• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/09/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 12/09/2011
HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Số: 04/2006/NQ-HĐTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 4 tháng 8 năm 2006

NGHỊ QUYẾT

Hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã được sửa đổi, bổ sung

theo các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính

ngày 25 tháng 12 năm 1998 và ngày 04 tháng 5 năm 2006

_______________________

 

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ vào Luật tổ chức Toà án nhân dân;

Để thi hành đúng và thống nhất các quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã được sửa đổi, bổ sung theo các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 25 tháng 12 năm 1998 và ngày 05 tháng 4 tháng 2006 (sau đây viết tắt là Pháp lệnh);

Sau khi có ý kiến thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

QUYẾT NGHỊ:

1. Về quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh

1.1. Về quy định “người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu”

“Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu” quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã ra một trong những quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc có một trong những hành vi hành chính quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh;

b) Quản lý trực tiếp cán bộ, công chức đã ra một trong những quyết định hành chính hoặc có một trong những hành vi hành chính quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh.

1.2. Về quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh

a) Khi nhận được đơn khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà việc giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì Toà án phải căn cứ vào Điều 11 của Pháp lệnh để kiểm tra xem khiếu kiện đó có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án hay không. Trường hợp khiếu kiện đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án, thì Toà án tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung, nếu người khởi kiện đã khiếu nại đến Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, nhưng khiếu nại không được giải quyết hoặc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

b) Khi nhận được đơn khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà việc giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thì Toà án phải căn cứ vào Điều 25 và Điều 39 của Luật khiếu nại, tố cáo để xem xét; cụ thể như sau:

b.1) Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính có nội dung thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thì Toà án tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung, nếu người khởi kiện đã khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và không tiếp tục khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai;

b.2) Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính có nội dung không thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thì Toà án tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung, nếu người khởi kiện đã khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

1.3. Việc áp dụng điểm d khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh

Khi nhận đơn khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đã được giải quyết khiếu nại lần hai thì cần phân biệt như sau:

a) Đối với những vụ việc phát sinh trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 6 năm 2006 và người khiếu nại đã khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai và đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 6 năm 2006 mà khiếu nại không được giải quyết (trừ trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 13.1 mục 13 Nghị quyết này) hoặc đã được giải quyết trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 6 năm 2006, nhưng người khiếu nại không đồng ý, nếu họ có đơn khởi kiện vụ án hành chính, thì Toà án căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh để trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

b) Đối với những vụ việc phát sinh trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 6 năm 2006 và người khiếu nại đã khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai và thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo kết thúc sau 0 giờ 00 ngày 01 tháng 6 năm 2006 mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết sau 0 giờ 00 ngày 01 tháng 6 năm 2006, nhưng người khiếu nại không đồng ý, nếu họ có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Toà án căn cứ vào quy định của Pháp lệnh để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

 1.4. Việc xử lý đơn khởi kiện vụ án hành chính

Ngay sau khi nhận đơn khởi kiện vụ án hành chính, Chánh án hoặc Phó Chánh án được Chánh án uỷ nhiệm, Chánh toà hoặc Phó Chánh toà được Chánh án uỷ quyền phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.  Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán phải xem xét trường hợp này thuộc loại khiếu kiện nào quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh và đối chiếu với điều kiện khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh để:

a) Tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung, nếu đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính;

b) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện và nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, nếu không đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A có đơn khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện S, tỉnh Đ và ông A đã khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện S, nhưng chưa hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu và cũng chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện S, thì Toà án căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 2 và điểm c khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh để trả lại đơn khởi kiện cho ông A.

Ví dụ 2: Ông Trần B là cán bộ của Thi hành án huyện Đ, tỉnh Q có đơn khởi kiện đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Q và ông B đã khiếu nại đến Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Q, nhưng chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Q hoặc đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Q, nhưng ông B không đồng ý và đã khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thì Toà án căn cứ vào khoản 4 Điều 2 và điểm c khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh để trả lại đơn khởi kiện cho ông B.

