• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/04/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 23/07/1999
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 70/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 30 tháng 4 năm 1987

 

 

 

 

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định việc bảo vệ an toàn lưới điện cao áp

 

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Để đề cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước (kể cả cơ quan quản lý điện lực) và nhân dân trong việc bảo vệ lưới điện cao áp;

Xét đề nghị của Bộ Điện lực trong văn bản số 1299/ĐL-KT ngày 13-10-1986,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Nay quy định việc bảo vệ an toàn các lưới điện cao áp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhằm bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; bảo đảm cung cấp điện liên tục, an toàn.

Điều 2.- Lưới điện cao áp nói trong Nghị định này bao gồm lưới điện cao áp có điện áp từ 1.000V đến 220KV (230 KV) đường dây điện trên không, đường cáp điện ngầm dưới đất, đường cáp điện ngầm dưới nước; trạm biến áp, trạm biến đổi điện, trạm phân phối điện (gọi chung là trạm điện).

Đối với lưới điện có điện áp trên 220KV (230 KV) sẽ có quy định riêng.

Điều 3. - Để bảo đảm cho lưới điện làm việc bình thường và tránh tai nạn có thể xảy ra, mỗi đường dây điện trên không, mỗi đường cáp điện ngầm dưới đất hoặc dưới nước đều phải có hành lang bảo vệ và một số trạm điện phải có phạm vi bảo vệ.

Điều 4. - Khi xây dựng công trình lưới điện ở khu vực nào thì chủ đầu tư phải thoả thuận với ngành, địa phương quản lý khu vực đó về hướng tuyến đường dây, độ sâu chôn cáp, địa điểm trạm và phải chấp hành những quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đất xây dựng. Các ngành, địa phương có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện các thủ tục đã quy định một cách thuận lợi.

Điều 5. - Khi xây dựng các công trình lưới điện cũng như khi xây dựng các công trình khác gần lưới điện phải thực hiện đúng quy định này. Đối với những vấn đề không đề cấp đến trong quy định này thì thực hiện theo tiêu chuẩn trang bị điện từ 11-TCN-18-84 đến 11-TCN-24-84 và các tiêu chuẩn Nhà nước hiện hành có liên quan.

CHƯƠNG II

ĐƯỜNG DÂY ĐIỆN CAO ÁP TRÊN KHÔNG

 

Điều 6. - Hành lang bảo vệ đường dây điện cao áp trên không giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng song song với đường dây, có khoảng cách đến dây ngoài cùng khi không có gió về mỗi phía như sau:

³ Điện áp³ Đến 15 ³ ³ 66 ³ 220 ³

³ (KV)³ -------------------------- và ³ (230) ³

³ ³ Dây bọc ³Dây trần ³ 35 ³ 110 ³ ³

³ ³ ³³ ³ ³

--------------------------------------------------------------------------------- ³

³ Khoảng³ ³ ³ ³ ³ ³

³ cách (m)³ 1 ³ 2 ³ 3 ³ 4 ³ 6 ³

³ ³ ³ ³ ³ ³ ³

Điều 7. - Trong hành lang bảo vệ đường dây điện:

1. Phải chặt hết những cây cao trên 4m và cấm trồng mới những cây có khả năng cao trên 4m .

Khi trồng lúa, hoa màu thì phải cách mép móng cột điện, mép ụ đất bảo vệ chân cột ít nhất 0,5m.

2. Phải di chuyển khỏi hành lang bảo vệ đồng thời cấm xây dựng mới nhà cửa, công trình trong hành lang bảo vệ.

Trường hợp không thể di chuyển được vì những lý do đặc biệt thì phải được phép của Bộ Năng lượng, nhà cửa, công trình phải làm bằng hoặc được cải tạo bằng vật liệu khó cháy (gạch, ngói, bêtông...) phù hợp tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình TCVN-2622-78 đồng thời bảo đảm khoảng cách thẳng đứng tại mọi vị trí từ dây dưới cùng đến công trình tối thiểu là:

³ Điện áp (KV) ³ Đến 35 ³ 66 và 100³ 220 (230)

--------------------------------------------------------------------------------³

³Khoảng cách (m)³ 3 ³ 4 ³ 5

³

Trường hợp không thể tránh được mà buộc phải xây dựng một số công trình trong hành lang bảo vệ hoặc vượt qua hành lang bảo vệ như trạm phân phối điện kiểu kín, trạm bơm nước, kênh mương, đường sá... thì phải báo cho cơ quan quản lý điện lực sở tại biết trước ít nhất 10 ngày và phải bảo đảm khoảng cách thẳng đứng nêu trên.

