• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 31/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 30/01/2006
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Số: 696/2003/QĐ-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 2 tháng 7 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Thông tư số 09/2001/TT-NHNN ngày 08/10/2001

hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ

về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân

______________________

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20/3/1996;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác,

 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Sửa đổi, bồ sung một số điểm tại Thông tư số 09/2001/TT-NHNN ngày 08/10/2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân như sau:

1. Bổ sung Điểm 4 vào Mục I như sau:

"4. Thời hạn hoạt dộng của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tối đa là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động. Hết thời hạn hoạt động có thể được xem xét cho gia hạn. Mỗi lần gia hạn không quá thời hạn đã được cấp lần đầu”.

2. Tiết 2.1 (a) Điểm 2 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau:

"a. Cá nhân là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Đối với những cá nhân có tài sản, có tổ chức sản xuất - kinh doanh và đăng ký tạm trú có thời hạn trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở cũng có thể được xem xét cho tham gia thành viên (trường hợp không có đăng ký tạm trú có thời hạn phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận có sản xuất kinh doanh trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở).

3. Tiết 2.2 Điểm 2 mục II được sửa đổi bổ sung như sau:

"2.2. Thành viên được góp vốn theo quy định của Điều lệ; mức vốn góp của mỗi thành viên tối thiểu là 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng), nhưng tối đa (kể cả vốn nhận chuyển nhượng) không vượt quá 30% (ba mươi phần trăm) so với tổng số vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở tại thời điểm góp vốn và nhận chuyển nhượng. Khi góp vốn tối thiểu, thành viên được nhận Thẻ thành viên; Vốn góp trên mức tối thiều được ghi vào Sổ góp vốn theo mẫu quy định của Ngân hàng Nhà nước"

4. Tiết 3.2 Điểm 3 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau:

"3.2. Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được quyền quyết định việc tăng, giảm vốn điều lệ đến mức tối đa 10% (mười phần trăm) so với tổng số vốn điều lệ được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y gần nhất, nhưng không quá 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Hội đồng quản trị phải tổng hợp kết quả tăng, giảm vốn điều lệ báo cáo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố định kỳ hàng quý, báo cáo trước Đại hội thành viên thường niên.

Trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ vượt mức quy định trên phải được Đại hội thành viên thông qua và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố chuẩn y bằng văn bản".

5. Tiết 3.4 (a) Điểm 3 Mục II được sửa đổi, bổ sung như sau:

"a. Ban Kiểm soát của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở do Đại hội thành viên bầu trực tiếp theo thể thức bỏ phiếu kín. Ban Kiểm soát có tối thiểu là 3 người, trong đó ít nhất phải có một kiểm soát viên chuyên trách; đối với những Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có dưới 500 thành viên và nguồn vốn hoạt động dưới 2.000.000.000 đồng (2 tỷ đồng) có thể chỉ bầu 1 kiểm soát viên chuyên trách."

6. Tiết 4.1 (a) Điểm 4 tại Mục II được sửa đổi như sau:

"4.1. Huy động vốn.

a. Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong địa bàn hoạt động dưới hình thức nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn.

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân ngoài địa bàn hoạt động tối đa không quá 40% (bốn mươi phần trăm) tổng số dư tiền gửi. Tỷ lệ nhận tiền gửi tối đa ngoài địa bàn sẽ được điều chỉnh tuỳ theo chất lượng hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Đối với Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở hoạt động yếu kém (xếp loại D hoặc có nợ quá hạn trên 5% so với tổng dư nợ), Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố có thể xem xét, quyết định giảm thấp tỷ lệ nhận tiền gửi ngoài địa bàn hoặc chấm dứt việc nhận tiền gửi ngoài địa bàn của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đó."

7. Tiết 4.2 (b) Điểm 4 tại Mục II được sửa đổi như sau:

"b. Các hoạt động khác

Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ, theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% (năm mươi phần trăm) vốn tự có của Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở

Góp vốn: Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở được dùng Vốn điều lệ và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ để góp vốn vào Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương. Mức vốn góp để xác lập tư cách thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 10.000.000 đ (mười triệu đồng) và có thể góp trên mức 10.000.000 đ nhưng tối đa (kể cả vốn nhận chuyển nhượng) không vượt quá 10% (mười phần trăm) so với tổng số Vốn điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương tại thời điểm góp vốn và nhận chuyển nhượng".

8. Tiết 2.1 Điểm 2 tại Mục III được sửa đổi như sau:

“2.1. Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương cho vay vốn chủ yếu đối với thành viên, việc cho vay các đối tượng không phải là thành viên do Điều lệ Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương quy định. Tổng dư nợ cho vay bình quân năm các đối tượng không phải là thành viên (loại trừ dư nợ cho vay từ nguồn vốn uỷ thác) tối đa không được vượt quá 50% (năm mươi phần trăm) tổng nguồn vốn hoạt động bình quân năm của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, với điều kiện Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương phải bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý của các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở”

9. Tiết 2.3 Điểm 2 tại Mục III được sửa đổi như sau:

"Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương được mua, đầu tư vào tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ, theo nguyên tắc giá trị còn lại của tài sản cố định không vượt quá 50% (năm mươi phần trăm) vốn tự có của Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương."

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Các nội dung khác không quy định tại Quyết định này vẫn thực hiện theo Thông tư số 09/2001/TT-NHNN ngày 08/10/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức tín dụng hợp tác, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Trần Minh Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.