• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2024
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Số: 21/2023/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 29 tháng 12 năm 2023

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến

hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý

của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

                                                                                   

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

Căn cứ Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 10 Thông tư số 36/2012/TT-NHNN ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về trang bị, quản lý vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động (Thông tư 36/2012/TT-NHNN) (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư số 14/2019/TT-NHNN ngày 30 tháng 8 năm 2019  của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư có quy định về chế độ báo cáo định kỳ của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 14/2019/TT-NHNN)) như sau:

“b) Báo cáo tình hình hoạt động ATM 6 tháng đầu năm và báo cáo năm như sau:

- Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo điện tử gửi qua hệ thống báo cáo Ngân hàng Nhà nước.

- Thời gian chốt số liệu: tính từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 6 của kỳ báo cáo đối với báo cáo 6 tháng và từ ngày 15 tháng 12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo đối với báo cáo năm.

- Thời hạn gửi báo cáo: chậm nhất vào ngày 15 tháng 7 của năm báo cáo đối với báo cáo 6 tháng và chậm nhất vào ngày 15 tháng 01 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm.

- Đề cương báo cáo theo Mẫu số 4 (đối với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) và Mẫu số 5 (đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh) ban hành kèm theo Thông tư này.”

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23 tháng 01 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (Thông tư 03/2014/TT-NHNN) (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 14/2019/TT-NHNN) như sau:

“Điều 9. Báo cáo với Cơ quan quản lý Nhà nước

1. Hằng năm, chậm nhất vào ngày 15 tháng 7, ngân hàng hợp tác xã có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của Quỹ bảo toàn cho Ngân hàng Nhà nước theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hằng năm, chậm nhất sau 45 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, ngân hàng hợp tác xã có trách nhiệm gửi các báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước như sau:

a) Báo cáo tình hình hoạt động và báo cáo tình hình tài chính năm trước của Quỹ bảo toàn theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Báo cáo về kết quả giám sát, kiểm toán nội bộ của Ban kiểm soát ngân hàng hợp tác xã về hình hình hoạt động và kết quả tài chính của Quỹ bảo toàn theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

4. Các báo cáo tại khoản 1, 2 Điều này được lập thành báo cáo điện tử gửi qua hệ thống báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Các báo cáo tại khoản 3 Điều này được lập thành văn bản giấy gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).”

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2022/TT-NHNN ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 như sau:

“1. Bên đi vay gửi 01 bộ hồ sơ để thực hiện thủ tục hành chính quy định tại Thông tư này theo một trong ba cách thức sau:

  1. Nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa Ngân hàng Nhà nước;
  2. Gửi qua dịch vụ bưu chính;

c) Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng nhà nước (áp dụng đối với thủ tục đăng ký và cấp tài khoản truy cập đối với người sử dụng là bên đi vay quy định tại Điều 10 Thông tư này).”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 10 như sau:

“3. Đăng ký và cấp tài khoản truy cập đối với người sử dụng là bên đi vay:

a) Người sử dụng điền thông tin trên:

 - Tờ khai điện tử đề nghị cấp tài khoản truy cập theo hướng dẫn trên Trang điện tử, in tờ khai từ Trang điện tử, ký và đóng dấu (áp dụng đối với bên đi vay không lựa chọn cách thức nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước); hoặc

- Tờ khai điện tử đề nghị cấp tài khoản truy cập trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước (áp dụng đối với bên đi vay lựa chọn cách thức nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước).

b) Người sử dụng gửi tờ khai quy định tại điểm a khoản này qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, nơi bên đi vay đặt trụ sở chính; hoặc nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ khai đề nghị cấp tài khoản truy cập của người sử dụng với các thông tin đầy đủ và hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này duyệt và cấp tài khoản truy cập qua hộp thư điện tử mà người sử dụng đã đăng ký. Trường hợp từ chối cấp tài khoản truy cập phải có phản hồi trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước hoặc phản hồi đến hộp thư điện tử mà người sử dụng đăng ký (áp dụng với trường hợp bên đi vay không sử dụng cách thức nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Ngân hàng Nhà nước) nêu rõ lý do.”

Điều 4. Thay thế các mẫu biểu trong các chế độ báo cáo

1. Thay thế Mẫu số 4, Mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư 36/2012/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 14/2019/TT-NHNN) bằng Mẫu số 4, Mẫu số 5 tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thay thế Mẫu số 01, Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 03/2014/TT-NHNN (đã được bổ sung bởi khoản 3 điều 2 Thông tư số 14/2019/TT-NHNN) bằng Mẫu số 01 tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này; thay thế Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 03/2014/TT-NHNN (đã được bổ sung bởi khoản 3 điều 2 Thông tư số 14/2019/TT-NHNN) bằng Mẫu số 02 tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các quy định tại Điều 3 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.

3. Thông tư này bãi bỏ khoản 5 Điều 1 và khoản 3 Điều 2 Thông tư 14/2019/TT-NHNN./.

 

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Đào Minh Tú

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.