Điều 8. - Trong hành lang bảo vệ đường dây điện, phải được phép của cơ quan quản lý điện lực sở tại mới được tiến hành việc bắn mìn, mở mỏ, đào đắp đất, lắp ráp sửa chữa và làm những việc phải dùng đến máy móc thiết bị, đặc biệt là máy móc, thiết bị cao trên 4,5m và cấm cho qua lại những xe máy cao trên 4,5m (kể cả chiều cao hàng hoá chất trên xe) tại nơi chưa có biển báo cho phép.

Khi tiến hành những công việc kể trên ở ngoài hành lang bảo vệ mà có khả năng ảnh hưởng đến sự làm việc bình thường của đường dây điện hoặc gây tai nạn thì cũng phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn.

Điều 9. - Hết sức tránh xây dựng đường dây điện qua công viên; di tích lịch sử; qua rừng cây hoặc dải cây bảo vệ (chắn gió, chắn cát, phân ngăn lũ...); qua bãi bóng; sân chơi công cộng; bến xe; bến đò; trường học; chợ...

Trường hợp bắt buộc phải xây dựng đường dây điện qua công viên, di tích lịch sử... thì đoạn đường dây này phải có biện pháp tăng cường sự an toàn về điện cũng như về xây dựng.

Trường hợp bắt buộc phải xây dựng đường dây điện qua rừng cây hoặc dải cây bảo vệ thì phải tính toán sao cho rừng hoặc dải cây bảo vệ bị thiệt hại ít nhất, không được làm trơ trụi mặt đất hoặc đào gốc những cây đã bị chặt.

Trường hợp bắt buộc phải xây dựng đường dây điện qua bãi bóng, sân chơi công cộng, bến xe, bến đò, trường học, chợ... thì chủ đầu tư phải chịu phí tổn để di chuyển các công trình đó ra khỏi hành lang bảo vệ đường dây điện hoặc phải thực hiện các biện pháp tăng cường sự an toàn về điện cũng như về xây dựng.

Điều 10. - Cấm mọi hành động có thể gây hư hỏng đường dây điện hoặc gây tai nạn như:

- Làm hỏng cột, chân cột, ụ đất bảo vệ chân cột, cọc hoặc hàng rào bảo vệ cột.

- Làm hỏng hoặc tháo gỡ dây điện, dây chống sét, dây ra cột, dây nối đất, biển báo hoặc biến gắn trên cột.

- Ném lên dây xà sứ, cột, bắn súng, bắn chim nhằm vào dây, xà, sứ, cột, thả diều gần đường dây.

- Lợi dụng kết cấu của đường dây điện vào bất cứ việc gì, kể cả việc buộc trâu bò, ghe thuyền vào cột.

- Trèo lên cột đối với tất cả mọi người không phải là nhân viên của ngành điện đang làm nhiệm vụ.

- Xếp nguyên vật liệu, hàng hoá dễ cháy, dễ nổ hoặc có thể gây tác hại ăn mòn trong hành lang bảo vệ đường dây điện.

CHƯƠNG III

ĐƯỜNG DÂY CÁP NGẦM

 

Điều 11.- Hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm giới hạn bởi hai mặt thẳng đứng song song với cáp, cách về mỗi bên một khoảng là:

- 1 mét nơi đất ổn định và 3 mét nơi đất không ổn định, đất cát bãi lầy đối với cáp điện ngầm dưới đất.

- 50 mét ở sông hồ không có tàu thuỷ, ca-nô, sà-lan và thuyền bè qua lại và 100 mét ở sông, hồ có các phương tiện vận tải thuỷ đã nêu qua lại đối với cáp điện ngầm dưới nước.

Điều 12.- Trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm dưới đất cấm đào hố, đóng cọc, làm hố rác, hố xí hoặc thải nước công nghiệp có thể gây tác hại ăn mòn.

nơi gần cáp ngầm ngoài hành lang bảo vệ cáp, khi thải nước công nghiệp có thể gây tác hại ăn mòn phải thực hiện những biện pháp bảo vệ an toàn cho cáp và các kết cấu của đường cáp.

Điều 13.- Trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm dưới nước, cấm xây dựng bến cảng, chỗ đánh cá và cấm các phương tiện vận tải thả neo.

Khi nạo vét lòng sông thuộc hành lang bảo vệ đường cấp điện ngầm phải thực hiện những biện pháp bảo đảm an toàn cho đường cáp và phải báo cho cơ quan quản lý điện lực sở tại biết trước ít nhất 30 ngày.

