• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/07/2014
BỘ Y TẾ
Số: 16/2014/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 22 tháng 5 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình

_____________________

 

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 87/2011/NĐ - CP ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư Hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn:

a) Chức năng, nhiệm vụ và quyền của bác sĩ gia đình, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề và đăng ký hành nghề bác sĩ gia đình;

b) Tổ chức, hoạt động, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình.

Các vấn đề chưa được quy định tại Thông tư này, thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Thông tư này áp dụng thí điểm tại 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang theo Quyết định số 935/QĐ-BYT ngày 22 tháng 3 năm 2013 về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013-2020.

b) Ngoài 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng thí điểm theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức ở địa phương khác nếu có đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình thì Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân, tổ chức đề nghị có văn bản gửi Bộ Y tế để được hướng dẫn việc áp dụng Thông tư này.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của bác sĩ gia đình

1. Bác sĩ gia đình hoạt động trên nguyên tắc chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện, lồng ghép, phối hợp, dự phòng, hướng tới gia đình và cộng đồng.

2. Bác sĩ gia đình xây dựng và duy trì mối quan hệ tin cậy và lâu dài với cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.

Điều 3. Hình thức tổ chức phòng khám bác sĩ gia đình

Phòng khám bác sĩ gia đình được tổ chức theo một trong các hình thức sau:

1. Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, bao gồm:

a) Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập;

b) Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện đa khoa tư nhân.

2. Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa nhà nước.

3. Trạm y tế xã có lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình.

Chương II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, ĐIỀU KIỆN, THẨM QUYỀN, THỦ TỤC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ BÁC SĨ GIA ĐÌNH

Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ của bác sĩ gia đình

1. Bác sĩ gia đình có chức năng khám bệnh, chữa bệnh, quản lý, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe toàn diện cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng.

2. Bác sĩ gia đình có các nhiệm vụ sau đây:

a) Quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, cho hộ gia đình và cộng đồng.

b) Sàng lọc, phát hiện sớm các loại bệnh tật.

c) Cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng phù hợp với phạm vi chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

d) Tư vấn về sức khỏe, phòng bệnh, phòng chống nguy cơ đối với sức khỏe nhằm nâng cao năng lực của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng trong việc chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

đ) Cung cấp thông tin liên quan đến sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình do bác sĩ gia đình quản lý sức khỏe theo quy định của pháp luật.

e) Các nhiệm vụ khác phù hợp với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề.

Điều 5. Quyền của bác sĩ gia đình

1. Được tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

2. Được chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp về chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cần thiết theo quy định của Bộ Y tế.

3. Được nhận thông tin phản hồi của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi nhận người bệnh do phòng khám bác sĩ gia đình chuyển đến.

4. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Điều 6. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình đối với người Việt Nam

Người Việt Nam có đủ các điều kiện sau đây được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình:

1. Điều kiện về văn bằng:

a) Đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, thì ít nhất phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa và giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành y học gia đình có thời gian tối thiểu 3 tháng do cơ sở đào tạo được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận cấp;

b) Đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thì ít nhất phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa và một trong các văn bằng chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sỹ, tiến sỹ về y học gia đình hoặc chứng chỉ đào tạo định hướng chuyên khoa y học gia đình được cấp tại Việt Nam hoặc công nhận tại Việt Nam.

2. Điều kiện về quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh:

Đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì phải có văn bản xác nhận quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thời gian 18 tháng theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì phải có văn bản xác nhận quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình có thời gian 18 tháng liên tục trở lên tại bệnh viện đa khoa.

Đối với người có bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, chứng chỉ định hướng về chuyên ngành y học gia đình thì thời gian thực hành được tính tương đương với thời gian đào tạo. Bản sao có chứng thực bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, chứng chỉ định hướng chuyên khoa y học gia đình được coi là giấy xác nhận thời gian thực hành. Riêng người có chứng chỉ định hướng về chuyên ngành y học gia đình thì ngoài thời gian thực hành được tính tương đương với thời gian đào tạo, phải có thêm giấy xác nhận thời gian thực hành liên tục để bảo đảm đủ 18 tháng.

3. Không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 7. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, thừa nhận chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài

1. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ các điều kiện sau đây được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình:

a) Có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

b) Không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 18 Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

c) Các điều kiện quy định tại các Khoản 2, 3, 4 Điều 19 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

2. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình do nước ngoài cấp thì thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 8. Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề và đăng ký hành nghề bác sĩ gia đình

Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề và đăng ký hành nghề bác sĩ gia đình thực hiện theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG, ĐIỀU KIỆN, THẨM QUYỀN, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG

CỦA PHÒNG KHÁM BÁC SĨ GIA ĐÌNH

Điều 9. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Phòng khám bác sĩ gia đình là một trong các cơ sở đầu tiên tiếp nhận người bệnh trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Phòng khám bác sĩ gia đình có nhiệm vụ sau:

a) Sàng lọc, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác theo quy định về chuyển tuyến khám bệnh chữa bệnh và tiếp nhận người bệnh để tiếp tục quản lý, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe;

b) Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm hoạt động quản lý sức khỏe, khám bệnh chữa bệnh cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng;

c) Liên hệ để chuyển người bệnh thuộc phạm vi quản lý sức khỏe của phòng khám bác sĩ gia đình đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp để khám bệnh chữa bệnh.