2. Quyết định hành chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính

Quyết định hành chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính phải là quyết định hành chính lần đầu. Ngoài những quyết định hành chính được cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành lần đầu trong khi giải quyết, xử lý những việc cụ thể thuộc thẩm quyền của mình, thì những quyết định hành chính sau đây cũng được coi là quyết định hành chính lần đầu:

a) Sau khi ban hành quyết định hành chính nhưng chưa có khiếu nại, cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã ban hành quyết định hành chính đó ban hành một quyết định hành chính khác thay thế quyết định hành chính trước, thì quyết định mới được ban hành này là quyết định hành chính lần đầu;

b) Sau khi ban hành quyết định hành chính nhưng chưa có khiếu nại,
cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã ban hành quyết định hành chính đó ban hành một quyết định hành chính khác sửa đổi, bổ sung một số điểm của quyết định hành chính trước, thì phần của quyết định hành chính trước không bị sửa đổi, huỷ bỏ và quyết định sửa đổi, bổ sung một số điểm của quyết định hành chính trước đều là quyết định hành chính lần đầu;

Cần lưu ý là đối với hai trường hợp a và b trên đây nếu các quyết định sau được ban hành sau khi cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã nhận được đơn khiếu nại và các quyết định đó là kết quả giải quyết khiếu nại, thì các quyết định sau là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà không phải là quyết định hành chính lần đầu;

c) Sau khi Toà án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính ra quyết định huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính bị khởi kiện; giao cho cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước giải quyết lại vụ việc đối với phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính đã bị huỷ và kết quả giải quyết lại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đã ra quyết định hành chính mới, thì quyết định mới này là quyết định hành chính lần đầu;

d) Sau khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai ra quyết định giải quyết khiếu nại và người có quyết định hành chính đã ra quyết định hành chính sửa đổi một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính đó, thì quyết định hành chính sửa đổi một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trước và phần của quyết định hành chính trước không bị sửa đổi đều là quyết định hành chính lần đầu.

Ví dụ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường T, quận H, thành phố H ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông A với hình thức xử phạt chính là phạt tiền 400.000 đồng và hình thức xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Ông A khiếu nại đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính này và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường T đã ra quyết định giải quyết khiếu nại kết luận giữ nguyên quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình.

Ông A khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận H, thành phố H. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận H ra quyết định giải quyết khiếu nại kết luận nội dung khiếu nại là đúng một phần đối với quyết định về hình thức xử phạt bổ sung và yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường T sửa đổi quyết định đó.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường T ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mới sửa đổi hình thức xử phạt bổ sung thay buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra bằng buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

Trong trường hợp này quyết định xử phạt vi phạm hành chính trước với hình thức xử phạt chính là phạt tiền 400.000 đồng và quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau với hình thức xử phạt bổ sung là buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường T đều là quyết định hành chính lần đầu.

3. Hành vi hành chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 và Điều 11 của Pháp lệnh thì hành vi hành chính là đối tượng khiếu kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính bao gồm các hành vi của cơ quan hành chính nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong các việc hoặc các lĩnh vực được quy định tại các khoản từ khoản 3 đến khoản 17 Điều 11 của Pháp lệnh và trong các việc hoặc các lĩnh vực khác mà pháp luật có quy định.

4. Việc xác định người bị kiện trong vụ án hành chính

Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 của Pháp lệnh thì người bị kiện là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện; do đó, để xác định đúng người bị kiện khi nào là cá nhân, khi nào là cơ quan, tổ hức thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết vụ việc đó.

Ví dụ: Có hai quyết định hành chính bị khiếu kiện yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính và đều do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ký (một quyết định về xử phạt vi phạm hành chính và một quyết định thu hồi đất của hộ gia đình). Căn cứ vào quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết các vụ việc này thì người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Điều 29 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính), còn người bị kiện trong vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định thu hồi đất của hộ gia đình là Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Điều 37 và Điều 38 của Luật đất đai).

Cần chú ý là người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh là người có chức vụ, chức danh cụ thể và theo quy định của pháp luật thì người có chức vụ, chức danh đó mới có thẩm quyền ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính. Mặc dù một quyết định hành chính hoặc một hành vi hành chính do một người cụ thể (ông Nguyễn Văn A, bà Trần Thị X...) ký hoặc thực hiện, nhưng việc người đó ký quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính đó phải dưới danh nghĩa một chức vụ, chức danh có thẩm quyền (ví dụ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện..., Trưởng Công an phường...); do đó, chỉ có thể gọi quyết định hành chính đó, hành vi hành chính đó của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện..., của Trưởng Công an phường... mà không thể gọi quyết định hành chính đó, hành vi hành chính đó của một người cụ thể (ông Nguyễn Văn A, bà Trần Thị X...). Vì vậy, trong trường hợp người ra quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính đã chuyển công tác đi nơi khác hoặc về hưu... mà quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó bị khiếu kiện, thì người được bầu, được cử, được bổ nhiệm... thay chức vụ, chức danh của người đó phải kế thừa quyền và nghĩa vụ, có nghĩa họ chính là người bị kiện.

5. Việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính

Theo quy định tại Điều 3 (đoạn 1) của Pháp lệnh thì người khởi kiện vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại thực tế do có quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc hành vi hành chính gây ra. Nếu người khởi kiện vụ án hành chính có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại thì có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Trường hợp cần thiết Toà án có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác. Việc thu thập chứng cứ trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Trường hợp người khởi kiện vụ án hành chính có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại chưa có thể cung cấp chứng cứ được, thì tách phần giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại để giải quyết sau trong một vụ án dân sự khác theo thủ tục chung khi đương sự có yêu cầu.

Ví dụ: Một người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết huỷ bỏ quyết định hành chính tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do một số bộ phận của phương tiện đó bị mất, bị hư hỏng hoặc thu nhập thực tế bị mất do phương tiện đang bị giữ. Nếu Toà án xét thấy quyết định tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là trái pháp luật và xét thấy yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người khởi kiện là có căn cứ (do người khởi kiện cung cấp đầy đủ chứng cứ, có người làm chứng...), thì Toà án quyết định huỷ quyết định hành chính đó, đồng thời quyết định về việc bồi thường thiệt hại; nếu người khởi kiện chưa chứng minh được phương tiện đó bị mất, bị hư hỏng những bộ phận nào, thu nhập thực tế bị mất là những khoản nào, thì Toà án chỉ quyết định huỷ quyết định hành chính đó và dành phần giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại để giải quyết trong một vụ án dân sự khác theo thủ tục chung khi đương sự có yêu cầu.

6. Việc giải quyết trong trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện

Theo quy định tại Điều 3 (đoạn 4) và Điều 20 của Pháp lệnh thì trong quá trình giải quyết vụ án hành chính người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện; do đó, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính mà người bị kiện có quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị khiếu kiện thì Toà án cần thông báo cho người khởi kiện biết và cần phân biệt:

a) Nếu người khởi kiện đồng ý với quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ đó và rút đơn khởi kiện, thì Toà án căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 41 của Pháp lệnh ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án;

b) Nếu người khởi kiện không đồng ý với quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ đó và không rút đơn khởi kiện, thì Toà án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Trong trường hợp này Toà án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định bị khiếu kiện và quyết định sửa đổi hoặc huỷ bỏ quyết định bị khiếu kiện để tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà có quyết định đúng pháp luật.

7. Về quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh

7.1. Về khái niệm “công trình, vật kiến trúc kiên cố khác” quy định tại khoản 5 Điều 11 của Pháp lệnh

a) “Công trình” phải là vật chắc chắn, bền vững mà việc xây dựng nó công phu, phải có khoa học, kỹ thuật hoặc nghệ thuật. Ví dụ: một bức tượng đài; một hệ thống phục vụ nuôi trồng thuỷ sản...

b) “Vật kiến trúc kiên cố khác” là ngoài nhà ở, công trình thì vật kiến trúc kiên cố khác phải là vật được xây dựng chắc chắn và bền vững có giá trị sử dụng lâu dài. Ví dụ: giếng nước, nhà để ô tô, nhà thờ, tường xây làm hàng rào gắn với nhà ở, nhà xưởng, kho tàng...

c) Không phân biệt giá trị nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác từ bao nhiêu trở lên, nếu có khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ Toà án mới thụ lý giải quyết, mà chỉ cần xác định đúng đó là nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác thì Toà án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

7.2. Về quy định tại khoản 9 Điều 11 của Pháp lệnh

Khi thi hành quy định tại khoản 9 Điều 11 của Pháp lệnh cần chú ý là Toà án chỉ có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc trưng dụng, trưng mua, tịch thu tài sản được ban hành hoặc thực hiện sau ngày 02-10-1991 (ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nay là Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 297/CT).

7.3. Về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai quy định tại khoản 17 Điều 11 của Pháp lệnh

Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai mà các đương sự có quyền khởi kiện để Toà án giải quyết vụ án hành chính bao gồm các quyết định hành chính, hành vi hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 của Pháp lệnh trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gia hạn thời hạn sử dụng đất.

