Sign In

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định quản lý, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với

hệ thống đường địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau

_______________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ khoản 8, Điều 10, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT- BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Báo cáo số 371/BC-SGTVT ngày 13 tháng 10 năm 2020.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY ĐỊNH

Quản lý, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

đối với hệ thống đường địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau

(ban hành kèm theo Quyết định số: 27/2020/QĐ-UBND

ngày 11 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

_____________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc quản lý, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Phân cấp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

1. Sở Giao thông vận tải quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường huyện và hệ thống đường đô thị (trừ đường quốc lộ và đường tỉnh trong đô thị).

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường xã.

 

Chương II

SỬ DỤNG, KHAI THÁC PHẠM VI BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG

GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG

 

Điều 4. Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

Phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương, gồm: Đất dành cho đường bộ, phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước có liên quan đến an toàn công trình và an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 3, 4, 5, 7, 9, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT) và khoản 1, 2, Điều 1, Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT).

Điều 5. Sử dụng, khai thác phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

1. Việc khai thác, sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương tuân thủ theo Điều 26, Điều 28, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 11/2010/NĐ-CP) và Quy định này.

2. Đường gom phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ; đường gom được xây dựng theo hướng sử dụng cho một hoặc nhiều dự án liền kề.

Trường hợp đặc biệt do điều kiện địa hình, địa vật khó khăn hoặc không đủ quỹ đất, có thể xem xét cho phép một phần đường gom nằm trong hành lang an toàn đường bộ, nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận khi lập dự án.

3. Việc quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ chỉ được thực hiện tạm thời khi điều kiện địa hình bên ngoài hành lang an toàn đường bộ không thực hiện được, nhưng không được làm ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ và phải được cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản. Cấm mọi hình thức quảng cáo trong phạm vi đất của đường bộ.

4. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ về vị trí và thiết kế đoạn đường dẫn vào cửa hàng bán lẻ xăng dầu qua phần đất hành lang an toàn đường bộ, gồm: Thiết kế điểm đấu nối với đường hiện có, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn của đoạn đường đang khai thác.

5. Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.

Điều 6. Xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

Việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 12, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT và khoản 5, Điều 1, Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT.

Điều 7. Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

1. Sở Giao thông vận tải chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống đường tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã.

3. Chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công công trình thiết yếu đối với các trường hợp: Sửa chữa công trình thiết yếu; công trình điện lực có cấp điện áp từ 35kV trở xuống xây dựng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của hệ thống đường địa phương đang khai thác; công trình đường dây tải điện, thông tin, viễn thông giao cắt phía trên đường bộ có cột nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ, nhưng phải bảo đảm quy định về phạm vi bảo vệ trên không, giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP và Quy định này.

4. Thủ tục chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT.

5. Thủ tục gia hạn chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu, chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT.

Điều 8. Cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

1. Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống đường tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã.

3. Thủ tục cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 1, Thông tư số 13/2020/TT-BGTVT.

4. Cơ quan cấp giấy phép thi công xây dựng công trình thiết yếu quy định tại khoản 1, 2, Điều này có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu đối với công tác hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do thi công xây dựng, sửa chữa công trình thiết yếu.

Điều 9. Chấp thuận, cấp giấy phép thi công xây dựng biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

Việc chấp thuận, cấp giấy phép thi công xây dựng biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đối với hệ thống đường địa phương thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 5, Điều 16, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.

Điều 10. Chấp thuận, cấp phép thi công xây dựng công trình đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

1. Trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo công trình đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ (trừ các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan chủ quản là cấp quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư), Chủ đầu tư dự án gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận quy mô, giải pháp thiết kế đến Sở Giao thông vận tải (đối với dự án trên hệ thống đường tỉnh) hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với dự án trên hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã) để được xem xét, giải quyết.

2. Chủ đầu tư hoặc nhà thầu thi công công trình đường bộ trong phạm vi đất dành cho đường bộ đang khai thác phải đề nghị Sở Giao thông vận tải (đối với dự án trên hệ thống đường tỉnh) hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với dự án trên hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã) cấp giấy phép thi công. Thủ tục cấp phép thi công được thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 5, Điều 18, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.

3. Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo đường bộ đối với hệ thống đường địa phương đang khai thác do các cơ quan quản lý đường bộ là chủ đầu tư, không phải đề nghị cấp giấy phép thi công, nhưng trước khi thi công, Ban Quản lý dự án hoặc nhà thầu thi công phải gửi đến cơ quan quản lý đường bộ, gồm: Quyết định duyệt dự án, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt kể cả phương án thi công, biện pháp tổ chức thi công bảo đảm an toàn giao thông đến cơ quan quản lý đường bộ xem xét, thỏa thuận bằng văn bản về thời gian thi công, biện pháp tổ chức bảo đảm an toàn giao thông khi thi công.

4. Tổ chức, cá nhân quản lý, bảo trì đường bộ làm công tác bảo dưỡng thường xuyên không phải đề nghị cấp Giấy phép thi công, nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ.

 

Chương III

ĐẤU NỐI ĐƯỜNG NHÁNH VÀO ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG

 

Điều 11. Đấu nối đường nhánh vào đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

1. Đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh, bao gồm:

a) Đường đô thị, đường huyện, đường xã.

b) Đường chuyên dùng: Đường lâm nghiệp, đường phục vụ thi công, đường khu công nghiệp.

c) Đường gom, đường nối từ đường gom.

d) Đường dẫn ra vào cửa hàng xăng dầu.

2. Đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh phải thông qua điểm đấu nối thuộc quy hoạch các điểm đấu nối vào đường tỉnh đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp điểm đấu nối vào đường tỉnh chưa có trong quy hoạch được duyệt thì phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối quy định tại Điều 12, Quy định này.

3. Đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã trong phạm vi đô thị thực hiện theo quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Thiết kế nút giao của đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về yêu cầu thiết kế đường ô tô.

5. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý sử dụng nút giao điểm đấu nối phải tự xóa bỏ hoặc cải tạo nút giao và không được bồi thường, hỗ trợ khi cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền yêu cầu xóa bỏ hoặc cải tạo nút giao.

6. Cao độ đường ra, vào của mặt bằng xây dựng cửa hàng xăng dầu hoặc các công trình khác phải đảm bảo thoát nước trong khu vực và thấp hơn cao độ mặt đường.

Điều 12. Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

1. Trong khu vực đô thị: Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã thực hiện theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các quy định hiện hành về quản lý đô thị.

2. Ngoài khu vực đô thị: Khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía dọc theo một bên tuyến được xác định như sau: Đối với đường tỉnh không nhỏ hơn 500m, đối với đường huyện không nhỏ hơn 400m, đối với đường xã không nhỏ hơn 200m.

Trường hợp khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề trên đường tỉnh, đường huyện không đảm bảo khoảng cách trên, giao Sở Giao thông vận tải kiểm tra, khảo sát, đề xuất chấp thuận từng vị trí nút giao cụ thể, nhưng đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề không nhỏ hơn 400m đối với đường tỉnh và không nhỏ hơn 200m đối với đường huyện; việc chấp thuận vị trí nút giao đấu nối vào hệ thống đường bộ phải đảm bảo hoạt động giao thông thông suốt, đảm bảo an toàn giao thông và không ảnh hưởng, làm hư hỏng tài sản đường bộ hiện hữu.        

3. Các vị trí đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã đã xây dựng, tồn tại theo chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền được tiếp tục tồn tại, nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông và phải thực hiện bổ sung hồ sơ xin phép đấu nối theo quy định; trường hợp không đảm bảo an toàn giao thông thì phải xóa bỏ trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Điều 13. Chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối vào đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

1. Trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án, chủ đầu tư dự án hoặc chủ sử dụng nút giao phải căn cứ tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành để lập, gửi hồ sơ đề nghị được chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào đường bộ đang khai thác đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết cụ thể như sau:

a) Sở Giao thông vận tải chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao trên hệ thống đường tỉnh.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao trên hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã.

2. Văn bản chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông của nút giao có giá trị trong thời gian 12 tháng kể từ ngày ký ban hành, nếu quá 12 tháng phải thực hiện việc gia hạn. Việc gia hạn như quy định đối với việc gia hạn chấp thuận xây dựng công trình thiết yếu tại khoản 5, Điều 7, Quy định này.

Điều 14. Cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường bộ đối với hệ thống đường địa phương

1. Sau khi có văn bản chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao của cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư hoặc chủ sử dụng nút giao hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao, biện pháp tổ chức thi công đảm bảo an toàn giao thông và gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 2, Điều này đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền đề nghị cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường bộ.

