• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/08/2004
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 125/2004/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 9 tháng 7 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải

___________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1990;

Căn cứ quy định của sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS 74) ban hành kèm theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS);

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quyết định này quy định trình tự, thủ tục, quy trình phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải.

Quyết định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác các loại tàu biển và cảng biển sau đây:

1. Tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế và tàu biển nước ngoài hoạt động tại vùng nội thủy, lãnh hải của Việt Nam (sau đây gọi chung là tàu biển), bao gồm:

a) Tàu khách;

b) Tàu hàng có tổng dung tích từ 500 GT trở lên;

c) Giàn khoan di động ngoài khơi.

2. Cảng biển tiếp nhận các loại tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi chung là cảng biển).

3. Công ty khai thác các loại tàu biển Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi chung là công ty tàu biển).

4. Doanh nghiệp quản lý, khai thác các cảng biển quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi chung là doanh nghiệp cảng biển).

5. Các cơ quan quản lý nhà nước quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Thông tin an ninh hàng hải

Thông tin an ninh hàng hải là những thông tin về nguy cơ có thể sẽ gây ra hoặc đã gây ra sự cố an ninh đối với tàu biển, cảng biển; về cấp độ và sự thay đổi cấp độ an ninh hàng hải áp dụng đối với tàu biển, cảng biển và thông tin về biện pháp an ninh phù hợp cần phải áp dụng để bảo đảm an ninh cho tàu biển, cảng biển.

Điều 3. Cấp độ an ninh hàng hải

1. Cấp độ an ninh hàng hải là mức độ nguy hiểm của một sự cố an ninh sẽ được thực hiện hoặc sẽ xảy ra.

2. An ninh hàng hải được phân thành 3 cấp độ an ninh hàng hải (sau đây gọi chung là cấp độ) như sau:

a) Cấp độ 1 là cấp độ mà các biện pháp an ninh bảo vệ phù hợp tối thiểu phải được duy trì tại mọi thời điểm.

b) Cấp độ 2 là cấp độ mà các biện pháp an ninh bảo vệ được bổ sung thêm cho phù hợp và phải được duy trì trong khoảng thời gian có nguy cơ cao xảy ra sự cố an ninh.

c) Cấp độ 3 là cấp độ mà các biện pháp an ninh bảo vệ cụ thể tiếp theo phải được duy trì trong khoảng thời gian nhất định khi một sự cố an ninh có khả năng xảy ra hoặc hầu như chắc chắn xảy ra, mặc dù có thể không xác định được mục tiêu cụ thể nào.

3. Cấp độ an ninh hàng hải được áp dụng cho tàu biển và cảng biển.

Điều 4. Duy trì và thay đổi cấp độ

1. Cấp độ 1 được duy trì thường xuyên trên các tàu biển Việt Nam và tại các cảng biển Việt Nam.

2. Việc thay đổi cấp độ phải được công bố và thông báo kịp thời cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều 5. Cơ quan công bố cấp độ, thay đổi cấp độ và hướng dẫn, bảo đảm các biện pháp an ninh cần áp dụng đối với tàu biển, cảng biển

1. Cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định chịu trách nhiệm công bố cấp độ, thay đổi cấp độ theo quy định tại Điều 3 của Quyết định này; đồng thời chịu trách nhiệm hướng dẫn và bảo đảm theo chức năng quy định các biện pháp an ninh cần áp dụng đối với tàu biển đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, tàu biển đang neo đậu tại cảng dầu thô ngoài khơi và cảng dầu thô ngoài khơi khi có khả năng xảy ra hoặc thực tế đã xảy ra sự cố an ninh trên tàu biển và tại cảng dầu thô ngoài khơi.

2. Cơ quan do Bộ Công an chỉ định chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết cho cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định để công bố cấp độ, thay đổi cấp độ đối với cảng biển trừ cảng dầu thô ngoài khơi, đồng thời hướng dẫn và bảo đảm theo chức năng quy định các biện pháp an ninh cần áp dụng đối với cảng biển trừ cảng dầu thô ngoài khơi và tàu biển neo đậu tại cảng biển trừ cảng dầu thô ngoài khơi khi có khả năng xảy ra hoặc thực tế đã xảy ra sự cố an ninh tại các cảng biển đó.