Cần lưu ý là đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong việc giải quyết tranh chấp đất đai thì trong mọi trường hợp đều không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

7.4. Về quy định tại khoản 22 Điều 11 của Pháp lệnh

a) Quy định tại khoản 22 Điều 11 của Pháp lệnh cần được hiểu là ngoài các khiếu kiện quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 21 Điều 11 của Pháp lệnh, nếu trong một văn bản quy phạm pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nào đó có quy định việc khởi kiện để Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đối với loại khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính nào đó, thì khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo thủ tục chung.

b) Khi có khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản từ khoản 1 đến khoản 21 Điều 11 của Pháp lệnh, thì Toà án cần kiểm tra xem đã có văn bản quy phạm pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nào về lĩnh vực đó quy định quyền khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đó theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hay không. Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định, thì Toà án căn cứ vào khoản 22 Điều 11 của Pháp lệnh và quy định tương ứng của văn bản quy phạm pháp luật hoặc điều ước quốc tế đó để thụ lý giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục chung; nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật hoặc điều ước quốc tế nào quy định thì Toà án căn cứ vào khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện.

8. Về quy định tại điểm g khoản 2 Điều 12 của Pháp lệnh

Những trường hợp sau đây Toà án cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án cấp huyện:

a) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện liên quan đến nhiều đối tượng, phức tạp;

b) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp các Thẩm phán của Toà án cấp huyện đó đều thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi.

9. Về quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh

9.1. Việc xác định thẩm quyền của Toà án và của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai

Để thi hành đúng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh về thẩm quyền, trước hết cần xem xét quyết định hành chính, hành vi hành chính đó liên quan đến một người hay nhiều người (từ hai người trở lên). Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà việc xác định thẩm quyền giải quyết của Toà án hay của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai được thực hiện như sau:

a) Nếu quyết định hành chính, hành vi hành chính đó chỉ có liên quan đến một người mà người đó vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, vừa khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai chưa có quyết định giải quyết khiếu nại, thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Toà án. Toà án thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung, đồng thời thông báo cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai biết và yêu cầu chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết khiếu nại cho Toà án (nếu có). Nếu đến trước thời điểm Toà án thụ lý vụ án đã có quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, thì Toà án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Nếu sau khi Toà án đã thụ lý vụ án mới có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, thì Toà án căn cứ vào khoản 3 Điều 41 của Pháp lệnh ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện cùng tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện. Trong trường hợp Toà án trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án theo hướng dẫn tại điểm a này, nếu người đã khởi kiện không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai và có đơn khởi kiện vụ án hành chính, thì Toà án xem xét để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung.

b) Nếu quyết định hành chính, hành vi hành chính đó có liên quan đến nhiều người, thì phân biệt như sau:

b.1) Trường hợp chỉ có một người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, vừa khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai, những người khác còn lại không khởi kiện vụ án hành chính và cũng không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của Toà án và được thực hiện như trường hợp được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục này.

b.2) Trường hợp có nhiều người vừa khởi kiện vụ án hành chính tại
Toà án có thẩm quyền, vừa khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Nếu Toà án chưa thụ lý vụ án thì Toà án căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 31 của Pháp lệnh trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện; nếu Toà án đã thụ lý vụ án thì Toà án xoá sổ thụ lý và chuyển hồ sơ vụ án cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai và thông báo cho người khởi kiện biết. Trong trường hợp này nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, nhưng người khiếu nại không đồng ý và họ có đơn khởi kiện vụ án hành chính thì Toà án căn cứ vào quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh để tiến hành thụ lý vụ án theo thủ tục chung, nếu pháp luật không có quy định khác về trường hợp đó.

b.3) Trường hợp chỉ có một hoặc một số người khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án có thẩm quyền, một hoặc một số người khác chỉ khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai thì việc giải quyết thuộc thẩm quyền của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai và được thực hiện như trường hợp được hướng dẫn tại điểm b.2 tiểu mục này.

9.2. Việc giải quyết trường hợp Toà án đã thụ lý giải quyết vụ án hành chính sai (do đây là vụ án khác hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác)

