• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/01/1991
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 6/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 7 tháng 1 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành pháp lệnh thuế tài nguyên ngày 30 tháng 3 năm 1990 của Hội đồng Nhà nước

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ Pháp lệnh Thuế tài nguyên ngày 30 tháng 3 năm 1990 ban hành kèm theo Lệnh số 34-LCT/HĐNN8 ngày 9 tháng 4 năm 1990 của Hội đồng Nhà nước;

 

NGHỊ ĐỊNH:

I. ĐỐI TƯỢNG NỘP THUẾ, TÍNH THUẾ TÀI NGUYÊN.

Điều 1

Mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có khai thác tài nguyên dưới mọi hình thức đều là đối tượng nộp thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh Thuế tài nguyên.

Điều 2

Tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên thuộc chủ quyền của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều là đối tượng tính thuế tài nguyên.

Điều 3

Không phải nộp thuế tài nguyên trong các trường hợp sau đây:

1. Đối với các tổ chức, cá nhân là người Việt Nam hiện đang cư trú trong nước thuộc các thành phần kinh tế:

a. Khai thác các sản phẩm rừng tự nhiên đã phải nộp tiền nuôi rừng theo quy định tại quyết định số 116-HĐBT ngày 20 tháng 7 năm 1988 của Hội đồng bộ trưởng.

Bộ Tài chính và Bộ Lâm nghiệp phối hợp nghiên cứu để chuyển chế độ nộp tiền nuôi rừng sang chế độ nộp thuế tài nguyên theo Pháp lệnh Thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác sản phẩm rừng tự nhiên để áp dụng thống nhất, cùng một thời điểm trong cả nước.

b. Khai thác nguồn nước tự nhiên, trừ khai thác nguồn nước dùng cho sản xuất thuỷ điện.

2. Đối với các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam:

Các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng đã được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư quyết định mức thu tiền tài nguyên trong giấy phép đầu tư trước ngày Pháp lệnh thuế tài nguyên có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục trả tiền nguyên, không phải nộp thuế tài nguyên cho đến hết thời hạn hợp đồng.

Điều 4

Trường hợp xí nghiệp liên doanh do bên nước ngoài và bên Việt Nam hợp tác trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sản phẩm, thì thuế tài nguyên phải nộp của xí nghiệp liên doanh hay của bên nước ngoài phải được xác định trong hợp đồng liên doanh đã được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư chuẩn y và tính vào phần sản phẩm chia cho bên Việt Nam. Khi chia sản phẩm khai thác, bên Việt Nam có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên vào Ngân sách Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.

II. CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ TÀI NGUYÊN.

Điều 5

Căn cứ tính thuế tài nguyên là số lượng khai thác, giá tính thuế đơn vị tài nguyên nguyên khai và thuế suất đối với loại tài nguyên đó.

Điều 6

Số lượng tài nguyên khai thác để tính thuế tài nguyên là số lượng (trọng lượng, khối lượng) của từng loại tài nguyên nguyên khai khai thác trong kỳ (tháng, quý, năm), không phụ thuộc vào việc tiêu thụ tài nguyên.

Điều 7

Giá tính thuế tài nguyên là giá bán thực tế tài nguyên nguyên khai của tổ chức hoặc cá nhân khai thác tài nguyên:

1. Đối với tài nguyên tiêu thụ tại thị trường Việt Nam bao gồm bán cho tiêu dùng nội địa hoặc bán cho một tổ chức khác để xuất khẩu, giá tính thuế là giá bán thực tế tài nguyên nguyên khai ở thời điểm tính thuế tài nguyên.

2. Đối với tài nguyên do tổ chức khai thác trực tiếp xuất khẩu, giá tính thuế là giá bán bình quân bằng ngoại tệ theo hợp đồng của tài nguyên đó tại cửa khẩu nước Việt Nam (FOB) ở thời điểm tính thuế tài nguyên.

3. Trường hợp tài nguyên nguyên khai không có giá bán như đã quy định tại điểm 1 và 2 Điều 7: (khai thác tài nguyên rồi tiếp tục chế biến; tài nguyên chứa nhiều hợp chất khác nhau thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên v. v...) thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ chủ quản để quy định cụ thể giá tính thuế đối với từng loại tài nguyên.

Điều 8

Thuế suất của từng loại tài nguyên tuỳ thuộc vào chất lượng của tài nguyên, điều kiện khai thác, vận chuyển tài nguyên, có tính đến thông lệ quốc tế và đối sách về thị trường tiêu thụ.

