• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/10/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 26/01/2022
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 92/2013/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 8 tháng 7 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ Bảo hộ công dân

 và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính Sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này quy định việc quản lý tài chính của Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Quỹ Bảo hộ công dân) do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007, Tên giao dịch quốc tế là Fund for Assisting Overseas Vietnamese Citizens and Legal Entities - viết tắt là FAOV).

Công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài đã đóng bảo hiểm ở nước ngoài không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư này.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Quỹ Bảo hộ công dân

1. Quỹ Bảo hộ công dân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng. Quỹ mở tài khoản tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ tại Kho bạc Nhà nước hoặc tại các ngân hàng thương mại trong nước theo qui định tại Điều 2 Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Ban giám đốc và Văn phòng Quỹ thực hiện các hoạt động bảo hộ công dân theo đúng quy định tại Quy chế “Tổ chức và hoạt động Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ban hành.

Điều 3. Nguồn thu của Quỹ Bảo hộ công dân

1. Nguồn kinh phí ban đầu của Quỹ Bảo hộ công dân do Ngân sách nhà nước cấp là 20 (hai mươi) tỷ đồng Việt Nam; kinh phí Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung hàng năm trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tiền và tài sản do các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đóng góp tự nguyện và tài trợ cho Quỹ phù hợp với các quy định của pháp luật.

3. Các khoản thu từ lãi tiền gửi và các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).

Điều 4. Nội dung chi của Quỹ Bảo hộ công dân

1. Quỹ Bảo hộ công dân Việt Nam được chi những nội dung sau:

1.1. Các nội dung chi không hoàn lại:

a) Chi các hoạt động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Chi phí cho cán bộ của cơ quan đại diện Việt Nam đi công tác phục vụ nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân; đi thăm lãnh sự để tìm hiểu tình hình đối với các trường hợp công dân bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, bị xét xử, tù đày các khoản sau: tiền vé máy bay, tàu xe đi lại, tiền xăng dầu, tiền công tác phí theo chế độ quy định hiện hành.

b) Trợ giúp những trường hợp công dân đặc biệt khó khăn khi tự họ và gia đình họ không có khả năng tài chính để khắc phục, các khoản chi phí: phương tiện vận chuyển tại nước sở tại, lương thực, thực phẩm, nơi ở tạm thời và nhu yếu phẩm cần thiết khác theo chứng từ chi thực tế trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Những trường hợp này Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quyết định phù hợp với thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 3 điều 6 Thông tư này.

c) Đối với những trường hợp công dân bị mắc bệnh hiểm nghèo (tâm thần, liệt, ung thư giai đoạn cuối), bị tử vong, bị tai nạn nghiêm trọng nguy cơ đến tính mạng, khi tự họ và gia đình họ không có khả năng tài chính để khắc phục; hoặc các trường hợp gặp rủi ro nghiêm trọng cần bảo hộ (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố), ngoài các chi phí nêu tại điểm b tiết 1.1 khoản 1 Điều này nếu cần trợ giúp thêm chi phí phương tiện về nước và các chi phí khác có liên quan thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài báo cáo Giám đốc Quỹ để báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

d) Trợ giúp các khoản chi phí đưa phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của tội phạm buôn bán người từ nước ngoài trở về nước theo nội dung, mức chi hỗ trợ nạn nhân trong thời gian chờ thu xếp về nước do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân.

1.2. Các nội dung chi hoàn lại:

Tạm ứng tiền mua vé phương tiện về nước, chi trả các khoản viện phí bệnh viện, chi phí cư trú tạm thời và các chi phí khác cho công dân trong các trường hợp:

a) Đương sự có đặt cọc, hoặc bảo lãnh của gia đình, thân nhân, công ty phái cử lao động, chủ tàu và có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp phường/xã nơi gia đình, thân nhân, tổ chức trong nước có hộ khẩu thường trú, cư trú hoặc nơi đóng trụ sở làm việc, của Uỷ ban nhân dân (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi chủ sử dụng lao động, chủ tàu đăng ký hành nghề về việc hoàn trả các khoản tiền này.

b) Trường hợp đặc biệt khẩn cấp nếu đương sự không có đặt cọc hoặc bảo lãnh của gia đình, tổ chức trong nước, hoặc của công ty phái cử lao động, chủ tàu thì đương sự phải có cam kết hoàn trả các chi phí tạm ứng cho Quỹ. Thủ trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét quyết định cho tạm ứng đối với từng trường hợp cụ thể.

2. Chi cho công tác quản lý Quỹ:

Hàng năm Bộ Ngoại giao được sử dụng tối đa 10% tổng kinh phí được phê duyệt cho quỹ Bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam để chi cho các hoạt động quản lý Quỹ, bao gồm:

a) Chi phụ cấp đối với chức danh Giám đốc Quỹ theo chế độ kiêm nhiệm quy định tại Thông tư số 78/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác.

b) Chi phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng đối với Kế toán trưởng của Quỹ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2005/TTLT/BTC-BNV của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bài miễn, thay thế và xếp phụ cấp Kế toán trưởng, phụ trách kế toán trong các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực Nhà nước.

c) Chi phụ cấp trách nhiệm thủ quỹ đối với cán bộ là Thủ quỹ của Quỹ theo quy định tại Thông tư số 05/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức.

d) Chi lương, bảo hiểm và phụ cấp theo quy định của pháp luật cho nhân viên hợp đồng (nếu có) của Quỹ.

