• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/09/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 05/06/2007
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 84/2004/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 18 tháng 8 năm 2004

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá rị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng GTGT

______________________________

Căn cứ Luật thuế GTGT số 02/1997/QH9 ngày 10/5/1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT số 07/2003/QH11 ngày 17/6/2003;

Căn cứ Nghị định số 148/2004/NĐ-CP ngày 23/7/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT.

Căn cứ Quyết định số 205/1998/QĐ-TTg ngày 19/10/1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế về cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế.
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính như sau:

1. Bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT quy định tại Điểm 23, Mục II, Phần A như sau:

Dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải quốc tế, dịch vụ bảo hiểm cung cấp cho phương tiện vận tải quốc tế, như bảo hiểm thân tàu hoặc thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu hoặc trách nhiệm dân sự chung đối với máy bay.

Phương tiện vận tải quốc tế là phương tiện có doanh thu về vận tải quốc tế đạt trên 50% tổng doanh thu về vận tải của phương tiện đó trong năm; đối với phương tiện vận tải quốc tế là máy bay thì phải có số giờ bay quốc tế đạt trên 50% tổng số giờ bay của máy bay đó trong năm.

Trường hợp phương tiện vận tải quốc tế do cơ sở kinh doanh vận tải tại Việt Nam khai thác sử dụng, thì hàng năm cơ sở kinh doanh vận tải căn cứ vào doanh thu vận tải quốc tế hoặc giờ bay quốc tế thực tế đạt được năm trước để đăng ký với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp về danh sách các phương tiện vận tải quốc tế (theo mẫu đăng ký kèm Thông tư này) để cơ quan thuế xác nhận làm căn cứ xác định không thu thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp trực tiếp cho phương tiện vận tải quốc tế. Khi bán hàng hóa, dịch vụ cho phương tiện vận tải quốc tế, cơ sở kinh doanh (cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ) phải yêu cầu cơ sở kinh doanh vận tải tại Việt nam sử dụng phương tiện vận tải quốc tế cấp bản đăng ký phương tiện vận tải quốc tế với cơ quan thuế (bản sao có xác nhận và đóng dấu của cơ sở sử dụng phương tiện vận tải quốc tế). Cơ sở cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho phương tiện vận tải quốc tế phải lập hoá đơn ghi rõ tên, số hiệu phương tiện vận tải quốc tế; số, ngày tờ khai phương tiện vận tải đến hoặc giấy cấp phép bay (đối với máy bay) trường hợp là phương tiện vận tải nước ngoài.

Cơ sở bán hàng hoá, dịch vụ phải lưu giữ bản sao Bản đăng ký nêu trên, hóa đơn bán hàng hoá dịch vụ, hợp đồng bán hàng hoá dịch vụ (nếu có), chứng từ thanh toán hàng hoá dịch vụ. Trường hợp bán qua đại lý, cơ sở bán hàng hoá dịch vụ phải có biên bản thanh toán công nợ giữa cơ sở và đơn vị đại lý, trong đó ghi rõ, tên, số lượng hàng hoá, dịch vụ bán cho phương tiện vận tải quốc tế; số và ngày bản đăng ký phương tiện vận tải quốc tế; tên và số hiệu phương tiện vận tải quốc tế; số ngày tờ khai tàu đến hoặc giấy phép bay (đối với máy bay) trường hợp là phượng tiện vận tải nước ngoài; hoá đơn bán hàng hoá dịch vụ cho phương tiện vận tải quốc tế.

Trường hợp các phương tiện vận tải mới đầu tư mua sắm đưa vào sử dụng thì cơ sở kinh doanh vận tải tại Việt Nam căn cứ vào kế hoạch kinh doanh để xác định doanh thu vận tải quốc tế hoặc giờ bay quốc tế để đăng ký với cơ quan thuế theo hướng dẫn trên. Nếu khi xác định tỷ trọng doanh thu vận tải quốc tế hoặc giờ bay quốc tế năm trước không đảm bảo tỷ lệ trên 50% do lý do khách quan, như: bị tai nạn, hỏng hóc phải sửa chữa nhưng năm đăng ký hoạt động có kế hoạch tỷ trọng doanh thu vận tải quốc tế hoặc giờ bay quốc tế trên 50% thì doanh nghiệp phải giải trình cho cơ quan Thuế rõ để làm thủ tục đăng ký phương tiện vận tải quốc tế.