CHƯƠNG IV

TRẠM ĐIỆN

 

Điều 14. - Chỉ những trạm điện không có tường rào, trạm điện trên cột mới quy định phạm vi bảo vệ. Phạm vi bảo vệ của những trạm này giới hạn bởi một mặt thẳng đứng bao quanh trạm có khoảng cách đến điểm ngoài cùng của bộ phận mang điện của trạm tại mọi vị trí cho trong bảng sau:

³ Điện áp ³ Đến ³ 35 và³ 110 ³ 220 ³

³ (KV) ³ 15 ³ 66 ³ ³ (230) ³

--------------------------------------------------------------------------

Khoản cách (m)³ 2 ³ 3 ³ 4 ³ 6 ³

³ ³ ³ ³ ³ ³

Trong phạm vi bảo vệ trạm điện cấm xây dựng nhà cửa, công trình và tiến hành các công việc sản xuất hoặc dịch vụ.

Điều 15. - Đối với những trạm điện không quy định phạm vi bảo vệ thì khi xây dựng nhà cửa, công trình gần tường rào, vỏ bao hoặc tường của trạm phải bảo đảm các điều kiện sau:

- Không gây trở ngại cho việc thông gió, sửa chữa và quản lý vận hành trạm; không lấn chiếm đường ra vào trạm, mương cáp, mương hoặc ống thải nước; không xâm phạm hành lang bảo vệ đường dây điện ra vào trạm.

- Không lợi dụng tường rào, tường trạm hoặc các kết cấu của trạm vào bất cứ việc gì.

- Nhà và công trình phải được xây dựng hoặc cải tạo phù hợp với tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình TCVN-2622-78.

Điều 16. - Để bảo đảm cho trạm điện làm việc bình thường và ngăn ngừa tai nạn:

- Cấm mọi hành động có thể gây hư hỏng trạm điện, tường rào vỏ bao hoặc tường trạm điện. Cấm đột nhập vào trạm điện khi không có nhiệm vụ. Ngoài ra cũng phải thực hiện những điều cấm đã ghi ở điều 10 đối với đường dây điện.

- Phải chặt hết và cấm trồng cây, kể cả những cây có khả năng phát triển mà khi đổ có thể làm hư hỏng các bộ phận công trình trạm hoặc tường rào của trạm điện.

- Phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi tiến hành những công việc gần trạm điện mà có thể ảnh hưởng đến sự làm việc bình thường của trạm hoặc gây tai nạn.

Điều 17. - Trong hành lang bảo vệ đường dây điện, trong phạm vi bảo vệ trạm điện, bên trên các trạm điện không có quy định phạm vi bảo vệ:

- Cấm máy bay bay ở độ cao dưới 100 mét so với trạm điện hoặc đường dây điện.

- Cấm thả từ máy bay xuống bất cứ vật gì nhất là thả dây. Trường hợp đặc biệt sẽ do Bộ Năng lượng xét duyệt cụ thể.

CHƯƠNG V

BIỂN BÁO - TÍN HIỆU

 

Điều 18.- nơi giao chéo giữa đường dây điện với đường sắt, đường bộ phải dựng biển báo cấm những xe cao trên 4,5m (kể cả chiều cao hàng hoá chất trên xe) chạy qua.

Cơ quan quản lý đường (sắt, bộ) chịu trách nhiệm đặt và quản lý biển báo. Nếu đường dây điện xây dựng sau đường sắt, đường bộ thì việc đặt biển báo vẫn do cơ quan quản lý đường thực hiện và cơ quan quản lý điện phải thanh toán chi phí đặt biển báo cho cơ quan quản lý đường.

Điều 19. - những nơi giao chéo giữa đường dây điện hoặc đường cáp điện ngầm dưới nước với sông ngòi có tàu bè qua lại, cơ quan quản lý điện lực chịu trách nhiệm đặt và quản lý tín hiệu và dấu hiệu ở hai bên bờ sông đồng thời thông báo cho các cơ quan hữu quan biết.

Dọc đường cáp điện ngầm dưới đất phải đặt cột mốc hoặc dấu hiệu.

Điều 20. - Cơ quan quản lý điện lực phải đặt biển cấm, biển báo an toàn tại cột điện và trạm điện; đối với cột điện cao từ 50 mét trở lên phải đặt tín hiệu ban đêm, sơn màu báo hiệu ban ngày và có thông báo cho các cơ quan hữu quan biết.

CHƯƠNG VI

QUẢN LÝ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN

 

Điều 21. - Người của cơ quan quản lý điện lực đến làm việc tại nơi có lưới điện phải mang theo giấy chứng nhận của cơ quan mình. Nếu nơi đó thuộc khu vực đặc biệt thì còn phải được cơ quan quản lý khu vực đó đồng ý.

Điều 22. - Việc chặt cây đã quy định tại điều 7 và điều 16 của bản quy định này do cơ quan quản lý điện lực thực hiện sau khi đã báo trước cho cơ quan, địa phương, cá nhân sở hữu cây ít nhất 10 ngày; phải nhanh chóng đưa hết cây, cành cây đã chặt ra khỏi hành lang bảo vệ đường dây điện và phạm vi bảo vệ trạm điện. Cơ quan, địa phương, cá nhân sở hữu cây có quyền giám sát việc chặt cây và sử dụng cây, cành cây đã bị chặt.

