• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/06/2014
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 41/2007/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 6 tháng 11 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước

_________________________

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 07/2006/NĐ-CP ngày 10/01/2006 của Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính tại văn bản số 13463/BTC-TCNH ngày 8/10/2007;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 171/2002/QĐ-NHNN ngày 08/3/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 3. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

Trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước

____________________________
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2007/QĐ-NHNN ngày 06 tháng 11 năm 2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước để bù đắp các tổn thất do nguyên nhân khách quan trong hoạt động tín dụng, dịch vụ thanh toán và ngân quỹ của Ngân hàng Nhà nước và phần chênh lệch tổn thất sau khi tập thể hoặc cá nhân bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Những khoản nợ đang trong thời gian được khoanh, giãn nợ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 2. Hàng năm Ngân hàng Nhà nước trích lập khoản dự phòng rủi ro và hạch toán vào chi phí bằng 10% tổng thu nhập trừ các khoản chi chưa bao gồm khoản chi dự phòng rủi ro (không bao gồm các khoản thu, chi từ kinh phí ngân sách nhà nước cấp).

Điều 3. Khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước được trích lập, hạch toán và quản lý tập trung tại Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán - Tài chính).

Điều 4. Khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước nếu trong năm không sử dụng hết, số còn lại được chuyển sang năm sau sử dụng tiếp.

Trường hợp khoản dự phòng rủi ro không đủ bù đắp các khoản tổn thất theo quy định tại Quy chế này thì Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xử lý phần còn thiếu.

Điều 5. Thẩm quyền xử lý tổn thất bằng khoản dự phòng rủi ro

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định xử lý các khoản tổn thất của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 6. Nguyên tắc xử lý tổn thất bằng khoản dự phòng rủi ro

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý các khoản tổn thất đã có đủ bằng chứng hợp pháp tại thời điểm xử lý.

2. Đối với các khoản tổn thất được xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị để xảy ra tổn thất không được thông báo cho đối tượng thu nợ và vẫn phải có biện pháp tiếp tục thu hồi như đối với các khoản phải thu thông thường chưa được xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro, trừ các trường hợp Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xoá nợ.

3. Mọi khoản tiền thu hồi được từ tổn thất đã được xử lý bằng khoản dự phòng đều phải nộp về Ngân hàng Nhà nước (Vụ Kế toán - Tài chính) để hạch toán vào thu nhập của Ngân hàng Nhà nước.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 7. Hàng năm, Vụ Kế toán - Tài chính thực hiện tính, trích và hạch toán vào tài khoản “Chi lập quỹ dự phòng rủi ro” để tạo nguồn xử lý các khoản tổn thất theo quy định tại Quy chế này.

Điều 8. Khoản dự phòng rủi ro được sử dụng để xử lý các tổn thất phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:

1. Các khoản tổn thất phát sinh từ hoạt động tín dụng:

a) Các khoản nợ được xoá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng không được Chính phủ cấp nguồn để bù đắp cho Ngân hàng Nhà nước.

b) Các khoản nợ vay, các khoản trả thay tổ chức tín dụng có đủ bằng chứng chắc chắn là không còn khả năng thu hồi nợ khi tổ chức tín dụng bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản tổn thất do nguyên nhân khách quan phát sinh trong khi thực hiện nghiệp vụ thanh toán như sự cố kỹ thuật mạng thanh toán, công nghệ…

3. Các khoản tổn thất về tiền, vàng, tài sản quý, giấy tờ có giá phát sinh do nguyên nhân khách quan từ hoạt động ngân quỹ:

a) Tổn thất trong quá trình vận chuyển trên đường có xảy ra sự cố do nguyên nhân bất khả kháng bao gồm bị tai nạn, bị cướp, bị phá hoại, thiên tai, chiến tranh, khủng bố hoặc do nguyên nhân bất khả kháng khác.

b) Kho tiền bị phá hoại, thiên tai, chiến tranh, khủng bố hoặc do nguyên nhân khách quan khác mang lại.

c) Tổn thất tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá tại nơi giao dịch do bị phá hoại, trộm cướp.

4. Các khoản tổn thất từ hoạt động khác:

a) Các khoản phải thu đối với tổ chức, cá nhân tham ô, lợi dụng đã có bằng chứng chắc chắn không còn khả năng thu hồi.

b) Các khoản phải thu theo kết luận bồi thường của cơ quan pháp luật hoặc của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhưng sau khi tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc bồi hoàn vẫn không có khả năng thu hồi đủ theo kết luận bồi thường; và/hoặc phần chênh lệch tổn thất sau khi tập thể hoặc cá nhân đã bồi thường theo đúng quy định của cơ quan pháp luật hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

c) Tổn thất về tiền, vàng, và giấy tờ có giá gửi tại Ngân hàng nước ngoài do nguyên nhân bất khả kháng như đất nước nơi Ngân hàng Nhà nước gửi tiền bị chiến tranh, khủng bố, phá sản, thiên tai và Ngân hàng nước ngoài đó không còn khả năng thanh toán.

d) Các khoản tổn thất khác trong quá trình hoạt động có đủ bằng chứng tin cậy là không còn đối tượng để thu hoặc đối tượng phải thu không còn khả năng thanh toán.

