• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/07/1995
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ
Số: 12/1995/TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 7 năm 1995

THÔNG TƯ

Của liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội
số 12/TTLB ngày 26-7-1995 quy định về tiêu chuẩn
thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới

__________________

Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; và Nghị định số 28-CP ngày 29-4-1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh.

Căn cứ kết quả nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các tiêu chuẩn hiện hành về thương tật (ban hành kèm Thông tư Liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội số 32/TT-LB ngày 27-11-1985) và tiêu chuẩn phân hạng mất sức lao động do bệnh tật (ban hành kèm Thông tư của Bộ Y tế số 32/BYT-TT ngày 23-8-1976) của Viện Giám định y khoa đã được Hội đồng khoa học kỹ thuật cấp Bộ (Hội đồng liên ngành) họp ngày 22-5-1993 để đánh giá, nghiệm thu và xếp loại xuất sắc đối với tiêu chuẩn thương tật, loại khá đối với tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật.

Được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng tại Công văn số 964-QY/4 ngày 16-11-1993, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Công văn số 1129-TLĐ/B ngày 14-12-1993;

Liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định về tiêu chuẩn thương tật, tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật (có bản quy định chi tiết kèm theo) và hướng dẫn thực hiện như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

A. Bản quy định tiêu chuẩn thương tật cũng chính là "Bản quy định tỷ lệ phần trăm mất sức lao động do thương tật" dùng để giám định lần đầu và giám định lại thương tật cho các đối tượng sau đây:

1. Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh (quy định tại Điều 12 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và quy định tại Điều 25 Nghị định 28-CP ngày 29-4-1995).

2. Những đối tượng gọi tắt là "người lao động" bị thương do tai nạn lao động (quy định tại Điều 3 và Điều 15 Nghị định số 12-CP ngày 26-1-1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội).

3. Những người lao động nói chung trong xã hội chưa bắt buộc tham gia chế độ bảo hiểm xã hội, bị thương, bị tai nạn trong khi thực thi nhiệm vụ, có yêu cầu giám định thương tật.

B. Bản quy định tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật cũng chính là "bản quy định tỷ lệ phần trăm mất sức lao động do bệnh tật" dùng để giám định khả năng lao động lần đầu và giám định lại sức khoẻ cho các đối tượng sau đây:

1. Bệnh binh (quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và quy định tại Điều 42 Nghị định 28-CP ngày 29-4-1995).

2. Các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng khi có yêu cầu giám định về sức khoẻ - khả năng lao động.

3. Người lao động thuộc diện thi hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội khi bị bệnh tật làm giảm hoặc mất sức lao động.

4. Người lao động nói chung trong xã hội khi có yêu cầu giám định về sức khoẻ - khả năng lao động.

Tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật còn dùng để tham khảo trong các trường hợp giám định tuyển dụng, giám định sức khoẻ định kỳ, giám định sức khoẻ đi lao động hợp tác hoặc nhằm mục đích khác (viết di chúc, kết hôn, v. v.).

II- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội đồng giám định y khoa (GĐYK) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng GĐYK Bộ Giao thông - Vận tải, các Hội đồng GĐYK Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Hội đồng GĐYK Trung ương (gồm cả các Phân Hội đồng GĐYK Trung ương I và II) là những đơn vị có thẩm quyền giám định mức độ mất sức lao động do thương tật, bệnh tật.

- Các nguyên tắc, quy trình và thủ tục hồ sơ giám định thương tật, giám định khả năng lao động phải theo quy định của pháp luật (xem Phụ lục)

2. Hội đồng GĐYK các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, Hội đồng GĐYK trong các lực lượng vũ trang, lực lượng an ninh phải thường xuyên chăm lo, kiện toàn củng cố về tổ chức (bố trí mỗi Hội đồng có một Phó Chủ tịch thường trực hoạt động chuyên trách) tăng cường các phương tiện kỹ thuật, điều kiện làm việc để công tác giám định thương tật giám định khả năng lao động được chu đáo, kịp thời, chính xác, bảo đảm các nguyên tắc, thủ tục hồ sơ theo đúng quy định.

3. Liên Bộ giao cho Vụ Điều trị, Viện giám định y khoa (Bộ Y tế) và Vụ Thương binh liệt sĩ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp nghiên cứu, đề xuất việc phân cấp cho Hội đồng GĐYK tỉnh, thành phố có đủ khả năng, điều kiện phương tiện kỹ thuật giám định phúc quyết thương tật cho thương binh để bớt khó khăn cho các đối tượng.

Hội đồng GĐYK Trung ương và Viện giám định y khoa hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các Hội đồng GĐYK các cấp, các ngành thực hiện Thông tư này.

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực từ ngày ban hành. Bản Quy định tiêu chuẩn thương tật, tiêu chuẩn mất sức lao động do bệnh tật ban hành kèm Thông tư này. Tiêu chuẩn phân loại thương tật 4 hạng (ban hành kèm Thông tư Liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội số 32-TT/LB ngày 27-11-1985) và Tiêu chuẩn phân loại sức lao động do bệnh tật (ban hành kèm Thông tư Bộ Y tế số 32-BYT/TT ngày 23-8-1976).

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Thương binh liệt sĩ, Vụ Bảo hiểm xã hội) và Bộ Y tế (Vụ Điều trị - Viện giám định y khoa) để nghiên cứu hướng dẫn thêm.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Bộ Y tế

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Đình Hoan

Đỗ Nguyên Phương

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.