THÔNG TƯ
CỦA BỘ THƯƠNG MẠI
Hướng dẫn tổ chức sản xuất và cung ứng muối I - ốt đáp ứng nhu cầu toàn dân
Căn cứ Nghị định số 95/CP ngày 4-12-1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thương mại;
Căn cứ Quyết định số 481/TTg ngày 8-9-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối I-ốt và giao Bộ Thương mại tổ chức sản xuất và cung ứng muối I-ốt trong phạm vi cả nước;
Bộ Thương mại hướng dẫn việc sản xuất và cung ứng muối I-ốt cho nhu cầu toàn dân, cụ thể như sau:
I. Nguyên tắc chung.
1. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tổ chức sản xuất và cung ứng muối I-ốt bảo đảm cho nhu cầu ăn của nhân dân trong cả nước. Trước mắt, trong năm 1995 phấn đấu đáp ứng 70% nhu cầu muối I-ốt cho toàn dân với chất lượng bảo đảm theo quy định hiện hành (TCVN/5647-1992), liều lượng I-ốt phải bảo đảm 50 PPM (50 phần triệu) hoặc bằng 500 mi crôgam/10 gam muối.
2. Các doanh nghiệp sản xuất muối I- ốt phải chịu sự quản lý thống nhất của Bộ Thương mại về quy hoạch, kế hoạch sản xuất, giá cả và chịu sự kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế về chất lượng muối I-ốt lưu thông trên thị trường.
3. Tổng công ty Muối chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Thương mại các tỉnh tổ chức sản xuất và lưu thông muối trên địa bàn tỉnh; thực hiện điều hoà cung cầu muối I-ốt trong phạm vi cả nước. Giúp các xí nghiệp sản xuất muối I-ốt ngoài hệ thống Tổng công ty tổ chức quản lý sản xuất, cung ứng muối nguyên liệu (khi có nhu cầu) nhằm bảo đảm chất lượng, ổn định giá thành muối I-ốt.
4. Các xí nghiệp sản xuất muối I-ốt có nhiệm vụ không ngừng cải tiến công trình công nghệ sản xuất, bao bì, định lượng đóng gói; đa dạng hoá các sản phẩm trộn muối I-ốt đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân với giá cả hợp lý.
II. Về tổ chức sản xuất muối I-ốt
Các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, địa phương có nhu cầu tổ chức sản xuất muối I-ốt phải được Bộ Thương mại xét, chấp nhận theo các quy định như sau:
a) Phải theo đúng quy hoạch mạng lưới sản xuất muối I-ốt do Bộ Thương mại công bố. Các xí nghiệp sản xuất muối I-ốt xây dựng phải đặt tại hoặc gần vùng sản xuất muối nguyên liệu, mhằm hạn chế tối đa lưu thông muối trắng từ vùng sản xuất đến vùng tiêu thụ. Phải có phương án tổ chức lưu thông số muối đã sản xuất ra.
Khu vực sản xuất muối I-ốt phải xa môi trường độc hại, thuận tiện đường giao thông, có đủ yêu cầu về điện, nước sạch để thực hiện quá trình sản xuất.
b) Có công nghệ trộn muối I-ốt bằng máy; công nghệ sản xuất và thiết bị trộn muối I-ốt phải được một số tổ chức có thẩm quyền bao gồm các chuyên gia của nghành Y tế, Thương mại và do ngành Y tế chủ trì, xác nhận. Đồng thời có khả năng hiện đại hoá sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới sản xuất muối hầm, muối tinh, muối nghiền trộn I-ốt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của nhân dân.
Nhà kho, xưởng sản xuất muối I-ốt phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh, có kho chuyên dùng để dự trữ muối nguyên liệu, kho bao bị, kho chứa thành phẩm.
c) Có kiểm tra chất lượng, có nhân viên kỹ thuật được qua huấn luyện để thực hiện chế độ kiểm tra chất lượng đối với từng lô hàng sản xuất ra.
Công nhân trực tiếp sản xuất phải được trang bị quần áo, mũ đồng phục, không mắc bệnh lây nhiễm.
d) Bao bì đóng gói muối I-ốt bằng túi P.E bảo đảm vệ sinh, không có mùi vị lạ, bền chắc, quá trình vận chuyển không bị bục, rách. Trên bao bì phải ghi rõ tên cơ sở sản xuất; ngày, tháng, năm sản xuất và thời gian sử dụng, đóng dấu đã kiểm tra chất lượng. Nhãn hiệu hàng hoá phải được đăng ký tại cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định hiện hành. Khi vận chuyển và dự trữ, phải có bao bì ngoài (loại 40 - 50 kg/bao) để bảo vệ.
đ) Các địa phương có nhu cầu sản xuất muối I-ốt phải có tờ trình, đơn xin sản xuất muối I-ốt của doanh nghiệp gửi Bộ Thương mại (Vụ Quản lý kinh doanh) Bộ Thương mại xem xét, chấp thuận để đơn vị sản xuất muối I-ốt. Sản phẩm sản xuất ra phải được cơ quan Y tế có thẩm quyền do Bộ Y tế uỷ nhiệm xác nhận mới được phép lưu thông trên thị trường.
III. Về tổ chức bán muối I-ốt.
1. Sở Thương mại chịu trách nhiệm chỉ đạo và lưu thông muối I-ốt theo những nguyên tắc sau:
- Những địa phương tự sản xuất được muối I-ốt (theo các điều kiện nêu ở mục II) thì giao cho xí nghiệp sản xuất tự tổ chức bán hoặc do các đơn vị thương nghiệp quốc doanh ký hợp đồng mua muối của các cơ sở sản xuất muối
I-ốt để tổ chức mạng lưới bán trên thị trường.
- Những địa phương không tự sản xuất được muối I-ốt thì thoả thuận với Tổng công ty Muối về việc bảo đảm nguồn và bán muối I-ốt tại địa phương.
2. Về giá cả:
a) Đối với địa bàn miền núi: thực hiện chính sách trợ giá (cước vận chuyển, bao bì, công trộn) theo quy định hiện hành.
b) Đối với các vùng khác: giá bán muối là giá thị trường, trên cơ sở giá nguyên liệu (muối trắng, bao bì...), chi phí sản xuất và lợi nhuận hợp lý.
IV. Tổ chức kiểm tra, thực hiện
1. Tổng công ty Muối, các địa phương được phép sản xuất muối I-ốt phấn đấu sớm đưa các xí nghiệp sản xuất muối I-ốt vào hoạt động, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu theo mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tổ chức và động viên toàn dân ăn muối I-ốt .
2. Sở Thương mại các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện giá bán, chất lượng và việc chấp hành chính sách của Nhà nước về cung ứng muối I-ốt của các đơn vị, kịp thời phát hiện những sai phạm để xử lý. Các đơn vị sản xuất và cung ứng muối I-ốt (cả Trung ương và địa phương) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ số liệu, tài liệu cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát về chất lượng và giá bán muối I-ốt được tiến hành tốt.
3. Các quy định về giá của Tổng công ty Muối phải gửi Bộ Thương mại, Ban Vật giá Chính phủ; các đơn vị sản xuất, kinh doanh muối I-ốt thuộc địa phương gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh theo dõi và kiểm tra việc thực hiện.
Sáu tháng một lần, các địa phương báo cáo Bộ Thương mại (Vụ Quản lý kinh doanh) kết quả thực hiện sản xuất, tiêu thụ muối I-ốt tại địa phương.
4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký, quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ảnh về Bộ để nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.