• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 16/03/2015
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 14/2015/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Cà Mau, ngày 30 tháng 1 năm 2015

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng,

kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

______________________

 

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế số 21/2012/QH13 năm 2012;

Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 55/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế;

Căn cứ Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

Căn cứ Nghị định 20/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 02 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-CTN ngày 06 tháng 3 năm 1998 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa;

Thực hiện Nghị định thư quy định việc thực hiện Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng; kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như sau:

Mục 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc phân loại hàng hóa, sử dụng kết quả phân tích để phân loại hàng hóa, sử dụng kết quả phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

2. Người khai hải quan, cơ quan hải quan, công chức hải quan và các tổ chức, cá nhân khác khi thực hiện các công việc có liên quan đến phân loại hàng hóa, thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là đối tượng thực hiện Thông tư này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công ước Quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (International Convention on the Harmonized Commodity Description and Coding System) (gọi tắt là Công ước HS) là Công ước do Hội đồng hợp tác Hải quan, nay gọi là Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) thông qua ngày 14 tháng 6 năm 1983 tại Bruxelles, Vương quốc Bỉ về “Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa”.

2. Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan Thế giới (sau đây gọi tắt là Hệ thống HS), là hệ thống bao gồm danh mục những nhóm hàng, phân nhóm hàng cùng các mã số có liên quan, chú giải pháp lý Phần, Chương, Phân nhóm và các Quy tắc tổng quát.

3. Danh mục hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan Thế giới (sau đây gọi tắt là Danh mục HS) là danh mục những nhóm hàng (mã 4 chữ số), phân nhóm hàng (mã 6 chữ số), chú giải pháp lý Phần, Chương, Phân nhóm được sắp xếp một cách có hệ thống ứng với tên, mô tả và mã số hàng hóa.

4. Quy tắc tổng quát là các quy tắc chung để giải thích Hệ thống HS nhằm phân loại hàng hóa vào một nhóm, phân nhóm nhất định.

5. Chú giải pháp lý là những nội dung giải thích các phần, chương và phân nhóm được gắn kèm ở đầu các Phần, Chương của danh mục HS.

6. Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN (sau đây gọi tắt là Danh mục AHTN) là danh mục hàng hóa của các nước ASEAN, được xây dựng trên cơ sở Hệ thống HS của Tổ chức Hải quan Thế giới.

7. Phân tích hàng hóa là việc các tổ chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan hải quan phân tích mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng máy móc, thiết bị kỹ thuật để xác định:

a) Thành phần, cấu tạo, tính chất lý, hóa, công dụng làm cơ sở phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

b) Các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc gia do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành hoặc tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm) làm căn cứ quyết định thông quan hàng hóa.

8. Giám định hàng hóa là việc cơ quan hải quan trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật để phân tích, xác định cấu tạo, thành phần, tính chất lý, hóa, công dụng của hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan để xác định tên hàng, áp mã số hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 3. Phân tích để phân loại hàng hóa

1. Trường hợp cơ quan hải quan không đủ cơ sở để xác định tính chính xác việc phân loại hàng hóa của người khai hải quan thì thực hiện phân tích để phân loại hàng hóa.

2. Trường hợp cơ quan hải quan không đủ điều kiện thực hiện phân tích hàng hóa thì sử dụng dịch vụ giám định của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật về dịch vụ giám định thương mại để làm cơ sở thực hiện.

3. Để phân loại hàng hóa, người khai hải quan có thể sử dụng các dịch vụ giám định hàng hóa của các tổ chức giám định theo quy định của pháp luật hoặc cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam để xác định các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Mục 2

PHÂN LOẠI HÀNG HÓA

Điều 4. Nguyên tắc phân loại hàng hóa

1. Một mặt hàng chỉ có một mã số duy nhất theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

2. Khi phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phải tuân thủ:

a) Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

b) Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 15/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan;

c) Các nội dung hướng dẫn tại Thông tư này.

