• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/04/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 15/01/2013
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 126/2008/QĐ-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 26 tháng 12 năm 2008

QUYẾT ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán" ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

________________________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán” ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24 tháng 4 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, như sau:

1. Sửa đổi khoản 4 Điều 3 như sau:

“4. Điều kiện đối với cá nhân góp vốn:

a) Cá nhân là cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Chứng khoán;

b) Chỉ được phép sử dụng vốn của chính mình để góp vốn, không được sử dụng vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác.

c) Cá nhân tham gia góp vốn phải chứng minh khả năng góp vốn bằng tiền, chứng khoán, hoặc các tài sản khác. Giá trị tiền, chứng khoán, tài sản khác để chứng minh năng lực tài chính tối thiểu phải bằng số vốn dự kiến góp vào công ty chứng khoán. Thời điểm xác nhận giá trị tiền, chứng khoán hoặc tài sản khác để chứng minh năng lực tài chính tối đa không quá ba mươi (30) ngày tính đến ngày hồ sơ đề nghị thành lập côngtychứngkhoán đã đầyđủvà hợp lệ.

Đối với tài sản bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng về số dư tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi có trong tài khoản tại ngân hàng.

Đối với tài sản bằng chứng khoán, chứng khoán phải đang được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán và phải có xác nhận của công ty chứng khoán hoặc của tổ chức phát hành về số chứng khoán đó. Nguyên tắc xác định giá chứng khoán là giá đóng cửa ngày xác nhận giá trị chứng khoán.

Đối với tài sản khác, phải có tài liệu chứng minh quyền sở hữu và tài sản đó phải được định giá bởi tổ chức định giá đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Các tài sản dùng để chứng minh năng lực tài chính của cổ đông, thành viên góp vốn không đang trong tình trạng cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ hoặc đang có tranh chấp hoặc đang dùng để chứng minh năng lực tài chính tại các doanh nghiệp, hoặc phục vụ cho các mục đích khác.”

2. Sửa đổi khoản 5 Điều 3 như sau:

“5. Điều kiện đối với pháp nhân:

a) Đang hoạt động hợp pháp; có thời gian hoạt động tối thiểu là 05 năm;

b) Công ty chứng khoán thành lập theo hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên phải có tối thiểu hai (02) cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là tổ chức, trong đó phải có ít nhất một (01) tổ chức là ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của các cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ, trong đó tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc công ty bảo biểm tối thiểu phải đạt 30% vốn điều lệ của công ty chứng khoán.

c) Đối với công ty chứng khoán thành lập theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm.

d) Nguồn vốn góp của pháp nhân phải là nguồn vốn hợp pháp và được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận, không được sử dụng vốn ủy thác của các tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.

đ) Tại Báo cáo tài chính được kiểm toán năm gần nhất và tại báo cáo tài chính được kiểm toán tính tới thời điểm gần nhất (nhưng không quá 90 ngày tính đến thời điểm hồ sơ đề nghị thành lập công ty chứng khoán đã đầy đủ và hợp lệ), tổ chức tham gia góp vốn phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Vốn chủ sở hữu sau khi trừ đi các quỹ khen thưởng, phúc lợi và trừ đi tài sản dài hạn tối thiểu phải bằng số vốn dự kiến góp vào công ty chứng khoán.

Trường hợp pháp nhân là công ty bảo hiểm: vốn chủ sở hữu cộng nguồn vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm sau khi trừ đi tài sản dài hạn tối thiểu phải bằng số vốn dự kiến góp vào công ty chứng khoán.

Trường hợp pháp nhân là ngân hàng thương mại, công ty tài chính: vốn điều lệ cộng Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ sau khi trừ đi tài sản dài hạn tối thiểu phải bằng số vốn dự kiến góp vào công ty chứng khoán.

- Tài sản lưu động ròng tối thiểu phải bằng số vốn góp.