Điều 6. Trung tâm Tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải

1. Cục Hàng hải Việt Nam thành lập Trung tâm Tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải (sau đây gọi tắt là Trung tâm) với trang thiết bị thông tin liên lạc theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và được biên chế bảo đảm trực 24/24 giờ hàng ngày.

2. Trung tâm có trách nhiệm:

a) Là đầu mối tiếp nhận thông tin về cấp độ, thay đổi cấp độ và các biện pháp an ninh cần áp dụng từ cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định và cơ quan do Bộ Công an chỉ định để truyền phát đến tàu biển, cảng biển và cho các cơ quan có liên quan khác của Việt Nam cũng như cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, nếu được yêu cầu.

b) Tiếp nhận các thông tin liên quan đến an ninh hàng hải từ tàu biển, cảng biển hoặc từ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và thông báo kịp thời cho cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định, cơ quan do Bộ Công an chỉ định và các cơ quan có liên quan khác của Việt Nam. Trường hợp tiếp nhận thông tin từ tàu biển nước ngoài phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền của nước đó đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao. Trong trường hợp cơ quan chức năng không thể liên lạc với cơ quan thẩm quyền của nước ngoài mà tàu mang cờ quốc tịch thì sẽ thông qua con đường ngoại giao để thông báo cho các cơ quan có liên quan của nước ngoài.

Điều 7. Cơ chế tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải

Việc tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải giữa cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định, cơ quan do Bộ Công an chỉ định và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan với các doanh nghiệp cảng biển, công ty tàu biển phải bảo đảm thông suốt 24/24 giờ trong ngày, kịp thời, đúng quy định của pháp luật về bảo mật và theo các phương thức, địa chỉ liên lạc tại danh mục thông tin liên lạc an ninh hàng hải do Cục Hàng hải Việt Nam thông báo.

Chương II

CÔNG BỐ, TIẾP NHẬN, TRUYỀN PHÁT VÀ

XỬ LÝ THÔNG TIN AN NINH HÀNG HẢI

Điều 8. Công bố, tiếp nhận, truyền phát thông tin về cấp độ và hướng dẫn, đảm bảo các biện pháp an ninh cần áp dụng đối với tàu biển, cảng biển

Việc công bố, tiếp nhận, truyền phát thông tin về cấp độ và các biện pháp an ninh cần áp dụng được thực hiện theo quy trình như sau:

1. Cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định có trách nhiệm thông báo về cấp độ, sự thay đổi về cấp độ, các biện pháp an ninh cần áp dụng cho Trung tâm.

2. Trung tâm ngay sau khi nhận được các thông tin nói trên, phải chuyển tiếp các thông tin đó đến:

a) Cảng vụ hàng hải;

b) Cán bộ an ninh công ty tàu biển;

c) Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao. Trong trường hợp cơ quan chức năng không thể liên lạc được với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà tàu mang cờ quốc tịch thì sẽ thông qua con đường ngoại giao để thông báo cho các cơ quan có liên quan của nước ngoài.

3. Ngay sau khi được Trung tâm thông báo về những thông tin đó:

a) Cảng vụ hàng hải phải thông báo cho:

- Cán bộ an ninh cảng biển;

- Các tàu biển dự kiến sẽ đến hoặc đang hoạt động tại cảng biển thuộc khu vực trách nhiệm của mình.

- Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng biển.

b) Cán bộ an ninh công ty tàu biển phải thông báo cho sĩ quan an ninh tàu biển của mình biết để áp dụng cho tàu biển trong chuyến đi dự kiến tiếp theo.

Điều 9. Tiếp nhận, truyền phát và xử lý các thông tin an ninh hàng hải khác

1. Khi nhận được "báo động an ninh" từ tàu biển hoặc yêu cầu hỗ trợ bảo đảm an ninh từ tàu biển đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, từ cảng dầu thô ngoài khơi hoặc từ cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu mang cờ quốc tịch thì Trung tâm phải chuyển tiếp ngay đến cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định.

2. Cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định phải xử lý ngay thông tin và kịp thời thông báo cho Trung tâm các biện pháp an ninh phù hợp cần áp dụng đối với tàu biển đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, tàu biển đang neo đậu tại cảng dầu thô ngoài khơi và cảng dầu thô ngoài khơi, để Trung tâm chuyển tiếp cho tàu biển, cảng dầu thô ngoài khơi có liên quan và cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà tàu mang cờ quốc tịch nếu có yêu cầu, đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao. Trong trường hợp cơ quan chức năng không thể liên lạc với cơ quan thẩm quyền của nước ngoài mà tàu mang cờ quốc tịch thì sẽ thông qua con đường ngoại giao để thông báo cho các cơ quan có liên quan của nước ngoài.

3. Khi nhận được thông tin có khả năng ảnh hưởng đến an ninh cảng biển trừ cảng dầu thô ngoài khơi, cán bộ an ninh cảng biển phải thông báo ngay cho cơ quan do Bộ Công an chỉ định tại địa phương để kịp thời xử lý và Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng biển để phối hợp; đồng thời thông báo cho Cảng vụ hàng hải khu vực biết để báo cáo Trung tâm.

4. Việc tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải giữa sĩ quan an ninh tàu biển với Công ty tàu biển, doanh nghiệp cảng biển và các cơ quan liên quan tại cảng biển thực hiện theo quy định của sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74, Bộ luật ISPS và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

5. Trong trường hợp tàu biển khi neo đậu tại cảng biển trừ cảng dầu thô ngoài khơi không thể thực hiện được các biện pháp an ninh theo yêu cầu thì cán bộ an ninh cảng biển phải thông báo ngay cho cơ quan do Bộ Công an chỉ định tại địa phương để xử lý, đồng thời thông báo cho Trung tâm. Trường hợp cần thiết, cơ quan do Bộ Công an chỉ định phối hợp với cơ quan do Bộ Quốc phòng chỉ định để giải quyết.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG CÓ LIÊN QUAN VÀ CÔNG TY TÀU BIỂN, DOANH NGHIỆP CẢNG BIỂN

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 5, Điều 7, khoản 1 Điều 8, khoản 2 Điều 9 của Quyết định này. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng có liên quan thực hiện quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 9 của Quyết định này.

2. Bảo đảm theo chức năng quy định các biện pháp an ninh phù hợp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa các tổn thất khi sự cố an ninh xảy ra hoặc có khả năng xảy ra trên tàu biển đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, tàu biển đang neo đậu tại cảng dầu thô ngoài khơi và cảng dầu thô ngoài khơi.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 5, Điều 7, khoản 3, khoản 5 Điều 9 của Quyết định này.

2. Bảo đảm theo chức năng quy định các biện pháp an ninh phù hợp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả nhằm hạn chế tối đa các tổn thất khi sự cố an ninh xảy ra hoặc có khả năng xảy ra tại cảng biển trừ cảng dầu thô ngoài khơi và trên tàu biển hoạt động tại cảng biển.

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải

1. Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Trung tâm Tiếp nhận, truyền phát thông tin an ninh hàng hải với biên chế, trang thiết bị thông tin theo hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải quốc tế để đảm bảo hoạt động có hiệu quả 24/24 giờ trong ngày.

2. Chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cảng vụ hàng hải, doanh nghiệp cảng biển và công ty tàu biển thực hiện nhiệm vụ quy định tại Quyết định này, quy định của sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74, Bộ luật ISPS và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 13. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho các Bộ, cơ quan có liên quan thực hiện Quyết định này.

2. Hướng dẫn các Bộ, cơ quan có liên quan và các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính khi thực hiện Quyết định này.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan

Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Tài chính để thực hiện Quyết định này.

Điều 15. Trách nhiệm của công ty tàu biển, doanh nghiệp cảng biển

Thực hiện đầy đủ các quy định của Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.