2. Điểm 14, Mục II, Phần A về đối tượng không chịu thuế GTGT đối với dịch vụ vệ sinh công cộng được sửa đổi, bổ sung như sau:

"14- Dịch vụ công cộng như vệ sinh, thoát nước; duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ. Các dịch vụ này không phân biệt nguồn kinh phí chi trả.

Dịch vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố bao gồm các hoạt động thu, dọn, xử lý rác và chất phế thải, thoát nước, xử lý nước thải cho các tổ chức, cá nhân không phân biệt nguồn kinh phí chi trả. Nếu cơ sở kinh doanh tận dụng chất phế thải để sản xuất ra sản phẩm khác để bán thì các sản phẩm này sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại mục II, phần A Thông tư số 120/2003/TT-BTC hoặc chịu thuế GTGT theo hướng dẫn tại mục II, phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC. Trường hợp cơ sở kinh doanh thực hiện các dịch vụ, như: lau dọn, vệ sinh văn phòng cho các tổ chức, cá nhân thì dịch vụ này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo thuế suất 10% hướng dẫn tại điểm 3.27, mục II, phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC.

Duy trì vườn thú, công viên bao gồm hoạt động quản lý, trồng cây, chăm sóc, bảo vệ chim, thú, cây ở các công viên, vườn thú, khu vực công cộng, vườn quốc gia.

Dịch vụ tang lễ bao gồm các hoạt động cho thuê nhà, xe ô tô phục vụ tang lễ của các tổ chức làm dịch vụ tang lễ; mai táng, hoả táng.

Các hoạt động có thu phí, lệ phí theo chế độ phí và lệ phí của Nhà nước thì khoản thu này không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT."

3. Điểm 1, Mục II, Phần B về thuế suất thuế GTGT 0% được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1- Thuế suất 0%: áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, hoạt động xây dựng, lắp đặt các công trình ở nước ngoài và công trình của doanh nghiệp chế xuất. Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả hàng gia công xuất khẩu; hàng hóa bán cho cửa hàng miễn thuế; hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT xuất khẩu (trừ dịch vụ du lịch lữ hành ra nước ngoài; dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ tín dụng, đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài và hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điểm 23, Điểm 27, Mục II, Phần A Thông tư số 120/2003/TT-BTC).

- Hàng hóa xuất khẩu bao gồm xuất khẩu ra nước ngoài kể cả uỷ thác xuất khẩu, bán cho doanh nghiệp chế xuất và các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của Chính phủ, như:

+ Hàng hoá gia công xuất khẩu chuyển tiếp theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài. Trường hợp này áp dụng đối với hàng gia công xuất khẩu của cơ sở trực tiếp gia công theo hợp đồng gia công cơ sở đã ký với bên nước ngoài (gọi là cơ sở giao hàng), nhưng hàng gia công chưa được xuất khẩu ra nước ngoài mà được giao chuyển tiếp cho cơ sở khác ở trong nước (gọi là cơ sở nhận hàng) theo chỉ định của bên nước ngoài để tiếp tục gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh theo hợp đồng gia công đã ký với nước ngoài, tiền gia công do bên nước ngoài trực tiếp thanh toán.

+ Hàng hóa uỷ thác gia công xuất khẩu. Trường hợp này là trường hợp cơ sở ký hợp đồng gia công trực tiếp với nước ngoài nhưng ký hợp đồng giao lại cho cơ sở khác gia công. Cơ sở ký hợp đồng gia công trực tiếp với nước ngoài chỉ hưởng hoa hồng trên tiền gia công.

+ Hàng hóa do doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất bán cho nước ngoài nhưng hàng hóa được giao cho doanh nghiệp khác tại Việt Nam theo chỉ định của phía nước ngoài (gọi tắt là hàng hóa xuất khẩu tại chỗ) để làm nguyên liệu sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.

+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài .

- Dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất để sử dụng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất, trừ các dịch vụ sử dụng cho tiêu dùng cá nhân:

Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ được cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và được tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam nếu có đủ điều kiện: cơ sở cung cấp dịch vụ phải có hợp đồng ký với người mua ở nước ngoài theo quy định của Luật thương mại; người mua nước ngoài thanh toán tiền dịch vụ cho cơ sở cung cấp dịch vụ tại Việt Nam."