Điều 5. Sử dụng kết quả phân loại

1. Kết quả phân loại hàng hóa được sử dụng để áp dụng chính sách quản lý hàng hóa trên cơ sở thực hiện quy định về điều kiện, thủ tục, hồ sơ áp dụng tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu; Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai.

2. Kết quả phân loại hàng hóa được sử dụng để áp dụng mức thuế đối với một mặt hàng trên cơ sở thực hiện quy định tại các Biểu thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai và điều kiện, thủ tục, hồ sơ để được áp dụng mức thuế quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 6. Phân loại, áp dụng mức thuế đối với một số trường hợp đặc biệt

1. Trường hợp thực hiện phân loại hàng hóa theo quy định tại Điều 4 Thông tư này nhưng chưa xác định được mã số duy nhất theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam thì sử dụng các tài liệu sau:

a) Chú giải chi tiết Danh mục HS;

b) Tuyển tập ý kiến phân loại của WCO;

c) Chú giải bổ sung Danh mục AHTN;

d) Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

2. Trường hợp có sự khác biệt về mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mô tả hàng hóa theo Danh mục HS thì áp dụng trực tiếp mô tả hàng hóa theo Danh mục HS để hướng dẫn phân loại và xử lý khiếu nại theo nguyên tắc áp dụng quy định của Điều ước quốc tế.

Tổng cục Hải quan thực hiện công khai các tài liệu ở khoản 1, khoản 2 Điều này trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

3. Trường hợp có ý kiến khác nhau về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế khi áp dụng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, tiêu chuẩn chuyên ngành, Bộ Tài chính thống nhất với các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan để xử lý.

4. Trường hợp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan hữu quan khác ban hành văn bản sửa đổi, hướng dẫn phân loại, làm ảnh hưởng tới quá trình khai báo hải quan về mã số, mức thuế và hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của người khai hải quan, người nộp thuế thì thực hiện phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế kể từ ngày văn bản sửa đổi hướng dẫn phân loại có hiệu lực pháp luật theo quy định.

Điều 7. Phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, Chương 85 và Chương 90 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam

1. Người khai hải quan nhập khẩu máy liên hợp (gồm hai hay nhiều máy) hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, Chương 85 và Chương 90 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được lựa chọn phân loại theo quy định tại Chú giải pháp lý 3, 4, 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam hoặc phân loại theo từng máy móc, thiết bị.

2. Trường hợp phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy theo quy định tại Chú giải 3, 4, 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, không phân biệt các máy đó được nhập khẩu từ nhiều nguồn, về cùng chuyến hay nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau thì người khai hải quan, cơ quan hải quan thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3, khoản 4 dưới đây.

3. Thủ tục thực hiện đối với người khai hải quan:

a) Người khai hải quan đăng ký Danh mục máy móc, thiết bị, sau đây gọi tắt là danh mục, bằng phương thức điện tử (theo mẫu số 01/ĐKDMTB/2015, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), kèm theo 01 phiếu theo dõi trừ lùi (theo mẫu số 02/PTDTL-DMTB/2015, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên tại Chi cục hải quan nơi thuận tiện nhất.

b) Trường hợp Danh mục đã đăng ký nhưng người khai hải quan cần sửa đổi, bổ sung thì người khai hải quan nộp Danh mục và phiếu theo dõi trừ lùi sửa đổi, bổ sung cho Chi cục hải quan đăng ký Danh mục trước thời điểm nhập khẩu hàng hóa lần đầu hoặc trước thời điểm nhập khẩu máy móc thiết bị cho lô hàng tiếp theo có sửa đổi, bổ sung Danh mục.

c) Trường hợp mất Danh mục và Phiếu theo dõi trừ lùi thì người khai hải quan có văn bản gửi cơ quan hải quan nơi đăng ký Danh mục lần đầu đề nghị cấp lại Danh mục; lập phiếu theo dõi trừ lùi mới trong đó tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về số tờ khai và số lượng máy móc, thiết bị trong Danh mục đã nhập khẩu gửi cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng tiếp theo.

