• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/10/2012
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 149/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 12 tháng 9 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 32/2011/QĐ-TTG ngày 06 tháng 6 năm 2011

của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao

được tập trung tập huấn và thi đấu

__________________________

 

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu;

Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu (sau đây gọi chung là Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chế độ tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần, bồi thường tai nạn và tiền thưởng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu quy định tại Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chế độ tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần và bồi thường tai nạn quy định tại Thông tư này áp dụng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao là người Việt Nam thuộc đội tuyển quốc gia; đội tuyển trẻ quốc gia; đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tập trung tập huấn (tập luyện, huấn luyện) và thi đấu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Chế độ tiền thưởng quy định tại Thông tư này áp dụng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thuộc đội tuyển quốc gia; đội tuyển trẻ quốc gia; đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu của ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập thành tích trong thi đấu tại các đại hội, giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.

3. Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định triệu tập đội tuyển, gồm:

a) Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (đối với các huấn luyện viên, vận động viên thể thao thuộc đội tuyển quốc gia, đội tuyển trẻ quốc gia);

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tưởng năng khiếu của bộ, ngành);

c) Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ sử dụng tại Thông tư này được hiểu như sau:

1) Cơ quan, tổ chức quản lý huấn luyện viên, vận động viên là cơ quan, tổ chức nơi huấn luyện viên, vận động viên được tuyển vào làm việc hoặc luyện tập thi đấu thường xuyên trước khi được triệu tập vào đội tuyển thể thao các cấp (sau đây gọi chung là cơ quan quản lý).

2) Cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên là cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập huấn, thi đấu tại các đội tuyển thể thao các cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức quản lý huấn luyện viên, vận động viên có thể đồng thời là cơ quan, tổ chức sử dụng huấn luyện viên, vận động viên (sau đây gọi là chung cơ quan sử dụng).

Chương II

CHẾ ĐỘ TIỀN CÔNG

Điều 4. Tiền công đối với huấn luyện viên, vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Huấn luyện viên, vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên trả công bằng tiền theo ngày trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu theo mức quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg.

Điều 5. Tiền công đối với huấn luyện viên, vận động viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước

1) Trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, huấn luyện viên, vận động viên được hưởng nguyên lương (lương chuyên môn nghiệp vụ và phụ cấp lương nếu có) tại cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên. Trường hợp mức tiền lương theo ngày của huấn luyện viên, vận động viên thấp hơn mức tiền công quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chi trả thêm phần chênh lệch để đảm bảo bằng mức tiền công tương ứng theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg . Mức tiền lương theo ngày của huấn luyện viên, vận động viên được xác định bằng tiền lương của tháng liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu chia cho 22 ngày (số ngày làm việc tiêu chuẩn trong một tháng).

2) Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên có số ngày thực tế tập huấn và thi đấu cao hơn số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng (nhiều hơn 22 ngày/tháng) thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chi trả tiền công bằng mức quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg cho những ngày vượt số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng.

3) Khoản tiền chi trả thêm do chênh lệch giữa tiền lương theo ngày và tiền công theo quy định tại khoản 1 và tiền công trả cho số ngày thực tế tập huấn và thi đấu vượt số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng quy định tại các khoản 2 của Điều này không dùng đề tính đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Ví dụ 1: Huấn luyện viên A là huấn luyện viên của Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh T, hiện xếp lương ngạch huấn luyện viên (mã số 18.181), hệ số lương là 3,66. Huấn luyện viên A được Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao quyết định triệu tập tập trung tập huấn cho đội tuyển quốc gia tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, thời gian tập huấn 01 tháng, chế độ luyện tập 26 ngày/tháng thì huấn luyện viên A được hưởng chế độ tiền lương, tiền công trong thời gian tập trung tập huấn như sau:

a) Hưởng nguyên lương trong thời gian tập trung tập huấn do Trung tâm thể dục Thể thao tỉnh T trả (hệ số lương hiện hưởng x mức lương tối thiểu chung) là: 3,66 x 1.050.000 đồng = 3.843.000 đồng.

b) Phần chênh lệch do tiền lương theo ngày thấp hơn tiền công đối với huấn luyện viên đội tuyển quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg do Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội trả là:

200.000 đồng - (1.050.000 đồng x 3,66)/22 ngày = 25.318,18 đồng/ngày

c) Tiền công cho những ngày tập huấn vượt số ngày làm việc tiêu chuẩn trong tháng (04 ngày) do Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội trả là:

200.000 đồng x 04 ngày = 800.000 đồng

Như vậy, tổng số tiền do Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội chi trả cho Huấn luyện viên A trong một tháng tập huấn (26 ngày) là:

(25.318,18 đồng x 22 ngày) + (200.000 đồng x 4 ngày) = 1.357.000đồng.