Cơ quan có thẩm quyền cấp phép thi công là cơ quan chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao được quy định tại Điểm a, b, khoản 1, Điều 13, Quy định này.

2. Thủ tục cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường bộ thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4, Điều 27, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.

3. Nút giao phải được cơ quan cấp phép thi công nghiệm thu và chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng.

4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình nút giao ảnh hưởng đến an toàn giao thông, bền vững kết cấu công trình đường bộ.

5. Chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng nút giao chịu trách nhiệm bảo trì nút giao; việc bảo dưỡng thường xuyên nút giao không phải đề nghị cấp phép thi công nhưng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông; khi sửa chữa định kỳ nút giao phải đề nghị cấp phép thi công theo quy định tại Điều này.

Điều 15. Đấu nối tạm thời vào đường bộ

1. Đấu nối tạm thời vào đường bộ để phục vụ vận chuyển vật tư, thiết bị, máy móc thi công các dự án. Thời hạn sử dụng điểm đấu nối tạm thời không quá 12 tháng, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn 01 (một) lần nhưng tổng thời gian mở điểm đấu nối tạm không quá 24 tháng. Sau thời hạn 5 ngày, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm xóa bỏ điểm đấu nối tạm thời và hoàn trả hành lang an toàn đường bộ như ban đầu; trường hợp dự án, công trình có tiến độ thi công lớn hơn 24 tháng, phải làm đường gom nối từ dự án đến nút giao điểm đấu nối gần nhất đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

2. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình đề nghị cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền xem xét, chấp thuận đấu nối tạm thời đường dẫn vào hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã.

3. Việc chấp thuận thiết kế, cấp giấy phép thi công điểm đấu nối tạm thời vào đường bộ được thực hiện theo quy định tại Điều 13, 14, Quy định này.

 

Chương IV

TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

ĐƯỜNG BỘ ĐỐI VỚI HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG

 

Điều 16. Sở Giao thông vận tải

1. Thực hiện trách nhiệm liên quan đến việc chấp thuận, cấp giấy phép thi công trên hệ thống đường tỉnh theo Quy định này. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Xây dựng kế hoạch, tổ chức khắc phục hư hỏng công trình đường bộ do thiên tai gây ra trên các tuyến đường tỉnh.

4. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường tỉnh.

5. Chấp thuận, cấp, thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ các hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến đường tỉnh.

Điều 17. Công an tỉnh

1. Chỉ đạo lực lượng công an thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định pháp luật.

2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng phục vụ giải tỏa, cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Điều 18. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tổ chức thẩm định các dự án, quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Điều 19. Sở Xây dựng

Hướng dẫn lập quy hoạch và quản lý xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn tỉnh.

Điều 20. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, quản lý và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, công trình tuyến ống cấp nước có liên quan đến công trình đường bộ; hướng dẫn việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ để canh tác nông nghiệp bảo đảm an toàn công trình đường bộ.

Điều 21. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Giao thông vận tải hướng dẫn việc khảo sát, đo đạc, phân loại và quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến việc sử dụng đất để xây dựng các công trình công cộng và hành lang bảo vệ an toàn theo quy định.

Điều 22. Sở Công Thương

Hướng dẫn việc thực hiện xây dựng hệ thống cửa hàng xăng dầu, công trình điện dọc theo đường bộ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và an toàn giao thông.

Điều 23. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn ngân sách để thực hiện công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, kinh phí tổ chức giải tỏa vi phạm về hành lang an toàn đường bộ.

Điều 24. Sở Thông tin và Truyền thông

Hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông đảm bảo kỹ thuật và an toàn công trình đường bộ.

Điều 25. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hướng dẫn thực hiện việc quy hoạch và xây dựng các công trình liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đảm bảo kỹ thuật và an toàn công trình đường bộ.

Điều 26. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Thực hiện nhiệm vụ theo Điều 41, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và khoản 4, Điều 31, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.

2. Thực hiện trách nhiệm liên quan đến việc chấp thuận, cấp giấy phép thi công trên hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã theo Quy định này; cấp, thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền quy định.

Điều 27. Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Thực hiện nhiệm vụ theo Điều 42, Nghị định số 11/2010/NĐ-CP và khoản 5, Điều 31, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT.

2. Huy động lực lượng tham gia công tác cưỡng chế, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp huyện và đơn vị quản lý đường bộ.

 

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 28. Trách nhiệm thi hành

1. Giám đốc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này đến các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.

2. Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quy định này thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lâm Văn Bi