4. Thủ tục thực hiện đối với cơ quan hải quan:

a) Khi tiếp nhận Danh mục:

a.1) Ngay sau khi người khai hải quan đăng ký danh mục theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều này, Chi cục hải quan nơi người khai hải quan đăng ký Danh mục đồng thời là Chi cục hải quan làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận, lập sổ theo dõi, đóng dấu xác nhận vào 02 bản Danh mục nhập khẩu và 01 bản phiếu theo dõi trừ lùi (lưu 01 bản chính Danh mục, giao cho người khai hải quan 01 bản chính Danh mục kèm 01 bản chính phiếu theo dõi trừ lùi); thực hiện phân loại và trừ lùi theo hướng dẫn tại điểm b dưới đây.

Trường hợp người khai hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan khác với Chi cục Hải quan đăng ký Danh mục thì Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu tiếp nhận Danh mục kèm phiếu theo dõi trừ lùi do người khai hải quan đăng ký; thực hiện phân loại và trừ lùi theo hướng dẫn tại điểm b dưới đây.

a.2) Trường hợp người khai hải quan cần thay đổi, bổ sung Danh mục và Phiếu theo dõi trừ lùi thì Chi cục hải quan nơi người khai hải quan đăng ký Danh mục có trách nhiệm kiểm tra, lập phiếu theo dõi, đóng dấu xác nhận vào 02 bản Danh mục cần thay đổi, bổ sung và 01 bản phiếu theo dõi trừ lùi cần thay đổi, bổ sung (lưu 01 bản chính Danh mục, giao người khai hải quan 01 bản chính Danh mục kèm 01 bản chính phiếu theo dõi trừ lùi để xuất trình cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa để thực hiện khi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa thực tế nhập khẩu) theo quy định.

a.3) Trường hợp người khai hải quan mất Danh mục và Phiếu theo dõi trừ lùi: trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan, Chi cục hải quan nơi người khai hải quan đăng ký Danh mục đồng thời là Chi cục hải quan làm thủ tục nhập khẩu kiểm tra cụ thể và cấp lại Danh mục; kiểm tra các nội dung tự kê khai trên Phiếu theo dõi trừ lùi mới do người khai hải quan lập, đối chiếu với các thông tin trên hệ thống của Hải quan để xác nhận Phiếu theo dõi trừ lùi các máy móc, thiết bị chưa nhập khẩu.

Trường hợp người khai hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan khác với Chi cục Hải quan đăng ký Danh mục thì Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng tiếp theo tiếp nhận Phiếu theo dõi trừ lùi mới do người khai hải quan lập, thực hiện kiểm tra, đối chiếu và xác nhận Phiếu theo dõi trừ lùi tương tự như nội dung hướng dẫn đối với Chi cục hải quan nơi người khai hải quan đăng ký Danh mục, đồng thời là Chi cục hải quan làm thủ tục nhập khẩu.

b) Khi làm thủ tục nhập khẩu: Ngoài thủ tục hải quan theo quy định, cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ hải quan, đối chiếu với phiếu theo dõi trừ lùi để trừ lùi những máy móc, thiết bị người khai hải quan đã thực tế nhập khẩu và ký xác nhận theo quy định. Lưu 01 bản chụp Danh mục và phiếu theo dõi trừ lùi đã thực hiện trừ lùi vào hồ sơ hải quan.

Hết lượng hàng hóa nhập khẩu ghi trong phiếu theo dõi trừ lùi, lãnh đạo Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục cuối cùng xác nhận “đã nhập hết hàng hóa theo danh mục số....” lên bản chính phiếu theo dõi trừ lùi của người khai hải quan lưu 01 bản chụp, cấp cho người khai hải quan 01 bản chụp và gửi bản chính đến Chi cục Hải quan nơi cấp phiếu theo dõi trừ lùi để thực hiện kiểm tra hàng hóa đã thông quan theo quy định.