Chương III

CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, TRỢ CẤP MỘT LẦN

Điều 6. Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc

1. Đối với huấn luyện viên, vận động viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên vẫn có trách nhiệm trích nộp kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

2. Đối với huấn luyện viên, vận động viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian tập trung tập huấn và thi đấu, cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm chuyển cho cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên khoản kinh phí để nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định (bao gồm phần trách nhiệm đóng của người sử dụng lao động và phần trách nhiệm đóng của người lao động).

3. Huấn luyện viên, vận động viên được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm phối hợp cùng cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định.

Điều 7. Chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc

Huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu nếu bị ốm hoặc bị tai nạn phải nghỉ luyện lập, nghỉ thi đấu hoặc chết thì được cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên giải quyết như sau:

1. Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên bị ốm hoặc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình thì được chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh và được hưởng trợ cấp bằng 75% mức tiền công quy định tại Điều 1 Quyết định số 32/2011/QD-TTg cho những ngày nghỉ ốm hoặc nghỉ do thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

2. Trường hợp huấn luyện viên, vận động: viên bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thì được chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định thương tật và được hưởng trợ cấp bằng 100% mức tiền công quy định tại Điều 1 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg cho những ngày điều trị.

Sau khi thương tật của huấn luyện viên, vận động viên đã được điều trị ổn định, cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm giới thiệu huấn luyện viên, vận động viên đi giám định khả năng lao động. Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thì được trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 tháng tiền lương tối thiểu chung, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 tháng tiền lương tối thiểu chung.

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên tập trung (nếu có thời gian ngắt quãng thì được cộng dồn), từ một năm (đủ 12 tháng) trở xuống được tính bằng 0,5 tháng tiền công (tiền công ngày x 26 ngày), sau đó cứ thêm mỗi năm (dù 12 tháng) được tính thêm 0,3 tháng tiền công.

3. Huấn luyện viên, vận động viên bị chết trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng mười tháng lương tối thiểu chung.

Trường hợp huấn luyện viên, vận động viên chết do tai nạn trong khi tập huấn, thi đấu hoặc chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn trong khi tập huấn, thi đấu thì ngoài trợ cấp mai táng, thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu tháng lương tối thiểu chung,

Điều 8. Trợ cấp một lần

Huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội khi thôi làm huấn luyện viên, vận động viên (kết thúc sự nghiệp làm huấn luyện viên, vận động viên đỉnh cao) được trợ cấp một lần. Cứ mỗi năm (12 tháng) làm huấn luyện viên, vận động viên tập trung (nếu có thời gian ngắt quãng thì được tính cộng dồn) được hưởng 1,5 tháng (26 ngày/tháng) tiền công trước khi thôi làm huấn luyện viên, vận động viên, nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng tiền công.

Khi tính cộng dồn thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên (kể cả thời gian làm huấn luyện viên, vận động viên cấp tỉnh, ngành và cấp quốc gia) để tính hưởng trợ cấp theo quy định tại Điều này, nếu có tháng lẻ dưới 03 tháng thì không tính, nếu đủ từ 3 tháng trở lên đến đủ 06 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 06 tháng đến 12 tháng được tính tròn 01 năm.

Ví dụ 2: Vận động viên đội tuyển quốc gia Trần Văn E không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có thời gian được cơ quan có thẩm quyền triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu như sau: Ở đội tuyển cấp tỉnh 7 năm (mỗi năm được triệu tập 6 tháng); đội tuyển quốc gia 2 năm 3 tháng liên tục. Khi thôi làm vận động viên Trần Văn E được tính hưởng trợ cấp một lần như sau:

- Thời gian được hưởng tính trợ cấp một lần:

(7 năm x 6 tháng) + 27 tháng = 69 tháng

Tương: ứng với 5 năm, 9 tháng. Tính tròn là 6 năm.