5. Các trường hợp khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 9. Thành phần Hội đồng kiểm tra và xử lý tổn thất của Ngân hàng Nhà nước

- Một Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Chủ tịch Hội đồng.

Các thành viên Hội đồng:

- Vụ trưởng Vụ Kế toán Tài chính - Uỷ viên thường trực.

- Vụ trưởng Vụ Tín dụng.

- Vụ trưởng Vụ Tổng kiểm soát.

- Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

- Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ.

- Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

Điều 10. Nhiệm vụ của Hội đồng kiểm tra và xử lý tổn thất

Khi xảy ra các trường hợp tổn thất cần xử lý từ khoản dự phòng rủi ro, trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của Thủ trưởng đơn vị nơi để xảy ra tổn thất, Hội đồng kiểm tra và xử lý tổn thất lập phương án phân tích đánh giá các khoản nợ, các khoản tổn thất.

- Trình Thống đốc xem xét để gửi Bộ Tài chính lấy ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ đối với các khoản xoá nợ thuộc điểm a khoản 1 Điều 8 của Quy chế này.

- Trình Thống đốc xem xét để gửi Bộ Tài chính lấy ý kiến đối với các khoản tổn thất do nguyên nhân bất khả kháng quy định tại khoản 2, 3, điểm c khoản 4 Điều 8 của Quy chế này.

- Trình Thống đốc xem xét, xử lý các trường hợp tổn thất quy định tại điểm b khoản 1; điểm a, b, và d khoản 4; khoản 5 Điều 8 của Quy chế này.

- Kiểm tra việc thực hiện xử lý các khoản tổn thất sau khi đã có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.

Điều 11. Hồ sơ pháp lý làm căn cứ xử lý tổn thất

Hồ sơ pháp lý để làm căn cứ xử lý tổn thất tại Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm tính hợp pháp, bao gồm:

1. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xoá nợ đối với từng khoản nợ và đối tượng vay cụ thể; kèm theo Hồ sơ, tài liệu về các khoản nợ được xoá (áp dụng đối với điểm a khoản 1 Điều 8 của Quy chế này);

2. Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về xử lý tổn thất đối với từng khoản phải thu và đối tượng cụ thể;

3. Hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các khoản tổn thất;

4. Báo cáo và kiến nghị của đơn vị nơi xảy ra tổn thất;

5. Tờ trình và biên bản của Hội đồng kiểm tra và xử lý tổn thất;

6. Quyết định của cơ quan pháp luật có thẩm quyền hoặc của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy trách nhiệm bồi thường cho tổ chức, cá nhân kèm theo danh sách và số tiền phải bồi thường của từng tổ chức, cá nhân; hoặc

7. Bản sao quyết định tuyên bố phá sản, giải thể của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và bản sao văn bản giải quyết các khoản nợ, phương án phân chia tài sản của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp phá sản, giải thể (đối với tổ chức, doanh nghiệp);

8. Bản sao giấy chứng tử, giấy xác nhận mất tích do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận nguyên nhân khách quan không trả được nợ (đối với cá nhân).

Điều 12. Trình tự xử lý tổn thất

Tất cả các trường hợp xử lý tổn thất đều được thực hiện tại Ngân hàng Nhà nước (Trụ sở chính) theo trình tự sau:

- Thủ trưởng các đơn vị nơi có các khoản tổn thất phải chỉ đạo các bộ phận liên quan gồm: Trưởng phòng Kế toán thanh toán, Kiểm soát trưởng hoặc kiểm soát viên (nơi không có kiểm soát trưởng), Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trưởng phòng hoặc bộ phận nơi để xảy ra tổn thất để thuyết minh, xem xét, giải trình, lập biên bản kèm theo hồ sơ của các khoản tổn thất báo cáo và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (thông qua Vụ Kế toán - Tài chính).

- Vụ Kế toán - Tài chính thẩm định hồ sơ và các tài liệu liên quan tới các khoản tổn thất. Trên cơ sở đó, Vụ Kế toán - Tài chính làm văn bản đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thành lập Hội đồng kiểm tra và xử lý tổn thất theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này.

- Hội đồng kiểm tra và xử lý tổn thất xem xét, đề xuất phương án và thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 10 của Quy chế này.

- Sau khi có Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về xử lý tổn thất, hồ sơ và các tài liệu liên quan được chuyển về Vụ Kế toán - Tài chính để tiếp tục xử lý.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Các thành viên trong Hội đồng kiểm tra và xử lý tổn thất của Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức thực hiện xử lý các khoản tổn thất theo đúng các quy định tại Quy chế này.

Điều 14. Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn hạch toán và sử dụng từ khoản dự phòng rủi ro để xử lý các khoản tổn thất theo các quyết định xử lý của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 15. Vụ trưởng Vụ Tổng kiểm soát có trách nhiệm phối hợp, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này./.

 

 

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đặng Thanh Bình

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.