Trường hợp Chi cục Hải quan tiếp nhận đăng ký danh mục đồng thời là Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị như đã nêu tại điểm a.1 trên, sau khi lãnh đạo Chi cục đã xác nhận hết lượng hàng hóa nhập khẩu trong phiếu theo dõi trừ lùi, Chi cục lưu bản chính, cấp cho người khai Hải quan 01 bản chụp, chuyển 01 bản chụp phiếu theo dõi trừ lùi kèm hồ sơ đăng ký danh mục để thực hiện kiểm tra hàng hóa đã thông quan theo quy định.

5. Trường hợp khai bổ sung (nếu có) thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

6. Các trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị đồng bộ, toàn bộ trước đây đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận máy chính, hàng hóa thực nhập đã được phân loại theo máy chính, phần còn lại nhập khẩu được tiếp tục thực hiện phân loại theo máy chính.

Điều 8. Phân loại máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời

1. Hàng hóa là những máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời thường do yêu cầu đóng gói, bảo quản hoặc vận chuyển thực hiện phân loại theo quy tắc 2a của 6 (sáu) quy tắc tổng quát giải thích Hệ thống HS.

Trường hợp hàng hóa được nhập khẩu từ nhiều nguồn, nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau thì người khai hải quan, cơ quan hải quan thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 3 dưới đây.

2. Thủ tục thực hiện đối với người khai hải quan:

a) Người khai hải quan thực hiện đăng ký Danh mục các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị, sau đây gọi là Danh mục, bằng phương thức điện tử (theo mẫu số 03/DMTBĐKNK-TDTL/2015 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo 01 Phiếu theo dõi trừ lùi các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị (theo mẫu số 04/PTDTL-TBNC/2015, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên với Chi cục hải quan nơi thuận tiện nhất;

b) Trường hợp Danh mục đã đăng ký nhưng cần sửa đổi, bổ sung các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị thì người khai hải quan được sửa đổi, bổ sung và nộp Danh mục, phiếu theo dõi trừ lùi sửa đổi, bổ sung cho Chi cục hải quan nơi đăng ký Danh mục trước thời điểm nhập khẩu lần đầu hoặc trước thời điểm nhập khẩu máy móc thiết bị cho lô hàng tiếp theo có sửa đổi, bổ sung Danh mục.

c) Trường hợp mất Danh mục và Phiếu theo dõi trừ lùi các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị thì người khai hải quan thực hiện tương tự theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 7 Thông tư này.

3. Thủ tục thực hiện đối với cơ quan hải quan:

a) Khi tiếp nhận Danh mục:

a.1) Ngay sau khi người khai hải quan đăng ký Danh mục và Phiếu theo dõi trừ lùi, Chi cục hải quan nơi người khai hải quan đăng ký Danh mục đồng thời là Chi cục hải quan làm thủ tục nhập khẩu có trách nhiệm tiếp nhận, lập phiếu theo dõi, đóng dấu xác nhận vào 02 bản Danh mục hàng hóa nhập khẩu và 01 bản phiếu theo dõi trừ lùi (lưu 01 bản chính Danh mục, giao cho người khai hải quan 01 bản chính Danh mục kèm 01 bản chính phiếu theo dõi trừ lùi); thực hiện phân loại, tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này và trừ lùi khi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa thực tế nhập khẩu theo hướng dẫn tại điểm b dưới đây.

Trường hợp, người khai hải quan làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan khác với Chi cục Hải quan đăng ký danh mục thì Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu tiếp nhận 01 bản chính Danh mục kèm 01 bản chính phiếu theo dõi trừ lùi; thực hiện phân loại, tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này và thực hiện trừ lùi theo hướng dẫn tại điểm b dưới đây.

a.2) Trường hợp người khai hải quan cần thay đổi, bổ sung Danh mục và Phiếu theo dõi trừ lùi các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị thì thực hiện tương tự theo quy định tại tiết điểm a.2, khoản 4, Điều 7 Thông tư này.

a.3) Trường hợp người khai hải quan mất Danh mục và Phiếu theo dõi trừ lùi các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị: thực hiện tương tự theo quy định tại điểm a.3, khoản 4, Điều 7 Thông tư này.

b) Khi làm thủ tục nhập khẩu: Ngoài thủ tục hải quan theo quy định, cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ hải quan, đối chiếu với phiếu theo dõi trừ lùi để trừ lùi các chi tiết, linh kiện rời người khai hải quan đã thực tế nhập khẩu và ký xác nhận theo quy định. Lưu 01 bản chụp Danh mục và phiếu theo dõi trừ lùi đã thực hiện trừ lùi vào hồ sơ hải quan.