Biểu thuế suất từng nhóm tài nguyên quy định theo khung thuế suất như sau:

Nhóm và loại tài nguyên Thuế suất (%)

I- Khoáng sản kim loại 2 - 10 %

1. Khoáng sản kim loại đen 2 - 8 %

2. Khoáng sản kim loại màu 3 - 10 %

3. Khoáng sản kim loại quý hiếm 5 - 10 %

(Wolfram, thiếc, Antimoan...)

riêng: vàng 2 - 15 %

II- Than 1 - 5 %

riêng: than nâu, than mỡ 4 - 10

III- Dầu mỏ, khí đốt: 6 - 20

1. Dầu mỏ 10 - 20

2. Khí đốt 6 - 10

IV- Khoáng sản không kim loại 1 - 12 %

1. Khoáng sản không kim loại công nghiệp 3 - 12

2. Vật liệu xây dựng cao cấp 2 - 8

3. Vật liệu xây dựng thông thường 1 - 3

4. Đá quý 3 - 15

5. Khoáng sản không kim loại khác 1 - 5

V- Sản phẩm rừng tự nhiên 10 - 40 %

Riêng: - Gỗ các loại 15 - 40

Đặc sản, dược liệu (trầm hương, hồi, quế, sa nhân v.v) 20 - 40 %

Chim, thú rừng 15 - 40

VI- Thuỷ sản tự nhiên: 3 - 10 %

Riêng: Yến sào, hải sâm, đồi mồi, ngọc trai 5 - 10

VII- Tài nguyên khác: 1 - 10 %

Đối với những loại tài nguyên quý hiếm, có giá trị cao, khai thác thuận lợi, thì sẽ có thuế suất bổ sung.

Điều 9

Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các Bộ liên quan hướng dẫn chi tiết danh mục từng nhóm tài nguyên, biểu thuế suất quy định tại Điều 8 Nghị định này.

 

III. KÊ KHAI, NỘP THUẾ TÀI NGUYÊN

Điều 10

Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên dưới mọi hình thức phải thực hiện đầy đủ những quy định về kê khai, đăng ký, nộp thuế tài nguyên theo quy định tại các điều 8, 9 Pháp lệnh Thuế tài nguyên, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại các điều 15, 16, 17 Pháp lệnh thuế tài nguyên.

Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết nội dung, thủ tục kê khai đăng ký, nộp thuế tài nguyên.

Điều 11

Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ sổ sách kế toán theo quy định của Pháp lệnh kế toán và thống kê ngày 10 tháng 5 năm 1988, chế độ lập chứng từ mua bán hàng, thu tiền theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 12

Thuế tài nguyên là khoản thu ngân sách Nhà nước được thực hiện điều tiết hàng năm cho ngân sách địa phương theo quy định tại nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng về phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương.

Điều 13

Cơ quan thuế Nhà nước phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điều 10, 11 Pháp lệnh thuế tài nguyên.

IV. GIẢM THUẾ TÀI NGUYÊN.

Điều 14

Được xét giảm thuế tài nguyên trong các trường hợp sau đây:

1. Các tổ chức, cá nhân trong nước khai thác tài nguyên trong thời gian mới khai thác gặp khó khăn, hoặc bị thiên tai, địch hoạ có thể được xét giảm thuế tài nguyên.

Thời gian giảm và mức giảm thuế tài nguyên tuỳ thuộc vào thời gian hoạt động khai thác và mức độ khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của tổ chức, cá nhân đối với loại tài nguyên đó, nhưng thời gian giảm tối đa không quá 3 năm kể từ ngày bắt đầu khai thác; mức giảm không quá 50% số thuế phải nộp trong năm thứ nhất, không quá 40% trong năm thứ 2, và không qua 30 %số thuế phải nộp trong năm thứ 3.

2. Các tổ chức, cá nhân trong nước khai thác tận thu tài nguyên ở những vùng đã thôi khai thác, có thể được giảm thuế tài nguyên đối với số tài nguyên tận thu, mức giảm cao nhất không quá 50% số thuế phải nộp.

Điều 15

Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định nguyên tắc xét giảm và mức giảm thuế tài nguyên quy định tại điều 14 Nghị định này theo đúng quy định tại điều 12 Pháp lệnh thuế tài nguyên.

V - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 17

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này

Điều 18

Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tổ chức chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra việc chấp hành Pháp lệnh Thuế tài nguyên./.

 

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.