Trong trường hợp Toà án đã thụ lý giải quyết vụ án hành chính sai (do đây là vụ án khác hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác) thì tuỳ trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo trình tự sơ thẩm mà phát hiện việc giải quyết vụ án này là thuộc thẩm quyền của mình, nhưng đây không phải là vụ án hành chính mà là vụ án khác (dân sự, kinh tế, lao động) thì Toà án giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó, đồng thời thông báo cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp biết;

b) Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo trình tự sơ thẩm mà phát hiện việc giải quyết vụ án này là thuộc thẩm quyền của Toà án khác, thì Toà án đã thụ lý vụ án căn cứ vào khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh xoá sổ thụ lý, chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền, đồng thời thông báo cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp biết;

c) Khi xét xử phúc thẩm vụ án hành chính mà phát hiện vụ án thuộc trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và b tiểu mục này, thì Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 64 của Pháp lệnh huỷ bản án, quyết định sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và giao hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó;

d) Khi xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án hành chính mà phát hiện vụ án thuộc trường hợp được hướng dẫn tại các điểm a và b tiểu mục này, thì Toà án cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm căn cứ vào khoản 3 Điều 72 của Pháp lệnh huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật do vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và giao hồ sơ vụ án cho Toà án có thẩm quyền xét xử sơ thẩm để giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo thủ tục chung do pháp luật tố tụng quy định đối với việc giải quyết vụ án đó.

10. Về quy định tại khoản 1 Điều 15 của Pháp lệnh

Những trường hợp sau đây Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân:

a) Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến nhiều đối tượng, phức tạp;

b) Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

11. Về quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh

11.1. Về quy định tại khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh

a) Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh thì người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, nếu họ là người thân thích của đương sự (bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) trong vụ án hành chính.

b) Người thân thích của đương sự là người có quan hệ sau đây với đương sự:

b.1) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự;

b.2) Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự;

b.3) Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự;

b.4) Là cháu ruột của đương sự, mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

c) Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ là ngoài các trường hợp được quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm h khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh thì trong các trường hợp khác (như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế...) có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Toà án không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Ví dụ: Hội thẩm nhân dân là anh em kết nghĩa của người khởi kiện; Thẩm phán là con rể của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan...

Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên toà xét xử vụ án hành chính Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Toà án là người thân thích với nhau hoặc nếu Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên được phân công xét xử phúc thẩm vụ án hành chính có người thân thích là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án đó.

11.2. Về quy định tại khoản 2 Điều 16 của Pháp lệnh

a) Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Pháp lệnh thì Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau. Tuy nhiên, khi có hai người trong Hội đồng xét xử thân thích với nhau thì chỉ có một người phải từ chối hoặc bị thay đổi. Việc thay đổi ai trước khi mở phiên toà do Chánh án Toà án quyết định, tại phiên toà do Hội đồng xét xử quyết định. Việc xác định Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong cùng một Hội đồng xét xử là người thân thích với nhau được thực hiện tương tự theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 11.1 mục này.

b) Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 của Pháp lệnh, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm... vụ án đó. “Đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm... vụ án đó” là đã tham gia giải quyết vụ án và đã ra bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định đình chỉ vụ án.

12. Về quy định tại khoản 2 Điều 17 của Pháp lệnh

12.1. Tại phiên toà người yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng phải trình bày rõ lý do và căn cứ của việc yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng.

Hội đồng xét xử nghe người bị yêu cầu thay đổi trình bày ý kiến của họ về yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng.

Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng và lời trình bày của người có yêu cầu, của người bị yêu cầu thay đổi phải được ghi đầy đủ vào biên bản phiên toà. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và căn cứ vào quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh và hướng dẫn tại mục 11 của Nghị quyết này quyết định theo đa số thay đổi hoặc không thay đổi người tiến hành tố tụng.

Trường hợp quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng thì trong quyết định phải ghi rõ việc hoãn phiên toà và đề nghị người có thẩm quyền cử người khác thay thế người tiến hành tố tụng đã bị thay đổi trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định và thời hạn hoãn phiên toà.

12.2. Quyết định thay đổi hoặc không thay đổi người tiến hành tố tụng phải được Hội đồng xét xử công bố công khai tại phiên toà. Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng phải được gửi ngay cho người có thẩm quyền để cử người thay thế; cụ thể như sau:

a) Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng là Kiểm sát viên phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì phải gửi ngay quyết định cho Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp;

b) Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng khác phải được gửi ngay cho Chánh án Toà án; nếu người tiến hành tố tụng bị thay đổi là Chánh án Toà án thì phải gửi ngay quyết định cho Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp.

13. Về quy định tại khoản 2 Điều 30 của Pháp lệnh

13.1. Khi thi hành khoản 2 Điều 30 của Pháp lệnh cần chú ý là trong trường hợp người khởi kiện vụ án hành chính do không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai thì chỉ cần người khởi kiện làm đơn yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính trong thời hạn quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 30 của Pháp lệnh, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai mà không phụ thuộc vào quyết định giải quyết khiếu nại đó được ban hành vào thời điểm nào.

