• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/09/2002
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 41/2002/PL-UBTVQH10
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 25 tháng 5 năm 2002

PHÁP LỆNH

Đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế

_________________________

Để thống nhất quản lý nhà nước về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi trong thương mại quốc tế; thực hiện có hiệu quả chính sách kinh tế đối ngoại, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước;

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;

Pháp lệnh này quy định về áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định về phạm vi, nguyên tắc, trường hợp áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế, gồm các lĩnh vực thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia được áp dụng đối với:

1. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam;

2. Dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài;

3. Đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài;

4. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ một nước so với hàng hoá tương tự nhập khẩu có xuất xứ từ nước thứ ba hoặc hàng hoá xuất khẩu đến một nước so với hàng hoá tương tự xuất khẩu đến nước thứ ba.

2. "Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của một nước so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự của nước thứ ba.

3. "Đối xử tối huệ quốc trong đầu tư" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho đầu tư và nhà đầu tư của một nước so với đầu tư và nhà đầu tư của nước thứ ba trong những điều kiện tương tự.

4. "Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân của một nước so với tổ chức, cá nhân của nước thứ ba.

5. "Đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu so với hàng hoá tương tự trong nước.

6. "Đối xử quốc gia trong thương mại dịch vụ" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài so với dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ tương tự trong nước.

7. "Đối xử quốc gia trong đầu tư" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài so với đầu tư và nhà đầu tư trong nước trong những điều kiện tương tự.

8. "Đối xử quốc gia đối với quyền sở hữu trí tuệ" là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân nước ngoài so với tổ chức, cá nhân trong nước.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia

Nhà nước Việt Nam áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại và cùng có lợi.

Điều 5. Ngoại lệ chung

1. Không áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong trường hợp cần thiết để bảo đảm lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ các giá trị văn hoá, tinh thần của dân tộc, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

2. Không áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia đối với những nước tiến hành hoặc tham gia tiến hành các hoạt động chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương 2:

ĐỐI XỬ TỐI HUỆ QUỐC

Điều 6. Trường hợp áp dụng Đối xử tối huệ quốc

Nhà nước Việt Nam áp dụng một phần hay toàn bộ Đối xử tối huệ quốc trong các trường hợp:

1. Pháp luật Việt Nam có quy định về áp dụng Đối xử tối huệ quốc;

2. Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định áp dụng Đối xử tối huệ quốc;

3. Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thực tế đã áp dụng Đối xử tối huệ quốc đối với Việt Nam;

4. Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.

Điều 7. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá

Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá được áp dụng đối với:

1. Thuế, các loại phí và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

2. Phương thức thanh toán và việc chuyển tiền thanh toán cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

3. Những quy định và thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

4. Thuế và các loại phí thu trực tiếp hoặc gián tiếp trong nước đối với hàng hoá nhập khẩu;

5. Hạn chế định lượng và cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

6. Các quy định khác của pháp luật có ảnh hưởng đến việc bán, chào bán, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng hàng hoá tại thị trường trong nước.

Điều 8. Ngoại lệ về Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá

Đối xử tối huệ quốc trong thương mại hàng hoá không áp dụng đối với:

1. Các ưu đãi dành cho các thành viên của thoả thuận về liên kết kinh tế mà Việt nam ký kết hoặc gia nhập;

2. Các ưu đãi dành cho nước có chung biên giới với Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hoá biên giới trên cơ sở hiệp định song phương;

3. Các ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển;

4. Các ưu đãi theo các hiệp định quá cảnh hàng hoá mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

5. Đấu thầu mua sắm hàng hoá đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài và các dự án khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 9. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ

Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ được áp dụng đối với các biện pháp điều chỉnh hoạt động thương mại dịch vụ có sự tham gia của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 10. Ngoại lệ về Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ

Đối xử tối huệ quốc trong thương mại dịch vụ không áp dụng đối với:

1. Các ngoại lệ về đối xử tối huệ quốc đối với các ngành dịch vụ được quy định trong hiệp định song phương hoặc đa phương mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

2. Các ưu đãi dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của nước có chung biên giới nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại dịch vụ giữa Việt Nam với nước này;

3. Các ưu đãi dành cho dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được quy định trong các hiệp định kinh tế khu vực, hiệp định về khu vực thương mại tự do và các thoả thuận tương tự khác mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

4. Đấu thầu cung cấp dịch vụ đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài và các dự án khác theo quy định của Chính phủ;

5. Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.

