• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/12/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 25/02/2014
CHÍNH PHỦ
Số: 125/2008/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 11 tháng 12 năm 2008

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

_____________________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh số 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02 tháng 4 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2003 về quy định và hướng dẫn việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục:

1. Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 3. Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục

1. Người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có tính chất thường xuyên (có từ hai lần vi phạm trở lên trong thời hạn 12 tháng), nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định:

a) Xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân, của người nước ngoài;

b) Xâm phạm tài sản của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài;

c) Đua xe trái phép; tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ;

d) Gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ;

đ) Lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi tích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

e) Tổ chức cưỡng ép, lôi kéo, dụ dỗ người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

g) Đánh bạc;

h) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc;

i) Tổ chức, môi giới mại dâm, chứa mại dâm;

k) Tổ chức thực hiện hoặc thực hiện các hành vi mê tín để trục lợi bất chính;

l) Các hành vi khác vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã hội.

2. Người nghiện ma túy thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh mà thuộc loại côn đồ hung hãn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, trong giai đoạn cắt cơn, phục hồi hành vi nhân cách mà có hành vi vi phạm các quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 và khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 từ hai lần trở lên trong 6 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

2. Bổ sung Điều 3b như sau:

Điều 3b. Các trường hợp không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

1. Người nước ngoài.

2. Người chưa đủ 18 tuổi.

3. Người trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam.

Thời điểm tính độ tuổi nêu tại khoản 2, khoản 3 Điều này là ngày ký quyết định đưa vào cơ sở giáo dục. Căn cứ pháp lý để xác định độ tuổi là Giấy khai sinh, nếu không có Giấy khai sinh thì phải căn cứ vào Giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu. Trong trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì căn cứ vào lời khai và tài liệu có giá trị khác để xác định độ tuổi.

Trường hợp người đã bị lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, nhưng đến ngày ký quyết định đưa vào cơ sở giáo dục thì họ đã trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam hoặc người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục mà bỏ trốn, đến khi bị bắt lại, đã trên 55 tuổi đối với nữ, trên 60 tuổi đối với nam thì không ra quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường hợp đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi quyết định đó và chuyển hồ sơ để Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với họ theo quy định của pháp luật”.

3. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 6. Thành lập và quản lý cơ sở giáo dục

1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước.

Cơ sở giáo dục được thành lập theo từng khu vực. Trường hợp địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện cần áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định thành lập cơ sở giáo dục tại địa phương mình.

2. Cơ sở giáo dục được quy hoạch, thiết kế, xây dựng theo quy định thống nhất của Bộ Công an, nhằm bảo đảm phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của công tác quản lý, giáo dục, cai nghiện, chữa bệnh, dạy nghề cho trại viên và bảo đảm các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường.

3. Bộ Công an thống nhất quản lý các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chương trình giáo dục cho trại viên; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc tổ chức dạy nghề và phối hợp với Bộ Y tế trong việc tổ chức cai nghiện ma túy, phòng bệnh, chữa bệnh cho trại viên cơ sở giáo dục”

4. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 7. Kinh phí bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục

1. Kinh phí bảo đảm cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện và tổ chức hoạt động của cơ sở giáo dục; cho việc lập, xét duyệt hồ sơ; cho việc tổ chức đưa người vào cơ sở giáo dục, truy tìm đối tượng bỏ trốn; cho ăn, mặc, ở, học tập, phòng bệnh, chữa bệnh, cai nghiện ma túy cho trại viên do ngân sách nhà nước cân đối, bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Công an.

2. Cơ sở giáo dục được tiếp nhận sự tài trợ, giúp đỡ về vật chất của các tổ chức, cá nhân; được tham gia hợp đồng, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh tế theo quy định của pháp luật để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của cơ sở giáo dục”.

5. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 9. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục

1. Công an các cấp có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục cư trú (đối với người có nơi cư trú nhất định) hoặc nơi người đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (đối với người không có nơi cư trú nhất định) xem xét, lập hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục gửi Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Công an cấp huyện). Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan Công an cấp huyện có trách nhiệm xác minh, thẩm tra hồ sơ, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ quan công an cùng cấp chuyển đến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, gửi hồ sơ kèm theo văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định đưa người vào cơ sở giáo dục đến Thường trực Hội đồng Tư vấn (tại Công an cấp tỉnh) để thẩm định, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Thường trực Hội đồng Tư vấn phải gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng Tư vấn.

Hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục gồm có bản tóm tắt lý lịch, biên bản, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó; văn bản về các biện pháp giáo dục đã được áp dụng (đối với người có nơi cư trú nhất định); nhận xét của cơ quan Công an, ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội cùng cấp liên quan.

3. Trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp phát hiện, thụ lý, điều tra trong các vụ vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự mà thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định này thì cơ quan Công an đang thụ lý phải xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp để đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục.

Hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này gồm có bản tóm tắt lý lịch, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó; bản trích lục án và các biện pháp giáo dục đã bị áp dụng (nếu có).

4. Trường hợp đối tượng do cơ quan Công an cấp huyện thụ lý, lập hồ sơ gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp theo quy định tại khoản 3 Điều này thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải gửi hồ sơ, kèm theo văn bản đề nghị đưa vào cơ sở giáo dục đến Thường trực Hội đồng Tư vấn (tại Công an cấp tỉnh) để thẩm định, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. Trong trường hợp cơ quan Công an cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị đưa người vào cơ sở giáo dục theo quy định tại khoản 3 Điều này thì Giám đốc Công an cấp tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và gửi hồ sơ đến các thành viên Hội đồng Tư vấn.

6. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an cùng cấp tổ chức quản lý chặt chẽ các đối tượng đang trong thời gian lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục; trường hợp đối tượng không có nơi cư trú nhất định, có biểu hiện lẩn trốn, gây khó khăn cho quá trình lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục thì Trưởng Công an cấp huyện làm văn bản báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định quản lý họ tại Công an Cấp tỉnh trong thời hạn không quá 15 ngày theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định này để lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục”.

6. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 12. Xử lý trường hợp một người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh

1. Trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữa bệnh thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Cơ quan đã thụ lý hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ đó cho cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ, xét duyệt đưa vào cơ sở chữa bệnh để tiến hành các thủ tục đưa vào cơ sở chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp đối tượng nghiện ma túy thuộc loại côn đồ hung hãn thì áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục. Cơ quan đã thụ lý hồ sơ đưa vào cơ sở chữa bệnh có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ đó cho cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ, xét duyệt đưa vào cơ sở giáo dục để tiến hành các thủ tục đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này thì Giám đốc cơ sở chữa bệnh lập hồ sơ gửi Thường trực Hội đồng Tư vấn (tại Công an cấp tỉnh) để thẩm định, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người đó theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này không phải chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh.

Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục trong trường hợp này bao gồm:

a) Toàn bộ hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; biên bản, tài liệu về các vi phạm pháp luật của người đó trong thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh và các biện pháp giáo dục đã được áp dụng đối với họ;

b) Văn bản đề nghị của Giám đốc cơ sở chữa bệnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Các tài liệu khác liên quan đến việc đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với người đó.”

7. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau

Điều 13. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc đưa vào cơ sở giáo dục trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Hội đồng Tư vấn

2. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và phải được gửi ngay cho Công an cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, cơ sở chữa bệnh đối với trường hợp đối tượng bị đưa vào cơ sở giáo dục là người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh và giao cho người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trước khi thi hành.

3. Nội dung quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị đưa vào cơ sở giáo dục; hành vi vi phạm pháp luật của người đó; điều, khoản của văn bản được áp dụng; thời hạn phải chấp hành quyết định; nơi chấp hành quyết định theo hướng dẫn của Bộ Công an; quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật”.

8. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 14. Thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định, Công an cấp tỉnh hoặc cơ sở chữa bệnh đối với trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này phải tổ chức đưa người đó vào cơ sở giáo dục.

Thời hạn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục được tính từ ngày người bị áp dụng biện pháp này được đưa đi cơ sở giáo dục.

2. Khi nhận được quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Công an cấp tỉnh trong việc đảm bảo thi hành quyết định đó.

3. Trong trường hợp cần phải có thời gian để tiến hành các thủ tục trước khi đưa người có quyết định vào cơ sở giáo dục thì Giám đốc Công an cấp tỉnh ra quyết định quản lý họ tại Công an cấp tỉnh trong thời hạn không quá 15 ngày để tiến hành các thủ tục cần thiết.