4. Sửa đổi, bổ sung Điểm 2.27, Mục II, Phần B như sau:

"2.27 Mủ cao su sơ chế như mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm."

5. Sửa đổi, bổ sung đoạn thứ ba sau Điểm 3.27, Mục II, Phần B như sau:

Dịch vụ sửa chữa, bảo hành áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%. Riêng sửa chữa máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải là sản phẩm cơ khí; dịch vụ đăng kiểm các phương tiện và thiết bị ngành giao thông vận tải áp dụng thuế suất 5%.

6. Bổ sung vào Điểm 1.2.c, Mục III, Phần B về xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ đối với cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thuỷ hải sản có tổ chức sản xuất khép kín, hạch toán kết quả sản xuất kinh doanh tập trung có sử dụng sản phẩm ở các khâu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản làm nguyên liệu để tiếp tục sản xuất chế biến ra sản phẩm chịu thuế GTGT (bao gồm sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chưa qua chế biến xuất khẩu hoặc sản phẩm đã qua chế biến thuộc đối tượng chịu thuế GTGT) như sau:

Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh ở tất cả các khâu: đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến; trường hợp cơ sở có bán hàng hóa là sản phẩm nông, lâm, thuỷ hải sản chưa qua chế biến hoặc mới qua sơ chế thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hóa, dịch vụ bán ra. Việc kê khai nộp thuế GTGT thực hiện tại Văn phòng trụ sở chính.

7. Bổ sung vào Điểm 1.2d, Mục III, Phần B về điều kiện, thủ tục dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp chế xuất, hoạt động xây dựng, lắp đặt các công trình ở nước ngoài và công trình của doanh nghiệp chế xuất được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào như sau:

- Cơ sở cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất, xây dựng, lắp đặt các công trình ở nước ngoài và công trình của doanh nghiệp chế xuất phải có Hợp đồng ký giữa cơ sở cung cấp dịch vụ và doanh nghiệp chế xuất, bên nước ngoài theo quy định của Luật thương mại.

- Cơ sở cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất; xây dựng, lắp đặt các công trình cho doanh nghiệp chế xuất phải thanh toán theo hướng dẫn tại điểm 1.2.d3, mục III, phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC.

8. Bổ sung vào Điểm 2, Mục II, Phần C về kê khai nộp thuế GTGT đối với một số trường hợp sau:

- Cơ sở kinh doanh làm đại lý bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; cơ sở kinh doanh làm đại lý dịch vụ bưu điện, bảo hiểm, xổ số, bán vé máy bay theo đúng giá quy định của cơ sở giao đại lý hưởng hoa hồng thì không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với doanh thu hàng hóa, dịch vụ nhận bán đại lý và doanh thu hoa hồng đại lý được hưởng.

- Cơ sở kinh doanh có hoạt động xây dựng, lắp đặt các công trình ở khác địa phương nơi đóng Văn phòng trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc ở khác địa phương thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu, khi kê khai nộp thuế GTGT tại Văn phòng trụ sở chính phải kê khai bổ sung trên bản giải trình tờ khai thuế GTGT tháng về số tờ khai thuế GTGT, số thuế GTGT phải nộp, số chứng từ và số thuế GTGT đã nộp tại địa phương nơi có công trình xây dựng, lắp đặt, nơi bán hàng để cơ quan Thuế quản lý cơ sở kinh doanh có căn cứ tính số thuế GTGT đã nộp, còn phải nộp hoặc nộp thừa. Khi quyết toán thuế GTGT năm, cơ sở kinh doanh đồng thời phải có xác nhận của cơ quan thuế địa phương nơi có công trình xây dựng, lắp đặt, nơi bán hàng về số thuế GTGT phát sinh phải nộp, số thuế GTGT đã nộp.