Điều 10. Tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục chuyên môn kỹ thuật của phòng khám bác sĩ gia đình

1. Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập và trạm y tế xã lồng ghép bổ sung chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình áp dụng tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục chuyên môn kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh chữa bệnh (sau đây viết tắt là Thông tư số 43/2013/TT-BYT).

2. Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện đa khoa tư nhân áp dụng tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục kỹ thuật theo tuyến của phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện đa khoa tư nhân trên cơ sở quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT.

3. Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa công lập áp dụng tuyến chuyên môn kỹ thuật, danh mục kỹ thuật theo tuyến của bệnh viện đa khoa công lập trên cơ sở quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT.

Điều 11. Thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của phòng khám bác sĩ gia đình

Phòng khám bác sĩ gia đình được phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Điều 12. Quản lý hồ sơ, bệnh án, thống kê, lưu trữ của phòng khám bác sĩ gia đình

1. Phòng khám bác sĩ gia đình có trách nhiệm ghi chép, lưu trữ thông tin về việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

2. Phòng khám bác sĩ gia đình phải có hồ sơ quản lý toàn diện về sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình có đăng ký quản lý sức khỏe. Phòng khám có trách nhiệm giữ bí mật thông tin cá nhân của người đăng ký quản lý sức khỏe theo quy định của pháp luật.

3. Việc quản lý hồ sơ, bệnh án, thống kê, lưu trữ của phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện theo các quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 13. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám bác sĩ gia đình

1. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được quy định như sau:

a) Phòng khám bác sĩ gia đình công lập áp dụng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ nhưng phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu đúng giá đã niêm yết theo quy định của pháp luật về giá.

2. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Điều 14. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân độc lập

1. Cơ sở vật chất

a) Xây dựng và thiết kế:

- Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình;

- Xây dựng chắc chắn, đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh;

b) Phải có nơi đón tiếp người bệnh; có buồng khám bệnh, tư vấn sức khỏe diện tích ít nhất là 10 m2.

c) Ngoài điều kiện quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn đăng ký, phòng khám còn phải đáp ứng thêm các điều kiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với hình thức tổ chức và phạm vi hoạt động chuyên môn đã đăng ký.

d) Bảo đảm xử lý chất thải y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định của pháp luật;

đ) Có thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sức khỏe và khám bệnh, chữa bệnh.

e) Bảo đảm có đủ điện, nước, khu vệ sinh và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

2. Thuốc và trang thiết bị y tế

Có đủ trang thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đăng ký, trong đó ít nhất phải có hộp thuốc chống choáng và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

3. Nhân sự

a) Người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đối với phòng khám bác sĩ gia đình đề nghị cấp giấy phép hoạt động trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, thì người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên ngành y học gia đình và có thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng;

- Đối với phòng khám bác sĩ gia đình đề nghị cấp giấy phép hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, thì người chịu trách nhiệm chuyên môn của phòng khám phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên ngành y học gia đình, có thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng, trong đó có đủ 24 tháng khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình.

b) Người trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh và quản lý sức khỏe phải có chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình;

c) Người làm việc chuyên môn của phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với phạm vi chuyên môn hành nghề;

d) Ngoài các điều kiện quy định tại khoản này người hành nghề còn phải có giấy chứng nhận hoặc giấy xác nhận đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu kỹ thuật chuyên môn.

4. Phạm vi hoạt động chuyên môn

Phòng khám bác sĩ gia đình được thực hiện các hoạt động chuyên môn sau đây:

a) Khám bệnh, chữa bệnh:

- Sơ cứu, cấp cứu;

- Khám bệnh, chữa bệnh theo danh mục kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Quản lý sức khỏe toàn diện cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng;

- Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật;

- Tham gia chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh;

- Tham gia các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời;

- Thực hiện các kỹ thuật chuyên môn khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở điều kiện thực tế của phòng khám;

- Được thực hiện các hoạt động sau tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung; được tiêm, truyền dịch trong trường hợp cấp cứu.

b) Phục hồi chức năng:

- Tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các đối tượng có nhu cầu;

- Thực hiện các kỹ thuật phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, luyện tập sức khỏe và dưỡng sinh cho người bệnh và cộng đồng.

c) Y học cổ truyền:

- Khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (dùng thuốc và không dùng thuốc);

- Được sử dụng các thành phẩm thuốc y học cổ truyền do các cơ sở khác sản xuất đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành để phục vụ cho việc khám bệnh, chữa bệnh;

- Bào chế thuốc sống thành thuốc chín (thuốc phiến), cân thuốc thang cho người bệnh;

d) Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu:

- Tham gia giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong cộng đồng dân cư;

- Tham gia các chương trình tiêm chủng, các chương trình quốc gia về y tế;

- Hướng dẫn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm;

- Tham gia quản lý bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.

