• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/06/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/03/2013
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 103/2005/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 12 tháng 5 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993;

Căn cứ Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

Để triển khai thực hiện Kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu giai đoạn 2001 - 2010;

Xét đề nghị của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

QUY CHẾ

Hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu

(Ban hành kèm theo Quyết định số 103/2005/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5 năm 2005
của Thủ tướng Chính phủ)

CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định nội dung hoạt động, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước.

2. Các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự cố tràn dầu trên lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thực hiện Quy chế này. Trường hợp Điều ước quốc tế Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng theo Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Dầu và các sản phẩm của dầu" bao gồm:

a) Dầu thô: là dầu từ các mỏ dầu khai thác chưa qua chế biến.

b) Dầu thành phẩm: là các loại dầu đã qua chế biến như xăng, dầu hoả, dầu máy bay, dầu dieseel (DO), dầu mazut (FO) và các loại dầu bôi trơn, bảo quản, làm mát khác.

c) Các loại khác: dầu thải, nước la canh từ hoạt động của tầu biển, tầu sông, của các công trình nổi hoặc từ súc rửa, sửa chữa tàu.

"Dầu" trong Quy chế này được hiểu là tất cả các loại nói trên.

2. "Sự cố tràn dầu" là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa khác nhau thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra không kiểm soát được.

3. "ứng phó sự cố tràn dầu": là các hoạt động sử dụng lực lượng, phương tiện, thiết bị nhằm xử lý kịp thời, loại trừ hoặc hạn chế tối đa nguồn dầu tràn ra môi trường.

4. "Khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu": là các hoạt động nhằm làm sạch đất, nước, hệ sinh thái khu vực bị nhiễm dầu và các biện pháp hạn chế thiệt hại, phục hồi môi sinh, môi trường sau sự cố tràn dầu.

5. "Cơ sở": là các cơ quan, đơn vị, cá nhân có phương tiện, thiết bị gây ra hoặc có nguy cơ gây ra sự cố tràn dầu.

6. "Chủ cơ sở": là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chịu trách nhiệm toàn diện về pháp lý đối với các hoạt động của cơ sở.

7. "Chỉ huy hiện trường": là người được phân công hoặc được chỉ định trực tiếp chỉ huy mọi hoạt động ứng phó tại nơi xảy ra sự cố tràn dầu. Quyền hạn và trách nhiệm của Chỉ huy hiện trường được quy định cụ thể trong phương án ứng phó sự cố tràn dầu của từng cơ sở, địa phương, đơn vị.

8. "Sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng": là sự cố tràn dầu xảy ra với khối lượng lớn, dầu tràn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố hoặc trên địa bàn nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản, môi trường và đời sống của nhân dân.

9. "Khu vực ưu tiên bảo vệ": là các khu tập trung dân cư; điểm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; điểm di tích lịch sử được xếp hạng; khu du lịch, sinh thái; khu dự trữ sinh quyển; khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung.

CHƯƠNG II
TỔ CHỨC ỨNG PHÓ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 3. Thông tin và xử lý thông tin trong ứng phó sự cố tràn dầu

1. Thông tin và đầu mối tiếp nhận thông tin

Các tổ chức, cá nhân; cơ sở để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có trách nhiệm báo cáo kịp thời đến một trong các cơ quan sau đây:

a) Cảng vụ gần nhất;

b) Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương liên quan;

c) Sở Tài nguyên và Môi trường;

d) Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực;

đ) Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài các đầu mối trên, khi để xảy ra tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu có thể thông tin đến bất kỳ địa chỉ liên lạc nào như: các đài thông tin duyên hải, Uỷ ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); các đơn vị: Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát giao thông đường thuỷ.

2. Xử lý thông tin:

a) Sau khi nhận được thông tin về sự cố tràn dầu, các cơ quan có trách nhiệm nêu tại khoản 1 Điều này phải có ngay các biện pháp ứng phó theo khả năng, đồng thời phải kịp thời báo cáo, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để chỉ đạo, phối hợp ứng phó.

b) Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng chủ động phòng tránh và tham gia khắc phục hậu quả.