Hết lượng hàng hóa nhập khẩu ghi trong phiếu theo dõi trừ lùi, lãnh đạo Chi cục hải quan nơi làm thủ tục cuối cùng xác nhận “đã nhập hết hàng hóa theo danh mục số...” lên bản chính phiếu theo dõi trừ lùi của người khai hải quan và lưu 01 bản chụp, cấp cho người khai hải quan 01 bản chụp và gửi bản chính đến Chi cục Hải quan nơi cấp phiếu theo dõi trừ lùi để thực hiện kiểm tra hàng hóa đã thông quan theo quy định.

Trường hợp Chi cục Hải quan tiếp nhận đăng ký Danh mục đồng thời là Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu các chi tiết, linh kiện rời như đã nêu tại điểm a.1 trên, sau khi lãnh đạo Chi cục đã xác nhận hết lượng hàng hóa nhập khẩu trong phiếu theo dõi trừ lùi, Chi cục lưu bản chính, cấp cho người khai Hải quan 01 bản chụp, chuyển 01 bản chụp phiếu theo dõi trừ lùi kèm hồ sơ đăng ký danh mục để thực hiện kiểm tra hàng hóa đã thông quan theo quy định.

4. Trường hợp khai bổ sung (nếu có) thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Mục 3

PHÂN TÍCH, GIÁM ĐỊNH ĐỂ PHÂN LOẠI HÀNG HÓA; PHÂN TÍCH ĐỂ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG,

KIỂM TRA AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 9. Hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại

Cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích hàng hóa có trách nhiệm lập và gửi hồ sơ yêu cầu phân tích; hồ sơ gồm:

1. Phiếu yêu cầu phân tích kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (theo mẫu số 05/PYCPT/2014 Phụ lục ban hành kèm Thông tư này).

2. Phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa.

3. Mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích.

Điều 10. Mẫu hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phân tích để phân loại

1. Lấy mẫu hàng hóa

a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải lấy mẫu để phân tích theo quy định tại Khoản 5 Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015. Việc lấy mẫu thực hiện theo phiếu yêu cầu phân tích kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (theo mẫu số 05/PYCPT/2015 Phụ lục ban hành kèm Thông tư này). Mẫu được lấy từ chính lô hàng cần phân tích và mang tính đại diện; phải đủ về số lượng, khối lượng để phục vụ cho việc trưng cầu giám định hoặc giải quyết khiếu nại. Khi lấy mẫu phải có đại diện của người khai hải quan. Mẫu phải được các bên ký xác nhận và niêm phong. Khi bàn giao mẫu phải có biên bản bàn giao và ký xác nhận của các bên.

Trường hợp lấy mẫu nhưng vắng mặt người khai hải quan, cơ quan hải quan lấy mẫu với sự chứng kiến của cơ quan nhà nước tại khu vực cửa khẩu, đại diện doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi và phải có ký xác nhận của các bên chứng kiến.

b) Số lượng mẫu: 02 mẫu.

Trường hợp không thể lấy đủ số lượng mẫu thì lấy 01 mẫu và gửi kèm catalogue, hình ảnh của mẫu.

Trường hợp người khai hải quan chỉ nhập khẩu 01 mẫu thì không thực hiện lấy mẫu.

c) Giao nhận mẫu: Cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích trực tiếp gửi mẫu. Trường hợp người khai hải quan đề nghị được trực tiếp chuyển mẫu thì phải chịu trách nhiệm về tính toàn vẹn của mẫu và thời gian gửi mẫu.

Mẫu chỉ có giá trị pháp lý khi còn nguyên niêm phong.

