• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/06/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 05/07/2017
CHÍNH PHỦ
Số: 123/2004/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 18 tháng 5 năm 2004

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội

___________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

Căn cứ công văn số 212 NQ/UBTVQH11 ngày 22 tháng 3 năm 2004 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

VỀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Điều 1.

1. Nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách Thủ đô Hà Nội được phân cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Uỷ ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cụ thể giữa ngân sách các cấp thuộc thành phố (thành phố, quận, huyện, phường, xã) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thành phố. Riêng đối với ngân sách xã, thị trấn thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 Luật Ngân sách Nhà nước.

Nhà nước ưu tiên đầu tư về ngân sách và các nguồn tài chính khác nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thành phố để Thành phố thực hiện vai trò trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

2. Hàng năm, căn cứ vào dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định: Dự toán thu, chi ngân sách Thành phố; phân bổ nhiệm vụ thu, chi cho từng cơ quan, đơn vị thuộc ngân sách cấp Thành phố; số bổ sung từ ngân sách Thành phố cho ngân sách cấp dưới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và bảo đảm thực hiện theo định hướng chung của ngân sách nhà nước.

3. Để sử dụng có hiệu quả quỹ đất thuộc Thành phố quản lý, Uỷ ban nhân dân Thành phố được tạm ứng từ nguồn ngân sách Thành phố hoặc từ nguồn huy động theo chế độ quy định cho các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, sau khi thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất sẽ thu hồi hoàn trả ngân sách hoặc hoàn trả nguồn vốn huy động.

Điều 2. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu được phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố do Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định; thời gian ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Điều 3.

1. Hàng năm, trong trường hợp có số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Ngân sách Nhà nước, ngân sách thành phố được thưởng 30% của số tăng thu này, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước.

2. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố tương ứng toàn bộ số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố còn lại (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 1 Điều này) và mức tương ứng toàn bộ số tăng thu so với dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao của các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, không kể khoản thu : thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu; các khoản thu không giao Thành phố quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội mà chỉ hạch toán nộp ở thành phố Hà nội; các khoản hạch toán ghi thu, ghi chi và các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Căn cứ số thưởng và số bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Uỷ ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định: đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; trả nợ các khoản huy động; thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Thủ đô và thưởng cho ngân sách cấp dưới.

Chương II

VỀ HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN TÀI CHÍNH CHO

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Điều 4.

1. Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Thủ đô để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng.

2. Việc bố trí vốn đầu tư cho các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được thực hiện theo nguyên tắc:

a) Đối với dự án ODA do ngân sách đầu tư:

- Đối với dự án, công trình do Bộ, cơ quan trung ương làm chủ dự án, công trình, việc bố trí vốn (bao gồm cả vốn đối ứng) do ngân sách trung ương bảo đảm.

- Đối với dự án, công trình do Uỷ ban nhân dân Thành phố làm chủ dự án, Thành phố có trách nhiệm bố trí từ nguồn ngân sách Thành phố để bảo đảm phần vốn đối ứng của dự án, công trình.

b) Đối với dự án ODA vay về cho vay lại, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn, các dự án sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

3. Mức bố trí cụ thể về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn thực hiện các chương trình, dự án cho thành phố Hà Nội được cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Điều 5.

1. Thành phố Hà Nội được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; ngân sách Thành phố có trách nhiệm thanh toán gốc, lãi và các chi phí liên quan.

2. Thành phố Hà Nội được huy động vốn vay ngoài nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố theo nguyên tắc: Uỷ ban nhân dân Thành phố xây dựng phương án, tìm nguồn vay, lấy ý kiến các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo cơ chế Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại để thực hiện các dự án, công trình theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Thành phố có trách nhiệm bố trí vốn từ ngân sách Thành phố để hoàn trả gốc, lãi theo quy định của pháp luật.

3. Tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách Thành phố tại khoản 1, khoản 2 Điều này không vượt quá 100% tổng mức vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Thành phố theo dự toán Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định hàng năm (không bao gồm nguồn vốn huy động đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật, vốn đầu tư các dự án từ nguồn bổ sung có mục tiêu không ổn định từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố (nếu có)).

Điều 6. Việc huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách thành phố quy định tại Điều 5 của Nghị định này được thực hiện như sau:

1. Khi có nhu cầu huy động vốn đầu tư, Uỷ ban nhân dân thành phố lập phương án trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định theo quy định của pháp luật.

2. Vốn huy động đầu tư cho các công trình, dự án bảo đảm các nguyên tắc: công trình, dự án sử dụng vốn huy động đầu tư phải bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội; công trình, dự án đầu tư thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch 5 năm đã được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định; công trình, dự án đã có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền. Thành phố phải bố trí cân đối ngân sách địa phương trả hết nợ khi đến hạn.

Điều 7. Ngoài nguồn vốn huy động cho các công trình, dự án thuộc đối tượng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, đối với các dự án khác có khả năng thu hồi vốn, Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật việc huy động đầu tư theo các hình thức: BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - vận hành), BT (xây dựng - chuyển giao) và các hình thức khác. Thực hiện các giải pháp tài chính hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư, bù một phần chênh lệch giữa chi phí và giá dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại cho Thành phố không phụ thuộc vào quy mô khoản viện trợ; riêng đối với các khoản viện trợ có liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm thực hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện chế độ hạch toán quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9.

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 10.

1. Những nội dung khác về thực hiện ngân sách nhà nước không quy định tại Nghị định này, thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.

2. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.