CHỈ THỊ
CỦA CHÍNH PHỦ
Về việc thực hiện Nghị định số 10/1998/NĐ-CP
của Chính phủ và cải tiến các thủ tục đầu tư trực tiếp nước ngoài
Nhằm thực hiện Nghị định số 10/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 1 năm 1998 về một số biện pháp khuyến khích và bảo đảm hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Nghị định), cải tiến các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đấu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện một số việc sau đây:
1. Các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện ngay các quy định tại Nghị định, hướng dẫn thực hiện và xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của mình theo đúng nội dung của Nghị định.
Nghiêm cấm việc ban hành các quy định, thủ tục không thuộc thẩm quyền của mình hoặc hướng dẫn thực hiện, diễn giải, vận dụng không đúng tinh thần và nội dung của Nghị định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc giải thích, giải quyết các vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài.
2. Các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, sửa đổi hoặc huỷ bỏ các quy định đã ban hành trái với Nghị định; công bố và niêm yết tại nơi tiếp nhận hồ sơ mọi thủ tục, quy trình giải quyết các vấn đề về đầu tư nước ngoài; xác định và thông báo công khai một đầu mối tiếp nhận, xử lý và trả lời các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chỉ đạo và kiểm tra các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định về việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần thông báo với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai hoạt động kinh doanh của mình theo mục tiêu, ngành nghề quy định tại giấy phép đầu tư, không phải xin Giấy phép kinh doanh và Giấy phép hành nghề.
3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Địa chính và các cơ quan liên quan soạn thảo và công bố các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng áp dụng cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trình sửa đổi những thuế suất không hợp lý trong thuế nhập khẩu, sửa đổi thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (chủ yếu là đối với người nước ngoài và người Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
4. Tổng cục Hải quan thực hiện ngay việc sửa đổi và công bố công khai các quy chế, quy trình, thủ tục hải quan thuộc thẩm quyền của mình theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; chấn chỉnh tổ chức, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các Hải quan tỉnh, thành phố và Hải quan cửa khẩu nhằm khắc phục ngay các hiện tượng phiền hà, tiêu cực; có cơ chế tiếp thu và xử lý ý kiến đóng góp, khiếu nại của khách hàng.
5. Các Ban quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh rà soát giá và phương thức thanh toán tiền cho thuê lại đất tại các Khu công nghiệp, hướng dẫn các Công ty phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp giảm giá cho thuê lại đất đã được xây dựng kết cấu hạ tầng và áp dụng phương thức thanh toán linh hoạt để tăng cường thu hút đầu tư vào các Khu công nghiệp.
6. Tổng cục Địa chính hướng dẫn cụ thể các Sở địa chính thực hiện Thông tư số 697/TT-ĐC ngày 12 tháng 5 năm 1997, chỉ tiến hành đo đạc và lập bản đồ địa chính một lần và đơn giản hoá mọi thủ tục khác về đất đai.
7. Bộ Thương mại hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, các Ban quản lý khu công nghiệp thực hiện thuận lợi, nhanh chóng việc xác nhận kế hoạch xuất - nhập khẩu các các doanh nghiệp.
8. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường sửa đổi Thông tư số 1100/TT-MTg ngày 20 tháng 8 năm 1997 theo hướng quy định và công bố các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường để các nhà đầu tư thực hiện và chịu xử phạt nếu vi phạm; trên cơ sở đó giảm bớt danh mục quy định dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động về môi trường; có quy định cụ thể miễn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các doanh nghiệp đăng ký áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của các nước tiên tiến theo khoản 3 Điều 39 Nghị định 10/CP, điều chỉnh Quyết định số 2019/1997/QĐ-BKHCNMT ngày 1 tháng 12 năm 1997 theo hướng thông thoáng hơn đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu toàn bộ sản phẩm.
9. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 58/CP ngày 3 tháng 10 năm 1996 và của Thông tư số 09/LĐTBXH-TT ngày 18 tháng 3 năm 1997 nhằm đơn giản hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, uỷ quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban quản lý Khu công nghiệp cấp tỉnh cấp Giấy phép Lao động đối với mọi đối tượng và thời hạn; soát xét lại các quy định tại Thông tư số 11/LĐTBXH-TT ngày 3 tháng 5 năm 1995 theo hướng chưa áp dụng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương như quy định đối với doanh nghiệp trong nước và nghiên cứu kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài về việc trả lương, bảo hiểm và các khoản phụ cấp cho người lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
10. Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ sửa đổi Thông tư liên Bộ số 32/TT-LB ngày 30 tháng 12 năm 1993 để phân cấp cho cơ quan công an cấp tỉnh được giải quyết khắc và đăng ký sử dụng con dấu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
11. Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao thực hiện đúng thời hạn thị thực nhập cảnh cho các nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 4 Nghị định số 04/CP ngày 18 tháng 01 năm 1993 (một năm và gia hạn từng năm một); nghiên cứu trình Chính phủ ban hành một Nghị định thống nhất về xuất, nhập cảnh thay thế cho các Nghị định hiện hành của Chính phủ (04/CP ngày 18 tháng 01 năm 1993, 48/CP ngày 8 tháng 7 năm 1993, 24/CP ngày 24 tháng 3 năm 1995 và 76/CP ngày 6 tháng 11 năm 1995). Sửa đổi quy định hiện hành về thời hạn thị thực nhập cảnh đối với người nước ngoài đang thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam theo thời hạn hợp đồng lao động; cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần với thời hạn 3 năm cho chủ đầu tư nước ngoài không thường trú tại Việt Nam. Soát xét và sửa đổi các quy định về cấp visa và lệ phí visa, kiểm tra để bảo đảm thực hiện thuận lợi cho người nước ngoài và thống nhất trong các cơ quan Việt Nam trong và ngoài nước.
12. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu để sửa đổi các quy định về việc kiểm tra chất lượng các loại phương tiện cơ giới đường bộ được sản xuất, lắp ráp theo thiết kế và mang nhãn hiệu hàng hoá của nước ngoài theo hướng đơn giản hoá các loại hồ sơ, kỹ thuật có liên quan, đồng thời phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng quy định việc kiểm tra chất lượng các phương tiện nói trên chỉ tiến hành một lần khi đăng ký nhãn hàng hoá, tránh trùng lặp.
13. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính viễn thông chủ động thực hiện các phần việc thuộc phạm vi hoạt động của mình để bảo đảm cơ sở hạ tầng bên ngoài cho các doanh nghiệp và cùng với các doanh nghiệp khác có liên quan xử lý ngay với sự thoả thuận của các nhà đầu tư nước ngoài các trường hợp họ đã bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, nước...) ngoài hàng rào.
14. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và các Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật khác để định kỳ công bố danh mục các sản phẩm mà các nhà đầu tư đăng ký cấp giấy phép đầu tư, phải bảo đảm xuất khẩu ít nhất 80% sản lượng.
Bộ Công nghiệp chủ trì nghiên cứu trình Chính chính sách nội địa hoá (tăng dần số chi tiết, linh kiện được sản xuất tại Việt Nam) các sản phẩm cơ khí, điện tử.
Bộ Xây dựng chủ trì cùng với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ về cơ chế cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh nhà ở, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển kinh doanh ở các khu đô thị mới.
Các công việc từ mục 1 đến mục 14 hoàn thành trước ngày 30 tháng 4 năm 1998.
15. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì xây dựng và ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành quy định về mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài, về bảo lãnh, cầm cố, thế chấp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
16. Ban Vật giá Chính phủ chủ trì với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề án về mức giá các dịch vụ thuộc danh mục nhà nước quản lý giá và quy định việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thanh toán các phí dịch vụ bằng tiền Việt Nam theo hướng tiến dần tới chỉ áp dụng cơ chế một biểu giá chung.
17. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu để trình Chính phủ chủ trương xử lý đối với các trường hợp nước ngoài đầu tư không có giấy phép; xem xét những trường hợp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, nếu có đủ điều kiện thì cấp Giấy phép đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
18. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì với sự tham gia của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, hiểu biết luật pháp và khả năng ngoại ngữ của cán bộ Việt Nam tham gia quản lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phù hợp với các quy mô và loại hình hoạt động khác nhau; cơ chế điều động, bổ nhiệm, thuê tuyển, khen thưởng và xử lý kỷ luật đối với cán bộ Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
19. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và và Đầu tư hoàn thành việc xây dựng quy hoạch và chương trình đào tạo cán bộ Việt Nam tham gia quản lý các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cán bộ làm công tác đầu tư nước ngoài tại các cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như lực lượng công nhân kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
20. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình Chính phủ về việc đầu tư nước ngoài theo hình thức công ty cổ phần; phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thành lập các quỹ đầu tư; tổ chức thí điểm cổ phần hoá một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
21. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các Bộ, Ngành liên quan nghiên cứu trình đề án từng bước tạo mặt bằng pháp lý và áp dụng thống nhất chính sách thuế, các loại giá dịch vụ (thuê đất, điện, nước, bưu chính, viễn thông, hàng không...) đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện các việc nêu trên, báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý 3 năm 1998.
22. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi và tổng hợp việc thực hiện Chỉ thị này để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện... do các Bộ, ngành và địa phương ban hành để triển khai Chỉ thị này cần gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Chỉ thị này. Trường hợp có những vấn đề liên quan đến văn bản pháp quy vượt quá thẩm quyền của mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi kịp thời./.