Thời hạn bị quản lý tại Công an cấp tỉnh được tính vào thời hạn chấp hành quyết định tại cơ sở giáo dục.

Chế độ ăn, ở của người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trong thời gian bị quản lý tại Công an cấp tỉnh được hưởng như chế độ ăn, ở của trại viên trong cơ sở giáo dục.

Công an cấp tỉnh phải bố trí nơi dành riêng cho việc quản lý người đã có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục trong thời gian họ bị quản lý tại Công an tỉnh.

Bộ Công an hướng dẫn cụ thể việc quản lý đối tượng tại Công an cấp tỉnh đối với các trường hợp nêu trên và các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định này.

4. Khi đưa người phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải có hồ sơ kèm theo; hồ sơ gồm có:

a) Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; quyết định lưu giữ hành chính tại Công an cấp tỉnh (nếu có);

b) Bản tóm tắt lý lịch và hành vi vi phạm pháp luật của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

c) Danh bản của người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

d) Những tài liệu cần thiết khác liên quan đến nhân thân của người phải chấp hành quyết định và để phục vụ cho việc quản lý, giáo dục người đó (nếu có).

5. Khi tiếp nhận người có quyết định đưa vào cơ sở giáo dục phải đối chiếu, kiểm tra người được giao nhận với hồ sơ, chứng minh nhân dân và giấy tờ tùy thân khác của người đó và lập biên bản giao nhận, ghi rõ những tài liệu có trong hồ sơ; tình trạng sức khỏe hiện tại của người được giao nhận; tư trang, đồ dùng cá nhân mang theo và những vấn đề khác liên quan đến việc giao nhận đối tượng.”

9. Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 16. Thời hiệu thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục

1. Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục hết thời hiệu thi hành sau 01 năm, kể từ ngày ra quyết định. Trường hợp người bị đưa vào cơ sở giáo dục cố tình trốn tránh việc thi hành thì thời hiệu nêu trên được tính lại kể từ thời điểm hành vi trốn tránh được chấm dứt.

2. Trường hợp người bị đưa vào cơ sở giáo dục thực hiện hành vi vi phạm tội trong thời gian bỏ trốn và bị Tòa án xử phạt tù giam thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù giam, người đó phải tiếp tục chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục; trường hợp hình phạt do Tòa án tuyên không phải là hình phạt tù giam thì phải chấp hành ngay quyết định đưa vào cơ sở giáo dục theo quy định của Nghị định này”.

10. Điều 19 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 19. Tổ chức cơ sở giáo dục

1. Tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục gồm có Giám đốc, các Phó Giám đốc; Đội trưởng, Đội phó; Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ vũ trang bảo vệ và công nhân viên.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu, Đội trưởng, quyết định biên chế, tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

3. Quy mô mỗi cơ sở giáo dục quản lý từ 500 đến 3.000 trại viên. Cơ sở giáo dục có trên 1.000 trại viên có thể thành lập các phân khu theo quy định của Bộ Công an. Trong cơ sở giáo dục phải bố trí khu vực, buồng riêng (mỗi buồng không quá 15 người) để quản lý đối tượng đang được cai nghiện ma túy, quản lý trại viên nhiều lần vi phạm Nội quy, thường xuyên chống đối làm ảnh hưởng tiêu cực đến trại viên khác.”

11. Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 21. Tiêu chuẩn của Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu, Đội trưởng, Đội phó, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên cơ sở giáo dục.

1. Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phân khu, Phó Trưởng phân khu, Đội trưởng, Đội phó, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên phải là người có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với chế độ, với Đảng, có ý thức tổ chức kỷ luật, nắm vững đường lối, chính sách, hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.

2. Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phân khu, Đội trưởng phải là người đã tốt nghiệp một trong các trường: Học viện Cảnh sát nhân dân; Học viện An ninh nhân dân; Đại học Cảnh sát nhân dân; Đại học An ninh nhân dân; Đại học Luật; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Đại học Sư phạm; Đại học Y khoa hoặc tương đương và có kinh nghiệm quản lý, giáo dục những người vi phạm pháp luật.

3. Phó Trưởng phân khu, Đội phó, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan vũ trang bảo vệ phải là người đã tốt nghiệp Trung học Cảnh sát nhân dân, Trung học An ninh nhân dân trở lên hoặc có trình độ tương đương.

4. Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật phải là người có trình độ trung học chuyên nghiệp trở lên về lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận.

Hạ sĩ quan, chiến sĩ bảo vệ phải là người đã được đào tạo, huấn huyện về nghiệp vụ công tác bảo vệ.

Công nhân viên phải là người được đào tạo, nắm vững kiến thức về lĩnh vực công tác chuyên môn mà mình đảm nhận.”

12. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 28. Chế độ ăn, mặc

1. Mỗi năm, mỗi trại viên được cấp 02 bộ quần áo dài, 02 bộ quần áo lót, 02 khăn mặt, 01 đôi dép, 02 bàn chải đánh răng, 02 chiếc chiếu cá nhân, 01 áo mưa, 01 chiếc mũ che mưa, nắng; mỗi quý được cấp 01 hộp kem đánh răng 150 gam, 0,6 kg xà phòng; 02 năm được cấp 01 chăn sợi, 01 màn; đối với trại viên ở các cơ sở giáo dục từ Thừa Thiên Huế trở ra được cấp thêm 01 áo ấm và 01 chăn bông nhưng không quá 02 kg dùng trong 02 năm.

Trại viên là phụ nữ được cấp tiền vệ sinh cá nhân mỗi tháng tương đương với 02 kg gạo tính theo giá thị trường của từng địa phương.

2. Định mức ăn hàng tháng của trại viên được quy định như sau: gạo 17kg, thịt hoặc cá 1,5kg, đường bình thường 0,5 kg, muối 1,0kg, bột ngọt 500 gam, nước mắm 01 lít, rau xanh 15kg, chất đốt 15kg củi hoặc tương đương. Ngày lễ, ngày Tết dương lịch được ăn thêm không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán được ăn thêm không quá 05 lần tiêu chuẩn ngày thường. Đối với những người lao động nặng hoặc trong môi trường độc hại có thể tăng thêm 15% so với tiêu chuẩn, định lượng trên. Các tiêu chuẩn ăn được tính theo giá thị trường của từng địa phương.

3. Chế độ ăn, nghỉ của trại viên bị bệnh do Giám đốc cơ sở quyết định theo chỉ định của cơ quan y tế.”

13. Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 29. Chế độ sinh hoạt, học tập

1. Trại viên được hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí; được đọc sách, báo, nghe đài, nghe phổ biến thời sự, chính sách, được xem vô tuyến truyền hình theo quy định của Bộ Công an.

Mỗi cơ sở giáo dục được thành lập 01 thư viện, khu vui chơi, sân thể thao. Cứ 30 trại viên được phát 01 tờ báo Nhân dân và 01 tờ báo Pháp luật. Mỗi phân khu được trang bị hệ thống truyền thanh hoặc 01 hệ thống truyền hình cáp nội bộ, mỗi buồng ở tập thể được trang bị 01 vô tuyến truyền hình màu 21 inches trở lên.

2. Trại viên được học các chương trình giáo dục công dân mỗi tuần 01 buổi, mỗi buổi 04 giờ.

3. Trại viên mù chữ phải học văn hóa để xóa mù chữ mỗi tuần 02 buổi, mỗi buổi 4 giờ.

4. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục, Giám đốc cơ sở giáo dục có thể sắp xếp thời gian học văn hóa cho những đối tượng khác và bố trí cho trại viên lao động kết hợp với học những nghề phù hợp.

5. Kinh phí hàng tháng chi cho việc học văn hóa, học nghề, giáo dục công dân cho mỗi trại viên tương đương với 03 kg gạo tính theo giá thị trường của từng địa phương.

6. Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình học tập và đào tạo, bố trí giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề cho các cơ sở giáo dục.”

14. Điều 32 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 32. Chế độ khám, chữa bệnh và giải quyết trường hợp trại viên bị chết

1. Giám đốc cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cai nghiện cho các trại viên còn nghiện ma túy. Kinh phí tổ chức cai nghiện ma túy do ngân sách nhà nước cấp.

2. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở giáo dục, Giám đốc cơ sở giáo dục tổ chức khám sức khỏe định kỳ và có biện pháp phòng bệnh cho trại viên. Tiền thuốc, khám, chữa bệnh thường xuyên hàng tháng cho mỗi trại viên được cấp tương đương với 02 kg gạo theo giá thị trường của từng địa phương.