đ) Tư vấn sức khỏe:

- Tư vấn về khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh, bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân và cộng đồng;

- Tham gia truyền thông, giáo dục sức khỏe để góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

e) Nghiên cứu khoa học và đào tạo

- Nghiên cứu khoa học về y học gia đình và các vấn đề liên quan;

- Tham gia công tác đào tạo chuyên ngành y học gia đình;

- Tham gia các chương trình đào tạo liên tục của chuyên ngành y học gia đình để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.

Điều 15. Điều kiện hoạt động đối với phòng khám bác sĩ gia đình thuộc phòng khám đa khoa tư nhân hoặc khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa

1. Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc phòng khám đa khoa tư nhân hoặc khoa khám bệnh của bệnh viện đa khoa phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 14 của Thông tư này.

2. Phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện đa khoa có tổ chức phòng khám bác sĩ gia đình thì phải thực hiện các thủ tục sau:

a) Đối với phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện đa khoa thành lập mới có tổ chức phòng khám bác sĩ gia đình thì khi cấp giấy phép hoạt động phải thẩm định và bảo đảm đủ điều kiện hoạt động đối với phòng khám bác sĩ gia đình quy định tại Điều 14 của Thông tư này;

b) Đối với phòng khám đa khoa tư nhân hoặc bệnh viện đa khoa đã được cấp giấy phép hoạt động có bổ sung phòng khám bác sĩ gia đình thì phải có quyết định thành lập phòng khám của cấp có thẩm quyền và có văn bản đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép hoạt động thẩm định và bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn trong giấy phép hoạt động.

Điều 16. Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình độc lập

Thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình độc lập do cá nhân bác sĩ gia đình thành lập và đăng ký hoạt động thực hiện theo quy định tại Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Điều 17. Trạm y tế xã có lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình

1. Thực hiện lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình tại trạm y tế cấp xã như sau:

a) Ngoài các nhiệm vụ theo quy định hiện hành, trạm y tế cấp xã được thực hiện các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình;

b) Trạm y tế cấp xã được bố trí một bộ phận riêng thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình hoặc có bác sĩ gia đình để thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình.

2. Điều kiện thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình:

Trạm y tế cấp xã có thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhân lực quy định tại Điều 15 Thông tư này phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của trạm y tế cấp xã về chuyên ngành y học gia đình.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 18. Quản lý hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình

1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối để tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi cả nước.

2 Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý toàn diện các phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn địa phương.

3. Phòng y tế quận, huyện, thị xã tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn địa phương theo quy định.

Điều 19. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế

1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh:

a) Thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình;

b) Làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm thực hiện việc xây dựng, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, báo cáo Bộ trưởng xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện các hoạt động sau khi được phê duyệt theo chức năng nhiệm vụ được giao

c) Đầu mối thẩm định việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình theo thẩm quyền. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định chuyên môn về hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình; việc thực hiện công nghệ thông tin tại phòng khám và cả hệ thống;

d) Hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình; thẩm định và cấp phép và thu hồi giấy phép hoạt động các phòng khám bác sĩ gia đình theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định chuyên môn đối với các phòng khám bác sĩ gia đình.

2. Vụ Bảo hiểm Y tế: Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của phòng khám bác sĩ gia đình.

3. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức việc xây dựng thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo và đào tạo liên tục để cấp chứng chỉ hành nghề y học gia đình.

4. Cục Công nghệ thông tin: Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình.

5. Vụ Kế hoạch - Tài chính: Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh xây dựng, bổ sung, hướng dẫn thực hiện các quy định về giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình

6. Vụ Tổ chức cán bộ: Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện quy định chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách về bác sĩ gia đình.

Điều 20. Trách nhiệm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng thí điểm

1. Tổ chức thực hiện việc xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại địa phương;

2. Cấp, cấp lại và thu hồi chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình cho người hành nghề; tổ chức thẩm định và cấp phép hoạt động cho phòng khám bác sĩ gia đình theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh;

3. Quản lý toàn diện các phòng khám bác sĩ gia đình.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2014.

2. Bãi bỏ quy định về phòng khám bác sĩ gia đình tại Điều 25 Thông tư số 41/2011/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 22. Điều khoản chuyển tiếp

Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình được tiếp tục sử dụng chứng chỉ hành nghề đã được cấp để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình và không phải cấp lại nhưng có trách nhiệm cập nhật kiến thức y khoa liên tục để bảo đảm đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Điều 23. Điều khoản tham chiếu

Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng Y tế ngành và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để nghiên cứu, giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Kim Tiến

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.