- Mức tiền công tháng trước khi thôi làm vận động viên đội tuyển quốc gia là:

150.000 đồng/người/ngày x 26 ngày = 3.900.000 đồng

- Tổng số tiền trợ cấp một lần là:

3.900.000 đồng x 9 tháng = 35.100.000 đồng

Chương IV

CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG TAI NẠN

Điều 9. Khai báo, điều tra tai nạn và trách nhiệm giải quyết chế độ cho người bị nạn

1. Huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn hoặc chết trong khi tập luyện, thi đấu ở trong nước việc khai báo, điều tra tai nạn quy định như sau:

a) Đối với tai nạn chết người thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm khai báo đến cơ quan Công an cấp huyện và Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi xảy ra tai nạn lao động để tiến hành điều tra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động.

b) Đối với các tai nạn khác thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên tổ chức điều tra và khai báo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động.

2. Huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn hoặc chết trong khi lập luyện, thi đấu ở nước ngoài, thì Trưởng đoàn thể thao có trách nhiệm tổ chức điều tra, lập biên bản trong đó xác định rõ nguyên nhân tai nạn, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến tai nạn; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn cho Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên đóng trụ sở chính hoặc nơi huấn luyện viên, vận động viên đang cư trú (nếu huấn luyện viên, vận động viên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc) để xem xét, lập biên bản điều tra tai nạn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT BLĐTBXH-BYT ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động.

3. Kết quả điều tra tai nạn là căn cứ để xác định trách nhiệm và tính mức bồi thường đối với huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn hoặc thân nhân của huấn luyện viên, vận động viên bị chết do tai nạn.

4. Cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên thực hiện chế độ bồi thường đối với huấn luyện viên, vận động viên bị tai nạn hoặc thân nhân của huấn luyện viên, vận động viên bị chết do tai nạn.

Điều 10. Chế độ bồi thường tai nạn

1. Huấn luyện viên, vận động viên hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khi tập luyện, thi đấu bị chết hoặc bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì cơ quan quản lý huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bồi thường một lần với mức bằng mức tối thiểu quy định tại tiết a, b Điểm 1, Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường là tiền lương bình quân (bao gồm lương chuyên môn, nghiệp vụ và phụ cấp nếu có) của 6 tháng liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu.

2. Huấn luyện viên, vận động viên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bắt buộc và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khi tập huấn, thi đấu bị chết hoặc bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bồi thường một lần với mức bằng mức tối thiểu quy định tại tiết a, b Điểm 1, Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường là tiền lương bình quân theo hợp đồng của huấn luyện viên, vận động viên với cơ quan, tổ chức quản lý huấn luyện viên, vận động viên (bao gồm lương chuyên môn, nghiệp vụ và phụ cấp nếu có) của 6 tháng liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu.

Nếu mức lương và phụ cấp (nếu có) vượt quá mức lương tháng tối đa đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm xảy ra tai nạn thì lấy mức lương tháng tối đa đóng bảo hiểm xã hội quy định tại thời điểm xảy ra tai nạn làm căn cứ tính mức bồi thường.

3. Huấn luyện viên, vận động viên không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong khi tập huấn, thi đấu bị chết hoặc bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, thì cơ quan sử dụng huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bồi thường một lần với mức tối đa theo quy định tại tiết a, b Điểm 1, Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động

Tiền lương làm căn cứ tính bồi thường là mức tiền công theo ngày được trả theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhân với 26 ngày.

4. Trường hợp thời gian làm việc của huấn luyện viên, vận động viên theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này không đủ 6 tháng, thì lấy mức tiền lương của tháng liền kề trước khi huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập tập trung tập huấn và thi đấu để tính bồi thường.

5. Huấn luyện viên, vận động viên tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị tai nạn hoặc chết trong khi tập luyện, thi đấu thì ngoài chế độ bồi thường tai nạn quy định tại Điều này còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Chương V

CHẾ ĐỘ TIỀN THƯỞNG

Điều 11. Thưởng đối với vận động viên tại các giải thi đấu quốc tế

Vận động viên lập thành tích tại các giải thi đấu quốc tế được hưởng mức tiền thưởng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg.

