• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/10/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 19/07/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 124/2005/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 6 tháng 10 năm 2005

 

NGHỊ ĐỊNH

 

Quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý,

sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

 

NGHỊ ĐỊNH:

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định về biên lai thu tiền phạt, quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phạt; quy định về thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính.

2. Cơ quan có chức năng, nhiệm vụ phát hành, quản lý biên lai thu tiền phạt; người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tổ chức, cá nhân thu tiền phạt vi phạm hành chính và các tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện các quy định tại Nghị định này.

Điều 2. Biên lai thu tiền phạt

1. Biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính là biểu mẫu chứng từ được in, phát hành, quản lý và sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn quốc để xác nhận số tiền mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã nộp cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thu phạt tại chỗ hoặc đã nộp vào Kho bạc Nhà nước.

2. Bộ Tài chính quy định về nội dung, hình thức biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính; chịu trách nhiệm tổ chức in, phát hành; hướng dẫn quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính.

3. Nghiêm cấm việc in, phát hành, lưu thông trái phép biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý tiền nộp phạt vi phạm hành chính

1. Tiền thu về xử phạt vi phạm hành chính phải nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định tại Nghị định này và các quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải nộp đủ số tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức tự ý giữ lại các khoản tiền thu phạt vi phạm hành chính để chi thưởng.

Chương II

BIÊN LAI THU TIỀN PHẠT

Điều 4. Các loại biên lai thu tiền phạt

Biên lai thu tiền phạt gồm 2 loại:

1. Biên lai thu tiền phạt in sẵn mệnh giá từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng sử dụng để thu tiền phạt tại chỗ trong trường hợp mức phạt vi phạm hành chính đến 100.000 đồng.

Bộ Tài chính quy định các mức mệnh giá cụ thể để in sẵn vào biên lai thu tiền phạt quy định tại khoản này.

2. Biên lai thu tiền phạt không in sẵn mệnh giá sử dụng để thu tiền phạt đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có mức phạt trên 100.000 đồng, trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không nộp tiền phạt tại chỗ và các trường hợp khác.

Điều 5. Phát hành biên lai thu tiền phạt

1. Bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức cấp biên lai thu tiền phạt cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thu phạt tại chỗ và các cơ quan, tổ chức thu tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Mẫu biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính trước khi đưa ra sử dụng lần đầu, cơ quan phát hành phải có thông báo phát hành bằng văn bản.

3. Cá nhân, tổ chức được cấp biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính phải quản lý và sử dụng biên lai thu tiền phạt theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 6. Sử dụng biên lai

1. Cá nhân, tổ chức thu tiền phạt vi phạm hành chính khi sử dụng biên lai thu tiền phạt phải đảm bảo các điều kiện:

a) Có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền;

b) Ghi biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định;

c) Tổng số tiền trên các biên lai thu tiền phạt phải đúng với số tiền ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

2. Cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt vi phạm hành chính có quyền từ chối nộp tiền nếu phát hiện biên lai thu tiền phạt hoặc chứng từ thu tiền không đúng mẫu quy định, ghi không đúng với quyết định xử phạt vi phạm hành chính và báo cho cơ quan quản lý người thu tiền biết để xử lý kịp thời.

Điều 7. Quản lý biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính

1. Việc quản lý biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo chế độ quản lý hiện hành phù hợp với từng chủng loại biên lai.

2. Cơ quan, tổ chức được cấp biên lai để thu tiền phạt vi phạm hành chính và cơ quan Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm:

a) Mở sổ sách theo dõi nhập, xuất, bảo quản, lưu giữ biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính theo chế độ kế toán hiện hành.

b) Hàng tháng, hàng quý lập báo cáo tình hình sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính; hàng năm thực hiện quyết toán biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định.

3. Việc thanh hủy biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định hiện hành phù hợp với từng chủng loại biên lai.

Chương III

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN NỘP PHẠT

VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 8. Căn cứ thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính

1. Việc thu tiền phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực.

2. Cá nhân, tổ chức thu tiền phạt tại chỗ đối với các hành vi vi phạm hành chính khi nộp tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước phải đảm bảo nộp đúng, đủ tổng số tiền phạt ghi trong các biên lai thu tiền phạt và các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền.

Điều 9. Trách nhiệm thu, nộp tiền phạt

1. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền nộp phạt vi phạm hành chính, đảm bảo thuận tiện cho người nộp phạt.

2. Đối với trường hợp xử phạt tại chỗ theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt tại chỗ và có trách nhiệm lập bảng kê, nộp toàn bộ số tiền thu được vào Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

3. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không có khả năng nộp tiền phạt tại chỗ phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, đồng thời gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

4. Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt có trách nhiệm thông báo kịp thời cho tổ chức của người ra quyết định xử phạt về các trường hợp đã quá thời hạn nộp phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không chấp hành đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính để cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Thời hạn nộp tiền phạt

1. Đối với mức phạt tiền từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng hoặc xử phạt ngoài giờ hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt tại chỗ theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Số tiền thu được phải nộp vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt; trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không nộp phạt tại chỗ thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Trường hợp địa điểm xử phạt vi phạm hành chính ở những nơi xa xôi, hẻo lánh hoặc những vùng mà việc đi lại khó khăn thì người có thẩm quyền xử phạt được phép thu tiền phạt tại chỗ và có trách nhiệm nộp tiền phạt thu được vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt; trường hợp người bị xử phạt không có khả năng nộp phạt tại chỗ thì thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Trường hợp địa điểm xử phạt vi phạm hành chính ở trên sông, trên biển thì người có thẩm quyền xử phạt được thu tiền phạt tại chỗ và có trách nhiệm nộp tiền phạt thu được vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ. Trường hợp không nộp phạt tại chỗ thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ.

4. Trường hợp không thu tiền phạt tại chỗ (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này), cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp đủ số tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.

Điều 11. Quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính

1. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.

2. Việc sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính đã nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức xử lý vi phạm hành chính phải theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 12. Xử lý vi phạm

1. Mọi trường hợp in, phát hành, sử dụng trái phép biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính, làm mất, làm hỏng hoặc cố ý hủy hoại biên lai thì tùy từng trường hợp mà phải bồi thường, bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Cá nhân, tổ chức tự ý giữ lại các khoản thu phạt vi phạm hành chính để chi tiêu sai mục đích thì phải chịu trách nhiệm bồi hoàn và bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Quyết định số 180/TTg ngày 22 tháng 12 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật và Quyết định số 299/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Điều 5 của Quyết định số 180/TTg.

Điều 14. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 15. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.