• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 06/08/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 02/06/2020
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 101/2012/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 20 tháng 6 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm

thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng

Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013

__________________________

 

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiếm, doanh nghiệp tái bảo hiếm được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 (Quyết định 315/QĐ-TTg).

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg về các nội dung sau:

1. Lập hóa đơn thu phí bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm;

2. Chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm tham gia triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp;

3. Hạch toán doanh thu, chi phí từ hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm;

4. Xử lý lỗ hàng năm đối với hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định của Bộ Tài chính và các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Hóa đơn thu phí bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc in, phát hành và sử dụng hóa đơn thu phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của pháp luật.

2. Hóa đơn thu phí bảo hiểm nông nghiệp bao gồm các nội dung sau:

Tổng số phí bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm, trong đó:

- Số phí bảo hiểm được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ;

- Số phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm phải nộp.

Tổng số phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm phải thanh toán ghi bằng số và bằng chữ trên hóa đơn là số phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm phải nộp.

Điều 4. Chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm

Đối với chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao để triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng không quá 35% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó:

1. Chi hoa hồng bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không quá 20% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp.

Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi hỗ trợ, chi thù lao cho các đối tượng sau:

- Chi hỗ trợ cho các hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp nơi thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Hội họp, tuyên truyền, tập huấn cho các hộ nông dân.

- Chi thù lao cho các cán bộ trực tiếp tham gia triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: mức chi thù lao theo công lao đóng góp và kết quả thu phí bảo hiểm.

- Mức chi hỗ trợ, chi thù lao cụ thể cho các hoạt động và các cán bộ tham gia: doanh nghiệp bảo hiểm xin ý kiến Trưởng ban chỉ đạo về bảo hiểm nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố theo Quyết định 315/QĐ-TTg để quyết định phù hợp thực tế ở địa phương.

2. Chi bán hàng, chi quản lý đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm được chi, hạch toán phân bổ vào chi phí quản lý của hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và được quyết toán đảm bảo không vượt quá tỷ lệ 15% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp.

Điều 5. Chi quản lý và chi bán hàng đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp tái bảo hiểm

Doanh nghiệp tái bảo hiểm được chi quản lý, chi bán hàng và hạch toán phân bổ vào chi phí không vượt quá 3,5% doanh thu phí nhận tái bảo hiểm nông nghiệp thí điểm.

Điều 6. Nguyên tắc đồng bảo hiểm

1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm với bên mua bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm có thể cùng đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm hoặc ủy quyền cho một doanh nghiệp bảo hiểm đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm (doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu).

2. Trường hợp ủy quyền cho một doanh nghiệp bảo hiểm đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm phải thực hiện ký kết thỏa thuận đồng bảo hiểm. Thỏa thuận phải quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm và quy định thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm với bên mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu đồng thời cũng là thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm với bên mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm đối với người tham gia bảo hiểm.

Điều 7. Hạch toán doanh thu, chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm

1. Hạch toán doanh thu

a) Trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm cùng đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm: Khi thu phí bảo hiểm, từng doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với phần trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm.

b) Trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu thu hộ phí bảo hiểm:

- Khi thu tiền phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu có trách nhiệm lập hóa đơn thu phí bảo hiểm giao cho bên mua bảo hiểm, trên hóa đơn không ghi doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm.

- Căn cứ vào tỷ lệ trách nhiệm trong thỏa thuận đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu hạch toán vào doanh thu phần phí bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ trách nhiệm của mình. Phần phí bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm khác được hạch toán là khoản thu hộ.

- Định kỳ theo quy định trong thỏa thuận đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu có trách nhiệm lập và gửi bảng kê doanh thu phí bảo hiểm cho doanh nghiệp đồng bảo hiểm.

- Sau khi nhận được bảng kê doanh thu phí bảo hiểm và nhận tiền phí bảo hiểm từ doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu, doanh nghiệp đồng bảo hiểm lập hoá đơn giao cho doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu, trên hoá đơn ghi rõ nhận tiền phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu (tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp) thu hộ theo bảng kê doanh thu phí bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của bảng kê). Hóa đơn này là căn cứ để doanh nghiệp đồng bảo hiểm hạch toán doanh thu.

2. Hạch toán chi phí

a) Khi thanh toán các khoản chi liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, hóa đơn mang tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp bảo hiểm nào thì doanh nghiệp đó thực hiện hạch toán chi phí theo quy định. Trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu chi trả tất cả các khoản chi liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu chịu trách nhiệm về các khoản chi. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu hạch toán vào chi phí tất cả các khoản chi phí phát sinh, sau đó tập hợp để phân bổ chi phí cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm, thu lại tiền để hạch toán giảm chi phí.

b) Việc phân bổ chi phí thực hiện như sau:

- Đối với các khoản chi hoa hồng, chi hỗ trợ, chi thù lao, chi quản lý, chi bán hàng, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu phân bổ cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm tối đa bằng 35% doanh thu phí bảo hiểm gốc của doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, trong đó chi hoa hồng, chi hỗ trợ, chi thù lao tối đa là 20%; chi quản lý, chi bán hàng tối đa là 15% doanh thu phí bảo hiểm gốc.

- Các khoản chi trực tiếp kinh doanh bảo hiểm (chi bồi thường, giám định, đề phòng, hạn chế tổn thất, đánh giá rủi ro trước khi nhận bảo hiểm,...) được phân bổ theo tỷ lệ trách nhiệm trong thỏa thuận đồng bảo hiểm và chi phí thực tế phát sinh.

- Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu chịu trách nhiệm thu xếp tái bảo hiểm cho toàn bộ trách nhiệm của hợp đồng bảo hiểm. Phí tái bảo hiểm và các khoản doanh thu, chi phí nhượng tái bảo hiểm được phân bổ cho doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm theo tỷ lệ trách nhiệm trong thỏa thuận đồng bảo hiểm.

c) Định kỳ theo quy định trong thỏa thuận đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu lập bảng kê kèm theo bảng thanh toán gửi cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm. Sau khi nhận được xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu lập hóa đơn giao cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm. Hóa đơn này là cơ sở hạch toán chi phí của doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm và hạch toán giảm chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu.

Điều 8. Xử lý lỗ hàng năm đối với hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm có trách nhiệm theo dõi riêng khoản lỗ hàng năm từ hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

2. Trong năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm lỗ từ hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hạch toán khoản lỗ này vào kết quả hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm. Trong trường hợp bị lỗ do lỗ của hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thì được chuyển lỗ sang năm sau theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Các vấn đề khác liên quan đến chế độ tài chính, chế độ kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6 tháng 8 năm 2012 và áp dụng đối với các hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp triển khai theo Quyết định 315/QĐ-TTg và Thông tư số 121/2011/TT-BTC ngày 17/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Quyết định 315/QĐ-TTg.

3. Các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp có trách nhiệm quản lý thu, chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.