CHỈ THỊ
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đăng ký, quản lý hộ tich
trên địa bàn tỉnh Cà Mau
________
Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong những năm qua, nhất là kể từ khi thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch đã được các ngành, các cấp trong tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hiệu lực quản lý nhà nước về đăng ký, quản lý hộ tịch có những chuyển biến tích cực; Thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, chuyển giao thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn giải quyết theo quy định, tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký hộ tịch.
Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một ít đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức đăng ký và quản lý hộ tịch; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là việc thực hiện đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi, cải chính hộ tịch, xác định dân tộc và điều chỉnh những sai sót trong các giấy tờ văn bằng, chứng chỉ khác. Ý thức tự giác, trách nhiệm của một bộ phận nhân dân chưa cao, dẫn đến tình trạng đăng ký khai sinh quá hạn vẫn còn nhiều; vi phạm pháp luật trong việc đăng ký, quản lý hộ tịch vẫn còn xảy ra.
Để tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đăng lý, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ. Tập trung khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc trong việc điều chỉnh các giấy tờ có liên quan; làm tốt việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm khắc phục kịp thời những sai sót, hạn chế trong hoạt động nghiệp vụ hộ tịch. Chống mọi biểu hiện tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu trong việc thực hiện đăng ký hộ tịch cho nhân dân.
Thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp lý đối với công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài; trong đó, cần chú trọng tăng cường quản lý nhà nước đối với việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, thủ tục công nhận hôn nhân đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài và việc cho, nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
2. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng đề án quy hoạch, đào tạo đội ngũ công chức Tư pháp cơ sở, nhằm xây dựng đội ngũ công chức Tư pháp cơ sở đảm bảo về trình độ chuyên môn, chuyên trách, ổn định công tác lâu dài để thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Khảo sát, xây dựng kế hoạch đảm bảo biên chế công chức Tư pháp - Hộ tịch cho các đơn vị có địa bàn rộng, tập trung đông dân cư, khối lượng công việc nhiều.
3. Giám đốc Sở Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ và Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố xác định biên chế cần thiết cho Phòng Tư pháp huyện, thành phố để đảm bảo có cán bộ chuyên trách về đăng ký, quản lý hộ tịch. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Tư pháp cấp huyện, cấp xã theo tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án ứng dụng tin học trong công tác quản lý và đăng ký hộ tịch áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Tư pháp và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã, Công an các xã, phường, thị trấn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý đăng ký hộ tịch do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và công chức làm công tác Tư pháp - Hộ tịch tại cơ sở để nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí và các sở, ban, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch trong các cơ quan, các tổ chức đoàn thể, cán bộ và nhân dân trong tỉnh hiểu rõ nội dung Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, để mọi người tự giác chấp hành; xác định đăng ký hộ tịch vừa là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi công dân. Từng bước, tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
4. Giám đốc Sở Tài chính hướng dẫn các cấp, các ngành trong tỉnh đảm bảo kinh phí cho công tác tập huấn, tuyên truyền thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, cân đối việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc và các loại biểu mẫu, sổ bộ hộ tịch đáp ứng nhu cầu công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật.
5. Đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tỉnh chỉ đạo Toà án nhân dân huyện, thành phố khi ra các quyết định liên quan đến các thay đổi hộ tịch theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 phải thực hiện nghiêm túc việc gửi bản sao quyết định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nơi trước đây đã đăng ký các sự kiện hộ tịch có liên quan đến việc thay đổi để ghi vào sổ hộ tịch theo quy định.
6. Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo thực hiện hướng dẫn liên ngành đảm bảo thực hiện đồng bộ, thống nhất nội dung đăng ký khai sinh, cải chính, sửa đổi bằng cấp, chứng chỉ, các hồ sơ học tập và giấy tờ tùy thân của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
7. Thủ trưởng sở ban, ngành tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình, khi giải quyết những công việc của công dân cần thực hiện đúng các quy định về hồ sơ, thủ tục có liên quan đến công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
Các đơn vị được phân công theo nội dung Quyết định số 494-QĐ/TU ngày 14/4/2009 của Tỉnh ủy phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động nhân dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hộ tịch.
8. Các cơ quan báo chí của tỉnh cần chú trọng đưa nội dung phổ biến pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch trong chuyên trang, chuyên mục pháp luật; chỉ đạo tốt việc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở.
9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Tư pháp và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý hộ tịch; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp sai phạm về cải chính năm sinh, điều chỉnh các sai sót trong bản chính giấy khai sinh, xác định lại dân tộc.
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hộ tịch; công tác quy hoạch, đào tạo, kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức Tư pháp - Hộ tịch; đảm bảo thường xuyên có người trực, tiếp nhận giải quyết kịp thời các yêu cầu đăng ký hộ tịch của người dân. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn nghiệp vụ hộ tịch cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cơ sở; tổ chức mô hình đơn vị điểm về thực hiện cải cách hành chính trong công tác này.
Chỉ đạo UBND cấp xã bố trí nơi làm việc; trang bị cơ sở vật chất, phương tiện để tiếp công dân và giải quyết các yêu cầu về hộ tịch. Đảm bảo kinh phí phục vụ cho công tác hộ tịch và công tác lưu trữ hồ sơ tài liệu, bảo quản sổ hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý, uốn nắn kịp thời những sai sót; khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc nhằm tạo bước chuyển biến mới trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn.
10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch cấp mình. Sắp xếp, bố trí cán bộ có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo quy định để thực hiện đăng ký, quản lý hộ tịch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của công chức Tư pháp - Hộ tịch. Định kỳ cử cán bộ xuống các khóm, ấp rà soát, nắm bắt các sự kiện hộ tịch để kịp thời đăng ký các sự kiện hộ tịch khi phát sinh trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại đơn vị. Tổ chức thực hiện tốt chế độ thu, nộp và quản lý, sử dụng lệ phí hộ tịch theo đúng quy định tại Nghị quyết số 03/2008/NQ-HĐND ngày 25/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành lệ phí hộ tịch, đăng ký cư trú, cấp chứng minh nhân dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo, thống kê số liệu hộ tịch theo quy định.
11. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành có liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện và định kỳ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Chỉ thị này về Ủy ban nhân dân tỉnh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này; Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành và thay thế Chỉ thị số 04/2007/CT-UBND ngày 29/01/2007 của UBND tỉnh Cà Mau./.