Điều 11. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc trong đầu tư

Đối xử tối huệ quốc trong hoạt động đầu tư nước ngoài được áp dụng đối với đầu tư và nhà đầu tư của một nước trong việc thành lập, bán, mua lại, mở rộng, quản lý, điều hành, vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khoản đầu tư hoặc định đoạt bằng các hình thức khác.

Điều 12. Ngoại lệ về Đối xử tối huệ quốc trong đầu tư

Việc áp dụng các ngoại lệ về Đối xử tối huệ quốc cho đầu tư và nhà đầu tư của một nước phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điều 13. Phạm vi áp dụng Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ

Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ được áp dụng cho mọi loại quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước Việt Nam bảo hộ theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập gồm:

1. Quyền tác giả và quyền liên quan;

2. Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá, tên thương mại, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp, giống cây trồng;

3. Quyền chống cạnh tranh không đúng pháp luật liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp và các quyền sở hữu trí tuệ khác.

Điều 14. Ngoại lệ về Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ

Đối xử tối huệ quốc đối với quyền sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với:

1. Các ngoại lệ về Đối xử tối huệ quốc được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập;

2. Các quy định pháp luật hoặc các biện pháp thực tế cần thiết để bảo đảm thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có các yêu cầu về đại diện và địa chỉ giao dịch tại Việt Nam của các chủ thể nước ngoài liên quan đến thủ tục hành chính và thủ tục xét xử.

Chương 3:

ĐỐI XỬ QUỐC GIA

Điều 15. Trường hợp áp dụng Đối xử quốc gia

Nhà nước Việt Nam áp dụng một phần hay toàn bộ Đối xử quốc gia trong các trường hợp:

1. Pháp luật Việt Nam có quy định về áp dụng Đối xử quốc gia;

2. Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định áp dụng Đối xử quốc gia;

3. Quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thực tế đã áp dụng Đối xử quốc gia đối với Việt Nam;

4. Các trường hợp khác do Chính phủ quyết định.

Điều 16. Phạm vi áp dụng Đối xử quốc gia

Đối xử quốc gia được áp dụng đối với các đối tượng thuộc Điều 2 của Pháp lệnh này theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế có liên quan đến Đối xử quốc gia mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Điều 17. Ngoại lệ về Đối xử quốc gia

Đối xử quốc gia không áp dụng đối với:

1. Việc mua sắm của Chính phủ Việt Nam nhằm mục đích tiêu dùng của Chính phủ;

2. Các khoản trợ cấp dành cho nhà sản xuất trong nước, các chương trình trợ cấp thực hiện dưới hình thức Chính phủ Việt Nam mua lại hàng hoá sản xuất trong nước;

3. Các quy định hạn chế thời lượng phim ảnh trình chiếu;

4. Các khoản phí vận tải trong nước được tính trên cơ sở các hoạt động mang tính kinh tế của phương tiện vận tải.

Chương 4:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐỐI XỬ TỐI HUỆ QUỐC VÀ ĐỐI XỬ QUỐC GIA

Điều 18. Nội dung quản lý nhà nước về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia

Nội dung quản lý nhà nước về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia bao gồm:

1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia;

2. Quyết định việc áp dụng hoặc không áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia;

3. Ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia;

4. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia;

5. Tổ chức thu thập, xử lý, cung cấp thông tin liên quan đến Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia;

6. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và chính sách liên quan đến Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia;

7. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia;

8. Giải quyết khiếu nại và xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia.

Điều 19. Cơ quan quản lý nhà nước về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia.

2. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện việc quản lý nhà nước về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong lĩnh vực được phân công phụ trách.

Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc phối hợp với Bộ Thương mại thực hiện quản lý nhà nước về Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia.

Điều 20. Đề xuất và quyết định áp dụng hay không áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia

1. Bộ Thương mại đề xuất và trình Chính phủ việc áp dụng hoặc không áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình sau khi có ý kiến bằng văn bản của bộ, ngành có liên quan.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất và trình Chính phủ việc áp dụng hoặc không áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Thương mại.

3. Chính phủ quyết định hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc áp dụng hoặc không áp dụng Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia.

Điều 21. Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế

Việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế có liên quan đến Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.

Điều 22. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm

Việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm có liên quan đến Đối xử tối huệ quốc và Đối xử quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2002.

Điều 24. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

 

TM. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.