Điều 4. Phân cấp ứng phó sự cố tràn dầu

Căn cứ vào mức độ sự cố tràn dầu, việc tổ chức, thực hiện ứng phó được tiến hành ở 3 cấp sau đây:

1. Cấp cơ sở:

a) Sự cố tràn dầu xảy ra ở cơ sở: chủ cơ sở phải tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời.

b) Trường hợp sự cố tràn vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ không đủ tự ứng phó, cơ sở phải kịp thời báo cáo cơ quan chủ quản, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trợ giúp. Chủ cơ sở xảy ra sự cố tràn dầu chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường.

c) Trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu nghiêm trọng hoặc sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực cần ưu tiên bảo vệ, để ứng phó kịp thời Thủ trưởng các cơ quan đang giữ trách nhiệm là chỉ huy hiện trường được phép huy động các lực lượng, phương tiện cần thiết để ứng phó ngay, đồng thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu và Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để chỉ đạo, phối hợp ứng phó.

2. Cấp khu vực :

a) Sự cố tràn dầu xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của cơ sở hoặc sự cố tràn dầu xảy ra không thuộc trách nhiệm trực tiếp của cơ sở, như trường hợp bị thiên tai, sự cố va, đâm phương tiện, do dầu từ nơi khác trôi dạt đến thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu có trách nhiệm trực tiếp chủ trì hoặc chỉ định người chỉ huy hiện trường để tổ chức ứng phó theo kế hoạch của địa phương, đồng thời được phép huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các cơ sở, các Bộ, ngành trên địa bàn, của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực để ứng phó.

b) Đầu mối chủ trì giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu là Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.

3. Cấp Quốc gia

a) Trường hợp sự cố tràn dầu xảy ra đặc biệt nghiêm trọng, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu kịp thời báo cáo để Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ứng phó.

b) Trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong nước, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc yêu cầu trợ giúp quốc tế.

Trong quá trình tổ chức ứng phó sự cố tràn dầu ở các cấp nêu trên, chỉ huy hiện trường phải chủ động xử lý, báo cáo kịp thời diễn biến sự cố, đề xuất các kiến nghị cần thiết đến cấp có thẩm quyền và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Điều 5. Ứng phó trong trường hợp sự cố tràn dầu cách bờ trên 20 km.

1. Sự cố tràn dầu xảy ra cách bờ trên 20 km, việc tổ chức ứng phó, chỉ huy hiện trường do Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực chịu trách nhiệm. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm ứng phó sự cố tràn dầu quy mô cấp cơ sở xảy ra tại khu vực khoan, thăm dò, khai thác dầu khí, nếu sự cố tràn dầu vượt quá khả năng tự ứng phó phải báo cáo Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực.

2. Sự cố tràn dầu xảy ra trên diện rộng, vượt khả năng ứng phó của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có trách nhiệm chỉ đạo, điều động lực lượng, phương tiện, thiết bị để phối hợp ứng phó.

Điều 6. Ứng phó sự cố tràn dầu kết hợp phòng chống cháy, nổ

Ứng phó sự cố tràn dầu, đặc biệt đối với các loại dầu có nhiều thành phần nhẹ, nguy cơ cháy nổ cao, sự cố tràn dầu xảy ra gần bờ, trong sông, trên đất liền, phải hết sức lưu ý phương án phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện bảo đảm phòng chống cháy, nổ và sơ tán nhân dân ra ngoài vùng nguy hiểm.

CHƯƠNG III
GIẢI QUYẾT HẬU QUẢ SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 7. Đánh giá, xác định thiệt hại và giải quyết bồi thường thiệt hại

1. Sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn một tỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và chủ cơ sở gây ra sự cố tràn dầu thực hiện việc đánh giá, xác định thiệt hại và giải quyết bồi thường thiệt hại.

2. Sự cố tràn dầu đặc biệt nghiêm trọng, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan liên quan và chủ cơ sở gây ra sự cố tràn dầu thực hiện việc đánh giá, xác định thiệt hại và yêu cầu chủ cơ sở giải quyết bồi thường thiệt hại; trường hợp đặc biệt, kiến nghị thành lập Hội đồng thẩm định cấp nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Kinh phí giải quyết bồi thường thiệt hại do cơ quan bảo hiểm chi trả (nếu có tham gia bảo hiểm) và từ nguồn tài chính của chủ cơ sở gây ra sự cố tràn dầu.

4. Các khoản bồi thường thiệt hại gồm: tính mạng, sức khoẻ con người; tài sản của nhà nước và nhân dân; huỷ hoại tài nguyên, môi sinh, môi trường; điều động lực lượng, phương tiện, thiết bị để ứng phó sự cố tràn dầu; khảo sát, đánh giá, xác định thiệt hại; giải quyết các thủ tục bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả.

5. Chủ cơ sở gây ra sự cố tràn dầu nếu đã ký kết hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố tràn dầu hoặc với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực phải thanh toán chi trả theo hợp đồng.