Môn thể thao thuộc nhóm 1, nhóm II do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trên cơ sở các môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu Đại hội Olympic Mùa hè và Mùa đông gần nhất.

Điều 12. Thưởng đối với vận động viên tại các giải thi đấu trẻ quốc tế

Vận động viên lập thành tích tại các cuộc thi đấu của giải vô địch trẻ Đông Nam Á, Châu Á và thế giới được thưởng theo mức sau:

1) Giải thể thao dành cho vận động viên đến dưới 12 tuổi: mức thưởng bằng 20% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg.

2) Giải thể thao dành cho vận động viên từ 12 tuổi đến dưới 16 tuổi: mức thưởng bằng 30% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg.

3) Giải thể thao dành cho vận động viên từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: mức thưởng bằng 40% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg.

4) Giải thể thao dành cho vận động viên từ 18 tuổi đến dưới 21 tuổi: mức thưởng bằng 50% mức thưởng tương ứng quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg.

Điều 13. Thưởng đối với huấn luyện viên tại các giải thi đấu quốc tế, giải thi đấu trẻ quốc tế

1) Đối với thi đấu cá nhân: những huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên lập thành tích trong các cuộc thi đấu thì mức thưởng chung được tính bằng mức thưởng đối với vận động viên. Tỷ lệ phân chia tiền thưởng được thực hiện theo nguyên tắc: Huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện đội tuyển được 60%, huấn luyện viên trực tiếp đào tạo vận động viên cơ sở trước khi tham gia đội tuyển được 40%.

2) Đối với thi đấu tập thể: những huấn luyện viên trực tiếp đào tạo đội tuyển thi đấu lập thành tích thì được thưởng mức thưởng chung bằng số lượng huấn luyện viên theo quy định nhân với mức thưởng tương ứng đối với vận động viên đạt giải.

Số lượng huấn luyện viên của các đội được xét thưởng được quy định theo mức sau:

- Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 2 đến 5 vận động viên tham gia thi đấu: Mức thưởng chung tính cho 01 huấn luyện viên.

- Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 6 đến 12 vận động viên tham gia thi đấu: Mức thưởng chung tính cho 02 huấn luyện viên.

- Đối với các đội thuộc những môn có quy định từ 13 vận động viên trở lên: Mức thưởng chung tính cho 03 huấn luyện viên.

3) Đối với môn thể thao có nội dung thi đấu đồng đội: Mức thưởng chung cho huấn luyện viên bằng số lượng huấn luyện viên quy định tại Khoản 2 Điều này nhân với 50% mức thưởng tương ứng.

Điều 14. Thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên tại giải học sinh, sinh viên quốc tế

Đối với huấn luyện viên, vận động viên lập thành tích tại các giải thể thao học sinh, sinh viên thế giới, Châu Á, Đông Nam Á được hưởng mức thưởng bằng 30% mức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 Quyết định số 32/2011/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 15. Thưởng đối với vận động viên, huấn luyện viên tại các giải trong nước

Mức thưởng cụ thể cho huấn luyện viên, vận động viên khi phá kỷ lục, đạt huy chương vàng, bạc, đồng tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, giải vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Bộ, ngành quản lý vận động viên đó quyết định.

Điều 16. Thưởng đối với những môn thể thao tập thể

Đối với môn thể thao tập thể, Mức thưởng chung bằng số lượng người tham gia môn thể thao tập thể nhân với mức thưởng tương ứng.

Ví dụ 3: Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam gồm 18 vận động viên đăng ký thi đấu tại SEAGames 26, đạt huy chương bạc. Mức thưởng chung cho Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam là:

25.000.000 đồng x 18 người = 450.000.000 đồng.

Ví dụ 4: Đội tuyển đua thuyền Rowing gồm 4 vận động viên, đạt huy chương vàng ở nội dung đua thuyền 4 người tại giải vô địch đua thuyền Đông Nam Á. Mức thưởng chung cho đội đua thuyền này là:

40.000.000đồng x 04 người = 160.000.000 đồng.