đ) Chi trả tiền làm thêm giờ (nếu có) theo chế độ quy định hiện hành.

e) Chi cho hoạt động tuyên truyền để xây dựng Quỹ.

g) Chi cho các hoạt động đoàn ra, đoàn vào phục vụ công tác xây dựng Quỹ, kiểm tra thường xuyên, định kỳ hàng năm việc sử dụng Quỹ tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; chi cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu tình hình thực tế trong và ngoài nước; hoạt động phối hợp với các địa phương trong công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

h) Chi mua sắm, sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định phục vụ hoạt động của Quỹ.

i) Chi văn phòng phẩm; chi thanh toán dịch vụ công cộng.

k) Chi khen thưởng định kỳ, đột xuất cho các tổ chức, cá nhân có công vận động hoặc trực tiếp đóng góp vào Quỹ hoặc có thành tích trong hoạt động của Quỹ. Việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng. Nguồn trích Quỹ thi đua, khen thưởng từ kinh phí hoạt động quản lý Quỹ và do Bộ Ngoại giao giao trong dự toán ngân sách hàng năm của Quỹ.

l) Các khoản chi hợp pháp khác phục vụ cho công tác quản lý Quỹ.

Các nội dung chi nêu trên được thực hiện theo chế độ, định mức chi tiêu hiện hành của Nhà nước; Giám đốc Quỹ quyết định chuẩn chi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Tỷ lệ để chi cho các hoạt động quản lý Quỹ nói trên sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 5. Đặt cọc, bảo lãnh, hoàn trả chi phí tạm ứng Quỹ

1. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong nước, công ty, chủ tàu:

a) Cá nhân, tổ chức trong nước thực hiện đặt cọc hoặc bảo lãnh cam kết hoàn trả các khoản chi phí để mua vé phương tiện về nước và các chi phí khác cho công dân ở nước ngoài phải có trách nhiệm hoàn trả cho Quỹ đúng thời hạn đã cam kết.

b) Cá nhân trực tiếp cam kết hoàn trả chi phí tạm ứng với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để mua vé phương tiện về nước và các chi phí khác phải có trách nhiệm hoàn trả cho Quỹ đúng thời hạn đã cam kết.

c) Công ty phái cử lao động, chủ tàu đưa ngư dân đi làm việc có trách nhiệm đặt cọc, bảo lãnh và hoàn trả cho Quỹ đúng thời hạn đã cam kết các khoản chi phí tạm ứng mua vé phương tiện về nước và các chi phí khác để đưa đưa lao động, ngư dân về nước.

2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp:

a) Trường hợp cá nhân, tổ chức trong nước trong nước đặt cọc hoặc cam kết bảo lãnh: Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường nơi đương sự có hộ khẩu thường trú, cư trú, hoặc đóng trụ sở làm việc xác nhận việc đặt cọc hoặc cam kết bảo lãnh trong việc hoàn trả chi phí tạm ứng cho Quỹ; đồng thời có trách nhiệm thu hồi khoản nợ tạm ứng của cá nhân, tổ chức đó để hoàn trả Quỹ hoặc đôn đốc cá nhân, tổ chức đó hoàn trả cho Quỹ đúng thời hạn đã cam kết.

b) Trường hợp chủ sử dụng lao động trong nước, chủ tàu đặt cọc hoặc cam kết bảo lãnh: Uỷ ban nhân dân (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cấp Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi chủ sử dụng lao động, chủ tàu đăng ký hành nghề xác nhận việc đặt cọc hoặc cam kết bảo lãnh trong việc hoàn trả chi phí tạm ứng cho Quỹ; đồng thời có trách nhiệm thu hồi khoản nợ tạm ứng của chủ sử dụng lao động để hoàn trả Quỹ hoặc yêu cầu chủ sử dụng lao động hoàn trả chi phí đó cho Quỹ theo đúng thời hạn cam kết.

Trong trường hợp cần thiết Uỷ ban nhân dân các cấp được tạm ứng từ ngân sách địa phương để đặt cọc bảo lãnh, hoặc hoàn trả chi phí tạm ứng cho Quỹ khi cá nhân hoặc chủ sử dụng lao động gặp hoàn cảnh khó khăn chưa thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo đúng thời hạn cam kết, sau đó thu hồi của cá nhân, chủ sử dụng lao động để hoàn trả ngân sách địa phương.

3. Trách nhiệm của Quỹ:

Quỹ có trách nhiệm theo dõi và thường xuyên phối hợp với các Uỷ ban nhân dân các cấp đôn đốc thu hồi công nợ; trường hợp đến hạn thu hồi công nợ nhưng cá nhân, tổ chức vẫn chưa hoàn trả thì Quỹ phải có trách nhiệm ra thông báo đòi nợ gửi cho đương sự và Uỷ ban nhân dân các cấp.

