• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1988
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 222/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 5 tháng 12 năm 1987

 

 

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 222/HĐBT NGÀY 5-12-1987

VỀ LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ VÀ LỆ PHÍ CHỨNG THƯ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm động viên công bằng thống nhất, góp phần tăng thu ngân sách;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Mọi trường hợp chuyển dịch quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng về nhà đất, xe ô tô, xe gắn máy, tầu thuyền... (dưới đây gọi chung là tài sản) bao gồm mua, bán, nhượng đổi, cho không , thừa kế đều phải làm thủ tục khai báo và nộp lệ phí trước bạ cho cơ quan thuế.

Điều 2. - Lệ phí trước bạ thu trên trị giá tài sản chuyển dịch quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, theo các tỷ lệ như sau:

- 3% giá trị tài sản đối với các trường hợp thừa kế tài sản.

- 5% giá trị tài sản đối với các trường hợp mua bán, nhượng đổi, cho không.

Trị giá tài sản tính theo thời giá lúc trước bạ.

Điều 3. - Trường hợp mua bán, nhượng, cho không hay thừa kế thì người nhận tài sản nộp lệ phí. Trường hợp đổi tài sản thì các bên tham gia nộp lệ phí trên phần tài sản được nhận.

Điều 4. - Cơ quan thuế các cấp chịu trách nhiệm thu lệ phí trước bạ. Người nộp lệ phí trước bạ có trách nhiệm khai báo thành thật, đầy đủ với cơ quan thuế, xuất trình đầy đủ các chứng từ, tài liệu hoặc giải đáp những vấn đề cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Phải khai báo và lệ phí trước bạ trong thời hạn là 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ chuyển dịch tài sản giữa hai bên. Nếu quá thời hạn trên thì phải bị phạt, mỗi ngày nộp chậm 1% trên số tiền lệ phí nộp chậm.

Nếu có hành vi gian lậu thì ngoài việc phải nộp đủ số lệ phí, còn bị phạt đến 3 lần số lệ phí gian lậu.

Việc sử lý các vụ vi phạm về lệ phí trước bạ thuộc thẩm quyền cơ quan thuế các cấp. Nếu còn khiếu nại thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xem xét và quyết định cuối cùng.

Điều 5. - Mọi chứng thư về hành chính (như các bản sao văn bản sao văn bằng, bản sao lý lịch, học bạ...), chứng thư về xã hội (như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...), chứng thư về pháp lý (như đơn kiện, phán quyết của toà án...), chứng thư về kinh tế (như hợp đồng kinh tế, hợp đồng thu mua, gia công vận chuyển, thuê tài sản...) phải dán tem mới coi là có giá trị pháp lý.

Điều 6. - Lệ phí giấy tờ nêu ở điều 5 ấn định từ 50 đồng đến 500 đồng.

Mức lệ phí của từng loại giấy tờ do Bộ Tài chính quy định.

Điều 7. - Cơ quan chức năng thực hiện các chứng thư nói ở điều 5 tổ chức việc thu lệ phí chứng thư. Bộ Tài chính thống nhất việc in, phát hành các loại tem nói ở điều 6.

Điều 8. - Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 9. - Nghị định này thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 1988

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
K.T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Võ Văn Kiệt

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.