13.2. Trong trường hợp sau khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai và người khiếu nại vẫn khiếu nại tiếp và cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đã ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai đó lại ra quyết định (hoặc văn bản) giải quyết khiếu nại thì cần phân biệt như sau:

a) Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại sau có nội dung giải quyết khiếu nại khác một phần hoặc toàn bộ với nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại trước, thì thời hạn khởi kiện được tính từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại sau;

b) Trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại sau có nội dung giải quyết khiếu nại không khác với nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại trước hoặc chỉ là trả lời về việc giải quyết khiếu nại trước, thì thời hạn khởi kiện được tính từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại trước.

14. Về quy định tại khoản 5 Điều 33 của Pháp lệnh

Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 5 Điều 33 của Pháp lệnh được thực hiện theo các quy định tương ứng của Bộ luật tố tụng dân sự; do đó, khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp này Toà án cần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 99, các điều 100, 101, 117, 120, 123, 124, 125 và 126 của Bộ luật tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27 tháng 4 năm 2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật tố tụng dân sự.

15. Về quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 37 của Pháp lệnh

15.1. Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Chỉ trong trường hợp vụ án phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là ba tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.

a) “Vụ án phức tạp” là vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài...

b) “Trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động như: thiên tai, địch hoạ, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu... làm cho Toà án không thể giải quyết được vụ án trong thời hạn quy định.

Ví dụ: Toà án nhân dân huyện B, tỉnh L ở miền núi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử trong đó đã ấn định ngày mở phiên toà. Tuy nhiên, còn hai ngày nữa là tiến hành mở phiên toà, thì xảy ra lũ quét. Trụ sở của Toà án nhân dân huyện B bị hư hỏng. Do phải khắc phục hậu quả của lũ quét, sửa chữa lại trụ sở, nên Toà án nhân dân huyện B không thể tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

15.2. Trong thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 37 của Pháp lệnh và được hướng dẫn tại tiểu mục 15.1 mục này, Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án;

c) Đình chỉ việc giải quyết vụ án.

15.3. Trường hợp có quyết định đưa vụ án ra xét xử mà phiên toà không được mở trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng thì thời hạn này được cộng thêm tối đa là mười ngày nữa.

“Lý do chính đáng” là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được như: cần phải có sự thay đổi, phân công lại người tiến hành tố tụng có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử mà người có thẩm quyền chưa cử được người khác thay thế; vụ án phức tạp đã được xét xử nhiều lần ở nhiều cấp Toà án khác nhau, nên không còn đủ Thẩm phán để tiến hành xét xử vụ án đó mà phải chuyển vụ án cho Toà án cấp trên xét xử hoặc phải chờ biệt phái Thẩm phán từ Toà án khác đến... nên cản trở Toà án tiến hành phiên toà trong thời hạn quy định.

15.4. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử kết thúc vào ngày ra quyết định tạm đình chỉ. Thời hạn chuẩn bị xét xử được bắt đầu tính lại kể từ ngày Toà án tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ không còn nữa.

16. Về quy định tại khoản 9 Điều 43 của Pháp lệnh

Trường hợp trong vụ án có đương sự là người không sử dụng được tiếng Việt và Toà án đã cử người phiên dịch, nếu người phiên dịch vắng mặt tại phiên toà và không có người thay thế ngay thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, nếu đương sự không sử dụng được tiếng Việt đó vẫn yêu cầu tiến hành xét xử (không phụ thuộc vào việc các đương sự khác có đồng ý hay không đồng ý việc Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử).

17. Về quy định tại tại khoản 2 Điều 49 của Pháp lệnh

17.1. Bản án hành chính sơ thẩm cần phải có các nội dung chính quy định tại khoản 2 Điều 49 của Pháp lệnh và phải được trình bày tương tự theo mẫu bản án sơ thẩm được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Trong trường hợp Viện kiểm sát khởi tố vụ án hành chính thì việc ghi các đương sự như sau:

a) Thay mục “Nguyên đơn” (Người khởi kiện) bằng “Viện kiểm sát khởi tố vụ án hành chính”. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh khởi tố vụ án hành chính thì ghi tên Viện kiểm sát đó (ví dụ: Viện kiểm sát khởi tố vụ án hành chính: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H.T). Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện khởi tố vụ án hành chính thì ghi tên Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đó thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Viện kiểm sát khởi tố vụ án hành chính: Viện kiểm sát nhân dân huyện G, thành phố H).

b) Thay mục “Bị đơn” (Người bị kiện) bằng “Người có quyết định hành chính (hành vi hành chính) bị khởi tố vụ án hành chính (ví dụ: Người có quyết định hành chính bị khởi tố vụ án hành chính: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường B, quận H, thành phố H).