2. Người khai hải quan có trách nhiệm xuất trình hàng hóa để cơ quan hải quan lấy mẫu thực hiện phân tích.

3. Sử dụng mẫu hàng hóa:

a) Phân tích: cơ quan hải quan tiếp nhận mẫu (theo mẫu số 06/PTNYCPT/2015 Phụ lục ban hành kèm Thông tư này) và thực hiện phân tích;

b) Lưu mẫu: trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo kết quả phân loại trừ những loại hàng hóa đặc biệt như hàng hóa dễ gây nguy hiểm, hàng hóa đã bị biến chất hoặc hàng hóa không thể lưu giữ được trong thời gian trên.

Mẫu lưu được sử dụng khi người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân tích và đề nghị trưng cầu giám định tại các tổ chức có chức năng theo quy định của pháp luật hoặc giải quyết khiếu nại.

c) Trả lại mẫu hàng hóa:

Trường hợp người khai hải quan yêu cầu trả lại mẫu thì cơ quan hải quan lập biên bản trả mẫu cho người khai hải quan (theo mẫu số 07/BBTLMHH/2015) và không chịu trách nhiệm về phẩm chất hàng hóa đối với những mẫu được trả lại do đã chịu tác động của quá trình phân tích mẫu. Trường hợp trả lại mẫu hàng hóa đang trong thời hạn lưu mẫu theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này, người khai hải quan đã công nhận kết quả phân tích thì không được khiếu nại về kết quả phân tích.

d) Hủy mẫu hàng hóa đã phân tích:

Cơ quan hải quan hủy mẫu khi mẫu hết hạn lưu giữ theo quy định; mẫu hàng hóa dễ gây nguy hiểm; mẫu hàng hóa đã bị biến chất hoặc mẫu hàng hóa không còn khả năng lưu giữ. Quyết định hủy mẫu và biên bản hủy mẫu được lưu theo quy định về lưu giữ hồ sơ.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể về quy trình kỹ thuật, chứng từ đối với việc lấy mẫu, quyết định hủy mẫu.

5. Trường hợp cơ quan hải quan gửi mẫu trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định thì lập hồ sơ, thực hiện thủ tục gửi mẫu giám định theo quy định của pháp luật về dịch vụ giám định thương mại.

Điều 11. Thông báo kết quả phân loại

1. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích thì không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Thông báo kết quả phân loại hàng hóa (theo mẫu số 08/TBKQPL/2015 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

a) Trường hợp mẫu hàng hóa có kết quả phân tích đáp ứng nhóm tiêu chí a.1 và a.3 hoặc nhóm tiêu chí a.2 và a.3 dưới đây, thời hạn thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa không quá 05 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích thì không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích:

a.1) Tên hàng: Tên hàng kết luận trong Thông báo kết quả phân tích theo các tiêu chí của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam giống với kết luận tại mục “Tên gọi theo cấu tạo, công dụng” tại Thông báo kết quả phân loại của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành trước đây.

a.2) Bản chất hàng hóa: Chủng loại, thành phần, công dụng của hàng hóa tại thông báo kết quả phân tích giống chủng loại, thành phần, công dụng của hàng hóa tại Thông báo kết quả phân loại của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành trước đây.

a.3) Mã số hàng hóa: là mã số đã nêu tại Thông báo kết quả phân loại của Tổng cục trường Tổng cục Hải quan đã ban hành trước đây.

b) Trường hợp mẫu hàng hóa có kết quả phân tích không thuộc trường hợp nêu tại điểm a nêu trên, thời hạn thông báo kết quả phân loại thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

c) Trường hợp hồ sơ yêu cầu phân tích có từ 02 mẫu hàng hóa trở lên, mẫu hàng hóa phức tạp cần phải có thêm thời gian thì thời hạn phân tích, phân loại và thông báo kết quả phân loại cho người khai hải quan được kéo dài nhưng không quá 10 ngày làm việc.

2. Trường hợp cơ quan hải quan gửi mẫu trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định thì trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, trường hợp mẫu hàng hóa phức tạp cần có thêm thời gian thì không quá 08 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định hàng hóa, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Thông báo kết quả phân loại hàng hóa (theo mẫu số 08/TBKQPL/2015 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

Đối với mẫu hàng hóa có kết quả giám định thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì thời hạn thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả giám định hàng hóa.

