• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/07/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 56/2013/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 22 tháng 5 năm 2013

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định

danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

______________________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngày 29 tháng 8 năm 1994; Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 10 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

Căn cứ Pháp lệnh Uu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 6 năm 2005; Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn về đối tượng, chế độ ưu đãi, hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Điều 2. Đối tượng được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

1. Những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:

a) Có 2 con trở lên là liệt sỹ;

b) Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ;

d) Có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ;

đ) Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.

Người con là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công”, bao gồm con đẻ, con nuôi theo quy định của pháp luật.

Người chồng là liệt sỹ là người đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” mà bà mẹ là vợ của người đó.

Thương binh quy định tại Điểm b, Điểm đ Khoản 1 Điều này là người đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận thương binh, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bao gồm cả người còn sống và người đã từ trần.

Trường hợp bà mẹ có chồng, con tham gia hàng ngũ địch nhưng bà mẹ chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì vẫn được xem xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước ‘‘Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

2. Những trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng phản bội, đầu hàng địch, có hành động gây nguy hại cho cách mạng hoặc vi phạm pháp luật bị Tòa án xét xử bằng hình thức phạt tù mà bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật (kể cả trường hợp được hưởng án treo) thì không được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Điều 3. Chế độ ưu đãi

1. Bà mẹ được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì thân nhân thờ cúng bà mẹ được nhận Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

3. Tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

b) Lễ tặng hoặc truy tặng được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, có ý nghĩa giáo dục truyền thống; trang trí buổi lễ có dòng chữ: Lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

4. Tổ chức lễ tang khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang với thành phần đại điện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, đơn vị phụng dưỡng và nhân dân nơi bà mẹ cư trú;

b) Lễ tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương; trang trí buổi lễ có dòng chữ: Lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

5. Kinh phí tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” không quá 01 tháng lương tối thiểu chung cho 01 trường hợp; lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng không quá 02 tháng lương tối thiểu chung cho 01 trường hợp.

Điều 4. Hồ sơ xét duyệt và đề nghị

1. Hồ sơ xét duyệt, gồm:

a) Bản khai cá nhân theo Mẫu số 01a/BMAH; thân nhân của bà mẹ kê khai theo Mẫu số 01b/BMAH, kèm theo giấy ủy quyền theo Mẫu số 02/BMAH;

b) Bản sao Bằng Tổ quốc ghi công, Giấy chứng nhận thương binh có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Hồ sơ đề nghị xét tặng hoặc truy tặng, gồm:

a) Các giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Biên bản xét duyệt của Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 03/BMAH;

c) Tờ trình kèm theo danh sách theo Mẫu số 04/BMAH đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Điều 5. Trình tự, thủ tục

1. Bà mẹ hoặc thân nhân của bà mẹ lập bản khai cá nhân hoặc thân nhân (01 bản chính) kèm theo giấy tờ làm căn cứ xét duyệt (03 bộ), nộp về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bà mẹ đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với bà mẹ còn sống) hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người được ủy quyền kê khai.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:

a) Tổ chức họp xét duyệt hồ sơ của từng trường hợp đề nghị tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” với thành phần đại diện cấp ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quân sự, công an và các đoàn thể có liên quan;

b) Lập hồ sơ (03 bộ), ký Tờ trình kèm theo danh sách trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo cơ quan được giao tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định theo quy định;

b) Ký Tờ trình kèm theo danh sách và hồ sơ (03 bộ) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo cơ quan được giao tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định theo quy định;

b) Ký Tờ trình kèm theo danh sách và hồ sơ (03 bộ) trình Thủ tướng Chính phủ.

5. Bộ Nội vụ trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

6. Một số quy định chung:

a) Thời gian xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” hàng năm được tiến hành 03 đợt vào các dịp: Ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4; ngày Quốc khánh 02 tháng 9 và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12;

b) Trường hợp người kê khai không lưu giữ được giấy tờ làm căn cứ xét duyệt theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì có đơn gửi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận để làm căn cứ lập hồ sơ;

c) Trường hợp người con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh hoặc cư trú ở địa phương khác thì có đơn gửi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý thương binh xác nhận để làm căn cứ lập hồ sơ;

d) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xét duyệt trả lại hồ sơ và thông báo lý do bằng văn bản. Trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng thì yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ.

Điều 6. Xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi giả mạo hồ sơ, xác nhận không đúng sự thực hoặc vi phạm quy định tại Nghị định này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Những trường hợp có kết luận của cấp có thẩm quyền là giả mạo, khai man thì bị tước danh hiệu, thu lại Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; truy thu số tiền ưu đãi đã nhận và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Việc tước danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo việc xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

b) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện hồ sơ, xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo thẩm quyền;

b) Tổ chức thực hiện việc xác nhận liệt sỹ, thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự, công an phối hợp xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;

b) Tổ chức thực hiện chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng thuộc phạm vi, thẩm quyền.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2013.

Chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng được thực hiện theo Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Nghị định số 176-CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về việc thi hành Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và các quy định pháp luật trái với quy định tại Nghị định này hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.​​​

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.