17.2. Khi xét xử vụ án hành chính tuỳ vào từng trường hợp cụ thể mà Toà án có thể có một hoặc một số quyết định sau đây:

a) Bác yêu cầu của người khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật;

b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện trách nhiệm công vụ theo quy định của pháp luật;

c) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật;

d) Buộc cơ quan hành chính nhà nước bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật gây ra;

đ) Chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện tuyên huỷ quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện trách nhiệm công vụ theo quy định của pháp luật; buộc bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân do quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật gây ra.

18. Việc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính ở giai đoạn phúc thẩm

Theo quy định tại Điều 62 của Pháp lệnh thì trước khi xét xử phúc thẩm, Toà án có quyền đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định của Pháp lệnh. Đồng thời theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 64 của Pháp lệnh thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền: “Huỷ bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có một trong các trường hợp quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh này”; do đó, để bảo đảm thống nhất thì trước khi mở phiên toà phúc thẩm nếu có một trong các trường hợp quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh, thì Toà án cấp phúc thẩm cũng phải thành lập Hội đồng xét xử, nếu kết quả xét xử cho thấy đúng có một trong các trường hợp quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh thì Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án hoặc quyết định sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án. Cần chú ý là nếu huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án, thì Toà án cấp phúc thẩm ra bản án phúc thẩm; nếu huỷ quyết định sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án, thì Toà án cấp phúc thẩm ra quyết định phúc thẩm.

19. Về quy định tại Điều 69 của Pháp lệnh

19.1. Đối với những bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 6 năm 2006 thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là sáu tháng, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

19.2. Đối với những bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp luật sau 0 giờ 00 ngày 01 tháng 6 năm 2006 thì thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là một năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại khoản 2 Điều 67 của Pháp lệnh.

20. Việc giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 18 Điều 11 của Pháp lệnh

Toà án chỉ thụ lý giải quyết vụ án đối với khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nếu nhận được đơn khởi kiện chậm nhất là năm ngày trước ngày bầu cử. Khi giải quyết đối với loại khiếu kiện này Toà án cần thực hiện như sau:

20.1. Ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện đối với khiếu kiện về
danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Chánh án Toà án (hoặc Phó Chánh án được Chánh án Toà án uỷ nhiệm) phân công một Thẩm phán thụ lý ngay vụ án. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án Thẩm phán được phân công thụ lý vụ án phải ra một trong các quyết định sau đây:

a) Quyết định đưa vụ án ra xét xử;

b) Đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện.

20.2. Ngay sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải gửi ngay quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

20.3. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà xét xử. Bản án hành chính của Toà án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành ngay. Các đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị. Toà án phải gửi ngay bản án hành chính cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

21. Về việc khởi tố vụ án hành chính của Viện kiểm sát quy định tại Điều 18 và khoản 6 Điều 30 của Pháp lệnh

21.1. Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu không có ai khởi kiện. Quyết định khởi tố vụ án hành chính do Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Phó Viện trưởng được Viện trưởng Viện kiểm sát uỷ nhiệm ký tên và đóng dấu.

21.2. Trường hợp Viện kiểm sát khởi tố vụ án hành chính thì khi nhận quyết định khởi tố, Toà án yêu cầu Viện kiểm sát phải có các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh cho việc khởi tố của Viện kiểm sát là có căn cứ và hợp pháp. Tại phiên toà Kiểm sát viên phải trình bày quyết định khởi tố vụ án hành chính, căn cứ của việc khởi tố và tham gia phiên toà theo thủ tục chung đối với Kiểm sát viên.

21.3. Trường hợp Viện kiểm sát đã ra quyết định khởi tố vụ án hành chính rút quyết định khởi tố, thì Toà án căn cứ vào Điều 41 của Pháp lệnh ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý.

22. Về việc thông báo thụ lý vụ án cho Viện kiểm sát

22.1. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án theo trình tự sơ thẩm, Toà án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ án hành chính. Trong trường hợp thụ lý nhiều vụ án hành chính, Toà án có thể thông báo trong một văn bản về các vụ án mà Toà án đã thụ lý. Văn bản thông báo phải có đầy đủ các nội dung chính quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 37 của Pháp lệnh.

