Sign In

QUYẾT ĐỊNH

 Ban hành Quy định đảm bảo an toàn cho người canh giữ đáy hàng khơi

trên địa bàn tỉnh Cà Mau

_________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Căn cứ Chỉ thị số 22/2006/CT-TTg ngày 30/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ;

Căn cứ Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;

Căn cứ Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và quy định chi tiết Điều 3 Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 304/TTr-SNN ngày 21/10/2014 và Báo cáo thẩm định số 271/BC-STP ngày 16/10/2014 của Giám đốc Sở Tư pháp,

 

                                                                                              QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định đảm bảo an toàn cho người canh giữ đáy hàng khơi trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 36/2006/QĐ-UBND ngày 08/11/2006 của UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quy định về  điều kiện bố trí người canh giữ đáy hàng khơi. 

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có đáy hàng khơi và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

_________________________

QUY ĐỊNH

Đảm bảo an toàn cho người canh giữ đáy hàng khơi

trên địa bàn tỉnh Cà Mau

 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 28/2014/QĐ-UBND

ngày 11/11/2014 của UBND tỉnh Cà Mau)

_______________

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về điều kiện bố trí người canh giữ đáy hàng khơi; trách nhiệm quản lý của cơ quan chuyên ngành trong lĩnh vực thủy sản, các ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các cấp nơi có hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề đáy hàng khơi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề đáy hàng khơi thuộc các vùng biển do tỉnh Cà Mau quản lý.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đáy hàng khơi: Là miệng đáy, hàng đáy hoặc lô đáy được đóng trên các vùng biển để khai thác thủy sản.

2. Chủ đáy hàng khơi: Là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sở hữu, quản lý, sử dụng đáy hàng khơi.

3. Chòi canh: Là nơi người lao động được bố trí ở đó để canh giữ đáy hàng khơi.

4. Người canh giữ đáy: Là người trực tiếp canh giữ đáy tại chòi canh.

 

Chương II

ĐIỀU KIỆN BỐ TRÍ NGƯỜI CANH GIỮ ĐÁY HÀNG KHƠI

 

Điều 4. Điều kiện về con người

          Người canh giữ đáy hàng khơi trong chòi canh phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Phải trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Có đủ sức khỏe để hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

3. Có hợp đồng lao động theo quy định pháp luật lao động đối với trường hợp không phải là thành viên trong hộ gia đình.

4. Có giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn còn hiệu lực.

Điều 5. Điều kiện về phương tiện hoạt động và cứu sinh

1. Đối với tàu trực cứu hộ, cứu nạn

a) Tàu trực cứu hộ, cứu nạn trên biển phải có công suất máy chính trên  20CV;

b) Tàu phải có đầy đủ các trang thiết bị sau:

- Trang thiết bị hàng hải theo quy định đối với tàu hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ, bao gồm: Phương tiện cứu sinh, thiết bị cứu hỏa và chống thủng;

- Trang thiết bị thông tin đảm bảo liên lạc thông suốt với chòi canh và trạm bờ; thiết bị định vị vệ tinh.

- Các trang thiết bị phải đúng theo tiêu chuẩn ngành quy định.

c) Tàu phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định pháp luật.

2. Đối với chòi canh trên hàng đáy

a) Chòi canh phải đảm bảo chắc chắn, an toàn trong điều kiện gió cấp 5.

b) Trong chòi canh phải trang bị phao cứu sinh đủ cho những người canh giữ đáy sử dụng và phải có thiết bị thông tin liên lạc được với tàu trực cứu hộ, cứu nạn.

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

CHUYÊN NGÀNH, CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐƠN VỊ CÓ LIÊN QUAN

VÀ TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN

 

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền để các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân làm nghề đáy hàng khơi chấp hành đúng Quy định này. Chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc phối hợp với các lực lượng có liên quan kiểm tra, giám sát các tàu trực cứu hộ, cứu nạn của các cơ sở đáy hàng khơi; kiểm tra trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc trên các tàu cứu hộ, cứu nạn và trên các chòi canh đáy.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo cho các Đồn, Trạm Biên phòng đóng ở các cửa biển có nghề đáy hàng khơi phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc bố trí người canh giữ đáy và tàu trực cứu hộ, cứu nạn; hướng dẫn cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản bằng đáy hàng khơi thực hiện đúng Quy định này; kiên quyết không để người canh giữ đáy và tàu cứu hộ, cứu nạn không đảm bảo điều kiện theo quy định canh giữ và hoạt động.

3. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng khác của tỉnh phối hợp với các sở, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định này và các quy định hiện hành khác có liên quan, nhằm nâng cao ý thức tự giác của các chủ cơ sở đáy hàng khơi trong việc chấp hành Quy định, đảm bảo an toàn cho người canh giữ đáy hàng khơi.

4. UBND các huyện có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức tuyên truyền cho ngư dân và các chủ cơ sở đáy hàng khơi biết và thực hiện theo Quy định này và các quy định khác có liên quan; thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành các Quy định về điều kiện bố trí người canh giữ đáy hàng khơi; kịp thời báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền về những khó khăn trong quá trình thực hiện để được hướng dẫn xử lý.

5. UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân địa phương tuân thủ nghiêm quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề đáy hàng khơi; phối hợp với các lực lượng chuyên ngành kiểm tra việc thực hiện quy định này. 

Điều 7. Trách nhiệm của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề đáy hàng khơi

1. Đảm bảo các điều kiện về người canh giữ đáy hàng khơi, tàu trực cứu hộ, cứu nạn theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Quy định này; đảm bảo các phương tiện, trang thiết bị trên tàu cứu hộ, cứu nạn và chòi canh hoạt động bình thường.

2. Ký kết hợp đồng lao động với người được bố trí canh giữ đáy (trong trường hợp không phải là thành viên trong hộ gia đình); mua bảo hiểm tai nạn cho người canh giữ đáy hàng năm theo quy định.

3. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động khai thác thủy sản theo quy định pháp luật về thủy sản hiện hành.

4. Tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về phòng, tránh thiên tai.

Điều 8. Trách nhiệm của người canh giữ đáy hàng khơi

1. Tuân thủ nghiêm các qui định về an toàn cho người trong hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

2. Chấp hành nghiêm các qui định của pháp luật về hợp đồng lao động.

3. Khi có tin áp thấp nhiệt đới, bão khẩn cấp, người canh giữ đáy phải mặc áo phao cá nhân và di tản bằng tàu cứu hộ, cứu nạn hoặc các phương tiện khác do cơ quan chức năng điều động.

 

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 9. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong quá trình thực hiện Quy định này và các quy định khác có liên quan trong hoạt động đáy hàng khơi được xem xét, khen thưởng theo quy định hiện hành.

2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản bằng nghề đáy hàng khơi, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định.

3. Các đơn vị, cá nhân được giao trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện quy định này không hoàn thành nhiệm vụ, tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; UBND các huyện; UBND các xã, thị trấn có tổ chức loại hình khai thác thủy sản bằng nghề đáy hàng khơi tổ chức triển khai thực hiện quy định này; thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; định kỳ tháng, quý, năm báo cáo tình hình thực hiện Quy định này về UBND tỉnh; chủ động đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan khi phát sinh khó khăn, vướng mắc./.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Dũng