• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2021
  • Ngày hết hiệu lực: 11/01/2023
UBND TỈNH CÀ MAU
Số: 01/2021/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 21 tháng 1 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế hoạt động, hướng dẫn nội dung chi, mức chi và việc quản lý, sử dụng

Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau

_______________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

 

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung tại Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai;

Căn cứ khoản 5 Điều 1 Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tại Tờ trình số 552/TTr-SNN ngày 11 tháng 11 năm 2020.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động, hướng dẫn nội dung chi, mức chi và việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Giám đốc Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY CHẾ

Hoạt động, hướng dẫn nội dung chi, mức chi và việc quản lý, sử dụng

Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2021/QĐ-UBND ngày 21/01/2021

của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)

_______________

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về hoạt động, hướng dẫn nội dung chi, mức chi và việc quản lý sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh Cà Mau (sau đây viết tắt là Quỹ).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh Cà Mau: Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã; Cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai cấp huyện, cấp xã.

2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

 

Chương II

MIỄN, GIẢM, TẠM HOÃN ĐÓNG QUỸ

 

Điều 3. Đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng Quỹ

Thực hiện theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Điều 4. Mức giảm và thời gian tạm hoãn đóng Quỹ

1. Tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong cùng năm với năm đóng Quỹ (không bao gồm các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) thì được giảm 50% số Quỹ phải đóng theo mức quy định và phải đảm bảo mức đóng Quỹ tối thiểu 500 nghìn đồng. Trong trường hợp doanh nghiệp được tạm hoãn đóng Quỹ, thời gian tạm hoãn tối đa 06 tháng.

2. Doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong cùng năm với năm đóng Quỹ (không bao gồm các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) thì được giảm đóng Quỹ bằng với mức được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không được giảm vượt quá 50% số Quỹ phải đóng theo mức quy định và phải đảm bảo mức đóng Quỹ tối thiểu 500 nghìn đồng. Trong trường hợp doanh nghiệp được tạm hoãn đóng Quỹ, thời gian tạm hoãn tối đa 06 tháng.

Điều 5. Thẩm quyền quyết định việc miễn giảm, tạm hoãn đóng Quỹ

Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

 

Chương III

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ

 

Điều 6. Phân cấp Quỹ

1. Giao Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sử dụng nguồn thu từ Quỹ phòng, chống thiên tai, nhưng tối đa không quá 20% số thu trên địa bàn cấp huyện, cấp xã để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai ở cấp mình. Việc trích giữ, phân bổ Quỹ trước hay sau khi nộp Quỹ thuộc quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

2. Giám đốc Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, sử dụng đối với phần Quỹ do các cơ quan cấp tỉnh, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai cấp huyện nộp vào tài khoản Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh.

Điều 7. Chế độ kế toán của Quỹ

Quỹ thực hiện chế độ kế toán theo quy định của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

 

Chương IV

NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI

 

Điều 8. Nội dung chi

Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Điều 9. Một số nội dung và mức chi cụ thể

1. Chi hỗ trợ khẩn cấp về lương thực trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định tại điểm 1.2, khoản 1, Mục III, Điều 1, Quyết định số 1853/QĐ-UBND ngày 27/10/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc ban hành các mức trợ cấp, trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau (sau đây viết tắt Quyết định số 1853/QĐ-UBND), cụ thể như sau:

Mức hỗ trợ: 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 03 tháng cho mỗi đợt trợ giúp đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai.

2. Chi hỗ trợ chi phí cho người bị thương nặng do thiên tai gây ra theo quy định tại điểm 2.1, Khoản 2, Mục III, Điều 1, Quyết định số 1853/QĐ-UBND; cụ thể như sau:

Mức hỗ trợ: 2.700.000 đồng/người đối với người bị thương nặng do thiên tai.

3. Chi hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định tại Điểm 3.1, Khoản 3, Mục III, Điều 1, Quyết định số 1853/QĐ-UBND; cụ thể như sau:

Mức hỗ trợ: 5.400.000 đồng/người cho hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai.

4. Chi hỗ trợ chi phí làm nhà, sửa chữa nhà ở do thiên tai gây ra theo quy định tại khoản 4, Mục III, Điều 1, Quyết định số 1853/QĐ-UBND; cụ thể như sau:

a) Nhà bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai (thiệt hại từ 70% trở lên), mức hỗ trợ tối đa không quá 20.000.000 đồng/hộ.

b) Nhà bị hư hỏng nặng (thiệt hại từ 30 đến 70%), mức hỗ trợ tối đa không quá 15.000.000 đồng/hộ.

c) Nhà phải di dời khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ thiên tai, mức hỗ trợ tối đa không quá 20.000.000 đồng/hộ.

5. Chi hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em có cha và mẹ chết, mất tích do thiên tai gây ra mà không còn người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 5, Mục III, Điều 1, Quyết định số 1853/QĐ-UBND; cụ thể như sau:

a) Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, mức 40.000 đồng/người/ngày.

b) Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế.

c) Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội. Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp sử dụng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế; trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng, chứng từ, hóa đơn thực tế và phù hợp vơi giá trên địa bàn cùng thời điểm.

6. Chi hỗ trợ khắc phục thiệt hại về cơ sở hạ tầng do thiên tai như: Sửa chữa cơ sở y tế, trường học, tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng, chống thiên tai không quá 03 tỷ đồng/01 công trình.

7. Chi hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai dưới 01 tỷ đồng/năm.

8. Hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu và các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ nhưng không vượt quá 3% tổng số thu.

9. Đối với mức chi cho các nội dung chi còn lại được quy định tại Điều 8 Quy chế này, nhưng chưa được quy định chi tiết tại Điều này, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện kèm theo dự toán kinh phí, trình cấp thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cùng cấp) quyết định phê duyệt trên cơ sở tình hình thực tế và các quy định pháp luật hiện hành.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan trong hoạt động, sử dụng Quỹ

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc sử dụng Quỹ đúng quy định, hiệu quả và đảm bảo nguồn Quỹ dự phòng cho các trường hợp cấp bách; công khai các hoạt động, nội dung, số tiền Quỹ đã sử dụng theo quy định của Chính phủ và các quy định của pháp luật liên quan; xử lý hoặc tham mưu xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế này.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương có liên quan hướng dẫn quy trình, thủ tục hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội đúng quy định, không để chồng chéo giữa nguồn Quỹ và nguồn hỗ trợ xã hội.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các Hội, Đoàn thể có liên quan tham gia giám sát thông qua các ý kiến, đề xuất, phản biện để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động sử dụng Quỹ.

4. Doanh nghiệp thuộc đối tượng được xét giảm, tạm hoãn đóng Quỹ gửi văn bản, hồ sơ đề nghị đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Chi cục Thuế các khu vực).

5. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm tổng hợp văn bản, hồ sơ đề nghị xét giảm, tạm hoãn đóng Quỹ từ Chi cục Thuế các khu vực. Đồng thời kiểm tra, xác nhận, đề xuất danh sách giảm, tạm hoãn đóng Quỹ phòng, chống thiên tai gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

6. Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, xác nhận đối với các thủ tục đề xuất hỗ trợ quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 thuộc Điều 9, Quy chế này.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, có khó khăn vướng mắc, các đơn vị, địa phương báo cáo về Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kịp thời tháo gỡ hoặc báo cáo, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét,  quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.

3. Trường hợp Quyết định số 1853/QĐ-UBND được sửa đổi, bổ sung, thay thế, thực hiện theo Quyết định mới ban hành./.

 

 

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lê Văn Sử

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.