Trường hợp trại viên bị bệnh, thì căn cứ vào chỉ định của cán bộ y tế, Giám đốc cơ sở giáo dục xét cho họ tạm nghỉ lao động, học tập hoặc giảm định mức, giảm giờ lao động trong thời gian bị bệnh; trường hợp cần thiết thì cho điều trị tại bệnh xá của cơ sở hoặc cho đi bệnh viện; trường hợp bệnh nặng, cần đưa về gia đình điều trị thì Giám đốc cơ sở giáo dục báo cáo Cục trưởng Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành quyết định theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

Trường hợp trại viên bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì Giám đốc cơ sở giáo dục phải làm các thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp cho trại viên theo quy định.

Trường hợp trại viên có biểu hiện của bệnh thần kinh thì Giám đốc cơ sở giáo dục có văn bản gửi Bệnh viện tâm thần Trung ương theo khu vực và cử cán bộ đưa trại viên đến để đề nghị giám định tâm thần. Các bệnh viện tâm thần Trung ương theo khu vực có trách nhiệm giám định tâm thần cho trại viên và có kết luận bằng văn bản gửi Giám đốc cơ sở giáo dục để giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Khi có trại viên bị chết thì Giám đốc cơ sở giáo dục phải báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền đến lập biên bản làm rõ nguyên nhân chết, có trại viên cùng cơ sở giáo dục làm chứng và làm thủ tục khai tử với chính quyền địa phương. Sau đó phải gửi giấy chứng tử cho gia đình người chết biết và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đã ra quyết định đưa người đó vào cơ sở giáo dục, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trước đây họ cư trú.

Trường hợp trại viên chết do bị HIV/AIDS có kết luận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên thì Giám đốc cơ sở giáo dục mời đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ sở y tế, đại diện hợp pháp của trại viên chết (nếu có) đến để lập biên bản theo quy định và không cần giám định pháp y.

Trường hợp trại viên chết khi đang điều trị tại các cơ sở y tế nhà nước từ cấp huyện trở lên thì cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo và gửi giấy chứng tử cho cơ sở giáo dục.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi làm xong các thủ tục nêu trên, Giám đốc cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức mai táng tử thi; kinh phí mai táng do ngân sách nhà nước cấp.

Nếu thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của trại viên chết có đơn đề nghị được nhận tử thi về để mai táng hoặc đề nghị được nhận hài cốt đã được địa táng đủ 03 năm trở lên thì Giám đốc cơ sở giáo dục xem xét, quyết định cho nhận thi thể, hài cốt. Đơn đề nghị phải có xác nhận Ủy ban nhân dân cấp xã và phải cam đoan thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.”

15. Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 33. Chế độ thăm gặp người thân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà

1. Trại viên được gặp người thân mỗi tháng 02 lần, mỗi lần không quá 02 giờ tại nhà tiếp đón của cơ sở giáo dục và phải chấp hành đúng những quy định về thăm gặp. Trường hợp gặp lâu hơn thì phải được sự đồng ý của Giám đốc cơ sở giáo dục, nhưng cũng không quá 04 giờ.

Trại viên có nhiều cố gắng trong lao động, học tập, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và nội quy cơ sở giáo dục thì Giám đốc cơ sở giáo dục có thể cho gặp vợ hoặc chồng đến 48 giờ và được ở lại qua đêm tại nhà tiếp đón của cơ sở giáo dục.

2. Người đến thăm trại viên phải có Giấy chứng minh nhân dân, đơn xin thăm, nếu là vợ hoặc chồng đến thăm và được nghỉ qua đêm thì phải có thêm giấy đăng ký kết hôn.

3. Trại viên được nhận và gửi thư; được nhận quà, tiền (Việt Nam); được liên lạc với thân nhân trong nước bằng điện thoại mỗi tháng từ 01 đến 02 lần, mỗi lần không quá 05 phút. Các cuộc điện thoại, thư và quà đều phải qua kiểm tra của cơ sở giáo dục. Riêng tiền mặt, trại viên phải gửi vào bộ phận lưu ký của cơ sở giáo dục để sử dụng theo quy định của Bộ Công an.”

16. Điều 38 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 38. Trách nhiệm của Bộ Y tế

Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc cai nghiệm ma túy; phòng bệnh, chữa bệnh cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.