• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2018
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 28/2018/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 14 tháng 5 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định về kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt

__________________

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyn hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang, cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang (sau đây gọi tắt là kết nối tín hiệu) và cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt có bố trí người cảnh giới trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

2. Thông tư này không áp dụng đối với trường hợp đường ngang thỏa mãn điều kiện kết nối tín hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này nhưng việc kết nối tín hiệu gây ùn tắc giao thông tại khu vực đường ngang và khu vực nút giao đường bộ có nhánh đường bộ đi vào đường ngang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì công trình, thiết bị tín hiệu đèn giao thông đường bộ, đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang có kết nối với nhau và liên quan đến việc cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt có bố trí người cảnh giới trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt là việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý cho người cảnh giới để thực hiện nhiệm vụ tại vị trí cần cảnh giới.

2. Đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang là loại đèn báo hiệu đường bộ đặt trong phạm vi đường ngang để điều khiển người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ đi qua đường ngang.

3. Kết nối tín hiệu là việc liên kết kỹ thuật giữa hệ thống tín hiệu đèn giao thông đường bộ và hệ thống tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang nhằm bảo đảm biểu thị thống nhất và đồng bộ giữa các tín hiệu.

4. Người cảnh giới là cá nhân được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cảnh giới tại điểm cảnh giới.

5. Nhà cảnh giới là công trình xây dựng có mái, có tường vách để cho người cảnh giới làm việc và lắp, đặt trang thiết bị phục vụ cảnh giới.

6. Trang thiết bị phục vụ cảnh giới là những trang thiết bị cần thiết phục vụ cho người cảnh giới thực hiện nhiệm vụ tại vị trí cần phải cảnh giới, bao gồm: Điện thoại (dây, máy), đèn tín hiệu, còi, cờ, biển báo, pháo hiệu, băng biển, sổ ghi chép lịch trình chạy tàu và các trang thiết bị khác cho vị trí cần cảnh giới.

Chương II

KẾT NỐI TÍN HIỆU ĐÈN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VỚI TÍN HIỆU ĐÈN BÁO HIỆU TRÊN ĐƯỜNG BỘ TẠI ĐƯỜNG NGANG

Điều 4. Điều kiện và nguyên tắc kết nối tín hiệu

1. Điều kiện kết nối tín hiệu được thực hiện tại nút giao đường bộ có nhánh đường bộ đi vào đường ngang mà khoảng cách từ tim nút giao đường bộ đến vạch dừng gần nhất trên đường bộ tại đường ngang quy định như sau:

a) Đối với đường bộ từ cấp IV trở xuống giao cắt đồng mức với đường sắt: không lớn hơn 75 mét;

b) Đối với đường ngang hiện đang khai thác mà đường bộ từ cấp III trở lên giao cắt đồng mức với đường sắt nhưng chưa thực hiện được giao cắt khác mức với đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt: không lớn hơn tầm nhìn hãm xe theo tốc độ thiết kế tương ứng với cấp đường bộ đó.

2. Nguyên tắc kết nối tín hiệu:

a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống tín hiệu đèn giao thông đường bộ và hệ thống tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang;

b) Quyền ưu tiên thuộc về tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang;

c) Bảo đảm biểu thị tín hiệu đèn giao thông đường bộ và tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang thống nhất và đồng bộ khi có tàu chạy qua đường ngang;

d) Việc kết nối tín hiệu được thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tín hiệu đường sắt, đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; đồng thời phải hạn chế tối đa ùn tắc giao thông tại khu vực đường ngang và khu vực nút giao đường bộ có nhánh đường bộ đi vào đường ngang.

Điều 5. Yêu cầu kỹ thuật về kết nối tín hiệu

1. Tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang được cấp đến tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ hoặc đến hộp kết nối (nếu có) phải bảo đảm cho toàn bộ hệ thống kết nối tín hiệu hoạt động ổn định, chính xác.

2. Vị trí kết nối (nếu có) phải đảm bảo thuận lợi cho việc kết nối tín hiệu, thuận lợi trong sửa chữa, thay thế và hạn chế tác động của môi trường.

3. Khi đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang biểu thị dừng thì tín hiệu đèn giao thông đường bộ tại nút giao phải biểu thị dừng cùng thời điểm để toàn bộ phương tiện giao thông đường bộ đi từ nút giao không được phép đi vào nhánh đường bộ qua đường ngang.

4. Khi đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang tắt thì tín hiệu đèn giao thông đường bộ phải tự điều chỉnh trở lại hoạt động bình thường theo quy định về báo hiệu đường bộ hiện hành. 

Điều 6. Hồ sơ quản lý kết nối tín hiệu

1. Mỗi điểm kết nối tín hiệu phải được lập hồ sơ để quản lý. Hồ sơ phải được lưu trữ, ghi chép thường xuyên, thống nhất theo các mẫu biểu hiện hành.