3. Thông báo kết quả phân loại của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là cơ sở để xác định mức thuế, thực hiện chính sách quản lý hàng hóa; được cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan và công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

4. Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với kết quả phân loại hàng hóa của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thì thực hiện khiếu nại theo Luật Khiếu nại hoặc trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ.

Điều 12. Hồ sơ và mẫu hàng hóa phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

Hồ sơ yêu cầu phân tích và mẫu hàng hóa thực hiện theo các quy định và hướng dẫn của các Bộ quản lý chuyên ngành về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

Điều 13. Phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm

1. Trường hợp Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành giao nhiệm vụ, chỉ định cho cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thì cơ quan hải quan căn cứ các điều kiện, tiêu chuẩn do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành để thực hiện phân tích hàng hóa.

Cơ quan hải quan thông báo các mặt hàng được Bộ quản lý chuyên ngành giao, chỉ định để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

2. Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm phải thể hiện đầy đủ kết quả phân tích và kết luận mẫu hàng theo các tiêu chí theo quy định của các Bộ chuyên ngành.

3. Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm là cơ sở để quyết định thông quan hàng hóa.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (theo mẫu số 09/TBKQKT-CL-ATTP/2015 Phụ lục ban hành kèm Thông tư này) trong thời hạn quy định của pháp luật về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.

5. Trường hợp người khai hải quan không đồng ý với Thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm thì thực hiện khiếu nại theo Luật Khiếu nại hoặc trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ.

Mục 4

CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VIỆT NAM

Điều 14. Nguồn thông tin xây dựng Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Công ước HS và các phụ lục kèm theo;

2. Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

3. Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ;

4. Văn bản hướng dẫn về phân loại hàng hóa của Bộ Tài chính;

5. Nguồn thông tin khác từ:

a) Các văn bản giải quyết khiếu nại về phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan;

b) Thông báo kết quả phân loại của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

c) Thông báo kết quả xác định trước mã số của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Điều 15. Thẩm quyền thu thập, cập nhật, sửa đổi Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam

1. Tổng cục Hải quan tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ, đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, tập trung, thống nhất và cập nhật kịp thời.

2. Thông tin trong cơ sở dữ liệu được bổ sung, sửa đổi khi các nguồn thông tin nêu tại Điều 14 Thông tư này thay đổi.

3. Tổng cục Hải quan công khai các thông tin nêu tại Điều 14 Thông tư này trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan để người khai hải quan, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, cơ quan hải quan các cấp, công chức hải quan sử dụng.

Mục 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Trường hợp hàng hóa thuộc tờ khai hải quan đăng ký đã được lấy mẫu hàng hóa để phân tích, giám định nhưng đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành chưa có kết quả phân tích, giám định thì thực hiện theo quy định của văn bản liên quan có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai.

Trong thời gian chờ Thông tư có hiệu lực thi hành, việc thực hiện phân loại hàng hóa, lấy mẫu, gửi mẫu, lưu mẫu phân tích, thực hiện phân tích, phân loại, giám định tiếp tục thực hiện theo pháp luật áp dụng tại thời điểm trước khi Thông tư này có hiệu lực.

Bãi bỏ Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010; Điều 17, Điều 97 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013; công văn số 1280/BTC-TCHQ ngày 24/1/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn trừ lùi các chi tiết, linh kiện rời của máy móc, thiết bị nguyên chiếc.

2. Quá trình thực hiện, nếu các văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ vào Thông tư này ban hành quy trình thủ tục hải quan về phân loại hàng hóa phải phân tích, quy chế phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, quy chế xây dựng, thu thập, cập nhật Cơ sở dữ liệu; xây dựng và đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị máy móc, nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hải quan;

2. Cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện việc phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm theo đúng quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư này. Quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, cơ quan hải quan, người khai hải quan, người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, phản ánh về Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết kịp thời.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.