- Pháp nhân hoạt động kinh doanh phải có lãi trong hai (02) năm liền trước năm xin phép thành lập công ty chứng khoán và không có lỗ luỹ kế đến thời điểm hồ sơ đề nghị thành lập công ty chứng khoán đã đầy đủ và hợp lệ;

e) Công ty bảo hiểm, ngân hàng thương mại, công ty tài chính tham gia góp vốn thành lập công ty chứng khoán phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn vốn và các điều kiện tài chính khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”

3. Sửa đổi khoản 6 Điều 3 như sau:

“6. Cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập công ty chứng khoán không được chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp ban đầu của mình trong vòng 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập khác, trong đó, ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc công ty bảo hiểm phải luôn đảm bảo nắm giữ tối thiểu 30% vốn điều lệ công ty chứng khoán.”

4. Sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 4 như sau:

“g) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính và nguồn vốn góp của cổ đông, thành viên góp vốn cụ thể như sau:

- Đối với cá nhân: tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này.

- Đối với pháp nhân: báo cáo tài chính năm gần nhất tính đến thời điểm hồ sơ đầy đủ và hợp lệ và đã được một công ty kiểm toán độc lập đang hoạt động hợp pháp xác nhận. Pháp nhân có công ty con, công ty liên doanh liên kết, phải nộp bổ sung báo cáo tài chính hợp nhất năm gần nhất có kiểm toán.

Trường hợp quá chín mươi (90) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, pháp nhân phải nộp bổ sung báo cáo tài chính quý gần nhất đã được kiểm toán tính đến ngày hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Ý kiến kiểm toán đối với các báo cáo tài chính phải chấp thuận toàn bộ.”

5. Sửa đổi khoản 1 Điều 5 như sau:

“1. Sau khi nhận được hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Quy chế này, trong thời hạn ba mươi (30) ngày Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xem xét chấp thuận nguyên tắc việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán. Trường hợp cần làm rõ vấn đề liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyền đề nghị người đại diện trong số cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập hoặc người dự kiến được bổ nhiệm, tuyển dụng làm Giám đốc (Tổng giám đốc) của công ty chứng khoán giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản.

Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có yêu cầu  bằng văn bản, các cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập công ty chứng khoán phải bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Sau thời hạn trên, nếu các cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập không bổ sung, hoàn thiện đầy đủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không tiếp tục xem xét hồ sơ.”

6. Sửa đổi khoản 2 Điều 5 như sau:

“2. Trong vòng sáu (06) tháng, kể từ ngày được chấp thuận nguyên tắc, tổ chức xin cấp phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán phải hoàn tất việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, chuẩn bị đủ người hành nghề chứng khoán và phong toả vốn pháp định. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra cơ sở vật chất tại trụ sở công ty chứng khoán trước khi chính thức cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Trường hợp không hoàn tất theo thời gian quy định, việc chấp thuận nguyên tắc coi như bị huỷ bỏ.”

7. Sửa đổi khoản 3 Điều 5 như sau:

“3. Số vốn pháp định phải được gửi vào một tài khoản phong toả tại ngân hàng do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chỉ định và phải có xác nhận của ngân hàng này về số vốn trên tài khoản phong toả. Số vốn này chỉ được giải toả và phải được chuyển vào tài khoản của công ty chứng khoán sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chính thức cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.”

8. Sửa đổi khoản 6 Điều 5 như sau:

“6. Trường hợp có bất kỳ thay đổi liên quan đến vốn đóng góp và cơ cấu cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kể từ khi chấp thuận nguyên tắc cho đến khi chính thức đi vào hoạt động, việc chấp thuận nguyên tắc coi như bị huỷ bỏ.”

9. Bỏ Điều 11 về Đại lý nhận lệnh.

10. Bổ sung thêm khoản 5 Điều 29 như sau:

“5. Công ty chứng khoán không được cho vay dưới bất kỳ hình thức nào đối với các cổ đông lớn, thành viên Ban Kiểm soát, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban Giám đốc và người có liên quan của những đối tượng nêu trên.”

Điều 2. Trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, các công ty chứng khoán đã lập đại lý nhận lệnh phải thực hiện các thủ tục đóng đại lý nhận lệnh và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trước năm (05) ngày làm việc kể từ ngày đại lý nhận lệnh ngừng hoạt động kèm theo biên bản thanh lý hợp đồng đại lý.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị liên quan, các công ty chứng khoán và các bên có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.