2. Hồ sơ quản lý kết nối tín hiệu bao gồm:

a) Hồ sơ hoàn công công trình kết nối tín hiệu;

b) Lý lịch đường ngang có kết nối tín hiệu;

c) Hồ sơ kiểm tra định kỳ, đột xuất hoạt động của hệ thống kết nối tín hiệu.

CHƯƠNG III

CUNG CẤP, TIP NHẬN THÔNG TIN HỖ TRỢ CẢNH GIỚI TẠI CÁC ĐIỂM GIAO CẮT GIỮA ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT

Điều 7. Nguyên tắc cung cấp và tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới cho tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 3 Điều này để thực hiện nhiệm vụ đối với các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt nằm trên đường sắt quốc gia cần cảnh giới.

2. Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới cho tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 3 Điều này để thực hiện nhiệm vụ đối với các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt nằm trên đường sắt chuyên dùng cần cảnh giới.

3. Chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân được giao cảnh giới tại các đường ngang, lối đi tự mở cần phải cảnh giới tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới từ các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 8. Nội dung cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới

1. Thông tin hỗ trợ cảnh giới phải được duy trì cung cấp, tiếp nhận thường xuyên, liên tục theo định kỳ hàng ngày hoặc đột xuất (nếu có).

2. Nội dung cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới bao gồm thời gian, lịch trình các đoàn tàu chạy qua vị trí cần cảnh giới và các thông tin khác (nếu có) phục vụ cho công tác hỗ trợ cảnh giới.

3. Mọi thông tin hỗ trợ cảnh giới đều phải được cung cấp, tiếp nhận đầy đủ, kịp thời để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới.

Điều 9. Hình thức cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới

1. Thông tin hỗ trợ cảnh giới phải được các tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 cung cấp trực tiếp hoặc qua điện thoại cảnh giới, đảm bảo nhanh chóng chính xác và phải được tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ cảnh giới xác nhận, ghi chép vào sổ lịch trình chạy tàu đã được hướng dẫn.

2. Khi có nhà cảnh giới tại vị trí cần cảnh giới, trang thiết bị phục vụ cảnh giới được lắp đặt tại nhà cảnh giới.

3. Khi không có nhà cảnh giới tại vị trí cần cảnh giới, trang thiết bị phục vụ cảnh giới được đặt tại địa điểm do tổ chức được giao cảnh giới chỉ định.

4. Trong mọi trường hợp, vị trí để trang thiết bị phục vụ cảnh giới phải bảo đảm thuận lợi cho việc lắp đặt và an toàn thiết bị, dễ dàng cho người cảnh giới tiếp nhận thông tin.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

Điều 10. Chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng:

a) Kiểm tra, xác định các vị trí cần phải kết nối tín hiệu và các vị trí cần cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới, đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện;

b) Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác kết nối tín hiệu và tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các vị trí cần cảnh giới trên địa bàn quản lý.

2. Cung cấp danh sách tổ chức, cá nhân được giao thực hiện cảnh giới, tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới cho các tổ chức, cá nhân nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

3. Chủ trì kiểm tra việc tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới của các tổ chức, cá nhân được giao cảnh giới tại các lối đi tự mở.

4. Tổ chức bảo vệ trang thiết bị phục vụ cảnh giới cho các vị trí cần cảnh giới thuộc phạm vi quản lý.

5. Tổng hợp và lưu trữ hồ sơ quản lý các vị trí cần cảnh giới có hỗ trợ thông tin hỗ trợ cảnh giới thuộc phạm vi quản lý.

Điều 11. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng

1. Về kết nối tín hiệu:

a) Xây dựng, lắp đặt đường cáp kết nối tín hiệu được cấp từ tủ điều khiển đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang trên đường sắt thuộc phạm vi quản lý, khai thác, sử dụng đến hộp kết nối (trường hợp có hộp kết nối) hoặc đến tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ;

b) Phối hợp với cơ quan quản lý tín hiệu đèn giao thông đường bộ thực hiện việc kết nối tín hiệu; thỏa thuận kết nối tín hiệu theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư này;

c) Bảo đảm đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang hoạt động theo đúng yêu cầu kỹ thuật và theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này;

d) Khi xảy ra sự cố hư hỏng đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang thuộc phạm vi quản lý làm ảnh hưởng đến việc kết nối tín hiệu, phải thông báo ngay và phối hợp với lực lượng chức năng điều hành giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông qua đường ngang và hạn chế ùn tắc giao thông;

đ) Xây dựng, ban hành và thực hiện chế độ kiểm tra, bảo trì hệ thống kết nối tín hiệu thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm thiết bị hoạt động theo đúng yêu cầu kỹ thuật và theo quy định của Thông tư này;

e) Lập kế hoạch xây dựng, bảo trì công trình, thiết bị hệ thống kết nối tín hiệu thuộc phạm vi quản lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

g) Tổng hợp và lưu trữ hồ sơ kết nối tín hiệu thuộc phạm vi quản lý.