Điều 17. Thưởng đối với những môn thể thao đồng đội

Đối với các môn thể thao có nội dung thi đấu đồng đội (các môn thi đấu mà thành tích thi đấu của từng cá nhân và đồng đội được xác định trong cùng một lần thi), số lượng vận động viên được thưởng khi lập thành tích theo quy định của điều lệ giải. Mức thưởng chung bằng số lượng vận động viên nhân với 50% Mức thưởng tương ứng.

Ví dụ 5: 03 vận động viên: Đỗ Văn A, Nguyễn Văn B, Lê Văn C đạt huy chương vàng đồng đội ở nội dung súng trường 3 tư thế tại giải vô địch bắn súng Đông Nam Á. Mức thưởng chung cho các vận động viên này là:

40.000.000 đồng x 50% x 3 người = 60.000.000 đồng.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM VÀ NGUỒN KINH PHÍ CHI TRẢ

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chi trả tiền công, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền khám, chữa bệnh, tai nạn, tiền trợ cấp và tiền bồi thường theo quy định cho huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tưởng trẻ quốc gia; chi tiền thưởng cho các huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia đạt thành tích thi đấu tại các giải thể thao quốc tế theo quy định tại Thông tư này từ nguồn ngân sách thể dục thể thao được giao hàng năm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiền công, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền khám, chữa bệnh, tai nạn, tiền trợ cấp và tiền bồi thường theo quy định cho huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý; tiền thưởng cho các huấn luyện viên và vận động viên đạt thành tích thi đấu tại các giải thi đấu quốc gia và các giải thi đấu cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Thông tư này từ nguồn ngân sách sự nghiệp thể dục thể thao hàng năm của địa phương.

Điều 20. Trách nhiệm của các bộ, ngành ở Trung ương

Các bộ, ngành ở trung ương chi tiền công, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền khám, chữa bệnh, tai nạn, tiền trợ cấp và tiền bồi thường theo quy định cho huấn luyện viên, vận động viên thuộc các đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu do bộ, ngành mình quản lý; tiền thưởng cho các huấn luyện viên và vận động viên đạt thành tích thi đấu tại các giải thi đấu quốc gia và các giải thi đấu cấp ngành theo quy định tại Thông tư này.

Điều 21. Nguồn kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ đối với các đối tượng quy định tại Thông tư này được bố trí trong dự toán ngân sách chi sự nghiệp thể dục thể thao hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Cơ quan ra quyết định triệu tập huấn luyện viên, vận động viên có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí thực hiện chế độ quy định tại Thông tư này đối với huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian triệu tập.

Riêng kinh phí thực hiện chế độ quy định đối với đội tuyển, đội tuyển trẻ, đội tuyển năng khiếu thuộc các ngành sản xuất kinh doanh được cân đối từ nguồn chi phí sản xuất kinh doanh, nguồn lợi nhuận theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác để đảm bảo; ngân sách nhà nước không hỗ trợ. Căn cứ vào nguồn kinh phí hoạt động hợp pháp của đội tuyển, các ngành sản xuất kinh doanh có thể quyết định các mức chi cao hơn, hoặc thấp hơn mức chi quy định tại Thông tư này.

Điều 22. Quản lý, sử dụng kinh phí

Công tác xây dựng, chấp hành dự toán, báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao được thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đúng chế độ, đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả.

Điều 23. Khuyến khích nguồn thu

Nhà nước khuyến khích các liên đoàn, hiệp hội thể thao, các cơ quan quản lý, sử dụng huấn luyện viên, vận động viên khai thác các nguồn thu hợp pháp để bổ sung thêm tiền công, tiền thưởng, tiền trợ cấp khám, chữa bệnh, tai nạn lao động và các chế độ, chính sách khác đối với huấn luyện viên, vận động viên.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 10 năm 2012 và thay thế Thông tư liên tịch số 34/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH-UBTDTT ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Thể dục thể thao hướng dẫn thực hiện Quyết định số 234/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao.

Các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 22 tháng 7 năm 2011.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về liên Bộ để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Thị Minh

Lê Khánh Hải

Phạm Minh Huân

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.