Để sửa chữa được nhanh chóng và thuận lợi những hư hỏng đột xuất của lưới điện, cơ quan quản lý điện lực có quyền chặt một số cây không thuộc quy định đã nêu tại điều 7 và điều 16 của bản quy định này. Chậm nhất là 10 ngày sau, cơ quan quản lý điện lực phải thông báo số cây đã chặt và bồi thường cho chủ cây.

Cấm lợi dụng việc thực hiện những biện pháp bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và lợi dụng việc sửa chữa những hư hỏng của lưới điện để chặt cây bừa bãi.

Điều 23. - Cơ quan địa phương, cá nhân quản lý khu vực, công trình có đường cáp điện ngầm đi qua có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý điện lực kiểm tra, sửa chữa định kỳ hoặc xử lý hỏng đột xuất đường cáp điện ngầm.

Sau khi kiểm tra sửa chữa xong, cơ quan quản lý điện lực phải phục hồi mặt bằng như cũ. Nếu vì không kịp thời phục hồi mặt bằng như cũ mà gây đình trệ sản xuất, lưu thông hoặc tai nạn thì cơ quan quản lý điện lực phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Điều 24. - Để bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, cơ quan quản lý điện lực có trách nhiệm:

1. Kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình vận tải của lưới điện thi hành kịp thời những biện pháp cần thiết để bảo đảm lưới điện làm việc bình thường.

2. Hướng dẫn, giám sát các cơ quan, địa phương, cá nhân thực hiện đúng bản quy định này. Trường hợp phát hiện những hành vi vi phạm thì giải quyết như sau:

- Yêu cầu đình chỉ ngay hành vi vi phạm.

- Yêu cầu khôi phục lại tình trạng bình thường của lưới điện như trước khi vi phạm hoặc yêu cầu thực hiện những biện pháp cần thiết để chấm dứt việc vi phạm.

- Lập biên bản về việc vi phạm, tính toán những thiệt hại của lưới điện do hành vi vi phạm gây ra và tiến hành những thủ tục cần thiết để báo cáo với các cơ quan hữu trách xử phạt.

CHƯƠNG VII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

 

Điều 25. - Cơ quan, địa phương, cá nhân có thành tích phát hiện những hành vi có thể gây hư hỏng hoặc phá hoại lưới điện như có thành tích tham gia bảo vệ lưới điện, tham gia khắc phục hoặc hạn chế những thiệt hại của lưới điện do thiên tai, địch hoạ..., sẽ được Bộ Năng lượng khen thưởng xứng đáng, trường hợp có thành tích đặc biệt thì Bộ Năng lượng có trách nhiệm đề nghị lên Hội đồng Bộ trưởng khen thưởng.

Điều 26. - Cơ quan, địa phương, cá nhân vi phạm bản quy định này, có hành vi làm hư hỏng lưới điện, gây tai nạn, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước, thiệt hại tài sản và tính mạng của nhân dân thì tuỳ mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà phải bồi thường những thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra và chịu kỷ luật hành chính hoặc bị xử phạt theo Bộ Luật hình sự.

CHƯƠNG VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 27. - Đối với nhà cửa, công trình, cây cối đã có trước ngày ban hành Nghị định này mà vi phạm hành lang bảo vệ đường dây điện, đường cáp điện ngầm, phạm vi bảo vệ trạm điện hoặc vi phạm những điều khác của Nghị định này thì giải quyết như sau:

1. Cơ quan quản lý điện lực cùng các ngành, địa phương bàn bạc từng trường hợp cụ thể, khẩn trương giải quyết việc di chuyển, tháo dỡ, chặt cây... phù hợp với yêu cầu của Nghị định này.

Các ngành, địa phương có trách nhiệm đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các việc trên đây trong phạm vi ngành và địa phương mình. Nếu do không khẩn trương thực hiện mà để xảy ra tai nạn hoặc hư hỏng lưới điện thì các ngành, địa phương chịu hoàn toàn trách nhiệm.

2. Đối với các công trình đặc biệt mà các ngành, địa phương và cơ quan quản lý điện lực cùng nhận thấy không thể di chuyển, tháo dỡ hoặc cải tạo được thì phải báo cáo lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Điều 28. - Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành và thay thế cho các quy định bảo vệ an toàn lưới điện cao áp được ban hành theo Nghị định số 161-CP ngày 20-8-1971 và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định trên được ban hành theo Nghị định số 217-CP ngày 11-11-1976.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

                                                                                                                            HỌI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

                                                                                                                     CHỦ TỊCH

 

                                                                                                                   (Đã ký)

 

                                                                                                                                       Võ Văn Kiệt

Chủ tịch Hội đông Bộ Trưởng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.