Sign In

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy định quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Cà Mau

_______________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019);

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT ngày 04 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 84/TTr-SGTVT ngày 22 tháng 6 năm 2021, Báo cáo số 256/BC-STP ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Sở Tư pháp, Công văn số 3428/VP-XD ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY ĐỊNH

Quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Cà Mau

(Kèm theo Quyết định số 18/2021/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2021

của y ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

_____________

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vđiều chỉnh

Quy định này quy định quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định (gọi tắt là đơn vị kinh doanh vận tải) được Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công, có sử dụng xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách để đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

 

Chương II

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA XE Ô TÔ VẬN TẢI

TRUNG CHUYỂN HÀNH KHÁCH

 

Điều 3. Quy định sử dụng xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách

1. Xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách có sức chở người từ 16 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái xe), có niên hạn sử dụng được quy định tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng và xe ô tô chở người và phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của đơn vị kinh doanh vận tải.

2. Xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách phải đáp ứng các quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 12 và điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

3. Phải niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải. Kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm.

4. Có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” được cơ quan có thẩm quyền cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.

6. Xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách chỉ được sử dụng để vận chuyển hành khách (đi các tuyến cố định đơn vị tham gia khai thác) đi hoặc đến bến xe khách, điểm đón, trả khách trên tuyến và hành khách không phải trả thêm bất kỳ khoản chi phí nào khác ngoài giá vé trên tuyến cố định đã được niêm yết theo quy định.

Điều 4. Phạm vi và thời gian hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách

1. Đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh

a) Thời gian từ sau 05 giờ đến 17 giờ hàng ngày: Đơn vị kinh doanh vận tải được sử dụng xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách để đón, trả khách trong phạm vi huyện và thành phố Cà Mau nơi có bến xe khách đi hoặc bến xe khách đến trên địa bàn các huyện và thành phố Cà Mau;

b) Thời gian từ sau 17 giờ đến 05 giờ sáng ngày hôm sau: Đơn vị kinh doanh vận tải được sử dụng xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách để đón, trả khách đi trên tuyến cố định của đơn vị theo yêu cầu của hành khách trong địa bàn tỉnh Cà Mau.

2. Đối với tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh

Đơn vị kinh doanh vận tải có sử dụng xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách được hoạt động 24/24 giờ để đón, trả khách đi trên tuyến cố định của đơn vị trong địa bàn của địa phương (các huyện và thành phố Cà Mau) nơi có bến xe khách đi hoặc bến xe khách đến.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị

1. Sở Giao thông vận tải

a) Tổ chức quản lý, cấp, cấp lại và thu hồi phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ;

b) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách theo quy định;

c) Tổ chức kiểm tra và xử lý những vi phạm liên quan đến quản lý hoạt động xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh theo quy định;

d) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố Cà Mau để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này; kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết.

2. Công an tỉnh

a) Tổ chức kiểm tra và xử lý những vi phạm liên quan đến quản lý hoạt động xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh theo quy định;

b) Kết nối, chia sẻ thông tin về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô để Sở Giao thông vận tải phối hợp quản lý.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau

a) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý hoạt động xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách thuộc địa bàn quản lý;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định về công tác quản lý hoạt động xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trên địa bàn địa phương.

4. Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách

a) Xây dựng phương án tổ chức hoạt động trung chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh gửi Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến và bến xe nơi đi, bến xe nơi đến để theo dõi, quản lý;

b) Công khai niêm yết biển số xe, thời gian hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách của đơn vị tại nơi bán vé, trụ sở đơn vị và bến xe để hành khách biết.

5. Đơn vị quản lý bến xe khách trên địa bàn tỉnh

a) Kiểm tra hoạt động xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách theo quy định tại Điều 3 của Quy định này khi hoạt động tại bến xe;

b) Kiểm tra việc niêm yết công khai biển số xe, thời gian hoạt động các xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách trong bảng niêm yết chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải tại bến xe;

c) Tổ chức theo dõi tình hình hoạt động và tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách tại bến xe khách do đơn vị quản lý gửi về Sở Giao thông vận tải trước ngày 15 hàng tháng.

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh đến Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lâm Văn Bi