4. Xử lý vi phạm chậm nộp hoặc không nộp:

a) Cá nhân trực tiếp cam kết hoàn trả chi phí tạm ứng và cá nhân, tổ chức thực hiện đặt cọc, cam kết bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả đúng thời hạn như nội dung đã cam kết, thì cá nhân, tổ chức đã cam kết ngoài việc phải hoàn trả chi phí đã tạm ứng còn phải nộp cho Quỹ khoản lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi xuất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

b) Trường hợp không nộp trả thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 6: Lập dự toán, phân bổ dự toán, quyết toán và cơ chế sử dụng

1. Lập dự toán và phân bổ dự toán:

a) Hàng năm Bộ Ngoại giao lập dự toán kinh phí hoạt động của Quỹ và tổng hợp chung vào dự toán của Bộ gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn luật.

b) Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tiến hành phân bổ dự toán kinh phí cho Quỹ (kèm theo thuyết minh nội dung sử dụng Quỹ) gửi Bộ Tài chính thẩm tra theo quy định. Căn cứ dự toán được phân bổ Quỹ thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để chi cho công tác quản lý Quỹ và tiến hành cấp kinh phí cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ chi Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài phát sinh theo thực tế tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

2. Quyết toán:

a) Hàng năm các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sử dụng Quỹ có trách nhiệm báo cáo quyết toán kinh phí đã sử dụng, đồng thời gửi các chứng từ chi tiêu (bản gốc) về Văn phòng Quỹ để kiểm tra, xét duyệt và tổng hợp báo cáo quyết toán gửi Bộ Ngoại giao.

b) Bộ Ngoại giao có trách nhiệm xét duyệt quyết toán thu, chi của Quỹ và tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm của Bộ Ngoại giao gửi Bộ Tài chính thẩm định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Trường hợp Quỹ không sử dụng hết kinh phí được duyệt cấp trong năm thì số dư được chuyển sang năm sau để sử dụng theo đúng mục đích, nội dung sử dụng Quỹ đã quy định.

3. Cơ chế sử dụng:

a) Trên cơ sở kế hoạch chi hàng năm đã được phân bổ, Giám đốc Quỹ có trách nhiệm và hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc quản lý và sử dụng kinh phí phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, pháp luật quốc tế và tuân thủ các quy định về quản lý tài chính hiện hành và quy định về quản lý tài chính Quỹ cũng như quy chế về tổ chức và hoạt động của Quỹ.

b) Giám đốc Quỹ có quyền duyệt chi với mức không quá 10.000 USD (mười nghìn đôla Mỹ) cho mỗi vụ việc. Các khoản chi trên mức 10.000 USD và các khoản chi quy định tại điểm c tiết 1.1 khoản 1 Điều 4, Giám đốc Quỹ phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét quyết định.

c) Trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài có quyền duyệt chi với mức không quá 3.000 USD (ba nghìn đôla Mỹ) cho mỗi vụ việc. Các khoản chi trên mức 3.000 USD và các khoản chi quy định tại điểm c tiết 1.1 khoản 1 Điều 4, Trưởng cơ quan đại diện kiến nghị Giám đốc Quỹ xem xét quyết định phù hợp theo thẩm quyền.

d) Quỹ không được sử dụng kinh phí của Quỹ chi cho các hoạt động không đúng mục đích quy định của Quỹ.

Điều 7: Công tác kế toán và quản lý Quỹ

1. Quỹ Bảo hộ công dân phải tổ chức công tác kế toán, hạch toán theo quy định tại quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành về “Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp”; theo quy định quản lý tài chính các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các quy định của Quỹ.

2. Quỹ thực hiện hạch toán riêng phần hoạt động nghiệp vụ chi cho hoạt động quản lý của Quỹ.

3. Quỹ tổ chức hạch toán riêng để theo dõi các khoản đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ thông qua cơ quan đại diện ở nước ngoài.

4. Đồng tiền hạch toán: Hạch toán, quyết toán bằng tiền đồng Việt Nam.

5. Trường hợp sử dụng bằng ngoại tệ: Bộ Tài chính cấp trực tiếp bằng ngoại tệ thì áp dụng tỷ giá hạch toán - kế toán của Bộ Tài chính công bố hàng tháng. Trường hợp mua ngoại tệ tại ngân hàng thì thực hiện tỷ giá quy đổi ngoại tệ theo chứng từ ngân hàng tại thời điểm mua ngoại tệ.

6. Giám đốc Quỹ và Trưởng cơ quan đại diện chịu trách nhiệm về việc chi tiêu theo đúng chính sách, chế độ và quy định tại Thông tư này.

7. Quỹ Bảo hộ công dân chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về kiểm tra, thanh tra các hoạt động tài chính của Quỹ.

Điều 8: Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2013, thay thế Thông tư số 177/2010/TT-BTC ngày 05/11/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng như các đơn vị có liên quan trong Bộ thực hiện quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để hướng dẫn giải quyết./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.