QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH CÀ MAU
V/v thu thuế sử dụng đất nông nghiệp trên diện tích đất
quy hoạch phát triển lâm nghiệp
_________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
- Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND;
- Căn cứ luật thuế sử dụng đất nông nghiệp;
- Căn cứ thực tế sử dụng đất thuộc diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp vào sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh;
- Xét báo cáo số 33 ngày 05/6/1997 của Cục Thuế tỉnh Cà Mau.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay quy định về việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp trên diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp trong tỉnh đối với : đất trồng trọt (trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả...), đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng trồng và các loại đất khác dùng vào sản xuất nông nghiệp của tất cả các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất.
Riêng các tổ chức, cá nhân tự bao chiếm trái phép hoặc sang nhượng bất hợp pháp để sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thì việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp trong trường hợp này không có nghĩa là thừa nhận tính hợp pháp về quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân đó, mà theo nguyên tắc có sử dụng đất để sản xuất, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản thì phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Quy định về thu thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với từng trường hợp cụ thể:
1- Thuế sử dụng đất nông nghiệp trên diện tích đất thuộc cả hai vùng (nước ngọt và nước mặn) được tính thuế, lập bộ, thu thuế chia 3 loại sau:
a) Tính và thu thuế đối với đất rừng trồng khi thu hoạch, tiả thưa.
b) Tính và thu thuế đối với đất trồng trọt, kinh mương, mặt nước ao, đầm nuôi trồng thủy sản, đất trồng có khả năng sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
c) Tính và thu thuế theo hạng đất trên diện tích trồng rừng có kết hợp nuôi trồng thủy sản hàng năm, theo phương thức sau :
Rừng trồng phải đạt mật độ từ 10.000 cây/1 ha, trồng theo quy hoạch nghiệm thu đạt kỹ thuật trong thời gian trồng, chăm sóc nuôi dưỡng thì được giảm thuế từng năm theo mức lũy tiến từ 20% - 50% trên số còn lại sau khi đã trừ giảm, miễn thiên tai, chính sách xã hội (nếu có).
Từ năm thứ 5 trở đi khi rừng đã khép tán, nghiệm thu đạt kỹ thuật thì chuyển sang thu theo chế độ rừng trồng. Nếu nghiệm thu lại, rừng trồng không đạt kỹ thuật vì lý do chủ quan thì ngoài việc bị xử lý vi phạm theo luật quy định hiện hành, đơn vị, tổ chức, cá nhân còn bị truy thu tiền thuế đã được giảm trong suốt thời gian được giảm thuế.
2- Những trường hợp bao chiếm đất rừng trái phép để sản xuất sẽ tiến hành xử lý theo luật và các quy định khác của Trung ương và tỉnh về bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện thu thuế, phạt thuế (nếu có vi phạm về thuế) theo luật thuế sử dụng đất nông nghiệp.
3- Các tổ chức và hộ gia đình nhận đất, nhận rừng để trực tiếp sản xuất mà thuộc đối tượng giảm, miễn thuế thiên tai, chính sách xã hội thì được xét giảm, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp hàng năm cho từng tổ chức và hộ gia đình theo quy định của luật thuế.
Điều 2: Thủ trưởng các ngành chức năng của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, Giám đốc các Lâm ngư trường, Ban Quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của từng cấp từng ngành, từng đơn vị phối kết hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
+ Chỉ đạo trồng rừng và nghiệm thu rừng trồng
+ Thống kê hiện trạng diện tích rừng
+ Nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế
+ Quản lý thu đúng, thu đủ tiền thuế vào NSNN
+ Thực hiện chế độ giảm, miễn theo luật định
Giao cho Cục thuế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Thủy sản hướng dẫn chi tiết thi hành quyết định này.
Giám đốc các Lâm ngư trường, Ban Quản lý bảo vệ và phát triển rừng có nhiệm vụ kết hợp với chính quyền địa phương, cơ quan thuế trong việc thực hiện quản lý thu, nộp thuế.
Điều 3:
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện có rừng, Giám đốc các Lâm ngư trường, Ban Quản lý bảo vệ và phát triển rừng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định này.
Quyết định này thay thế cho Quyết định số 105/QĐ-UB ngày 02/6/1994 của UBND tỉnh Minh Hải. (về việc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp trên diện tích đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/1998./.