6. Việc giải quyết bồi thường thiệt hại cần tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, có thể thuê tư vấn của cơ quan chuyên môn, kể cả tư vấn quốc tế trong trường hợp bên gây ra sự cố tràn dầu là pháp nhân nước ngoài. Trường hợp cần thiết, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra sự cố tràn dầu, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có thể phối hợp, chỉ đạo cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giải quyết hậu quả, bồi thường thiệt hại sự cố tràn dầu.

7. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, đơn vị chủ quản của chủ cơ sở có trách nhiệm chỉ đạo đương sự gây ra sự cố tràn dầu thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
ĐỐI VỚI SỰ CỐ TRÀN DẦU

Điều 8. Trách nhiệm của chủ cơ sở

1. Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiến hành ký kết thoả thuận, hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ quan, đơn vị thích hợp.

2. Chịu trách nhiệm đối với sự cố tràn dầu do cơ sở mình gây ra; chủ động, tích cực huy động nguồn lực, tự tổ chức, chỉ huy ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra sự cố tràn dầu.

4. Phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ra sự cố tràn dầu theo quy định tại Điều 7 Quy chế này.

5. Các phương tiện, thiết bị có khả năng gây ra sự cố tràn dầu, bắt buộc phải tham gia bảo hiểm về ô nhiễm môi trường tương ứng với nguy cơ gây ra tràn dầu.

6. Các tàu theo Quy định 26, Phụ lục I Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra mà Việt Nam là nước thành viên tham gia phải có kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh)

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức ứng phó các sự cố tràn dầu theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.

2. Các địa phương cấp tỉnh có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu cao, đặc biệt các địa phương ven biển có các sông lớn, cảng lớn, có hệ thống kho xăng dầu đầu nguồn, có khu công nghiệp lọc, hoá dầu phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương mình, trình Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn phê duyệt.

3. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của các cơ sở trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố tràn dầu bồi thường thiệt hại.

4. Kịp thời báo cáo sự cố tràn dầu xảy ra trên địa bàn quản lý; định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của địa phương về Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

Điều 10. Trách nhiệm của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn

1. Chủ trì chỉ đạo, tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước.

2. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực; kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.

3. Chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, các Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực, các địa phương để ứng phó sự cố tràn dầu xảy ra theo phân cấp quy định tại Điều 4 Quy chế này.

4. Chỉ đạo việc tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ ứng phó sự cố tràn dầu cho các lực lượng chuyên trách nòng cốt, bán chuyên trách, kiêm nhiệm; tổ chức diễn tập, hiệp đồng, phối hợp các lực lượng; tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm hoạ của sự cố tràn dầu để chủ động phòng tránh, ứng phó.

5. Chỉ đạo việc điều tra, xác minh sự cố tràn dầu khi có đề nghị của Bộ, ngành, địa phương, chủ cơ sở hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan về những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do sự cố tràn dầu xảy ra.

6. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của các nước có liên quan để xử lý sự cố tràn dầu xảy ra trên vùng biển hoặc vùng nước tiếp giáp với các nước láng giềng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trường hợp vượt quá thẩm quyền.

Điều 11. Các Bộ, ngành liên quan

1. Theo chức năng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu và hướng dẫn thực hiện; phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cơ sở thuộc quyền; phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với chủ cơ sở để ngăn ngừa, hạn chế tối đa khả năng xảy ra sự cố tràn dầu; bảo đảm chế độ, chính sách, quyền lợi đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trong việc triển khai thực hiện kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu; báo cáo kịp thời sự cố tràn dầu xảy ra thuộc phạm vi Bộ, ngành quản lý; hàng năm báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố tràn dầu về Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

Điều 12. Trách nhiệm của Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực

1. Là lực lượng chuyên trách, nòng cốt ứng phó sự cố tràn dầu trên khu vực được giao; thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu theo phân cấp và hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở; sẵn sàng cơ động ứng phó sự cố tràn dầu trên phạm vi cả nước theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

2. Xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn thẩm định, phê duyệt.

3. Kịp thời báo cáo khi có sự cố tràn dầu, kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu về Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.

Điều 13. Trách nhiệm của các tổ chức kinh tế - xã hội khác

Nhà nước Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, bảo vệ môi trường tại Việt Nam theo quy định của pháp luật, thực hiện sự huy động của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, của Uỷ ban nhân dân các địa phương.

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu sẽ được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 15. Xử lý vi phạm

Các tổ chức, cá nhân không thực hiện trách nhiệm quy định tại Quy chế này thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn kịp thời đề xuất những vấn đề nảy sinh cần bổ sung, sửa đổi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.