9. Bổ sung vào Điểm 3, Mục I, Phần D như sau:

Khi dự án đầu tư thành lập doanh nghiệp mới đã hoàn thành và hoàn tất các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế, cơ sở kinh doanh là chủ dự án đầu tư phải tổng hợp số thuế GTGT phát sinh, số thuế GTGT đã hoàn, số thuế GTGT chưa được hoàn của dự án để bàn giao cho doanh nghiệp mới thành lập để doanh nghiệp mới thực hiện kê khai, nộp thuế và đề nghị hoàn thuế GTGT theo quy định với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

10. Bổ sung đoạn gạch đầu dòng thứ ba vào Điểm 6, Mục I, Phần D như sau:

Trường hợp chủ dự án thuộc đối tượng được hoàn thuế không phải là cơ sở kinh doanh, không có chứng nhận đăng ký kinh doanh thì chỉ được hoàn thuế khi có Quyết định thành lập Ban quản lý dự án và chủ dự án uỷ quyền cho Ban quản lý dự án làm thủ tục hoàn thuế.

11. Thủ tục kê khai, nộp thuế GTGT:

a. Ban hành kèm theo Thông tư này tờ khai thuế GTGT (mẫu số 01/GTGT), Bản giải trình tờ khai thuế GTGT tháng mẫu số 01B/GTGT và mẫu tờ khai điều chỉnh thuế GTGT năm (mẫu số 11/GTGT) thay thế mẫu tờ khai thuế GTGT (mẫu số 01/GTGT) và mẫu quyết toán thuế GTGT (mẫu số 11/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số 120/2003/TT-BTC.

b. Sửa đổi việc kê khai nộp thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, có hoạt động kinh doanh mua bán vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ, nộp thuế theo phương pháp trực tiếp:

- Đối với hàng hoá dịch vụ tính thuế theo phương pháp khấu trừ, cơ sở kinh doanh lập tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT, 01B/GTGT, 11/GTGT ban hành kèm theo Thông tư này.

- Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý và ngoại tệ, cơ sở kinh doanh lập tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 07A/GTGT, 12A/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 120/2003/TT-BTC.

- Cơ sở kinh doanh đồng thời phải nộp cho cơ quan thuế tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT, 01B/GTGT, 11/GTGT, 07A/GTGT, 12A/GTGT nêu trên.

- Số thuế GTGT phải nộp của cơ sở kinh doanh trong kỳ được tổng hợp từ số thuế GTGT phát sinh trên tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT, 07A/GTGT, 12A/GTGT. Trường hợp trên tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết, trên tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 07A/GTGT, 12A/GTGT có phát sinh số thuế GTGT phải nộp, thì cơ sở kinh doanh không được bù trừ giữa số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ và số thuế GTGT phải nộp.

12. Sửa đổi, bổ sung Mục IV, Phần C về quyết toán thuế như sau:

Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thực hiện lập và gửi tờ khai điều chỉnh thuế GTGT năm (mẫu số 11/GTGT) cho cơ quan Thuế.

Thời hạn cơ sở kinh doanh phải nộp tờ khai điều chỉnh thuế GTGT năm cho cơ quan thuế chậm nhất không quá 60 ngày kể từ ngày 31/12 của năm điều chỉnh. Số liệu điều chỉnh thuế GTGT trên tờ khai điều chỉnh thuế GTGT năm cơ sở kinh doanh sử dụng để điều chỉnh vào tờ khai thuế GTGT tháng 2 năm sau. Trường hợp cơ sở kinh doanh lập tờ khai điều chỉnh chậm so với thời gian quy định nêu trên, thì cơ sở kinh doanh điều chỉnh vào tờ khai thuế GTGT của tháng cơ sở kinh doanh hoàn thành tờ khai điều chỉnh thuế GTGT năm.

Cơ sở kinh doanh sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; chuyển đổi hình thức công ty thực hiện kê khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT và tờ khai điều chỉnh thuế GTGT năm theo mẫu số 11/GTGT gửi cho cơ quan Thuế trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi sở hữu; chuyển đổi hình thức công ty.

Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của số liệu trên tờ khai điều chỉnh thuế GTGT năm, nếu cơ sở kinh doanh báo cáo sai để trốn, lậu thuế sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Các trường hợp từ 1/1/2004 cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp chế xuất nếu có đầy đủ thủ tục theo hướng dẫn tại Thông tư này, đã tính thuế GTGT, lập hóa đơn GTGT, thanh toán theo giá có thuế GTGT và kê khai nộp thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp chế xuất lập biên bản điều chỉnh giá thanh toán theo thuế suất thuế GTGT 0%, hóa đơn GTGT để điều chỉnh lại thuế GTGT đã kê khai cho các hóa đơn này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để hướng dẫn bổ sung.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trương Chí Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.