22.2. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm, Toà án thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Toà án đã thụ lý vụ án hành chính. Trong trường hợp thụ lý nhiều vụ án hành chính, Toà án có thể thông báo trong một văn bản về các vụ án mà Toà án đã thụ lý. Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo;

b) Tên, địa chỉ Toà án đã thông báo;

c) Tên, địa chỉ của người kháng cáo;

d) Số, ngày, tháng, năm của bản án hành chính sơ thẩm bị kháng cáo;

đ) Những vấn đề cụ thể người kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm giải quyết.

23. Về việc chuyển hồ sơ vụ án hành chính cho Viện kiểm sát

23.1. Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà sơ thẩm theo
quy định tại khoản 1 Điều 43 của Pháp lệnh, thì Toà án cấp sơ thẩm gửi hồ sơ vụ án hành chính cùng với quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát nghiên cứu ngay sau khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại khoản 7 Điều 37 của Pháp lệnh. Hết thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án, Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ cho Toà án để tiến hành mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án.

23.2. Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên toà phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Pháp lệnh, thì Toà án cấp phúc thẩm gửi hồ sơ vụ án hành chính cho Viện kiểm sát nghiên cứu. Hết thời hạn mười ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án, Toà án cấp phúc thẩm yêu cầu Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Toà án để tiến hành mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án.

23.3. Trường hợp Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, thì Toà án sẽ xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm phải gửi hồ sơ vụ án hành chính cùng với quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát nghiên cứu ngay sau khi Chánh án ra quyết định kháng nghị. Hết thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án, Toà án sẽ xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm yêu cầu Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án để tiến hành mở phiên toà xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án.

23.4. Trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án hành chính để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, thì việc chuyển hồ sơ vụ án hành chính được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 mục 2 Phần I Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01-9-2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và tham gia của Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.

23.5. Trường hợp Viện kiểm sát cần nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính để xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, thì Toà án tạo điều kiện để Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ vụ án tại Toà án.

24. Về việc Kiểm sát viên Viện kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp

24.1. Khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 63 và khoản 1 Điều 71 của Pháp lệnh quy định Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà; do đó, sau khi thụ lý vụ án hành chính, Toà án phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết theo hướng dẫn tại mục 22 Nghị quyết này và yêu cầu Viện kiểm sát cùng cấp phân công Kiểm sát viên tham gia phiên toà. Trường hợp vụ án phức tạp, phiên toà có thể kéo dài nhiều ngày và xét thấy cần thiết thì yêu cầu Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên dự khuyết. Viện kiểm sát gửi thông báo bằng văn bản về việc phân công Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có) cho Toà án. Trong văn bản thông báo phải nêu rõ họ, tên của Kiểm sát viên và Kiểm sát viên dự khuyết (nếu có) được Viện trưởng phân công tham gia phiên toà. Nếu vắng mặt Kiểm sát viên, thì Toà án phải hoãn phiên toà.

24.2. Pháp lệnh không quy định Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên họp trong các trường hợp quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh. Tuy nhiên, đối với trường hợp xét kháng nghị của Viện kiểm sát, thì Toà án thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết và yêu cầu Viện kiểm sát phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên họp vắng mặt có lý do chính đáng và được Viện kiểm sát thông báo về sự vắng mặt đó thì Toà án hoãn phiên họp. Ngoài trường hợp này nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Toà án vẫn tiến hành phiên họp theo thủ tục chung.

25. Về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 của Pháp lệnh thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, đối với các vụ án hành chính do Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện thực hành công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

26. Về việc Viện kiểm sát thay đổi, bổ sung kháng nghị quy định tại Điều 58 của Pháp lệnh

26.1. Toà án chấp nhận việc Viện kiểm sát đã kháng nghị thay đổi, bổ sung kháng nghị như sau:

a) Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Pháp lệnh, thì Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu.

b) Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Pháp lệnh, thì trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà người đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi đã kháng nghị trong thời hạn kháng nghị.

26.2. Việc thay đổi, bổ sung kháng nghị trước khi mở phiên toà phải được làm thành văn bản và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 58 của Pháp lệnh. Việc thay đổi, bổ sung kháng nghị tại phiên toà phải được ghi vào biên bản phiên toà.

27. Hiệu lực thi hành của Nghị quyết

27.1. Nghị quyết này được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 04 tháng 8 năm 2006 và có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 03/2003/NQ-HĐTP ngày 18 tháng 4 năm 2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

27.2. Đối với những vụ án hành chính mà Toà án đã thụ lý nhưng chưa xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm hoặc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để giải quyết.

27.3. Đối với các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hướng dẫn tại Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác./.

Chánh án

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Hiện

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.