệu làm thuốc. Ngoài việc giúp đỡ chấn chỉnh và củng cố các kho tàng, bổ sung chế độ, nội quy, tổ chức tuần tra, canh gác, các đơn vị công an cần phối hợp với các đơn vị y tế làm tốt việc tuyển chọn cán bộ y tế làm công tác ở những bộ phận quan trọng, thiết yếu, cán bộ quản lý và bảo vệ các kho thuốc và dược liệu làm thuốc.

b) Trên cơ sở tình hình xâm phạm thuốc và các hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực quản lý và phân phối thuốc, các đơn vị công an phối hợp với các đơn vị y tế dề xuất kế hoạch với cấp uỷ và chính quyền địa phương phát động phong trào quần chúng, cả nội bộ ngành y tế và ngoài xã hội đấu tranh chống các hiện tượng tham ô, trộm cắp, đầu cơ buôn lậu thuốc và dược liệu, chống làm thuốc giả và kinh doanh thuốc giả.

c) Công an các cấp phải tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện mọi âm mưu hoạt động phá hoại của địch, bọn tham ô, trộm cắp và bọn đầu cơ, buôn lậu, bọn làm thuốc giả và buôn bán thuốc giả để đưa xử lý trước pháp luật, tích cực góp phần thúc đẩy phong trào quần chúng đấu tranh.

d) Trong phạm vi quản lý thị trường, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các sân bay, bến cảng, trên các tuyến đường giao thông quan trọng, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ Y tế về kinh doanh thuốc và dược liệu, có kế hoạch thống nhất tấn công, truy quét các ổ đầu cơ, buôn lậu, sản xuất thuốc trái phép, sản xuất và buôn bán thuốc giả, đấu tranh xoá bỏ thị trường tự do về thuốc chữa bệnh.

đ) Khi bắt giữ các vụ tham ô, trộm cắp, đầu cơ buôn lậu, sản xuất và kinh doanh trái phép, nếu đã xác định là thuốc và dược liệu làm thuốc của các cơ quan y tế bị xâm phạm thì các đơn vị công an cần chuyển ngay cho các đơn vị y tế có chức năng quản lý, sử dụng, nhưng phải bảo đảm về mặt thủ tục pháp luật, phục vụ cho việc xử lý kẻ phạm tội.

Đối với vụ án sản xuất và buôn bán thuốc giả hoặc nghi giả, các đơn vị công an không phải chuyển tang vật cho các đơn vị y tế, nhưng cần có sự giúp đỡ của các cơ sở y tế có chức năng để giám định các loại thuốc giả, nghi giả, để việc đề xuất xử lý kẻ phạm tội được đúng đắn nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này nhằm tăng cường công tác bảo vệ thuốc và dược liệu làm thuốc, tích cực đấu tranh chống tệ tham ô, trộm cắp, đầu cư, buôn lậu thuốc và dược liệu làm thuốc, kiên quyết loại trừ các hiện tượng sản xuất và buôn bán thuốc giả. Kiên quyết đấu tranh, loại trừ thị trường tự do về thuốc chữa bệnh, nhanh chóng lập lại sự quản lý thống nhất của ngành y tế đối với thuốc và các nguyên liệu làm thuốc theo đúng quy định của Nhà nước.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện thông tư này.

Căn cứ vào thông tư này, các đơn vị thuộc hai ngành y tế - nội vụ cùng nhau bàn bạc, phổ biến để quán triệt và có kế hoạch triển khai.

Trước mắt là ở các tỉnh, thành phố, đặc khu, hai ngành y tế - nội vụ phải tập hợp tình hình tiêu cực trong phạm vi quản lý, phân phối và sử dụng thuốc để đề xuất với uỷ ban nhân dân mở hội nghị liên ngành bàn biện pháp thực hiện thông tư về công tác bảo vệ thuốc, dược liệu làm thuốc chữa bệnh cho người. Đặc biệt là bốn thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. thành phố Hồ Chí Minh phải triển khai sớm một bước.

Căn cứ vào phương hướng, nghị quyết của hội nghị, mỗi ngành công an và y tế phải có kế hoạch riêng để thực hiện những nhiệm vụ mà thông tư liên bộ đã nêu, kế hoạch của mỗi ngành sau khi được vạch ra đều phải báo cáo lên ngành dọc cấp trên (Bộ Y tế, Bộ Nội vụ) và từng thời gian ba tháng phối hợp kiểm điểm kết quả thực hiện và báo cáo lên trên. Riêng lãnh đạo 2 ngành ở trung ương 6 tháng họp một lần trao đổi tình hình để có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị thuộc hai ngành.

 

 

 

Bộ Nội vụ

Bộ Y tế

Đang cập nhật

Đang cập nhật

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Quyết

Nguyễn Văn Đàn