2. Về cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới:

a) Cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới, lắp đặt trang thiết bị phục vụ cảnh giới theo quy định của Thông tư này;

b) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn giao thông đường sắt; hướng dẫn kỹ năng tiếp nhận thông tin và sử dụng trang thiết bị hỗ trợ cảnh giới cho người cảnh giới;

c) Niêm yết thông tin liên quan của người cảnh giới (họ tên, số điện thoại, địa chỉ) và thời gian cảnh giới tại phòng trực ban chạy tàu ga gần nhất nơi cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới;

d) Lập kế hoạch xây dựng, cung cấp, bảo trì trang thiết bị phục vụ cảnh giới thuộc phạm vi quản lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

đ) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất phải thực hiện rà soát và cung cấp đến chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh danh sách cụ thể tên, địa chỉ, điện thoại liên lạc của tổ chức được giao cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới.

Điều 12. Tổ chức được giao quản lý tín hiệu đèn giao thông đường bộ

1. Chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia hoặc chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng lắp đặt, nghiệm thu đưa vào khai thác đường cáp kết nối tín hiệu từ tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ đến hộp kết nối (trong trường hợp có hộp kết nối), thực hiện và kết nối tín hiệu theo quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.

2. Chủ trì việc bảo đảm hoạt động của tín hiệu giao thông đường bộ tại nút giao phù hợp với trạng thái biểu thị tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang khi có tàu chạy qua đường ngang.

3. Lập phương án tổ chức giao thông đường bộ phù hợp với quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

4. Khi xảy ra sự cố hư hỏng tín hiệu đèn giao thông đường bộ làm ảnh hưởng đến việc kết nối tín hiệu, phải thông báo ngay và phối hợp với lực lượng chức năng điều hành giao thông, bảo đảm an toàn giao thông và hạn chế ùn tắc giao thông.

5. Xây dựng, ban hành và thực hiện chế độ kiểm tra, bảo trì hệ thống kết nối tín hiệu thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm thiết bị hoạt động theo đúng yêu cầu kỹ thuật và theo quy định của Thông tư này.

6. Lập kế hoạch xây dựng, quản lý, bảo trì công trình, thiết bị hệ thống kết nối tín hiệu thuộc phạm vi quản lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

7. Tổng hợp và lưu trữ hồ sơ kết nối tín hiệu thuộc phạm vi quản lý.

Điều 13. Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ cảnh giới

1. Cung cấp thông tin liên quan của người cảnh giới (họ tên, số điện thoại, địa chỉ) đến doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phối hợp thực hiện cảnh giới.

2. Phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới để được hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn giao thông đường sắt, kỹ năng tiếp nhận thông tin hỗ trợ cảnh giới và sử dụng trang thiết bị cảnh giới.

3. Quản lý, sử dụng trang thiết bị phục vụ cảnh giới tại điểm cảnh giới theo quy định.

4. Thực hiện theo thỏa thuận cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.

5. Kịp thời thông báo đến doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về sự cố, tình trạng hư hỏng các trang thiết bị phục vụ cảnh giới tại điểm cảnh giới.

Điều 14. Kinh phí thực hiện   

1. Chủ đầu tư dự án xây dựng mới công trình đường ngang hoặc nút giao đường bộ với đường sắt chịu trách nhiệm kinh phí thực hiện kết nối tín hiệu.

2. Đối với việc thực hiện kết nối tín hiệu và cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cảnh giới tại các vị trí cần cảnh giới trên đường sắt quốc gia:

a) Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt chịu trách nhiệm kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để lắp đặt đường cáp kết nối tín hiệu được cấp từ tủ điều khiển đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang đến hộp kết nối (trường hợp có hộp kết nối) hoặc đến tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ (trường hợp không có hộp kết nối) và cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cảnh giới tại các vị trí cần cảnh giới;

b) Chủ sở hữu, quản lý, sử dụng hệ thống đèn giao thông đường bộ chịu trách nhiệm kinh phí theo quy định của pháp luật để lắp đặt đường cáp kết nối tín hiệu từ tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ đến hộp kết nối (trong trường hợp có hộp kết nối) và kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang.

3. Đối với việc thực hiện kết nối tín hiệu và cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cảnh giới tại các vị trí cần cảnh giới trên đường sắt chuyên dùng:

a) Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng chịu trách nhiệm kinh phí để lắp đặt đường cáp kết nối tín hiệu được cấp từ tủ điều khiển đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang đến hộp kết nối (trường hợp có hộp kết nối) hoặc đến tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ (trường hợp không có hộp kết nối) và cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ cảnh giới tại các vị trí cần cảnh giới;

b) Chủ sở hữu, quản lý, sử dụng hệ thống đèn giao thông đường bộ chịu trách nhiệm kinh phí theo quy định của pháp luật để lắp đặt đường cáp kết nối tín hiệu từ tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông đường bộ đến hộp kết nối (trong trường hợp có hộp kết nối) và kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Thông tư số 08/2014/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kết nối tín hiệu đèn giao thông đường bộ với tín hiệu đèn báo hiệu trên đường bộ tại đường ngang; cung cấp thông tin hỗ trợ cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam; Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Ngọc Đông

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.